Pages

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

CNN: Điều đã rõ và chưa rõ về chuyến bay MH370

Vùng tìm kiếm máy bay rơi. Ảnh: CNN
Mấy ngày nay, cả thế giới chỉ tập trung vào Ukraine và Việt Nam, một nơi sắp có chiến tranh, một nơi đang giúp tìm kiếm máy bay rơi.
Đã qua ba ngày tìm kiếm với 40 tầu hiện đại, kể cả tầu chiến Mỹ và chiến hạm đổ bộ của Trung Quốc và hơn 30 máy bay quần đảo trên một vùng rộng lớn gần 200 ngàn km2, nhưng chưa tìm được manh mối của chiếc Boeing B777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia.

Trang web CNN có bài tổng kết “What we know and What we don’t know – Điều đã rõ và Điều chưa rõ” khá thú vị, hang Cua xin dịch lại để bà con tham khảo, có cái nhìn tổng quan hơn.
Đường bay
Điều đã rõ: Chuyến bay MH37 rời Kula Lumpur lúc 12:41 sáng thứ 6 (7-3) và dự định đến Bắc Kinh lúc 6:30 sáng cùng ngày, sẽ vượt 3700km. Đúng lúc 1:30 sáng, sau gần một tiếng cất cánh, thì mất tín hiệu lúc đang ở giữa vùng trời Malaysia và Việt Nam
Điều chưa rõ: Sau đó máy bay đi đâu. Phi công và đoàn bay không thông báo gì về trung tâm điểu khiển. Rada của bộ Quốc phòng Malaysia đồn đoán là máy bay đã đổi hướng và quay về Malaysia trước khi biến mất. Nhưng phi công không báo gì. Thời điểm này cũng không biết được tại sao máy bay quay lại.
Hành khách
Không quân VN giúp tìm kiếm quốc tế. Ảnh: VNN
 Điều đã rõ: Có 239 người trên khoang, 227 hành khách và 12 nhân viên phi hành đoàn. Có những họa sỹ và viết chữ tượng hình nổi tiếng của Trung Quốc đi theo, có 30 người làm cho công ty Mỹ tại Malaysia. Phần đông là khách Trung Quốc và Đài Loan (134 người), Malaysia có 38 người. Có 3 hành khách quốc tịch Mỹ. Có 5 người bỏ chuyến vào phút chót nhưng hành lý đã được lấy lại.
Điều chưa rõ: Một số danh tính của khách không rõ ràng. Có hai khách dùng hộ chiếu Áo và Ý bị mất cắp tại Thái Lan. Các nhà điều tra đang tìm xem còn ai dùng hộ chiếu giả trên chuyến bay.
Bí ẩn của hai cuốn hộ chiếu
Điều đã rõ: Vé máy bay đã được mua cho hai người mang hộ chiếu Ý (mất cắp năm 2012) và Áo (mất cắp năm 2013) tại Thái Lan vào thứ 5, một ngày trước chuyến bay. Tin giờ chót trên CNN cho hay, theo nhà chức trách Thailand, một người tên là Kazem Ali gốc Iran mua vé cho hai hành khách đi hộ chiếu giả, và nói là họ về châu Âu. Ali mua qua điện thoại sau đó Ali hoặc ai đó trả tiền mặt  để mua vé.
Các vé này mua một chiều quá cảnh ở Bắc Kinh, và về Amsterdam (Hà Lan). Sau đó, một vé đi Frankfurt (Đức), vé kia đi Copenhagen (Đan Mạch).
Những người chủ thật sự của hai cuốn hộ chiếu bị mất cắp không có trên chuyến bay. Họ vẫn ở Ý và Áo.
Điều chưa rõ: Ai là người đã dùng hộ chiếu mất cắp để đi chuyến bay này. Họ có liên quan gì đến sự biến mất của máy bay không. Theo ông Giám đốc Hàng không quốc gia Malaysia, thì hai người này có vẻ không châu Á, có người da đen. Nhưng vì đang điều tra nên không lộ thêm tin nào nữa.
Dù đồn đoán là hai cuốn hộ chiếu mất có thể liên quan đến máy bay bị cướp, khủng bố, nhưng các nhà chức trách chưa tìm ra một chứng cứ khủng bố nào cả cho đến thời điểm này.
Có một giả thiết là những người dùng hộ chiếu giả để vào châu Âu làm ăn, đã có nhiều trường hợp thế rồi. Và Đông Nam Á nổi tiếng là nơi có thị trường hộ chiếu ăn cắp.
Kiểm tra an ninh
Điều đã rõ: Interpol (cảnh sát quốc tế) nói rằng các hộ chiếu bị mất cắp đã có trong cơ sở dữ liệu. Nhưng từ lúc bị mất cắp cho đến khi chuyến bay cất cánh, chẳng có kiểm tra nào đối hai hộ chiếu này. Ông cảnh sát trưởng Ronald K. Noble  nói rằng, thật đáng ngại, khi các chuyến bay quốc tế không kiểm tra các hộ chiếu mất cắp để so sánh.
Điều không rõ: Hai cuốn hộ chiếu này đã dùng trước đó hay chưa. Vì không kiểm tra với cơ sở dữ liệu nên không thể biết chúng được dùng bao nhiêu lần.
Phía Malaysia nói rằng họ có qui trình kiểm tra hành khách chặt chẽ, phù hợp với chuẩn quốc tế.
Phi hành đoàn
Điều đã rõ: Phi hành đoàn là người Malaysia. Viên phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, với 18.365 giờ bay, tham gia đội bay từ năm 1981. Viên phi công phụ Fariq Ab Hamid, 27 tuổi, có 2.763 giờ bay, từng bay trên máy bay khác và vừa được đưa sang loại Boeing 777-200 này sau khi học bay giả định.
Điều không rõ: Chuyện gì đã xảy ra trong buồng phi công trong lúc máy bay mất tín hiệu. Máy bay đang ở độ cao ổn định và ở chế độ lái tự hành (cruise), được cho là thời gian an toàn nhất vào lúc biến khỏi ra đa. Thời tiết lúc đó tốt. Các chuyên gia hàng không đang cố tìm ra lời giải sao phi công không thông báo gì trước khi mất liên lạc.
Tìm kiếm
Điều đã rõ: Có 34 máy bay, 40 tầu thủy từ 10 nước tham gia tìm kiếm cả vùng nam biển Đông gần chỗ máy bay mất tích. Có vài vật thể được cho là của máy bay được nhìn thấy dưới biển, nhưng cuối cùng không phải là phần của xác máy bay. Vệt dầu cũng thế. Đó là từ tầu chở hàng thải ra.
Điều chưa rõ: Tìm đã đúng chỗ máy bay rơi chưa. Họ đang tập trung vào mỏm vịnh Thái Lan, nơi có tín hiệu cuối cùng của máy bay. Họ đã mở rộng ra cả 4 phía, nhưng cành ngày càng khó khăn hơn vì sóng đánh mạnh, sẽ đưa các mảnh xác máy bay đi khắp đại dương, làm cho công tác tìm kiếm trở nên vô vọng.
Nguyên nhân tai họa
Điều đã biết. Chẳng biết gì cả. Máy bay biến khỏi bầu trời để lại bao nhiêu đồn đoán, chẳng có lý thuyết nào trụ vững. Máy bay Boeing 777-200 là loại máy bay có độ tin cậy và an toàn tuyệt vời hiện nay.
Điều chưa biết. Cho đến khi tìm được xác máy bay và hộp đen thì mọi đồn đoán sẽ là vô nghĩa. Chỉ có ba giả thiết: bị sự cố, phi công làm sai và khủng bố.
Chuyện từng xảy ra

 Điều đã biết. Thật là hiếm khi một máy bay hành khách biến khỏi bầu trời mà không để lại dấu vết. Nhưng tháng 6-2009, chuyến A330 của hãng Air France 447 (có cả tiếng Việt) với 228 người trên khoang, đi từ Rio de Janeiro (Brasil) về Paris (Pháp) cũng mất tín hiệu đột ngột.  Phải mất 5 ngày tìm kiếm, phía Brasil mới thấy dấu hiệu xác hành khách đầu tiên, và 2 năm sau mới tìm ra hộp đen nằm trên dãy núi chìm sâu dưới đáy biển Đại Tây Dương. Thời gian còn lâu hơn thế để đi đến kết luận máy bay rơi.
Điều chưa biết. Có sự tương đồng giữa chuyến bay của AF và MH hay không, nhất là phản ứng của phi công khi máy bay trục trặc trong khi đang ở chế độ lái tự hành. Phi công AF đã không phản ứng kịp thời khi hệ thống bay tự động có trục trặc, máy bay rơi vào trạng thái ngừng hoạt động, phi công đã không phản ứng kịp thời để đưa máy bay về trạng thái cũ, nên đã rơi xuống biển một cách… bí ẩn. Đó là một trong những thảm họa lớn nhất trong ngành hàng không Pháp.
Lưu ý, trước khi mất tín hiệu, AF còn gửi những tín hiệu trục trặc về trung tâm, nhưng MH thì hoàn toàn im lặng.
Có một bạn đọc của CNN đã phản hồi, bài này nên đổi tít là
  1. What we do know: Almost Nothing. – Chúng ta biết gì. Gần như chẳng biết gì cả.
  2. What we don’t know See first point. Chúng ta không biết gì. Xem lại điều 1.
Hang Cua không biết gì nên chỉ khuyên bạn đọc xem lại điều 1.
  Hiệu Minh dịch
 
HM Blog biên dịch từ CNN
Trong lúc chờ đợi tin tức, Hang Cua cầu nguyện sự kỳ diệu nào đó đến với các hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay MH

Không có nhận xét nào: