Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Chúng tôi muốn sống


Lê Dủ Chân  - Nạn công an hành hung, tra tấn, đánh chết dân đã lên tới mức báo động với hàng trăm người thiệt mạng ngay tại đồn Công an trong vài năm qua. Nhiều lỗi vi phạm nhỏ như không đội mũ bảo hiểm nhưng người dân đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình dưới bàn tay của Công an. Hầu hết những trường hợp tử vong tại đồn Công an không được điều tra đúng mức theo trình tự pháp luật, tình trạng bao che khỏa lấp tội trạng của các nhân viên trong ngành Công an là phổ biến, tạo nên một xã hội phi pháp hết sức bất an và bất công.

Do tình trạng này, phát biểu trong phiên chất vấn trước Quốc Hội ngày 21/11/2013, Trần Đại Quang, Bộ trưởng bộ Công an cho biết thời gian tới sẽ lắp camera theo dõi tại các phòng hỏi cung để khắc phục vi phạm của công an trong quá trình điều tra. Quyết định này của bộ Công an đã nói lên đều gì?
Thứ nhất: Nhà nước đã hoàn toàn bất lực trước tình trạng lộng quyền xem thường pháp luật của lực lượng Công an.
Thứ hai: Tính mạng và tài sản của người dân trên cả nước đang từng ngày từng giờ bị đe dọa bởi lực lượng Công an mà không có một cơ sở pháp lý nào bảo vệ.
Thứ ba: Lực lượng Công an thay vì bảo vệ an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, ngược lại họ đã lợi dụng quyền lực của đảng và nhà nước ban cho – Công an là thanh gươm lá chắn của chế độ – để xem pháp luật như trò đùa – luật là ta ta là luật – xem tính mạng của người dân như cỏ rác, muốn giết, muốn đánh, muốn bắt bất cứ lúc nào họ muốn.
Thứ tư: Trên thực tế tổ chức Công an của đảng và nhà nước CHXHCNVN là một tổ chức đứng trên và đứng ngoài luật pháp, hoàn toàn không chịu sự chế tài bởi pháp luật của nhà nước CHXHCNVN.
Thứ năm: Tình trạng bao che tội lỗi, khỏa lấp sai trái, vu oan giá họa cho người dân của nhân viên ngành Công an từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở đã thành quán tính nghề nghiệp không thể sửa đổi.
Thứ sáu: Không ai thể tin vào lực lượng Công an bởi vì ngay chính cơ quan chủ quản của nó là bộ Công an cũng đã không tin vào nhân viên, thuộc hạ của mình (đặt camera để theo dõi) thì làm sao người dân có thể tin được.
Từ những sự kiện trên, với tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như để bảo vệ tính mạng của bản thân và gia đình trước tình trạng tự tung tự tác, bạo hành tra tấn đến chết người của lực lượng Công an, chúng tôi những người dân bình thường đang sống dưới sự quản lý của nhà nước CHXHCNVN bắt buộc phải đưa ra những quyết định sau đây:
Thứ nhất: Kể từ nay chúng tôi sẽ không làm việc với công an tại đồn công an. Tuy nhiên với tinh thần tôn trọng pháp luật chúng tôi chấp nhận làm việc với nhân viên, cán bộ công an tại các địa điểm sau:
- Tại nhà chúng tôi, với sự chứng kiến của thân nhân và những người hàng xóm.
- Tại những nơi công cọng dưới sự chứng kiến của nhiều người như quán ăn, quán giải khát, công viên, văn phòng luật sư…
- Trong trường hợp vạn bất đắc dĩ buộc chúng tôi phải đến đồn công an để làm việc, chúng tôi sẽ đi khám bác sĩ để lấy giấy chứng nhận sức khỏe của mình trước và sau đó cơ quan công an có bổn phận phải hoàn trả lại phí tổn này cho chúng tôi, hoặc yêu cầu lực lượng công an phải viết một giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe của chúng tôi, giao cho gia đình thân nhân chúng tôi giữ để làm bằng trước khi đi vào làm việc. Sau khi vào đồn công an và trong khi làm việc, nhân viên công an không được thu giữ bất cứ vật dụng, tài sản của chúng tôi mang theo trong người và phải để chúng tôi liên lạc với thân nhân và bạn bè trong những trường hợp cần thiết. Đồn công an phải để người thân, bạn bè, những người quan tâm đến chúng tôi cùng vào, chờ ngay tại phòng đợi cho đến khi làm việc xong để đưa chúng tôi về.
Nếu những điều kiện này không được chấp nhận thì thà rằng chúng tôi bị Công An dùng vũ lực cưỡng bức bắt về đồn, vì dù sao cũng có mọi người chứng kiến, còn hơn là tự mình âm thầm đi nạp mạng cho Công An.
Thứ hai: Yêu cầu cán bộ ngành công an phải mang bản tên, phù hiệu, cấp bậc và chứng minh thư trong suốt thời gian làm việc với chúng tôi. Đó là nguyên tắc và là quy định của luật pháp bắt buộc nhân viên, cán bộ ngành công an phải chấp hành trong mọi trường hợp và tại mọi địa điểm trong lúc thi hành nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ không làm việc với bất cứ người nào mà chúng tôi không được rỏ về nhân thân và trách nhiệm của họ đối với sự việc đang xử lý.
Thứ ba: Chúng tôi không phải là tội phạm hoặc chưa phải là tội phạm (chỉ có tội sau khi được tòa án phán xét) do đó yêu cầu các viên chức ngành công an trong lúc làm việc phải giữ thái độ hòa nhã, lịch sự tối thiểu giữa người và người. Chúng tôi sẽ cương quyết không hợp tác với những nhân viên công an có thái độ hằn học, lỗ mãng thiếu văn hóa, xưng hô mày tau, văng tục với đối tượng đang làm việc.
Thứ tư: Chúng tôi cực lực lên án hành vi dùng vũ lực xâm phạm đến thân thể, dùng cực hình tra tấn để bức cung, ép cung gây chết người và tạo ra hàng loạt các vụ án oan sai trong hệ thống tư pháp của nước CHXHCNVN. Chúng tôi sẽ dùng quyền chính đáng của mình để tố cáo trước công luận trong nước, ngoài nước, trước quốc tế, trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về những hành vi sai trái của lực lượng công an theo đúng tinh thần bản “Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” (United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) của Liên Hiệp Quốc mà đại diện nước CHXHCNVN đã ký vào ngày 7-11-2013, tại New York.
Thứ năm: Yêu cầu cơ quan Công an các cấp phải nêu rỏ mục đích và nội dung làm việc trong thư mời khi cần mời chúng tôi làm việc. Chúng tôi giành quyền được từ chối không đi làm việc trong trường hợp không biết được mục đích và lý do được mời. Với câu nói chung chung mơ hồ “để làm việc” thường thấy trong các thư mời của Công an không đủ hàm lượng và nguyên cớ thuyết phục để chúng tôi phải chấp hành.
Thứ sáu: Chúng tôi sẽ giữ quyết định này cho đến khi nào lực lượng công an được chấn chỉnh, vấn nạn công an bắn chết người, đánh chết người, dùng cực hình tra tấn ép cung, bức cung không còn xảy ra và tất cả các vụ án đính kèm theo đây được giải quyết theo đúng pháp luật – Giết người phải đền tội.
Thứ bảy: Trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, những quyết định trên đây của chúng tôi là những biện pháp bổ túc thêm cho sáng kiến đặt camera trong phòng hỏi cung của ông Bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang và áp dụng đúng theo tinh thần “Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc”. Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước CHXHCNVN không có quyền vin vào những quyết định này để vu oan giá họa cho chúng tôi là “chống đối” hay “phản động” như lực lượng công an đã từng làm trong 70 năm nay.
Đính kèm theo đây là một số vụ điển hình DÂN CHẾT TRONG ĐỒN CÔNG AN từ tháng 09 năm 2009 đến tháng 11 năm2013, được đăng tải trên phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý, bao gồm cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản, quân đội, công an, tòa án tối cao, thanh tra nhà nước Việt Nam, cùng báo chí và các trang tin trên mạng được đăng ký chính thức và vận hành dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền Việt Nam, ví dụ như Nhà Báo & Công Luận, Gia Đình & Xã Hội, Vietnam Net, Pháp Luật Việt Nam, Pháp Luật TP/HCM, Đời Sống & Pháp Luật, Dân Trí, Lao Động, Người Lao Động, Đại Đoàn Kết, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Nông Nghiệp, Dân Việt, Đất Việt và VN Express…. Các nguồn báo đài chuyên mục tiếng Việt bên ngoài Việt Nam như BBC, đài Á Châu Tự Do, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và các trang mạng cũng như blog Việt Nam.
2013
- Ngày 19 tháng 11 năm 2013 gia đình chị Lê Thị Công Nhân (chị Nhân, anh Quyến và Bé Lucas), Chị Trần Thị Nga và Bé Tài, Anh Trương Văn Dũng, bác Lê Hùng, cô Ly và các bác Dân oan. bị công an đồn Thụy Khuê Tây Hồ Hà Nội, kết hợp mật vụ dân phòng côn đồ, đánh đập dã man.
- Ngày 5 tháng7 năm 2013 các anh Cao Văn Tuyên, 19 tuổi, và Cao Văn Lệ, 27 tuổi, bị 3 công an xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa, tra tấn liên tục suốt hai giờ cho đến khi các nạn nhân ngất xỉu mới ngừng lại. Hậu quả, Cao Văn Tuyên chết tại chỗ còn Cao Văn Lệ may mắn sống sót.
- Ngày 29 tháng 5 năm 2013 anh Nguyễn Huy Đức chết tại bệnh viện sau một ngày bị công an xã Trường An, TP. Vĩnh Long giam giữ.
- Ngày 11 Tháng 4 năm 2013 anh Nguyễn Huy Đức, 20 tuổi, quê quán huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đánh bạc bị công an đuổi dẫn đến tử vong.
- Ngày 9 Tháng 4 năm 2013 công an quận Tân Phú, Sài Gòn, đánh chết ông Trần Văn Hiền, 42 tuổi ngay trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú / Sài Gòn.
- Ngày 7 Tháng 4 năm 2013, ông Nguyễn Văn Quệ, 47 tuổi bị công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng truy đuổi, dí súng điện đến chết dù hai tay đã bị còng.
- Ngày 17 tháng 3 năm 2013 anh Hoàng Văn Ngài, người dân tộc H’Mong chết tại đồn công an thị xã Gia Nghĩa/Đắk Nông. Chủ tịch Đắk Nông lên tiếng xác nhận nguyên nhân là do nạn nhân ‘tự chọc tay vào ổ điện’!?
- Ngày 2 tháng 1 năm 2013, ông Trần Văn Tân, 53 tuổi chết tại đồn công an xã Kim Xuyên huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương sau một ngày bị giam. Cơ quan công an báo cáo nguyên nhân là do ông Tân thắt cổ tự vẫn!?
2012:
- Ngày 8 tháng 9 năm 2012, ông Nguyễn Văn Hiền (43 tuổi) đã tử thương trong bệnh viện với nhiều vết bầm tím khắp thân thể, và nhiều nhất là ở hai đùi sau khi bị công an phường Ngô Quyền tra tấn.
- Ngày 31 tháng 8 năm 2012 ông Nguyễn Mậu Thuận bị 3 công an viên xã Kim Nỗ áp giải ông Thuận lên trụ sở để lấy lời khai, và đã chết bất thường với rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể.
- Ngày 13 tháng 5 năm 2012 anh Ngô Thanh Kiều chết tại bệnh viện đa khoa Phú Yên sau khi bị công an xã Hòa Đồng tỉnh Phú Yên bắt giữ tra tấn. Ông Trần Minh Tâm, phó giám đốc bệnh viện đa khoa Phú Yên, khẳng định “Kiều chết trước khi đưa vào bệnh viện, khi đưa vào cấp cứu, bệnh nhân Kiều đã ngưng thở, ngưng tim và đồng tử giãn”.
- Ngày 24 tháng 5 năm 2012, đại úy công an Trần Bá Tuấn và trung úy công an Nguyễn Đình Quyết đã dùng nhục hình đánh một nữ nghi can thừa sống thiếu chết phải vào bệnh viện điều trị một thời gian dài.
- Ngày 19 tháng 3 năm 2012, anh Lê Quang Trọng bị công an huyện Can Lộc, Hà Tĩnh tra tấn nhục hình đến chết sau đó bị vu cho là “tự tử”!. Dân chúng đã phẩn uất nổi dậy đập phá trụ sở xã Thiên Lộc và một số xe của công an địa phương.
- Ngày 7 tháng 3 năm 2012 Trung úy công an Lang Thành Dũng thuộc công an TP. Nha Trang tra tấn nhục hình hai nghi can trộm cắp, gây thương tích trầm trọng.
- Ngày 19 tháng 2 năm 2012 anh Hoàng Gia Đạt Phước, 35 tuổi tử vong tại đồn công an quận 9 Sài Gòn sau gần 2 tháng bị giam cầm.
- Ngày 26 tháng 1 năm 2012 ông Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, người thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã qua đời sau khi bi công an đánh.
2011
- Ngày 16 tháng 11 năm 2011 anh Vũ Lam Sơn (SN 1984, trú tại xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đang thụ án tại phân trại số 5 thuộc trại giam An Phước, Bình Phước (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) đã chết trong tư thế thắt cổ tự tử!?
- Ngày 15 tháng 11 năm 2011, anh Đặng Văn Trí, 24 tuổi bị công an đánh đến chết tại trại nhà giam huyện Krông Nô, Đắc Nông.
- Ngày 8 tháng 8 năm 2011, anh Trần Gòn tử vong sau khi bị Lê Khắc Sáu cán bộ đội điều tra, công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đánh vỡ sọ.
- Ngày 25 tháng 4 năm 2011, anh Nguyễn Công Nhựt bị công an Bình Dương tra tấn bằng roi điện đến chết, thân thể bị nám, bầm tím khắp người. Sau đó công an dàn cảnh “nạn nhân treo cổ tự tử với bức thư tuyệt mạng gửi lại cho vợ” là chị Tuyền.
- Ngày 1 tháng 3 năm 2011, anh Nguyễn Văn Hướng (Nghệ An), không đội mũ bảo hiểm bị công an dùng dùi cui đánh bể đầu.
- Ngày 28 tháng 2 năm 2011 ông Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội), tháo mũ bảo hiểm, bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gãy cổ chết.
- Ngày 11 tháng 1 năm 2011, bà Ngô Thị Thu (Hải Phòng) biểu tình chống nhà máy ô nhiễm bị công an huyện Thủy Nguyên đánh gãy tay.
2010
- Ngày 28 tháng 12 năm 2010, anh Phạm Quang Sơn (Hà Đông) bị các công an xã tên Tuấn, Khoa, Tưởng đánh gãy xương sườn chỉ vì lên tiếng bênh vực một phụ nữ.
- Ngày 17 tháng 12 năm 2010 Anh Đặng Văn Đen (An Giang) bị công an phường Mỹ Bình bắt về tội trộm đánh chết rồi đem xác trả lại cho gia đình.
- Ngày 28 tháng 11 năm 2010, em Dương Đình Hiếu (Thái Nguyên) đùa nghịch bị hai công an xã Xuân Phương rượt bắt đem về đồn, bóp cổ, lấy dùi cui đánh lên đầu đến ngất xỉu.
- Ngày 6 tháng 11 năm 2010, anh Lưu Đình Tăng (Thanh Hóa) lên đồn công an làm việc bị 2 công an huyền Hoằng Hóa đánh ép cung cho đến xỉu phải vô bệnh viện.
- Ngày 16 tháng 9 năm 2010, sinh viên Đặng Đình Việt (Hà Tĩnh) đi học về vô cớ bị 2 công an xô ngã, đánh đập trước mặt người dân.
- Ngày 9 tháng 9 năm 2010: Trần Ngọc Đường, 52 tuổi, chết trong khi bị công an tạm giữ tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chỉ trong vài giờ sau khi khi bị bắt vì cãi cọ với hàng xóm.
- Ngày 8 tháng 8 năm 2010: Trần Duy Hải, 32 tuổi, chết trong khi bị công an giam giữ ở tỉnh Hậu Giang, sau khi bị bắt một hôm trước do tình nghi cướp giật sợi dây chuyền vàng của một phụ nữ. Ngày 12 tháng Tám, giám đốc công an tỉnh Hậu Giang tuyên bố rằng giám định pháp y kết luận Hải chết vì treo cổ tự tử.
- Ngày 6 tháng 8 năm 2010, em Hoàng Thị Trà (Thái Nguyên) không đội mũ bảo hiểm bị công an mặc thường phục rượt theo bắn lủng đùi.
- Ngày 30 tháng Bảy năm 2010: Sau khi Nguyễn Văn Trung, 46 tuổi, có vụ cãi nhau nhỏ trong nhà hàng với một công an cấp xã ở tỉnh Bình Thuận, cán bộ này liền gọi dân phòng, lực lượng an ninh tình nguyện, tổ dân phòng đến và dùng dùi cui đánh Trung nhiều lần vào đầu và cổ đến khi Trung ngất xỉu.
- Ngày 23 tháng 7 năm 2010, anh Nguyễn Văn Khương (Bắc Giang) bị thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp đánh bể đầu chết vì không đội mũ bảo hiểm.
- Ngày 21 tháng 7 năm 2010: Công an xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội – trong đó có phó trưởng công an xã, chặn xe tải của Nguyễn Phú Sơn, lôi anh ra khỏi xe và dùng dùi cui điện đánh vào đầu và người anh tới tấp
- Ngày 3 tháng 7 năm 2010: Nguyễn Thành Năm, 43 tuổi, chết sau khi bị công an và dân phòng đánh ở Đà Nẵng.
- Ngày 29 tháng 6 năm 2010, ông Vũ Văn Hiền (Thái Nguyên) lên đồn công an huyện Đại Từ làm việc bị đánh xuất huyết não chết.
- Ngày 7 tháng 6 năm 2010: Đến hiện trường sau khi nhận được tin báo về một vụ đột nhập tư gia, hai công an đã đánh chết Nguyễn Phú Trung, 41 tuổi, ở làng Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
- Ngày 25 tháng 5 năm 2010, công an Nguyễn Mạnh Thư bắn chết em Lê Xuân Dũng và ông Lê Hữu Nam khi đòi đền bù đất đai tại Nghi Sơn, Thanh Hóa.
- Ngày 7 tháng 5 năm 2010, anh Võ Văn Khánh (Quảng Nam), đem giấy xe lên đồn công an Điện Bàn xin lại xe, bị công an đánh đến chết.
- Ngày 24 tháng 4 năm 2010: Một cảnh sát giao thông và một công an xã ở tỉnh Khánh Hòa truy đuổi và đánh trọng thương Huỳnh Tấn Nam, 21 tuổi, vì không đội mũ bảo hiểm, sau đó để mặc anh bên lề đường “trong tình trạng nguy kịch” với nhiều chấn thương.
- Ngày 24 tháng 4 năm 2010: công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt Phạm Tuấn Hưng, 37 tuổi, để thẩm vấn vì tình nghi ăn cắp một máy điện thoại di động. Tại đồn, công an lấy còng treo tay anh lên cửa sổ và dùng gậy đánh nhiều lần làm anh ngất xỉu. Sau khi về nhà vẫn bị chảy máu từ mũi và miệng, đồng thời bị nhiều cơn ác mộng và lên cơn động kinh, Bênh viện xác nhận bị chấn thương phần đầu và nhiều chấn thương phần mềm khác, tinh thần hoảng hốt suy sụp.”
- Ngày 21 tháng 1 năm 2010, anh Nguyễn Quốc Bảo (Hà Nội) bị công an quận Hai Bà Trưng giam giữ điều tra và đánh vỡ sọ chết.
2009
- Ngày 22 tháng12 năm 2009: Nguyễn Văn Long, 41 tuổi, chết tại trụ sở công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
- Ngày 28 tháng 11 năm 2009: Đặng Trung Trịnh, 32 tuổi, chết trong khi bị công an tạm giam sau khi va chạm với anh họ ở xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
- Ngày 21 tháng 11 năm 2009: Nguyễn Mạnh Hùng, 33 tuổi, chết trong khi bị tạm giữ tại công an quận Hà Đông, Hà Nội.
- Ngày 17 tháng 09 năm 2009: Trần Minh Sỹ, 23 tuổi, chết trong khi đang bị công an tỉnh Gia Lai tạm giữ. Anh Sĩ bị bắt trong khi đi biểu tình phản đối trước cái chết của Phạm Ngọc Đến, 29 tuổi, tử vong vào ngày 14 tháng 09 trong khi bị cảnh sát giao thông Gia Lai truy đuổi vì không đội mũ bảo hiểm…
11/29/2013

Không có nhận xét nào: