Trung Quốc nói đã huy động chiến đấu cơ hôm 29/11 để theo dõi các phi cơ của Hoa Kỳ và Nhật bay qua vùng phòng không doTrung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông.
Vùng phòng không bao gồm cả khu vực do Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cùng tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn nói họ không chấp nhận quy định trên của Trung Quốc và đã cho phi cơ quân sự bay trong khu vực.Hồi tuần trước Trung Quốc thông báo toàn bộ máy bay qua vùng này phải báo trước lịch trình và nhận dạng nếu không sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”.
Vùng nhận dạng phòng vệ (ADIZ) trong đó có vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan cùng cho là họ có chủ quyền.
Nam Hàn thì tuyên bố chủ quyền với một đảo đá nhỏ trong vùng.
Việc thiết lập ADIZ gây ra phản ứng giận dữ lan rộng, với Hoa Kỳ gọi đây là “động thái gây bất ổn nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực”.
Hôm thứ Năm, Trung Quốc thông báo đã điều động chiến đấu cơ trong khu vực như là “biện pháp phòng vệ” và tiến hành giám sát như bình thường.
Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Trầm Kim Khoa (Shen Jinke) cho biết, sáng hôm thứ Sáu 29/11 (giờ địa phương), hai phi công Trung Quốc đã phát hiện ra hai phi cơ giám sát của Hoa Kỳ và 10 máy bay của Nhật – kể cả loại máy bay cảnh báo sớm, máy bay giám sát và chiến đấu cơ – bay ngang qua vùng ADIZ, theo truyền thông địa phương dẫn lời.
Cũng không thấy ông Trầm nhắc tới việc có bất kỳ động thái nào xảy ra hay không.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Tần Cương nói Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng này và việc tự do di chuyển trên vùng trời biển Hoa Đông không hề bị ảnh hưởng.
Độ tín nhiệm
Theo đanh giá của nhà nghiên cứu Lye Liang Fook từ Đại học Quốc gia Singapore thì vấn đề vùng phòng không ở biển Hoa Đông hiện “vẫn chủ yếu là vấn đề của Trung Quốc và Nhật Bản”.
Tuy nhiên, tác giả này cho BBC News biết ý kiến rằng:
“Các thành viên Asean đều có quyền lợi trong việc duy trì ổn định khu vực. Họ muốn thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản ngồi lại ở bàn đàm phán để giải quyết khác biệt chứ không muốn bên nào nắn gân bên kia liên tiếp trên không hoặc trên biển.”
“Kể cả khi ta giả định rằng các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nhật không muốn bên nào đi đến chỗ phải ra tay tấn công, khả năng tính toán sai trên biển và trên không vẫn tăng lên với bất cứ biện pháp mới nào được đưa ra và bên đối diện đáp trả, như vùng AIDZ của Trung Quốc.”
Nhà nghiên cứu này cũng nêu ra vấn đề liên quan đến Biển Đông:
“Có những người ở đang đồn đoán rằng Trung Quốc có thể tiến một bước nữa bằng cách mở ra vùng ADIZ tương tự ở vùng tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa (SCS). Chẳng hạn Trung Quốc có thể đặt ra vùng đó ở nơi tranh chấp với Philippines nhằm ép nước này rút đơn kiện Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế.”
“Nếu Trung Quốc làm thế thì sẽ dễ mất độ tín nhiệm mà họ dày công xây đắp kể từ khi các lãnh đạo mới lên cầm quyền hơn một năm qua.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét