Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Nhân quyền “kiểu Việt Nam” qua hành vi tự tiện chặn điện thoại


dt2
Mẹ Nấm - Ngày 5/05/2013, lần đầu tiên cả ba nơi Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn đồng loạt tổ chức buổi dã ngoại nhân quyền cũng là lần đầu tiên số điện thoại di động cá nhân của tôi không thực hiện được cuộc gọi đi và không nhận được cuộc gọi đến.
Mọi thao tác trên máy đều cho ra thông báo: “Tài khoản đã bị chặn. Vui lòng liên lạc các cửa hàng của Mobifone”.

Anh an ninh vui tính đi kèm tôi trong buổi dã ngoại nhân quyền tại quán cà phê còn không tin rằng điện thoại tôi bị chặn.
Đương nhiên là không một ai muốn tin như vậy.
Khi gọi đến tổng đài, nhân viên trực tổng đài cho biết: Số máy bị chặn vì lý do an ninh, vui lòng đến cửa hàng Mobifone gần nhất để biết thêm chi tiết.
Hôm đó là buổi tối, và tôi chưa kịp ra cửa hàng thì họ đã mở cả hai chiều liên lạc ngay sau cuộc điện thoại đến tổng đài chừng 10 phút.
Đây không phải là lần đầu tiên an ninh can thiệp thô bạo vào điện thoại của tôi.
Trước đó năm 2009 họ cũng đã sử dụng quyền được bảo kê bởi luật pháp của mình để yêu cầu in ra chi tiết lịch sử cuộc gọi đi và đến của số máy tôi để yêu cầu tôi nhớ từng số điện thoại trong danh sách dài dằng dặc ấy.
Và phản ứng của tôi sau đó là đã cắt thuê bao trả sau với Mobifone ngay lập tức.
Tôi còn nhớ rất rõ, nhân viên Mobifone giải thích với tôi rằng:
- Chị thông cảm, bên phía an ninh yêu cầu.
Và tôi cũng nghiêm nghị trả lời:
- Mobifone đã không bảo vệ được người sử dụng dịch vụ của mình thì không có lý do gì tôi tiếp tục làm khách hàng trung thành của các bạn nữa. Giờ tôi chuyển sang thuê bao trả trước, chúng ta sẽ chơi với nhau cho đến khi không thể và sòng phẳng hơn nhé.
Từ đó, tôi hạn chế sử dụng liên lạc bằng điện thoại, ngay cả trong việc làm ăn hay giao tiếp, bởi tôi cho rằng hạn chế trả tiền dịch vụ cho một kiểu phục vụ không đảm bảo quyền lợi của mình cũng là một cách bất hợp tác với họ.
Tiền thuê bao điện thoại giảm từ 300-500 ngàn/tháng xuống còn 50-100 ngàn.
Cám ơn Mobifone đã dạy tôi bài học tiết kiệm bằng sự bất hợp tác.
Đó là câu chuyện xảy ra trước khi Việt Nam trúng cử và Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Sáng nay, điện thoại của chị Phạm Thanh Nghiên và mẹ chị ấy cũng ở trong tình trạng tương tự như của tôi.
An ninh lại cho người đặt chốt canh trước ngõ nhà chị.
Họ sợ gì để phải bất chấp dư luận mà chặn điện thoại của một người cựu tù và một bà mẹ già?
Lý do an ninh của một quốc gia được áp dụng để ngăn chặn quyền được thông tin, liên lạc của công dân liệu có phải là dấu hiệu vi phạm nhân quyền không nhỉ?
Tôi không chọn cách phê phán, nhưng tôi sẽ kể với thế giới câu chuyện về quyền con người của mình, theo cách riêng với những gì đã diễn ra.
Có hay không sự tồn tại của các giá trị chuẩn mực về nhân quyền ở Việt Nam?
Hẳn sẽ là một câu hỏi khó, bởi câu trả lời với thế giới sẽ luôn là: Việt Nam có nhân quyền, nhưng theo kiểu đặc trưng riêng.
Bạn có chấp nhận câu trả lời ấy, khi đang ở chung sân chơi với quốc tế hay không?
Không có sự khác biệt giữa con người, trừ khi bạn muốn chối bỏ các quyền căn bản của mình.
Và tôi tin, nếu được lựa chọn, không một ai chối bỏ sự tự do thật sự bao giờ!

Không có nhận xét nào: