Pages

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Biểu tình đòi lương cơ bản cho Osin tại Đài Loan

Tường An, thông tín viên RFA, Paris

Công nhân lao động Việt tại Đài Loan biểu tình đòi trả lương cơ bản cho người giúp việc nhà, ngày 9 tháng 3, 2014

Công nhân lao động Việt tại Đài Loan biểu tình đòi trả lương cơ bản cho người giúp việc nhà, ngày 9 tháng 3, 2014
RFA

Nghe Bài Này
Sáng ngày 9 tháng ba vừa qua, tại Đài loan đã có khoảng 150 người lao động xuất khẩu biểu tình gồm khoảng 100 người Việt Nam và 50 người Philippines, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan. Mục đích của cuộc biểu tình này là đòi tăng lương cho những người lao động giúp việc nhà tại Đài Loan, đòi được đối xử công bằng, bình đẳng về ngày nghĩ cũng như tiền lương. Linh Mục Nguyễn văn Hùng có văn phòng tại Đài Loan, cho biết lý do của cuộc biểu tình này:
Hàng trăm ngàn lao động Việt ở Đài Loan
« Mục đích của cuộc biểu tình hồi sáng này là để đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng về tiền lương cho những người lao động giúp việc nhà nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, là ngày hôm qua rồi, nhưng ở Đài loan có 1 cuộc biểu tình chống nguyên tử năng , cho nên chúng tôi dời lại, thay vì ngày hôm qua đi biểu tình thì ngày hôm nay chúng tôi đi biểu tình. Hôm nay tôi mới gặp 1 người từ Việt Nam mới qua, họ đã phải trả 7000 USD để từ Việt Nam sang Đài Loan trong khi giấy tờ họ chỉ ký 4500 USD, cho nên chuyện ngày hôm nay chúng tôi đòi hỏi nó cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động giúp việc nhà trong tương lai từ Việt Nam qua Đài loan »
Chị Thuyền, một công nhân hãng điện tử, có mặt trong cuộc biểu tình, kể lại :
« Bọn em hô khẩu hiệu để yêu cầu bộ lao động của chính phủ Đài loan tăng lương cơ bản cho người giúp việc, cho người ta nghĩ, đừng bóc lột người lao động nước ngoài, đừng có kỳ thị người lao động nước ngoài,  người đứng đầu Bộ Lao động nhận đơn của tụi em, ông ấy hứa là ông ấy sẽ trình lên cho Bộ Lao động của chính phủ Đài loan, có các nhà báo và các đài nước ngoài họ đến đấy ghi hình »
Kể từ năm 1999, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Con số này ngày càng tăng. Năm 2013 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 88.000 lao động ra nước ngoài, trong đó có khoảng 50% lao động sang Đài Loan, tức khoảng 44.000 người, đưa tổng số lao động Việt Nam tại đây lên gần 100.000 người, chưa kể gần 80.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan. Tại Đài Loan, nhu cầu cần người giúp việc nhà, săn sóc cho người già, bệnh tại nhà và tại các viện dưỡng lão rất cao, tổng cộng có khoảng 200.000 osin (tức người giúp việc nhà) với đủ các quốc tịch( Philippines, Indonesia, Thái Lan…v.v..) làm nghề này tại Đài Loan.
Một công nhân Việt Nam ở Đài Loan cầm biểu ngữ đòi chấm dứt bóc lột lương cơ bản lao động, ngày 9 tháng 3, 2014. RFA
Một công nhân Việt Nam ở Đài Loan cầm biểu ngữ đòi chấm dứt bóc lột lương cơ bản lao động, ngày 9 tháng 3, 2014. RFA
Bọn em hô khẩu hiệu để yêu cầu bộ lao động của chính phủ Đài loan tăng lương cơ bản cho người giúp việc, cho người ta nghĩ, đừng bóc lột người lao động nước ngoài, đừng có kỳ thị người lao động nước ngoài
Chị Thuyền
Trước đây, có khoảng 2/3 trong tổng số lao động xuất khẩu Việt Nam sang Đài Loan làm osin, đa số là phụ nữ, cao hơn cả Indonesia, Philippines. Tuy nhiên, từ năm 2005, chính phủ Đài Loan ngưng nhận lao động Việt Nam làm nghề giúp việc nhà, do đó con số này giảm đi rất nhiều. Chỉ còn những người đang làm thì tiếp tục nghề này mà thôi.
Những bất công của người làm osin
Trong khi lương cơ bản của công nhân làm trong các công ty được tăng từ 18.780 Đài tệ/ tháng từ năm 2012 đến 19.047/tháng vào ngày 1 tháng 4 năm 2013 thì lương của người giúp việc nhà vẫn là 15.840 Đài tệ/ tháng từ năm 1997 đến nay không thay đổi.
Bên cạnh số lương ít ỏi đó, họ còn bị khấu trừ khoảng 10 loại chi phí khác như : phí quản lý cho doanh nghiệp Việt Nam, phí môi giới cho công ty  Đài Loan, phí phục vụ cho môi giới Đài Loan, thuế thu nhập, tiền ký túc xá, bảo hiểm y tế, tiền điện, tiền nước …v.v… trong đó có những chi phí rất vô lý mà người công nhân không hề sử dụng như phí phục vụ cho môi giới Đài loan. Số tiền còn lại chỉ còn khoảng 2000-7000 Đài tệ, quá ít ỏi so với cuộc sống đắt đỏ tại Đài Loan. Hai năm đầu, họ chỉ đi làm để trả nợ, nói chi đến việc gửi tiền về giúp gia đình như mục đích ban đầu. Có công nhân đi lao động 2 năm về, tay trắng lại hoàn tay trắng.Chị Thuyền nói :
« Nếu cước phí tính ra như thế thì  2 năm mới đủ vốn, có công ty ký lại cho 3 năm làm, còn những công ty ký 2 năm thì bọn em đi tay trắng. »
Chị Tâm, sang Đài loan từ năm 2004, đang chăm sóc người bệnh cho 1 gia đình Đài loan cũng cùng tâm trạng :
Cô bé tên là Huấn, ở Bắc Giang sang Đài loan làm việc trong viện dưỡng lão 24/24 có nghĩa là lúc ăn cũng phải trông bệnh nhân, lúc ngủ cũng không được ngủ, ngủ cũng chỉ là ngủ gà, ngủ gật, vừa ngủ vừa trông bệnh nhân, một mình cô ấy phải trông 30 bệnh nhân mà tiền lương thì rất thấp
Chị Nga
« Bây giờ làm công xưởng, viện dưỡng lão thì họ trừ hết tháng đầu tiên. Năm đầu tiên thì còn được 7000 (Đài tệ) Bên này cái gì cũng đắt đỏ khó đủ sống lắm. Người mình sang đây làm, tiền ngân hàng phải cầm sổ đỏ, có người đi phải cầm 3-4 cái sổ đỏ. »
Tuy phải đóng rất nhiều chi phí như thế, những người lao động tại đó lại không có nhận được một luật lao động căn bản để bảo đảm quyền lợi của họ, cũng như không có bảo hiểm lao động. Ngoài ra, những công nhân giúp việc nhà phải chịu một áp lực rất cao từ chủ sử dụng lao động, bất đồng ngôn ngữ, chăm sóc người bệnh trong khi không có một căn bản về y tế, làm việc 24/24, không có ngày nghĩ,  đối xử bạc đãi ..v.v..   đó là lý do mà nhiều người đã phải trốn ra ngoài.
Hàng trăm người Việt Nam ở Đài Loan biểu tình đòi tăng lương cho osin, ngày 9 tháng 3, 2014. RFA
Hàng trăm người Việt Nam ở Đài Loan biểu tình đòi tăng lương cho osin, ngày 9 tháng 3, 2014. RFA
Chị Nga, một công nhân xuất khẩu lao động đã trở về Việt Nam kể lại trường hợp của một chị Huấn, không chịu nổi áp lực, chị Huấn trốn ra ngoài, bị bắt vào nhà thương điên, sau đó bị đuổi về Việt Nam :
« Có một cô bé tên là Huấn, ở Bắc Giang sang Đài loan làm việc trong viện dưỡng lão 24/24 có nghĩa là lúc ăn cũng phải trông bệnh nhân, lúc ngủ cũng không được ngủ, ngủ cũng chỉ là ngủ gà, ngủ gật, vừa ngủ vừa trông bệnh nhân, một mình cô ấy phải trông 30 bệnh nhân mà tiền lương thì rất thấp mà lại không được dùng điện thoại nữa »
Kết quả của sự đối xử bất công về tiền lương cộng với rất nhiều bất cập trong việc đối xử với lao động giúp việc nhà, sự thất vọng vì bị lường gạt bởi môi giới là rất nhiều người đã bỏ trốn ra ngoài, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu lao động tại Đài Loan, nhưng lại đứng thứ nhất về số công nhân bỏ trốn ra ngoài. Khó có con số chính xác cho nhóm người này. Theo báo Thanh Niên thì con số này khoảng 11.000, nhưng  theo văn phòng LM Nguyễn văn Hùng thì con số này có thể lên đến 20.000 người. Số người này không nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ Đài Loan cũng như đại diện Việt Nam ở Đài loan. Linh mục Hùng cho biết :
Sang bên này thì công việc vất vả, chủ đối xử không tốt, không có việc làm thêm, có nhiều người ốm đau mà không được quan tâm, người ta bức xúc, nhiều người họ trốn ra ngoài. Bây giờ có cái nghị định 95 phạt những người bỏ trốn ra ngoài...cho nên là hôm nay em đi biểu tình phản đối NĐ 95 này
chị Tâm
« Những người bị áp lực, bị bóc lột làm không đủ tiền để trả nợ người ta phải chạy ra ngoài đi làm thì đối với chính phủ Việt Nam hay đối với quan chức đại diện cho chính phủ Việt Nam thì họ coi như người này thuộc diện bất hợp pháp, mà đã bất hợp pháp rồi thì người không đụng tay vô ngay cả khi những người đó đi làm, khi họ bị tử vong mà gọi điện thoại vô thì họ cúp điện thoại họ nói là họ không được nhúng tay vào. Cho nên hỏi là chính phủ Việt Nam hay đại diện của chính phủ Việt Nam có giúp gì được cho họ không thì tôi dám nói là hoàn toàn không »
Phản đối nghị định 95 của Việt Nam
Ngày 10 tháng 12 năm ngoái cũng đã có một cuộc biểu tình hàng ngàn người để phản đối nghị định 95, là một nghị định được đặt ra để ngăn ngừa công nhân trốn ra ngoài, theo quy định này lao động trốn ra ngoài sẽ bị phạt từ 80 triệu cho tới 100 triệu đồng Việt Nam. Một quy định mà theo các công nhân là một quy định quá ác, một chiếc còng thặt vào người công nhân đang chịu cảnh một cổ 2 tròng. Do vậy, đối với chị Tâm, cuộc biểu tình ngày hôm nay, ngoài việc đòi hỏi công bằng cho lao động giúp việc nhà, còn là để phản đối nghị định 95 của nhà nước Việt Nam.
« Sang bên này thì công việc vất vả, chủ đối xử không tốt, không có việc làm thêm, có nhiều người ốm đau mà không được quan tâm, người ta bức xúc, nhiều người họ trốn ra ngoài. Bây giờ có cái nghị định 95 phạt những người bỏ trốn ra ngoài, trước ngày 10/3 ai mà đầu thú về nước thì không bị phạt, còn sau ngày 10/3 thì sẽ bị phạt 80 đến 100 triệu thế cho nên là hôm nay em đi biểu tình phản đối nghị định 95 này »
Dù không phải là osin, chị Thuyền  cũng tham gia biểu tình để góp lên tiếng nói của mình cho những người kém may mắn :
“Em thì đang đi làm công xưởng , những bọn em đi biểu tình đây là đi biểu tình đòi quyền lợi cho những người giúp việc , họ không được nghĩ, họ bị bóc lột nhiều quá, cho nên tụi em cũng góp được chút xíu (bằng cách) đi biểu tình »
Chị Mai có được một gia đình chủ dễ chịu , tuy nhiên chị cũng đi biểu tình để tương thân tương trợ cho những người bạn kém may mắn hơn mình :
« Nói chung là em thấy giúp việc gia đình bên này hơi bất công , lương thấp không nói, nhưng người ta cử 24 giờ trong nhà chủ, không được nghĩ ngơi, chủ nhật không được nghĩ, thứ bảy không được nghĩ . Bên này em thấy có một số người không thể nghĩ ngơi được để mà đi biểu tình. Nhà chủ nhà em thì đối xử không đến nỗi, em mới được phép đi biểu tình để đòi hỏi quyền lợi cho những người bị giam cầm không được ra ngoài . Em thấy có số bạn bè thì vất vả, khổ sở hơn. Như em thì còn có thời gian rảnh để đi biểu tình. Họ không đi ra ngoài được thì mình đi phản đối, đấu tranh cho họ thôi. »
Cuộc biểu tình chấm dứt khoảng 11 giờ cùng ngày, Linh Mục Hùng cho biết, nếu đòi hỏi không được đáp ứng, thì sẽ tiếp tục biểu tình :
« Đối với chính phủ Đài Loan thì những kiến nghị như vậy thì họ đều trả lời cho chúng tôi bằng thư, và trong buổi trao kiến nghị hôm nay thì chúng tôi cũng có nói là nếu chính phủ Đài loan không trả lời chúng tôi biết thì chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình nữa ».
Với nghị định 95 vừa được áp dụng, Đài loan hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc biểu tình nữa của công nhân xuất khẩu lao động trong thời gian sắp tới
.

Không có nhận xét nào: