Pages

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Nguyễn Mộng Hoài - Nỗi đau Thái Bình

Mấy hôm nay, tôi cứ như người mất hồn khi vào một số trang mạng và nghe cả trên VTV (báo quốc doanh) về vụ xả súng bắn vào đầu quan chức nhà nước và sau đó "hung thủ" lại tự kết liễu đời mình bằng chính khẩu súng trong tay. Nhiều người quan tâm, đặc biệt là những "cây viết" tên tuổi có học hàm, học vị giáo sư tiến sĩ phân tích rất sâu sắc vụ nổ súng Thái Bình. Tôi rất đau lòng về chuyện này, vì trước hết, Thái Bình đối với tôi có nhiều kỷ niệm thật sâu sắc mà suốt đời không thể quên. Trong những năm 1966, 1967, 1968, tôi mới có gần 5 "tuổi" phóng viên TTXVN (lúc đó gọi là VNTTX), được nhận xét là có "nghề" và được cử đi thường trú tại Thái Binh.

"Em ơi, Hưng thái hai nhà
Anh yêu tỉnh Thái như là quê hương !"

Hồi ấy, được ở sát với ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND tình Thái Bình, thường được ông ấy cho bám xe "ăn theo nói leo" để làm nghiệp vụ của mình. Ai cũng nhớ, năm 1966, Thái Bình trong sản xuất lúa đã giành được năng suất cả năm trên 5 tấn thóc một hec-ta, là tỉnh đầu tiên trên miền Bắc "hậu phương lớn" đạt được "5 tấn". Mặc dù trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra nhiều địa phương trên miền Bắc với ý đồ "đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá" và thật sự đã ném bon bắn phá nhiều vùng ở Thái Bình, kể cả tỉnh lỵ Thái Bình, nay là thành phố Thái Bình.

Thái bình nổi tiếng là đất lúa và thâm canh lúa. Lúc đó, cách đây gần 60 năm, từ chỗ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao phấn đấu "toát mồ hôi" chỉ đạt 3 đến 4 tấn thóc/ha/năm. Cho nên, con số 5 tấn ha năm làm cho Thái Bình "vang dội chiến công" trên đồng ruộng của minh. Chính thành tích ấy đã động viên hàng vạn người con Thái Bình đang cầm súng chống xâm lược ở mọi miền Tổ quốc và các tỉnh "tiền tuyến lớn" miền Nam, trong đó có tỉnh Trà Vinh kết nghĩa với Thái Bình. Ngoài các nhà báo của các cơ quan truyền thông đổ xô về Thái Bình viết bài, đưa tin ca ngợi thành tích "5 tấn" của Thái Bình, còn có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi cũng đã về Thái Bình sáng tác văn nghệ động viên nhân dân và cán bộ Thái Bình lập công đầu trên đồng ruộng thân yêu của mình.

Thái Bình, từ những năm 30 của thế kỷ trước đã vang lên "tiếng trống Xô-viết Tiền Hải" ở Đông Lâm, làm rạng danh truyền thống cách mạng của nông dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với truyền thống ấy, nhân dân Thái Bình nói chung và nông dân Thái Bình nói riêng đã lập nên những kỳ tích ở hậu phương cũng như ở tiền tuyến, và trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Người Thái Bình ghi nhớ năm 1945 là địa phương có nhiều người chết đối nhất trong số hơn 2 triệu người chết đói. Nhà nhiếp ảnh kỳ cựu và đáng kính Võ An Ninh đã chụp được nhiều tấm ảnh để đời ghi lại hình ảnh những người Thái Bình bị chết đói gục xuống tại chung quanh cột cây số "số 3" cách thị xã Thái Bình. Những tấm ảnh lịch sử ấy được lưu giữ trong các Viện bảo tàng lớn của nước ta và một số Viện Bảo tàng thế giới.

Hơn ai hết người dân Thái Bình trong đó tuyệt đại đa số là nông dân Thái Bình thiết tha yêu ruộng đất nhất của mình. Vì mảnh đất ấy mà đã có "Tiếng trống Tiền Hải" năm 1930, vì mảnh đất ấy mà đã có nhiều chiến công xuất sắc trong 9 năm kháng chiến chông Pháp, xuất hiện nữ anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên và suốt 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà, hàng vạn hàng vạn thanh niên Thái Bình, những người con ưu tú của nhân dân Thái Bình đã lần lượt lên đường vào Nam đánh giặc. Rồi, người Thái Bình lại rất tự hào khi có anh hùng vũ trụ Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên, là chiến sĩ không quân đầu tiên "hạ gục" pháo đài bay của đế quốc Mỹ...Người Thái Bình là như thế. Thị xã Thái Bình nằm trên bờ sông Trà Lý là một thị xã đẹp nên thơ, có khách sạn 350 cửa sổ, được mệnh danh là "nhà máy cháo" của Thái Bình đã bị bom Mỹ phá sập trong chiến tranh phá hoại. Thái Bình có Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông được mệnh danh là "Bí thư lúa xuân", một loại lúa ngắn ngày năng suất cao góp phần làm nên "tỉnh 5 tấn" đầu tiên. Bây giờ, ông bí thư ấy đã là người thiên cổ, nhưng nhân dân vạn địa của Thái Bình vẫn là nhân dân của đất nước Việt Nam giầu truyền thống, giầu chiến công đang bị người ta coi thường, người ta coi như "mớ rẻ rách"...

Mảnh đất Thái Bình để lại trong tôi dấu ấn và những kỷ niệm không thể nào phai mờ. Tôi là một trong những phóng viên của hãng tin Nhà nước chứng kiến cuộc vật lộn trên đồng ruộng dưới tầm bom đạn của giặc Mỹ để giành được năng suất 5 tấn thóc bình quân ha/năm. Mới đấy mà đã 47 năm rồi. Từ một phóng viên tròn tuổi 30 sung sức, xông xáo, chắc tay nghề, nay tôi đã gần 80 tuổi, vẫn nhớ như in những năm tháng sống ở Thái Bình, nắm tình hình và đưa tin viết bài về thành tích "tỉnh 5 tấn" đầu tiên. Tiếng thơm của Thái Bình làm cho tôi thơm lây và những kỷ niệm buồn vui ở Thái Bình làm cho tôi không thể nào quên. Những sự lăn lộn của nông dân Thái Bình dưới nhiều tầng bom đạn giặc Mỹ, nhưng trận bom trúng vào đê Trà Lý, vào Cống Lân vào một số làng mạc ở Thái Bình, phá hủy nhiều công trình ở thị xã Thái Bình và những người Thái Bình ngã xuống vì mảnh đất thân yêu của mình, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và thống nhất nước nhà. Khi tôi đi công tác miền Nam, trên nhiều nghĩa trang rải rác trên các tỉnh miền Trung, miền Nam đều có phần mộ của người Thái Bình, nhất là các nghĩa trang lớn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tây Nguyên...

Vậy mà ngày nay, người Thái Bình lại nổ súng vào đầu nhau vì "đất". Hòn đất không biết nói năng. Nếu mà biết nói thì hàm răng (của những kẻ cướp đất) chẳng còn ! Vậy thì, năm 1930, nông dân Tiền Hải vùng lên để đòi đất từ trong tay đế quốc, phong kiến. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng này, ông Trần Phú đã viết vào cương lĩnh hai nhiệm vụ của Đảng lãnh đạo nhân dân là chống đế quốc giành độc lập tự do và chống phong kiến để giành lại ruộng đất cho dân cày, thực hiện "người cày có ruộng". Nhưng lịch sử đã chứng kiến, sau sửa sai CCRĐ năm 1957, nông dân miền Bắc được "vận động tự nguyện" vào hợp tác hóa nông nghiệp để xây dựng chủ nghĩa xã hội, ruộng đất được chia trong cải cách ruộng đất được huy động vào cái gọi là "tập thể hóa" nghĩa là ruộng đất tuột khỏi tay nông dân. Ba mươi năm "làm ăn trong hợp tác xã cả làng" không ngóc đầu dạy được, "5 tấn" một ha, chỉ là mơ ước. Vậy mà, sau ngọn cờ "đổi mời" Nguyễn Văn Linh, và thực hiện sâu hơn "Chỉ thị 100 TƯ" và "Khoán 10", nông dân được cởi trói, HTX cả làng coi như bị xóa sổ, ruộng đất được giao cho hộ nông dân sử dụng lâu dài, sức lao động và tinh thần làm chủ được huy động, không những chỉ đạt 5 tấn/ha/năm mà còn là 10 tấn, 12, 13, và hơn nữa một hec-ta để có tổng sản lượng năm 2012 là 45 triệu tấn thóc cả nước, không chỉ bảo đảm căn bản an toàn lương thực cho 90 triệu dân mà còn có 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu, nghĩa là "cứu đói" cho nhiều người anh em trên thế giới. Công lao ấy thuộc về nông dân và những người làm nông nghiệp. Giá như dứt khoát giao hẳn ruộng đất cho nông dân, giao quyền sở hữu cho họ thì chắc chắn kết quả sản xuất nông nghiệp còn cao hơn nhiều...

Vì sao Đặng Ngọc Viết, một người mới hơn 40 tuổi, đã từng đi làm việc ở nước Nga, đã có nhận thức nhất định không đến nỗi còn là "chân đất mắt toét" phải xử sự như ngày 11-9 vừa rồi là do đâu. Phần suy nghĩ này dành cho cả các quan chức, cả các tầng lớp nhân dân, các nhà trí thức, con cháu chúng ta suy nghĩ và trả lời. Đối với tôi, mảnh đất và con người Thái Bình nhiều kỷ niệm gắn bó, chỉ thấy có một nỗi đau nhói vào tim. Đã gần 80 tuổi, tôi đã chứng kiến nhiều giai đoạn đổ máu vì đất đai. Bây giờ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tưởng rằng điều này không còn có thể xảy ra, hóa lại là nỗi đau xé lòng. Ai sẽ làm cho dịu hoặc hết nỗi đau này ?...

Nguyễn Mộng Hoài

(Quê Choa)

Không có nhận xét nào: