Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Những hậu quả của việc Trung Quốc lập ADIZ

(KT.net.vn) - Bắc Kinh sẽ phải hối tiếc khi lập Khu vực Nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông (ADIZ) vì động thái này làm tăng nguy cơ xung đột khu vực.

Các vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc được xem là đầu mối đầu tiên và quan trọng dẫn tới quyết định lập ADIZ của Bắc Kinh và Chủ tịch Tập Cận Bình; người hưởng lợi lớn trong việc giữ lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản.

Các ADIZ chồng lấn nhau ở khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Tuổi trẻ.
Theo giới phân tích, lập ADIZ, Trung Quốc dường như muốn khẳng định, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là “mối bận tâm cốt lõi” của Bắc Kinh và phản ánh quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Việc này của ông Tập được phe theo đuổi tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đông đảo trong nước hoan nghênh nhiệt liệt. 


Chưa hết, ADIZ có thể là bước đi đầu tiên để Trung Quốc hướng tới việc quản lý chung hoặc đơn phương kiểm soát quần đảo này.

Ngoài ra, lập ADIZ cũng giúp Bắc Kinh kiểm tra Tokyo độ bền chặt của liên minh Nhật-Mỹ.

ADIZ được cho là phép thử Tokyo và liên minh Nhật-Mỹ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà nghiên Michael Mazza thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ mới có bài viết chia sẻ quan điểm: Trung Quốc đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đơn phương lập ADIZ.
Theo ông Michael Mazza, lập ADIZ làm tăng áp lực đáng kể không chỉ với Nhật trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà còn với Hàn Quốc, Đài Loan, làm tăng khả năng xảy ra xung đột đa phương (chứ không chỉ song phương) trên Biển Hoa Đông.
Trước khi Trung Quốc lập ADIZ, Tokyo cố gắng không làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên hồi tháng 9 từng tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng, Tokyo có ý định cắt đặt cơ quan chính phủ tại Điếu Ngư/Senkaku để tăng cường các tuyên bố chủ quyền của họ - điều chắc chắn dẫn tới phản ứng đáp trả tiêu cực từ Bắc Kinh.
Nay Trung Quốc lập ADIZ, ý định trên của Nhật càng có động lực. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihida Suga nhắc lại vấn đề trên với tuyên bố “việc cắt đặt một cơ quan chính phủ tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vẫn là một lựa chọn” và “dựa trên việc đánh giá tình huống, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định chiến lược”. 

Máy bay quân sự Nhật gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Theo Japan Today, chi tiêu quốc phòng 2014 của Nhật dự kiến tăng mạnh, từ 0,8% năm nay (tương đương 48 tỷ USD) lên 3% - mức cao chưa từng thấy trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, ADIZ của Trung Quốc sẽ thúc ép chính quyền Thủ tướng Abe sửa đổi hiến pháp hòa bình, tìm cách thực hiện quyền tự vệ tập thể, hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, nâng cao vị thế của quân đội nước này trên trường quốc tế bất chấp tranh cãi và sự phản đối từ nhiều phía cả trong và ngoài nước.

Chưa dừng lại, ADIZ của Bắc Kinh trở thành cái cớ cho Washington tăng cường hỗ trợ Tokyo bảo vệ chủ quyền (Trước đó, để tránh điều tiếng, Washington luôn tuyên bố đứng ngoài các tranh chấp khu vực).
Bằng chứng là ngay Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố cam kết bảo vệ, ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong khi chỉ trích và lên án gay gắt việc đơn phương lập ADIZ, cáo buộc động thái này là “nỗ lực thay đổi hiện trạng khu vực” của Trung Quốc.
Washington cũng kiên quyết không thay đổi bất cứ kế hoạch hay hoạt động quân sự nào trong khu vực. Thậm chí, một quan chức giấu tên còn nhận định, Mỹ có khả năng sẽ tiến hành một loạt hành động chứng minh quyết tâm không khuất phục trước các yêu sách về ADIZ trên Biển Hoa Đông. (Rất có thể việc điều máy bay ném bom chiến lược B-52 "dạo chơi" trong ADIZ mới của Trung Quốc chỉ là màn dạo đầu của Mỹ).

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bay vào ADIZ của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông ngày 25/11.

Chính sách của Mỹ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku luôn có phần khó hiểu. Cụ thể, dù né tránh các tuyên bố về chủ quyền của cả Tokyo và Bắc Kinh nhưng Washington lại công nhận quyền kiểm soát quần đảo của Nhật Bản nhưng đồng thời, xem việc bảo vệ hòn đảo là nghĩa vụ nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Nhưng nay, việc duy trì chính sách này đang lung lay bởi các động thái ngày càng khiêu khích của Trung Quốc.

Một câu hỏi thú vị đặt ra là, nếu máy bay Mỹ hoạt động trong vùng lân cận của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và không đáp ứng các yêu sách nhận dạng, thì động thái này có thể được xem là đánh dấu sự chối bỏ ngầm của Washington đối với các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Từ đó, đây sẽ là sự công nhận rõ ràng của Mỹ về quyền chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku - điều được xem là nằm ngoài giới hạn của Washington.

Cuối cùng, động thái mới của Trung Quốc cũng gây ra đối kháng không cần thiết đối với Đài Loan và Hàn Quốc. Đầu tiên, Đài Loan vốn cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và giờ đây lại phải đối phó với một ADIZ chồng chéo trên Biển Hoa Đông với Đại lục. Do đó, thực tế, Trung Quốc đang bắt đầu làm xáo trộn quan hệ xuyên eo biển vốn ổn định gần đây.
Về phía Hàn Quốc cũng tương tự. Gần đây, giới quan sát nhận thấy quan hệ Trung-Hàn có vẻ ấm lên khi cùng “song kiếm hợp bích” chỉ trích, lên án Nhật Bản về các vấn đề lịch sử (các tội ác chiến tranh mà Đế Quốc Nhật gây ra cho nhân dân 2 nước này). Tuy nhiên, ADIZ mới Trung Quốc mới lập lại cũng chồng chéo trong các vùng biển mà Hàn Quốc có tuyên bố chủ quyền.
Khu vực này bao gồm bãi đá ngầm Socotra mà cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc đều tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Thậm chí, ADIZ mới của Trung Quốc còn mở rộng tới gần đảo Jeju, nơi Hàn Quốc có một căn cứ hải quân lớn. Điều này rõ ràng khiến Seoul không dễ chịu và Bắc Kinh đẩy Seoul xích lại gần Tokyo hơn.
Tóm lại, việc lập ADIZ trên Biển Hoa Đông có thể giúp Bắc Kinh đạt được mục đích chiến lược đến đâu vẫn chưa chắn chắn nhưng những nguy cơ theo sau nó thì đã có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng./Bạch Dương (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: