Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Han Times - Tôi phủ quyết Hiến Pháp sửa đổi

Hiến pháp sửa đổi 1992, đã được Quốc Hội nước CHXHCN Việt thông qua lúc 10h sáng ngày 28/11 năm 2013. Với tư cách một công dân một người tuân thủ pháp luật tôi buộc phải (không có sự lựa chọn nào khác) tuân thủ Hiến Pháp này khi nó đã được Quốc Hội nước CHXHCN Việt thông qua.


Nhấn nút và thông qua, ảnh VNEX

Nhưng với tư cách là một công dân ở một quốc gia dân chủ gấp vạn lần nền dân chủ tư sản tôi có quyền đưa ra những ý kiến phủ quyết bản Hiến Pháp sửa đổi này.

Với tư cách một công dân người sở hữu quyền bầu ra các đại biểu Quốc Hội, người có quyền tự do ngôn luận mà chính Hiến Pháp 1992 sửa đổi bổ xung công nhận và tuyên bố trước toàn bộ công dân cũng như trước quốc tế, tôi phủ quyết và công bố lý do vì sao tôi phủ quyết bản Hiến pháp sửa đổi này.

Vì mỗi công dân đều có quyền được phát biểu ý kiến của mình về một vấn đề trọng đại quốc gia, tôi phủ quyết bản Hiến pháp sửa đổi này.

Và vì có tới hơn 97% số đại biểu Quốc Hội (theo VNEX) đã không phản ánh đúng tâm nguyện của tôi, không làm tròn hết chức trách mà tôi với tư cách công dân giao phó nên tôi phủ quyết bản Hiến pháp này.

Tin liên quan: Xem thêm: Toàn văn Hiến Pháp
Tôi sẽ bảo lưu ý kiến của mình vì tôi được chính Hiến Pháp nước CHXHCN Việt công nhận những quyền của mình bao gồm cả quyền tự do ngôn luận. Tôi sẵn sàng tranh luận một cách công khai, nghiêm túc và cầu thị xung quanh vấn đề này.

Bên cạnh những bước tiến mới về mặt dân chủ, dân quyền, hay những định hướng mới cho việc cải cách thượng tầng chính trị thì Bản Hiến Pháp sửa đổi 1992 vẫn còn tồn tại những điều được coi là thiếu dân chủ thậm chí xâm phạm vào các quyền tự do tư tưởng, bình quyền chính trị, bình quyền kinh tế và quyền tư hữu tài sản của công dân.

Về sự lãnh đạo của Đảng

Điều 5 Hiến Pháp sửa đổi ghi rõ:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Về cơ bản mục 1 điều 5 Hiến Pháp 1992, sửa đổi bổ sung không khác gì (là sự tóm lược giản ước) học thuyết Tam Đại Diện của Giang Trạch Dân cựu Tổng Bí Thư, cựu Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa - người đang bị tòa án Tây Ban Nha truy nã vì phạm tội diệt chủng.

Trong khi đó chính nước CHND Trung Hoa đã dần dần thay thế học thuyết Tam Đại Diện bằng tư tưởng xã hội hài hòa – xây dựng xã hội Tiểu khang.

Bản thân Hiến Pháp là khế ước xã hội, do công dân của một quốc gia xây dựng nên, đó là thành quả chung của công dân và không có trách nhiệm phải quy định rõ Đảng Cộng Sản Việt là ai và làm gì.

Đây là vấn đề khoa học trong lập pháp mà lập pháp thì không thể phản khoa học.

Điều 5 với những định nghĩa về ĐCS chỉ có thể được xác định trong cương lĩnh Đảng Cộng Sản Việt. Cương lĩnh Đảng Cộng Sản Việt là một văn bản mà theo như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định là có giá trị cao hơn Hiến Pháp.

Vậy mời các vị lên trên ghế cao hơn mà ngồi, chứ chỗ này (Hiến Pháp) vẫn còn là cái ghế thấp chưa xứng đáng với vị thế của các vị.

Việc Hiến Pháp xác định rõ ĐCS Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội (theo như tôi hiểu thì) có nghĩa rằng bất cứ một công dân nào khi không phải là thành viên của Đảng CS Việt Nam đều không có quyền lãnh đạo Nhà nước. Điều này gây sự bất bình đẳng về chính trị giữa công dân và những người là thành viên Đảng cộng sản Việt, tước đi của công dân quyền được lựa chọn những người lãnh đạo chính phủ và nhà nước, hay quyền tự ứng cử để lãnh đạo chính phủ và nhà nước Việt.

Công dân buộc phải “phấn đấu vào Đảng CS Việt ” nếu như muốn chứng tỏ và sử dụng năng lực lãnh đạo Nhà nước của mình, xâm phạm vào quyền tự do tư tưởng, tự do chính trị của mỗi công dân.
Đảng lãnh đạo xã hội.

Đảng cầm quyền chỉ có thể lãnh đạo chính phủ, còn xã hội phải được bình quyền và tự do về mặt tư tưởng. Đó là quyền công dân và quyền của cả xa hội ở một Quốc gia Dân chủ, tiến bộ và ưu việt xứng đáng được hưởng.

Đảng không thể và không có quyền lãnh đạo cả xã hội với hơn 90 triệu con người đang chung sống.

Khi đại đa số công dân mong muốn Đảng CSVN nắm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì toàn bộ điều 5 Hiến pháp sửa đổi bổ xung phải được đổi ngược thành: “Nước CHXHCN Việt công nhận quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng Sản Việt. Đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam, phục vụ trung thành và chịu giám sát của công dân”
Về quyền của các cộng đồng dân tộc

Trích mục 3 điều 5 Hiến pháp sửa đổi bổ sung:

“Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”. Bản thân mục này là một biến thế bị động quy định nên quyền được dùng tiếng nói chữ viết, bản sắc dân tộc, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của một dẫn tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong khi đó những quyền này là đương nhiên và bất khả xâm phạm.

Hiến Pháp không thể “ban những quyền” này cho mỗi một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt được.

Thể chủ động phải là: “Nhà nước, Hiến pháp và pháp luật nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ các quyền dùng tiếng nói riêng, chữ viết riêng, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà nước, Hiến pháp và pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nghiêm cấm và trừng phát bất cứ ai, chính sách, phát ngôn hay hành động nào xâm phạm vào các quyền kể trên”
Về tự do ngôn luận

Điều 25 chương II Quyền và nghĩa vụ công dân Hiến pháp sửa đổi bổ xung ghi

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Vì tính minh bạch và cụ thể, chính xác và khoa học của Hiến Pháp, tôi mong muốn trong Hiến Pháp phải quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nước CHXHCN Việt Nam nghiêm cấm và trừng phạt bất cứ ai, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước nào có những phát ngôn, chính sách và hành động nào xâm phạm hay gây ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,biểu tình của công dân”.

Điều này nhằm hạn chế việc cá nhân, cơ quan nhà nước, Chính phủ ra những chính sách, pháp luật gây hại, xâm phạm vào quyền tự do ngôn luận của công dân rồi lại nói đó là “do pháp luật quy định” khiến công dân có quyền mà cũng như không, ảnh hưởng tới Uy tín và năng lực lãnh đạo Nhà nước của Đảng CSVN. 
Về quyền quản lý và sử dụng đất đai

Một chân lý hiển nhiên rằng đất đai sinh ra trước và nuôi sống cả dân tộc này, đất đai đã tạo cho dân tộc Việt Nam một nền văn minh lúa nước đặc sắc và quy định nên những tập tính, lối ứng xử của Dân tộc Việt Nam. Nhiều gia đình, nhiều làng xã sinh sống và sở hữu những diện tích đất đai từ trước khi ĐCS Việt ra đời.

Thứ hai mọi công dân đều có quyền tư hữu tài sản, pháp luật phải bảo hộ quyền tư hữu đó. Với cư dân nông nghiệp lúa nước thì quyền tư hữu đất đai là quyền tối cần thiết nó bảo đảm cho người dân phương kế sinh nhai và chỗ ở. Đây cũng là những quyền con người thiết thân và cơ bản.

Thứ 3 vấn đề đất đai đã trở thành điểm nóng gây bất ổn xã hội, gây nên sự mâu thuẫn sâu sắc giữa làng xã và thành thị, giữa người nông dân với công nghiệp, giữa quyền của công dân với chính sách thu hồi đất đai của Nhà nước CHXHCN VN.

Trong khi đó tại điều 53 Chương III KINH TẾ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG ghi rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Điều này đã trao toàn bộ quyền quản lý đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời và các tài nguyên khác vào tay Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đảng được Hiến Pháp quy định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội).

Thật không thể tưởng tưởng nổi một Đảng – đặt dân tộc chỉ đứng hàng thứ ba sau “giai cấp công nhân và nhân dân lao động” mà lại quản lý, “đại diện chủ sở hữu” toàn bộ biển trời, tài nguyên đất đai của một quốc gia? Tôi e rằng điều này dẫn tới sự lạm quyền, trục lợi và nghiêm trọng hơn là khống chế toàn bộ nền kinh tế, sức sống của nền kinh tế nước CHXHCN Việt.

Các phần tử chống đối, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá xuyên tạc và tiếp tục “diễn biến hòa bình”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Danh dự, uy tín và năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội của ĐCS Việt Nam.

Và cũng vì điều này gây tổn hại đến quyền tư hữu tài sản – trong đó có quyền tư hữu đất đai của công dân, tạo ra và nuôi dưỡng những mầm mống gây bất ổn định xã hội cho nên tôi phủ quyết. Với tư cách một công dân tôi đòi quyền được bình đẳng trong tư hữu và quản lý tài sản bao gồm cả đất đai.

Tất nhiên là những phủ quyết của tôi không có giá trị về mặt pháp lý, nhưng tôn trọng và bảo hộ quyền phủ quyết này sẽ chứng tỏ Hiến Pháp, Pháp Luật và Đảng CSVN tôn trọng quyền tự do ngôn luận của cá nhân tôi và rộng hơn là của công dân nước CHXHCN Việt Nam mà Hiến Pháp Việt Nam đã được Quốc Hội long trọng công bố và thông qua.

"Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".

Đơn giản sông luôn chảy!!!
 

Han Times

Không có nhận xét nào: