Pages

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Chuyên gia Mỹ cảnh báo: đừng quên bộ binh Trung Quốc bên biên giới


game-trungquoc

Sự lấn lướt của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông, đang khiến dư luận quốc tế hướng sự chú ý vào sức mạnh của Lực lượng Hải quân, Không quân và Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD) mà đôi khi sao lãng mức độ nguy hiểm của Bộ binh Trung Quốc, tờ Strategist bình luận.
Michael Beckley, thành viên của Trung tâm Belfer thuộc Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về tương quan sức mạnh quân sự Trung – Mỹ từng nhận định rằng: Lực lượng Bộ binh Trung Quốc cũng không quá mạnh so với Iraq. Điều đó khiến ông tự tin cho rằng Washington và các đồng minh của mình hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình tại khu vực. Tuy nhiên, tờ Strategist cảnh báo: cần nhìn nhận đúng sự nguy hiểm của lực lượng này, thay vì chỉ tập trung vào Hải quân, Không quân hay A2/AD.

Hiện nay, Lực lượng Bộ binh Trung Quốc đang được trang bị gần 10.000 chiếc xe tăng, hơn 5.000 xe bọc thép, hơn 14.000 pháo các loại cùng nhiều các loại khí tài quân sự khác như súng cối, hỏa tiễn, tên lửa, trực thăng, … Hơn thế nữa, theo Strategist, PLA nói chung và Bộ binh Trung Quốc nói riêng là một hệ thống phức tạp và khó lường.
Theo nguồn tin tình báo Mỹ, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành việc cơ giới hóa tất cả các sư đoàn bộ binh. Cùng với sự phát triển của bộ binh cơ giới, chính quyền Bắc Kinh cũng tập trung phát triển và cải tiến các loại xuồng đổ bộ Jingsah II nặng 70 tấn và có thể chở theo 15 tấn hàng hóa, binh sỹ hoặc các loại phương tiện khác. Mới đây, Trung Quốc cũng không tiếc tiền mua thêm 2 xuồng đổ bộ Zubrs của Ukraina với giá 10 triệu USD mỗi chiếc. Tờ China News sau đó đã đăng tải bài viết phô trương rằng: PLA sẽ có thêm sức mạnh đổ bộ để phá trận địa của đối phương.
Sự lấn lướt của quân đội Trung Quốc cũng có thể thấy rõ qua căng thẳng biên giới Ấn-Trung thời gian qua. Hồi đầu tháng 8, PLA đã ngăn cản, không cho binh lính Ấn Độ tuần tra tại khu vực Ladakh, nằm gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện do chính quyền New Delhi kiểm soát, theo Times of India. Thậm chí, toán lính của PLA đã ngồi trên các xe quân sự cả hạng nặng lẫn hạng nhẹ và giơ cao biểu ngữ với nội dung đây là lãnh thổ của Trung Quốc và uy hiếp binh lính Ấn Độ, bắt họ dời khỏi khu vực này.
Hindu Times dẫn nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết tính từ tháng 4/2013, Trung Quốc đã ngăn cản binh lính nước này 19 lần thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực gần các căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ của Ấn Độ. Đây là một trong những cách Bắc Kinh gây sức ép lên New Delhi, tờ Foreign Policy (Mỹ) nhận định.
Kịch bản này dường như cũng đang giống trên Biển Đông, khi Trung Quốc đang ra sức cô lập Philippines trong các tranh chấp chủ quyền, tạo các sự kiện gây sự chú ý (nhưng không quá khích) trên Biển Đông. Nhưng như Ngoại trưởng Philippines Rosario từng khẳng định, nếu Trung Quốc đã coi Philippines là một mục tiêu thì các nước khác cũng không phải là một ngoại lệ. Và như Strategist cảnh báo, sự cảnh giác trước Bắc Kinh cũng cần được phân bố đều trên các mặt trận để tránh một kịch bản xấu có thể xảy trong tương lai đối với các láng giềng của Trung Quốc.
THEO SỐNG MỚI

Không có nhận xét nào: