Lý Phi
Gửi cho BBC từ Hà Nội
Gần đây truyền thông Việt nam đăng bài viết định hướng dư luận với nội dung “Thủy điện không sinh nước sao gây lụt được?”. Thậm chí Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) cũng đăng bài viết này.
EVN CPC là đơn vị điều hành và khai thác các thủy điện lớn trong hệ thống thủy điện bậc thang của các sông lớn ở khu vực Miền Trung gây ra lũ lụt vừa qua, gây thiệt hại nhiều tính mạng con người và tài sản cộng đồng.
Vì sao? Nội dung bài viết truyền tải đánh tráo khái niệm vô căn cứ về thủy lực, thủy văn, sự ngụy biện không thuyết phục nhưng có chủ ý, với mục đích gì?Đây là đơn vị đang nắm bao cuộc sống và sinh mạng người dân, nếu sinh ra lũ quét có nguyên nhân xả lũ thủy điện góp phần.
Bài viết nhân danh tác giả là người hiểu tường tận thủy điện, người làm khoa học mà chưa phân biệt được lũ quét và lũ thường, chưa hiểu tác hại trực tiếp của sức mạnh do vận tốc nước sinh ra nếu thủy điện xả nước đột ngột cộng với nước mưa khu vực hạ lưu khác hoàn toàn với dòng chảy tự nhiên trong mưa lũ.
Nói dễ hiểu, tác giả chưa phân biệt được lợi hại việc tưới nước dùng vòi hoa sen và tháo hoa sen ra khi tưới rau, dĩ nhiên bình tưới nước đó cũng không sinh ra nước.
Tác giả dùng phép so sánh dung tích chứa nước của các hồ thủy điện để lấp liếm hậu quả tai hại của việc xả lũ thủy điện không khoa học khi bỏ qua nguyên nhân gây lũ quét là do tiết diện hạ lưu hơn là do dung lượng tích nước của hồ chứa trừ trường hợp vỡ đập.
Không liên quan đến dung lượng nước hồ chứa, khi cùng lượng nước người ta đổ đồng việc dùng nước tưới vườn rau và dùng nước cho súng bắn nước để phá đất đá là sự ngụy biện.
Tác giả lập luận lũ không vượt quá giới hạn lũ tự nhiên bằng mực nước hữu dụng của hồ chứa, bằng lưu lượng lớn phát sinh so với hồ chứa, bằng nguyên tắc vật lý để kết luận không có hiện tượng lũ chồng lũ một cách khôn khéo.
Bậc thang thủy điện
Nhưng tác giả quên rằng các nhà máy thủy điện lớn ở miền Trung là một hệ thống xây dựng theo quy hoạch bậc thang thủy điện với các sông lớn chứ không phải một thủy điện riêng lẻ.
Chỉ cần thay thời gian tích nước, xả nước là đã thay đổi vận tốc, lưu lượng dòng chảy tự nhiên.
Mỗi thủy điện trong hệ thống bậc thang được hứng nước cho một diện tích lưu vực nhất định.
Việc tích nước trong mưa lũ ban đầu của từng thủy điện làm thay đổi thời gian, lưu lượng thoát tự nhiên.
Khi các thủy điện đầu nguồn theo thứ tự xả nước chống vỡ đập xuống hồ chứa thủy điện cuối cùng của bậc thang, buộc thủy điện này phải xả với lưu lượng, vận tốc nước lớn hơn nhiều so với lượng nước mưa tự nhiên để tránh vỡ đập, dẫn đến lũ chồng lũ cho hạ lưu là điều tất yếu.
Chưa kể đến cao độ đập tràn với tham vọng tích nhiều nước để tăng hiệu suất khai thác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian xả lũ của đập và làm tăng lưu lượng, vận tốc nước, tăng ngập lụt hoặc sinh ra lũ quét hạ lưu.
Hiệu ứng domino do tăng lưu lượng xả lũ của từng đập thủy điện trong hệ thống bậc thang cộng dồn đến đập của nhà máy thủy điện cuối cùng, buộc phải xả để tránh vỡ đập là nguyên nhân lũ chồng lũ.
Sự lập luận với mục đích trốn tránh trách nhiệm có nên chăng để từ chối hành động cụ thể, kịp thời, giảm thiểu nỗi khổ người dân trực tiếp gánh chịu, sinh mạng luôn bị rình rập, không biết phải dựa vào đâu khi vào mùa mưa lũ.
Tài sản xã hội bị phá hoại lặp đi lặp lại trước mắt, biết được, thấy rõ mà không có biện pháp thiết thực để ngăn ngừa.
Giải pháp
Nên khách quan nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học, thuyết phục hiện tượng lũ chồng lũ bằng quan trắc xác định lưu lượng, vận tốc nước hạ lưu với lượng mưa lịch sử theo số liệu theo dõi thủy văn khu vực cho dòng chảy tự nhiên và so sánh dòng chảy của nhà máy thủy điện xả nước chống vỡ đập trong mưa lũ để khẳng định nguyên nhân.
Thực hiện một đề tài khoa học cấp nhà nước. có phản biện công tâm, trung thực của các nhà khoa học đầu ngành về sự thật tác hại của việc xả nước chống vở đập thủy điện nếu có.
Biện pháp, biểu đồ điều phối tích nước xả nước của các nhà máy thủy điện trên cùng một hệ thống bậc thang, liên hồ.
Kiểm tra, rà soát các công trình thủy điện trước đây chủ yếu được thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ cho từng nhà máy mà chưa được đưa vào để tính toán và phân tích cho hệ thống các bậc thang, điều chỉnh vận hành tối ưu về hiệu quả khai thác cũng như công tác kết hợp xả, chống lũ.
"Nên thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc chính phủ gồm cả thành viên đầu ngành khí tượng thủy văn giám sát, điều hành việc tích xả nước, bảo đảm nhỏ hơn lưu lượng tự nhiên khi phát sinh lũ cho hạ lưu."
Chấp nhận giảm hiệu suất khai thác của các nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ bằng cách hạ cao độ đập tràn, miệng xả, nhằm tăng thể tích tích nước của các hồ chứa khi mưa lũ xảy ra, thuận lợi cho việc kéo dài thời gian xả nước của các hồ chứa trong mưa.
Đồng thời khống chế dòng chảy khi xả nước luôn nhỏ hơn dòng chảy của lũ tự nhiên, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa khác như tăng đập phụ một cách có tính toán cụ thể.
Nên nghiêm túc nghiên cứu, triển khai việc xây dựng, khai thác một số thủy điện nhỏ có lợi hơn là lo sợ một cách máy móc.
Chính các hồ chứa nước đó có chức năng bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa gây lũ lụt, nó có nhiệm vụ thay cho thảm thực vật ở thượng nguồn cho lưu vực nhất định, đã bị hủy hoại do nhiều nguyên nhân chủ quan trước đây.
Nên thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc chính phủ gồm cả thành viên đầu ngành khí tượng thủy văn giám sát, điều hành việc tích xả nước, bảo đảm nhỏ hơn lưu lượng tự nhiên khi phát sinh lũ cho hạ lưu.
Chỉ có cái nhìn thấu đáo của chính phủ có chương trình, biện pháp hành động cứng rắn, kịp thời, quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị khai thác thủy điện thì mới cứu được cuộc sống, sinh mạng người dân khu vực.
Có thế mới giảm thiểu được tài sản cộng đồng bị hư hại do nguyên nhân chủ quan hơn là những lập luận trái chiều, cảm tính, không khoa học để chống chế, để định hướng một cách mơ hồ, nguy hại và vô nhân đạo.
Chỉ có sự quan tâm hết lòng, cùng cất tiếng nói công tâm của các nhà khoa học chuyên môn đầu ngành mới làm sáng tỏ và giúp dân, giúp nước một cách thiết thực.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét