Đức Giáo hoàng Phanxicô - REUTERS/Luca Zennaro/Pool |
Calabria là một vùng ở miền nam nước Ý, nơi nổi tiếng là địa bàn hoạt động của băng đảng xã hội đen có tên là “Ndrangheta”, một kiểu tổ chức băng đảng mafia. Dựa theo các tuyên bố của ông Nicola Gratteri thì hiện nay giới chóp bu của tổ chức này rất lấy làm “khó chịu” về những tuyên bố về ý muốn trong sạch hóa guồng máy hoạt động tài chánh ngân hàng của Tòa thánh Vatican, chủ yếu là của cơ quan IOR vốn được xem như là ngân hàng của Vatican.
Theo nhận xét của ông Nicola Gratteri thì "nếu được”, “Ndrangheta” sẵn sàng làm những động thái nhằm “cản mũi” Đức Giáo Hoàng. Ông Nicola Gratteri không trực tiếp chi tiết về một âm mưu nào cả. Ông chỉ giới hạn nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng có thể đang ở trong tình thế nguy hiểm do tổ chức băng đảng “Ndrangheta” gây ra.
Vì sao mà “Ndragheta” khó chịu trước việc Đức Giáo Hoàng muốn làm trong sạch guồng máy hoạt động kinh tế tài chánh của Tòa Thánh ?
Huê Đăng : Ông Nicola Gratteri là một trong những công tố viên đã từng theo dõi và xét xử các vụ án phạm pháp của các băng đảng xã hội đen Mafia. Sau nhiều năm hoạt động chống Mafia, ông đã tích lũy được một số thông tin về hoạt động của các tổ chức này.
Điều đặc biệt là một số thông tin nói trên cho thấy là trong quá khứ tổ chức “Ndragheta” và một bộ phận của guồng máy kinh tế tài chánh của Tòa thánh đã “đồng hành tay trong tay”. Và ông đã gom góm tổng hợp các thông tin này để cho ra quyển sách mang tên “Acqua santissima” (Nước thánh vô cùng) với chủ đề nghiên cứu về những quan hệ nói trên.
Do đó, theo nhận xét của ông Nicola Gratteri, những quyết định của Đức Giáo Hoàng nhằm mục tiêu trong sạch hóa cổ máy kinh tế tài chánh của Tòa Thánh ít nhiều cũng sẽ có những ảnh hưởng đến các mạng lưới kinh tài của “Ndrangheta”. Và chính đây là nguyên nhân của những “khó chịu” đến từ băng đảng xã hội đen và cũng là tiền đề để ông Gratteri nói đến một sự đe dọa đối với Đức Giáo Hoàng.
Như thế có nghĩa là trong quá khứ đã có xẩy ra những trường hợp trong đó một bộ phận nào đó của Giáo hội đã có những mối quan hê với băng đảng mafia ?
Huê Đăng : Trước hết cũng nên nói cho rõ là trong thời buổi kinh tế tài chánh hiện đại và toàn cầu hóa như hiện nay, các băng đảng xã hội đen như Mafia, như “Ndrangheta”, như “Camorra” (ở vùng Napoli), cũng đã “lột xác”: ngày nay không hẳn bắt buộc các băng đảng này là những người ăn mặc như dân du côn dao búa, tay cầm súng tay cầm dao đi “hoạt động”.
Trong băng đảng xã hội đen kiểu mafia thời hiện đại cũng có những người có kiến thức, có chuyên môn, biết ăn biết nói, biết hành xử lịch sự ... và ngồi trong những văn phòng thông thoáng hiện đại ... và ở đó các băng đảng mafia mua bán, vận chuyển, đầu cơ, hoặc rửa tiền rồi đầu tư vào các cơ sở kinh tế sản xuất hàng tỉ đô-la thông qua các cú điện thoại cao cấp hay ra lệnh qua các máy vi tính nối mạng.
Đó là một hình thức mafia tài chánh hiện nay. Và với những hoạt động tài chánh như thế các tổ chức mafia cũng cần phải có những “quan hệ đầu mối” với những cơ sở kinh tế tài chánh trên thế giới, trong đó có cả ngân hàng của Vatican.
Điều này có thể được minh chứng qua những vụ xì-căng-đan có dính líu đến cơ quan IOR của Tòa thánh mà báo chí đã nhiều lần đăng tải: thí dụ như vụ ám sát đầy nghi vấn ông Roberto Calvi, một nhà tài chánh và là giám đốc của ngân hàng “Banco Ambrosiano” có trụ sở chính ở thành phố Milano, một ngân hàng có nhiều tai tiếng dính líu đến các hoạt động rửa tiền mờ ám trong thế giới tài chánh.
Ngày 18/06/1982 người ta phát hiện Roberto Calvi treo cổ “tự vận” dưới gầm cầu Blackfriars ở Luân Đôn. Một cái chết đầy nghi vấn và từ “tự vận” đã lập tức biến thành một cuộc “ám sát”, bởi vì chính bản thân Roberto Calvi là một con người có đầy những quan hệ chằn chịt với đủ thứ “giang hồ tứ chiến” : từ băng đảng Mafia đến các hội kín .. và trong đó có quan hệ với Ngân hàng của Tòa thánh (tức là cơ quan IOR) và vào thời điểm đó giám đốc của IOR là Hồng y Paul Marcinkus (đã mất năm 2006), người cũng vốn có nhiều tai tiếng trong những phi vụ tài chánh mờ ám.
Thậm chí đến xác của Renatino De Pedis, thủ lãnh của một băng cướp khét tiếng ở Roma vào những thập niên 70-80, bị ám sát ngày 02/02/1990: không ai hiểu vì sao mà xác của tên cướp khét tiếng này lại được “lén lút” chôn cất hoành tráng ngay trong nhà thờ Sant’Apollinare, nằm gần Vatican, như một tu sĩ nổi tiếng hay người có công trạng với Giáo hội.
Năm 2012, báo chí đã khám phá ra được chuyện lạ đời này và tòa án Roma đã ra lệnh khai quật mồ và cho khám nghiệm hài cốt, và kết quả khám nghiệm đã xác định tử thi chính là của Renatino De Pedis. Khi xẩy ra việc động trời này, phía Toà thánh Vatican cũng hoàn toàn không có một tuyên bố gì để lý giải sự kiện kỳ quặc nói trên.
Tất cả những xì-căng-đan xẩy ra trong quá khứ đã cho thấy là trong một thời gian dài, các băng đảng xã hội đen đã có những quan hệ làm ăn với một bộ phận của cơ sở kinh tế tài chính của Vatican.
Tuyên bố nói trên của công tố viên Nicola Gratteri đã đặt Tòa Thánh trong tình trạng báo động ?
Huê Đăng : Sau tuyên bố nói trên của ông Nicola Gratteri, phía Tòa thánh Vatican đã phủ nhận mọi khả năng về việc Đức Giáo Hoàng có thể bị tổ chức “Ndrangheta” đe dọa. Cũng đáng lưu ý là tuyên bố của công tố viên Nicola Gratteri cũng đã không được các mạng truyền thông lớn ở Ý đăng tải. Rất có thể là theo yêu cầu của Vatican, phần lớn các mạng truyền thông đã “tự ý kiểm duyệt” tin nói trên.
Huê Đăng / RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét