Pages

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

CHUYỆN DÀI RA ĐẢNG & ĐA ĐẢNG – BÀI 3 (Nguyễn Minh Cần – Dân Luận)

Personalities_Politician_ĐCS_Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đặt nhiều hy vọng vào các đảng viên cộng sản đã tỉnh thức. Hai ông kêu gọi họ hãy “tuyên bố tập thể ra khỏi Ðảng và thành lập một Ðảng mới”. Như vậy là hai ông đánh giá cao vai trò của những người cộng sản cấp tiến. Điều đó là đúng. Về vấn đề này gần mười năm trước, chúng tôi đã có dịp trình bày nhiều lần khi nói đến cuộc cách mạng dân chủ ở Nga qua những thành tựu và thất bại của nó.
NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN CẤP TIẾN
Trong cuộc cách mạng dân chủ nước Nga hồi cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, những người cộng sản cấp tiến đã đóng một vai trò đáng kể. Đặc biệt phải kể đến một người trong Bộ Chính trị ĐCSLX là Nikolai Yakovliev (1923-2005). Từ một đảng viên CS ông đã trở thành nhà dân chủ kiên định suốt đời. Người ta coi ông là “kiến trúc sư của perestroika”. Chính ông đã thuyết phục Tổng bí thư ĐCSLX Mikhail Gorbachev (1931-) thực hiện perestroika, glasnost, nới rộng quyền tự do cho người dân, thay đổi đường lối đối ngoại để làm dịu bớt căng thẳng trong quan hệ quốc tế…
Từ khi Liên Xô thực hiện perestroika, glasnost, phong trào dân chủ ở Nga, nhiều nước ở Đông Âu và trong Liên bang Xô Viết ngày càng mở rộng và dâng cao. Trước đó, phong trào các dissident (những người bất đồng chính kiến với ĐCS) ở Liên Xô hầu như bị đánh bẹp hồi năm 1983 thì đến cuối năm 1986 do Liên Xô thực hiện perestroika, phong trào đó lại hồi sinh dưới các khẩu hiệu tự do dân chủ, từ sau khi Viện sĩ Andrei Sakharov (1921-1989) bị giam giữ gần 7 năm và 140 tù nhân chính trị được trả tự do. Viện sĩ A.Sakharov cùng các dissident liền dẫn đầu phong trào dân chủ ở Nga. Chính phong trào dân chủ đó đã dội mạnh vào tâm tư những người CS, thúc đẩy sự tỉnh thức của nhiều cán bộ và đảng viên CS, kể cả những người ở cấp cao, như Eduard Shevarnadze (1931-), ủy viên Bộ Chính trị ĐCSLX, Bộ trưởng Ngoại giao LX, Boris Yeltsin (1931-2007), ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị ĐCSLX. B.Yeltsin về sau là Tổng thống Liên bang Nga. Những người tiên tiến nhất trong phong trào dân chủ, như A.Sakharov, B.Yeltsin, G.Popov, Yu. Afanasiev, A.Sobchak, G.Starovoitova (bà bị ám sát năm 1998), I.Zaslavski, Yu.Chernenko… kêu gọi bỏ Điều 61 trong Hiến pháp, xóa bỏ độc quyền quyền lực của ĐCSLX, thực hiện kinh tế thị trường, ban hành các quyền tự do dân chủ, mở rộng quyền tự lập cho các nước cộng hòa. Những chủ trương này cũng được nhiều đảng viên CS cấp tiến hưởng ứng. Cuộc đấu tranh nghị trường của “Nhóm Dân biểu Liên khu”2 hiệp đồng với cuộc đấu tranh quần chúng ngoài đường phố đã đưa đến những thắng lợi rất ngoạn mục: ngày 15.03.1990, Đại hội Dân biểu lần thứ III của Liên Xô đã xóa bỏ điều 6 Hiến pháp; ngày 09.10.1990, Đại hội Dân biểu Liên Xô thông qua luật “Về các tổ chức xã hội” cho phép các đảng chính trị được đăng ký; ngày 12.06.1990, thông qua luật của Liên Xô bảo đảm quyền tự do cho các phương tiện thông tin đại chúng và cấm chỉ kiểm duyệt, v.v… Trong các quyết định quan trọng đó, nhiều dân biểu đảng viên CS cũng nhiệt liệt hưởng ứng các đòi hỏi của các dân biểu dân chủ và bỏ phiếu tán thành.
Những điều đó nói lên rằng khi có một phong trào dân chủ mạnh thì mới phá được sức ỳ do nỗi sợ truyền kiếp của nhiều đảng viên CS, mới có thể “cấp tiến hóa” tư duy và nhận thức của đảng viên CS, của quân đội, công an, của bộ máy nhà nước… để họ cùng đứng chung trong mặt trận chống chế độ độc tài toàn trị. Điều này rất dễ thấy: cuối những năm 80, khi phong trào dân chủ lên mạnh, đến năm 1990 – nghĩa là khoảng bốn năm sau – số lượng đảng viên của ĐCSLX từ 20 triệu người đã tụt xuống còn 15 triệu. Những đảng viên CS cấp tiến, khi đã có nhận thức triệt để, thường đóng vai trò quan trọng trong việc phá tan hệ thống độc tài từ trong lòng chế độ đó. Xin dẫn vài ví dụ: khi nhóm ủy viên bảo thủ nhất trong Bộ Chính trị ĐCSLX dấy lên cuộc phiến loạn hồi tháng 08.1991, đưa hàng đoàn xe tăng vào thủ đô Moskva, thì đã có một đội xe tăng tiến thẳng đến trước trụ sở Tổng thống Nga (Nhà Trắng), trương cờ nước Nga Dân chủ lên, quay súng bảo vệ nền dân chủ Nga; còn đêm 22 rạng ngày 23.08, khi đội quân đặc nhiệm Alpha rất tinh nhuệ được lệnh của người đứng đầu KGB nhảy dù xuống Nhà Trắng để tiêu diệt cơ quan đầu não của nước Nga Dân chủ thì đội Alpha đã không chịu thi hành.
Vì thể những người dân chủ cần có thái độ trân trọng đối với các đảng viên cấp tiến và quý trọng sự đóng góp của họ.
Nhưng đồng thời những người dân chủ cũng cần thấy nhược điểm của các đảng viên CS cấp tiến. Vì đã ở trong ĐCS lâu năm, đã quen với địa vị cai trị và phong cách độc đoán, đã hưởng thụ nhiều đặc quyền đặc lợi của Đảng ban cho, nên thường họ không thể trong một ngày mà xóa bỏ được lối tư duy, nếp nghĩ, quan niệm, cung cách, thói quen CS cũ được. Tàn dư của những thứ đó trong thời điểm nhất định nào đó có thể rất có hại cho sự nghiệp dân chủ.
Chúng tôi xin trình bày rất sơ lược về một con người cụ thể mà chúng tôi đã quan sát trong nhiều năm. Người đó là ông Boris Yeltsin. Ông đã đóng vai trò rất lớn, có tính quyết định trong thắng lợi và, đáng tiếc là cả trong thất bại của cuộc cách mạng dân chủ ở Nga.
SAI MỘT LI, ĐI MỘT… NGÀN DẶM
Năm 1986, B.Yeltsin được Đại hội ĐCSLX bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Ông ủng hộ perestroika, glasnost rất nhiệt tình và chân thành. Về mặt tư duy, ông nhận thức đúng đắn rằng: không thể sửa chữa ĐCSLX được, mà phải thay thế đảng đó bằng một đảng khác tiến bộ hơn, mới có hy vọng dân chủ hóa xã hội được. Như thế chứng tỏ là ông đã có nhận thức triệt để. Ông thường đối nghịch với Tổng bí thư M.Gorbachev, vì cho rằng ông này làm perestroika chậm chạp và vẫn cố sức duy trì địa vị độc tôn của ĐCS, nên trong chủ trương, chính sách có tính nửa vời, không triệt để. Sự mâu thuẫn giữa hai ông còn có thể do va chạm cá nhân nữa. Một thời, B.Yeltsin có uy tín rất cao trong dân Nga: trong cuộc bầu cử dân biểu Liên Xô ngày 26.03.1989, ở một khu vực bầu cử Moskva, nơi ông ra ứng cử, ông đã thu được 91,52% phiếu bầu trong số 90% cử tri đi bỏ phiếu. Tháng 07.1991, cùng với E.Shevarnadze, B.Yeltsin đã thành lập một tổ chức để cạnh tranh với ĐCSLX tên là “Phong Trào Cải Cách Dân Chủ” (DDP). Vì thế, ngày 16.08.1991, ông bị khai trừ ra khỏi ĐCSLX, mà thực ra trước đấy, ngày 12.07.1990, tại Đại hội XXVIII, đại hội cuối cùng của ĐCSLX, ông đã công khai tuyên bố ra khỏi đảng rồi! Còn khi nhóm ủy viên bảo thủ nhất trong Bộ Chính trị ĐCSLX dấy lên cuộc phiến loạn ngày 19.08.1991, trên cương vị Tổng thống nước Nga Xô-Viết3, ông tích cực lãnh đạo cuộc đấu tranh đánh bại bọn cầm đầu cuộc phiến loạn, sau đó hạ bệ luôn ĐCSLX. Nói tóm lại, cho đến thời điểm đó, B.Yeltsin xứng đáng là một trong những người đứng đầu phong trào dân chủ đã đưa nước Nga đến thắng lợi lớn làm chế độ độc tài toàn trị đã rệu rã của Liên Xô phải sụp đổ, làm lung lay và tan rã cả “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới”.
Nhưng, thật đáng tiếc là ngay sau khi giữ cương vị Tổng thống nước Nga xô-viết3 thì B.Yeltsin đã phạm nhiều sai lầm. Một trong những sai lầm đó là ông đã không nghe theo đề nghị của nhiều người dân chủ: nhân đà thắng lợi của phong trào, cần phải giải tán ngay Xô Viết Tối Cao (cơ quan lập pháp) của nước Nga Xô Viết. Đang lúc cao trào mạnh mẽ, lòng dân đang phấn khởi sẵn sàng ủng hộ phe dân chủ, khi uy tín của ĐCS hầu như không còn gì, làm việc đó thì rất thuận lợi vì chắc chắn sẽ được sự đồng tình của đại chúng và ngay cả của nhiều dân biểu trong Xô Viết Tối Cao nữa. Cần phải làm việc này, vì Xô Viết Tối Cao hồi đó do “ĐCS cử dân bầu”, các đảng viên CS chiếm đến trên 97% số ghế, hoàn toàn không đại biểu cho ý chí của nhân dân. Phải giải tán Xô Viết Tối Cao đi để bầu một cơ quan dân cử mới theo luật bầu cử mới thật sự dân chủ để cơ quan này xứng đáng là “của dân, do dân, vì dân”. Thế mà Yeltsin chần chừ, e ngại, cuối cùng ông để yên cho cái Xô Viết Tối Cao đó tồn tại, để nó cứ nghiễm nhiên đóng vai trò cơ quan lập pháp tối cao! Cũng như đề nghị của những người dân chủ là cần thanh lọc bộ máy nhà nước, trước nhất là các cơ quan an ninh, thì ông có làm nhưng không triệt để.
Chính vì thế, về sau cơ quan nhà nước, phần lớn do các đảng viên CS đứng đầu, thường phá hoại ngầm (sabotage) các chính sách của Chính phủ dân chủ, còn Xô Viết Tối Cao thì dần dần trở thành một trở lực lớn: Với tư cách cơ quan lập pháp tối cao, Xô Viết cản trở mọi sáng kiến của Tổng thống và cơ quan hành pháp.
Sai lầm này, cũng như nhiều sai lầm khác mà chúng tôi không thể nói hết được, là nguyên nhân làm cho nhiều nhà dân chủ tích cực nhất xa lánh Yeltsin, trước tiên là Viện sĩ A.Sakharov4, Yu. Afanasiev, G. Popov, A.Sobchak, v.v…
Hậu quả lớn nhất của những sai lầm đó là nhiều chính sách của Chính phủ dân chủ đã bị cản trở, không được thực hiện. Đặc biệt nguy hiểm là đến cuối năm 1992, xung đột giữa Tổng thống B.Yeltsin và Xô Viết Tối Cao đã lên đến cực điểm. Xô Viết Tối Cao đặt vấn đề phế truất Tổng thống, tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn trong nước. Tổng thống B.Yeltsin ngày 20.03.1993 lên đài truyền hình tuyên bố với dân chúng là ông đã ký sắc lệnh về thi hành “chế độ điều hành đặc biệt”. Ngày hôm sau, Xô Viết Tối Cao kiện lên Tòa án Hiến Pháp cho rằng sắc lệnh đó vi phạm những nguyên tắc cơ bản về Hiến Pháp của Nhà nước Nga. Ngay tối hôm đó, Tòa án Hiến Pháp, dù chưa có sắc lệnh ấy trong tay, đã tuyên bố hành vi đó của Tổng thống là vi hiến và đặt vấn đề huyền chức Tổng thống. Tuy nhiên, vài ngày sau mới vỡ lẽ rằng sắc lệnh đã ký thật ra không có gì vi hiến. Cứ thế trận quyết đấu giữa hai bên ngày càng leo thang lên đến điểm đỉnh. Ngày 21.09.1993, Tổng thống tuyên bố ký sắc lệnh số 1400 chấm dứt hoạt động của Hội đồng Tối cao và Đại hội Dân biểu (cơ quan lập pháp), đồng thời quyết định ngày 11-12 tháng 12.1993 bầu cơ quan dân cử mới, có tên là Nghị hội liên bang của Liên bang Nga. Tòa án Hiến Pháp liền phát hiện sắc lệnh đó có những điểm vi hiến và cho rằng có cơ sở để phế truất Tổng thống. Ngày 23.09, Đại hội Dân biểu đưa vấn đề phế truất Tổng thống ra biểu quyết, nhưng không đủ số đại biểu có mặt hợp lệ. Tuy nhiên, Đại hội Dân biểu cũng cứ ra nghị quyết phế truất Tổng thống.
Trận quyết đấu pháp lý giữa hai bên – Tổng thống và cơ quan lập pháp – cuối cùng trở thành trận quyết đấu vũ trang! Các lực lượng bảo vệ của Tổng thống và của các dân biểu đối lập đã xung đột nhau. Các lực lượng vũ trang của các dân biểu đối lập đánh chiếm một phần tòa nhà thị chính Moskva và tiến đánh tòa nhà của Trung tâm truyền hình Ostankino. Hai bên giao chiến rất ác liệt. Boris Yeltsin tuyên bố tình trạng đặc biệt. Sau khi bàn bạc với người đứng đầu Chính phủ là Victor Chernomyrdin và Bộ trưởng Quốc phòng Pavel Grachev, Tổng thống Yeltsin ra lệnh tấn công tòa Nhà Xô Viết (còn gọi là Nhà Trắng), lúc đó là trụ sở của cơ quan lập pháp, đã trở thành “bản doanh bộ tham mưu” của các dân biểu đối lập. Trận tấn công này làm 123 người tử vong, 384 người bị thương. Sau khi giải tán Xô Viết Tối Cao, Tổng thống tập trung quyền lực vào tay mình. Hành động này của Yeltsin gây chấn động trong dân chúng Nga. Đây là những đòn giáng mạnh nhất vào uy tín của nền dân chủ non trẻ của nước Nga. Từ đó, do việc này và do những khó khăn về kinh tế-xã hội mà uy tín của Yeltsin ngày càng sa sút nặng nề. Đúng là “sai một li, đi một… ngàn dặm”!
Chúng tôi suy nghĩ nhiều về nguyên nhân của sai lầm nghiêm trọng này của B.Yeltsin. Theo thiển ý của chúng tôi, vì Yeltsin vốn là một người CS ở cấp lãnh đạo tối cao, ông có nhiều quan hệ bạn bè, thân thiết với các đồng chí cũ hiện đang ở trong Xô Viết Tối Cao và các cơ quan nhà nước, mà hồi đó – khi cách mạng dân chủ vừa thắng lợi – những người này thường ủng hộ ông, nên ông “không nỡ” có những quyết định quyết liệt, ông tưởng rằng cả về sau này họ cũng sẽ ủng hộ ông như trước. Thực ra, khi nước Nga gặp nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội thì nhiều người CS cấp tiến đã quay lưng lại với ông, nhiều người rời bỏ hàng ngủ dân chủ. Cũng không ít người CS cũ, khi cách mạng dân chủ vừa thắng lợi, họ mang danh nghĩa dân chủ ra ứng cử vào cơ quan dân cử địa phương, nhưng khi đắc cử rồi, họ quay lưng lại với dân chủ mà ủng hộ phe CS.
Một sai lầm rất nghiêm trọng nữa của ông B.Yeltsin, là trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba, khi sức khỏe của ông sa sút nặng, khi các đảng đối lập trong Duma Quốc gia (cơ quan lập pháp) mưu toan phế truất Tổng thống mà không thành (tháng 05.1999), thì đến tháng 08.1999 ông đã chọn Vladimir Putin, cựu trung tá KGB, một nhân vật hồi đó ít ai biết đến, đứng đầu Chính phủ và tuyên bố V. Putin sẽ là người kế nhiệm ông. Ngày 31.12.1999, B. Yeltsin từ nhiệm chức vụ Tổng thống, Chủ tịch Chính phủ là V. Putin được trao trách nhiệm quyền Tổng thống. Sự lựa chọn này của B. Yeltsin để lại hậu quả nặng nề cho nước Nga mãi đến tận ngày hôm nay. V. Putin qua mấy nhiệm kỳ Tổng thống đã sửa đổi Hiến pháp, thay đổi luật pháp, ra luật mới, xóa bỏ những thành quả dân chủ, biến chế độ dân chủ non trẻ, chưa hoàn thiện của nước Nga thành chế độ độc tài toàn trị, không phải là của CS như xưa, mà là của giới mật vụ và quan liêu. Thế là cuộc cách mạng dân chủ Nga đã thất bại!
Ông B.Yeltsin còn có nhiều sai lầm khác nữa, nhưng chúng tôi chỉ trình bày một vài điểm đó thôi cũng đủ minh chứng cho kinh nghiệm thất bại của phong trào dân chủ Nga.
KHÔNG THỂ CẦU XIN
Một chân lý đúng muôn đời: Không ai cho ta tự do và dân chủ cả, mà phải đấu tranh mới giành được. Nhưng, trong thực tiễn không phải lúc nào người ta cũng nghĩ và làm như thế.
Có hai khuynh hướng có hại cho phong trào dân chủ là manh động phiêu lưu và thỏa hiệp với đảng cầm quyền. Trong tình hình hiện nay, khuynh hướng manh động phiêu lưu ít có điều kiện bộc lộ ra, còn khuynh hướng thỏa hiệp với đảng cầm quyền thì thường thấy hơn. Chẳng hạn, khi vận động cho một“tuyên ngôn” để khẩn cầu lãnh đạo của ĐCS ban bố tự do dân chủ cho người dân, chuyển đổi hệ thống chính trị độc đảng sang hệ thống chính trị đa đảng, mà một số người không dám nói một lời nào về ĐCS đã dựng nên chế độ độc tài toàn trị ở nước ta, không dám nói một lời nào về thực chất chế độ độc tài toàn trị của ĐCS, không dám nói một lời nào về trách nhiệm của ĐCS đã gây ra biết bao khổ nạn cho người dân. Trong lúc đó lại buộc trách nhiệm ấy cho mọi người Việt Nam, cho những người trí thức, nhân sĩ…! Mà thực ra ai cũng biết rõ là cách đây không lâu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ chính trị đã nhiều lần thẳng thừng bác bỏ mọi kiến nghị rất xây dựng, rất đáng trân trọng của các tổ chức dân chủ, các hàng giáo phẩm cao cấp của các tôn giáo, của “Nhóm 72” nhà trí thức, nhân sĩ… mà còn cao ngạo, hàm hồ buộc “tội” họ là “suy thoái tư tưởng”.
Nhiều người cho rằng không thể nào thỏa hiệp với đảng cầm quyền được, những người dân chủ chỉ có một con đường đi đến thắng lợi là một mặt, ra sức mở rộng xã hội dân sự, mặt khác, vận động dân ta đấu tranh bất bạo động bằng mọi hình thức khác nhau để tạo nội lực mạnh có khả năng thay đổi chế độ toàn trị. Phong trào dân chủ phải dựa vào sức mạnh kỳ diệu của quần chúng và của xã hội dân sự thì mới áp lực được lên tập đoàn cầm quyền buộc họ phải chuyển hoá hay đổi thay chế độ toàn trị. Nếu họ ngoan cố thì sức mạnh của đại chúng sẽ biến thành trận sóng thần cuốn hết tập đoàn cầm quyền và chế độ độc tài ra Biển Đông.
Mọi ý đồ thỏa hiệp với ĐCS đều rất nguy hại cho cuộc đấu tranh chung! Nhất là trong tình hình hiện nay: khi ĐCS đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt và Đất nước ta đang ngập sâu vào cuộc tổng khủng hoảng nặng nề hầu như không lối thoát; khi quan thầy của tập đoàn cầm quyền nước ta là Trung Cộng cũng đang lúng túng trong khó khăn, nguy cơ bùng nổ xã hội ở đấy đang tới gần; và khi xu hướng chung toàn cầu là xóa bỏ độc tài toàn trị, xây dựng chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền.
LÒNG TIN QUYẾT THẮNG
Hồi năm 1998, chúng tôi có viết bài “Cần một sức mạnh tổng hợp”5 nói đến sự cần thiết phối hợp đấu tranh nhắm vào năm hướng chính để tạo nên nội lực mạnh cho phong trào dân chủ chung. Những“hướng chủ công” đó là:
1/ đấu tranh cho quyền lợi hằng ngày và thiết thân của dân chúng, như phong trào “dân oan” chống lại cưỡng chiếm đất đai, đòi quyền tư hữu đất đai, công nhân đòi tăng lương, bảo vệ quyền lao động, v.v…
2/ đấu tranh cho tự do dân chủ, như đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi quyền con người, v.v…
3/ đấu tranh yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, chống bá quyền Trung Cộng, chống bọn “cõng rắn cắn gà nhà”, v.v…
4/ các đảng viên tiến bộ, cấp tiến đấu tranh đòi lãnh đạo dân chủ hóa nội bộ, dân chủ hóa xã hội, v.v…
5/ cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu tranh ở trong nước, vận động quốc tế tạo áp lực lên kẻ cầm quyền ở Việt Nam, v.v…
Chúng ta rất vui mừng nhận thấy rằng, cho đến nay, những cuộc đấu tranh trên các hướng đó đã được mở rộng và đi vào chiều sâu. Ngày nay, phong trào dân chủ nước ta tận dụng được thế mạnh của internet, của các mạng xã hội rộng lớn trong và ngoài nước, nhờ đó khí thế của phong trào tăng lên rõ rệt.
Phong trào đấu tranh của “dân oan” tiếp diễn không ngừng, ngày càng quyết liệt vì chính quyền cưỡng chế chiếm đoạt đất đai ngày càng nhiều. Vài năm gần đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh lớn của“dân oan” có tiếng vang mạnh trong xã hội, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng thành phố Hải Phòng, vụ Văn Giang tỉnh Hưng Yên, vụ Giáo xứ Cồn Dầu tỉnh Quảng Nam, vụ Vụ Bản tỉnh Nam Định, v.v…
Những “cuộc chiến giữ đất” ngày càng xảy ra ở nhiều nơi. Qua các cuộc đấu tranh này ý thức chính trị của người dân lên cao, nhiều người “dân oan” đã đã trở thành chiến sĩ dân chủ. Các cuộc đình công của người lao động diễn ra khắp nơi trong nước. Người lao động ngày càng thấy rõ ĐCS và công đoàn“nhà nước” không bênh vực họ mà «ăn cánh» với giới chủ nước ngoài.
Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ngày càng thu hút đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ; đã xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh mới, như picnic nhân quyền, việc tiếp xúc, trao kiến nghị về nhân quyền cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài, v.v… Những tờ báo dân chủ tiếp tục xuất bản âm thầm trong nước, như bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, tờ Tổ Quốc…; các trang Web nổi tiếng, như bôxitvietnam, danlambaovn, danchimviet, danluan, x-cafevn, diendantheky, doithoaionline… và hàng trăm trang blog đã đem đến cho người đọc nhiều thông tin, nhiều hiểu biết mới lạ…; các tác phẩm Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải, Ngày Long Trời Đêm Lở Đất của Trần Thế Nhân, Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức… được xuất bản ở hải ngoại rồi phổ biến rộng trong nước; Vài Lời Với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng của Nguyễn Đắc Kiên… đều là những bước tiến ngoạn mục của tự do ngôn luận, phá vỡ tấm màn bưng bít của chế độ toàn trị.
Cuộc đấu tranh yêu nước, bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc bùng phát có sức lôi cuốn mạnh mẽ, mọi người đều đã biết, thiết tưởng không phải nói dài. Còn cuộc đấu tranh của các đảng viên cấp tiến thì đáng ghi nhớ nhất là việc các nhân sĩ, trí thức và nhiều đảng viên CS trong Nhóm 72 góp ý xây dựng Hiến pháp và đề nghị một bản Hiến pháp mới 2013 soạn thảo rất công phu theo tinh thần dân chủ đa đảng, sự kiện đảng viên lẻ tẻ ra Đảng và mới đây hai đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN là Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi các đảng viên tập thể bỏ đảng và lập Đảng Xã Hội-Dân Chủ.
Về hoạt động của người Việt ở hải ngoại thì chúng tôi đánh giá cao những hoạt động rất kiên trì và có hiệu quả của các nhà trí thức, nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư, luật sư, nhạc sĩ, doanh nhân, và các giới đồng bào ở Hoa Kỳ, Canada, ở châu Âu, châu Úc, trong việc thầm lặng và khéo léo vận động quốc tế, các tổ chức đấu tranh cho quyền con người, như Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, các phong trào sôi nổi, như Triệu con tim, một tiếng nói, sự cố gắng của các Nhà xuất bản hải ngoại luôn luôn trợ lực cho các nhà văn, nhà báo, các tiếng nói đối lập trong nước, như Tổ Hợp Xuất Bản Miền ĐôngTủ Sách Tiếng Quê Hương, v.v…, các Đài phát thanh, cũng như nhiều tổ chức vô danh khác của các nhà văn, nhà báo… âm thầm hỗ trợ cho tù nhân lương tâm, cho các chiến sĩ dân chủ trong nước… Có thể nói, cho đến nay sự “phối hợp trong ngoài” đã khá chặt chẽ. So với năm 1998 thì hiện nay, năm “mũi chủ công” đó đang tạo nên nên một sức mạnh tổng hợp khá hữu hiệu giúp cho phong trào dân chủ trong nước phát triển, bất chấp sự đàn áp vô cùng tàn bạo của tập đoàn cầm quyền.
Những thành tựu này của phong trào dân chủ là do công sức và sự hy sinh lớn lao của hàng triệu người trong và ngoài nước. Chúng ta tin chắc rằng những thành tựu này ngày càng tích lũy sức mạnh giúp cho sự nghiệp dân chủ hóa, tự do hóa nước ta.
Trước đây, chúng tôi đã từng kể lại lời nói có tính giáo huấn sâu sắc của Viện sĩ Andrei Sakharov, chiến sĩ nhân quyền kiên cường nhất chống chế độ toàn trị Liên Xô. Hồi đó, phong trào dissident đang trong thời kỳ cực kỳ đen tối, hầu như bị dẹp tan, các phóng viên nước ngoài hỏi Viện sĩ: “Ông có hy vọng là Liên Xô sắp có thay đổi lớn về chính trị không?“. Ông trả lời: “Không, tôi không hy vọng điều đó. Tôi cho rằng đời sống chính trị nước tôi còn lâu mới xảy ra được một sự thay đổi lớn”. Các phóng viên ngạc nhiên hỏi tiếp: “Thế thì ông làm những điều này để làm gì?” Sakharov trả lời: “Giới trí thức biết làm gì? Họ chỉ biết làm một việc là xây dựng lý tưởng, cứ để cho mỗi người làm được điều gì anh ta có thể làm được”. Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm“Nên biết rằng những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những thành trì lịch sử”. Đây có thể là một lời khuyên cho các chiến sĩ dân chủ nước ta: hãy cứ làm việc đi, làm những việc mà lương tâm mình mách bảo và mình có thể làm được mà không sốt ruột mong đợi kết quả ngay. Những thành trì lịch sử sẽ có ngày sụp đổ! Xin nói thêm, nếu so sánh phong trào đấu tranh chống chế độ cực quyền của ĐCSLX hồi đầu những năm 80 (khoảng năm 81-84) thế kỷ trước với phong trào dân chủ hiện nay ở nước ta thì mặc dù tập đoàn cầm quyền nước ta có phần độc ác và thâm hiểm theo kiểu phong kiến hơn ở Liên Xô, nhưng phong trào ở nước ta vẫn có phần khả quan hơn nhiều. Chúng tôi đã sống trong thời kỳ đen tối hồi đó ở Liên Xô nên hiểu rõ và có thể so sánh được.
Còn đây là ý nghĩ chân thực của cố Tổng thống Cộng hòa Czech:
“… Trong các buổi chuyện trò, nhiều lần tôi nhấn mạnh rằng trong một chế độ toàn trị, thật khó mà nhìn thấu ruột gan của xã hội. Khi nhìn quanh chỉ thấy xã hội là một khối nguyên vẹn và đâu đâu cũng chỉ thấy một sự trung thành với chế độ… …do nỗi sợ đào luyện con người, nên cái vẻ ngoài nguyên vẹn như thế thực ra lại là vô cùng yếu đuối. Không một ai có thể tiên báo một ngày nào đó, chỉ một nắm tuyết cỏn con tình cờ sẽ tạo ra cả một trận núi tuyết lở. …Cách đây hai chục năm, ở Tiệp Khắc có một nắm tuyết cỏn con xuất hiện dưới hình thù một cuộc đàn áp hung bạo đối với sinh viên, và nắm tuyết đó đã biến thành trận núi tuyết lở. Thế rồi toàn bộ hệ thống toàn trị đã lung lay, rồi sụp đổ như một tòa lâu đài ghép bằng giấy bồi”.
Đúng như vậy, lịch sử đã từng chứng tỏ các chế độ độc tài toàn trị ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu… bên ngoài tưởng như là kiên cố “muôn năm trường thọ”, nhưng thực ra đó là “những pho tượng người khổng lồ chân đất sét”! Khi phong trào dân chủ lên thật mạnh và khi điều kiện chủ quan, khách quan thuận lợi hồi cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước thì chế độ đó sụp đổ tan tành nhanh chóng không ai có thể ngờ được. Các chiến sĩ dân chủ nước ta cần có lòng tin quyết thắng để hun đúc ngọn lửa đấu tranh hừng hực trong lòng mình./.
Ngày 04/09/2013
Nguyễn Minh Cần
__________________________________________________
1. Điều 4 Hiến pháp của Việt Nam là bản sao gần như nguyên văn của Điều 6 Hiến pháp Liên Xô. Vì thế, chúng tôi không cần nói đến nội dung của Điều 6 này.
2. Những người lãnh đạo phong trào dân chủ được bầu vào Đại hội Dân biểu Liên Xô (nghị viện) liên kết với nhau trong tổ chức “Nhóm Dân biểu Liên khu” để lãnh đạo đấu tranh nghị trường và đấu tranh đường phố.
3. Hồi đó, nước Nga vẫn còn giữ tên Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nga.
4. Sau khi Viện sĩ A.Sakharov qua đời ngày 14.12.1989 thì quả phụ của ông là bà Elena Bonner – cũng là một nhà dân chủ kiên định nổi tiếng – tiếp tục phê phán và bất hợp tác với Yeltsin.
5. Bài này đăng trên những tờ Thế Kỷ 21, Thông Luận, Dân Chủ Cho Việt Nam, Ánh Sáng, Cánh Én và in trong sách “Chuyện Nước Non” của Nguyễn Minh Cần, NXB Văn Nghệ, Westminster, CA, 1999.

Không có nhận xét nào: