Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ truyền đạt đến phía Trung Quốc quan ngại của Mỹ về việc nước này tuyên bố xác lập một vùng nhận dạng phòng không bao trùm các quần đảo có tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, Nhà Trắng thông báo.
Ông Biden sẽ đến thăm Trung Quốc vào tuần tới trong khuôn khổ chuyến công du đã được lên kế hoạch từ lâu bao gồm các trạm dừng chân ở Nhật Bản và Nam Hàn.
Trước đó, ông Hagel đã trao đổi với người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera. Ông đã khen ngợi Chính phủ Nhật đã ‘kiềm chế đúng mức’ trước hành động tuyên bố vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc.Hôm thứ Tư ngày 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định rằng Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật cũng sẽ được áp dụng với quần đảo trên Biển Hoa Đông mà hiện nay Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp.
Ông cũng đảm bảo với ông Onodera rằng động thái của Trung Quốc sẽ không có cách nào thay đổi các hoạt động quân sự của Mỹ. Ông thông báo với phía Nhật rằng các chuyến bay thường xuyên và được lên kế hoạch lâu nay của quân đội Mỹ vẫn diễn ra như thường, phát ngôn nhân Lầu Năm Góc cho biết trong một thông cáo.
‘Giải thích rõ ràng’
Phó Tổng thống Biden sẽ lên đường vào ngày 2/12 trong một sứ mạng ngoại giao kéo dài một tuần lễ để bàn bạc điều mà chính quyền Barack Obama gọi là ‘kiểu hành xử ngày càng thể hiện rõ của Trung Quốc vốn làm cho các nước láng giềng cảm thấy bất an và đặt ra những câu hỏi về liệu Trung Quốc sẽ hành động như thế nào trong không gian quốc tế và Trung Quốc làm thế nào để xử lý những vấn đề bất đồng’.
Giới chức Mỹ cho biết chuyến đi Bắc Kinh của ông Biden là để ‘nói chuyện trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh về vấn đề này (Vùng nhận dạng phòng không), truyền đạt trực tiếp mối quan ngại của chúng tôi và muốn nghe lời giải thích rõ ràng của Trung Quốc về ý định của họ khi đưa ra động thái này vào lúc này’.
Trong thông báo tuyên bố thiết lập vùng phòng không, Bộ Quốc phòng Trung Quốc yêu cầu các máy bay đi vào vùng này phải báo cáo đường bay, giữ sóng liên lạc hai chiều và ‘trả lời kịp thời và chính xác’ trước các yêu cầu nhận dạng.
“Các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ có các biện pháp phòng vệ khẩn cấp nếu như máy bay không hợp tác nhận dạng hay không tuân theo chỉ thị,” thông báo viết.
Hoa Kỳ hiện có hơn 70.000 quân đóng ở Nhật và Nam Hàn. Trước đó họ đã nói rằng họ không tuân thủ vùng phòng không mà Bắc Kinh áp đặt.
Mỹ cũng đã điều hai máy bay B-52 bay vào vùng trời trên vùng đảo tranh chấp để thách thức vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc.
‘Cuộc chơi quyền lực’
Ông PJ Crowley, một cựu quan chức ngoại giao của chính quyền Obama, nói rằng hành động này của Mỹ ‘chắc chắn làm cho nhiều quốc gia trong khu vực đang quan ngại về một Trung Quốc ngày càng quả quyết cảm thấy an tâm’.
“Việc Trung Quốc muốn chơi ván cờ quyền lực trên vấn đề đảo tranh chấp làm một ví dụ nữa cho thấy họ đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng trong khu vực,” ông nói với BBC.
Đài Loan, vốn cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, đã bày tỏ ‘lấy làm tiếc’ với hành động của Trung Quốc và cam kết quân đội của họ sẽ có những biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc hôm thứ Ba ngày 26/11 để than phiền rằng ‘thời gian và cách mà Trung Quốc tuyên bố vùng phòng không’ là ‘không có ích nếu xét trên những căng thẳng hiện nay trong khu vực’.
Các hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airlines của Nhật đã cho biết họ sẽ dừng báo cáo kế hoạch bay cho Trung Quốc khi bay vào ‘vùng phòng không’ sau khi có yêu cầu của Chính phủ Nhật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét