Pages

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

IPO doanh nghiệp nhà nước đầu 2014: THẢM BẠI


IPO-DOANHNGHIEP

Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp họ xây dựng và giao thông vận tải tiến hành IPO, tuy vậy, tỷ lệ thành công lại rất thấp và gây thất vọng.
Theo đề án tái cơ cấu của Chính phủ, trong năm 2014 sẽ có hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn tiến tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Ngoài 11 tổng công ty sẽ phải cổ phần hóa trong năm nay là: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor), Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).. đã có một số “ông lớn” khác tiến hành IPO và có những kết quả khá bất ngờ.

Viglacera và màn khởi đầu “buồn”

Cuối tháng 2 vừa qua, Tổng công ty Viglacera đã bán đấu giá hơn 76,9 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần. Tuy vậy, chỉ có 19,47 triệu cổ phần đấu giá thành công trên 19,48 triệu cổ phần được đăng ký mua. Trong đó, có quá nửa là cổ phần trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài với số lượng là 10,1 triệu cổ phần.
Cổ phần Viglacera chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư khi mà giá đấu thành công bình quân chỉ đạt 10.301 đồng/cổ phần, không nhỉnh hơn giá khởi điểm là bao.
Vậy là, ¼ cổ phần của Viglacera chỉ có giá hơn 200 tỷ đồng.

Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng: Không ai trả giá cao hơn?

Ngay sau Viglacera, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng cũng đã chào bán hơn 7,13 triệu cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm thấp hơn là 10.200 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, chỉ có hơn 896 nghìn cổ phần của Tổng công ty được bán thành công, chiếm 12,56% lượng chào bán. Đã không có bất kỳ sự trả giá nào cao hơn cho cổ phần của Tổng công ty, mức giá đặt mua thấp nhất và cao nhất đều bằng với giá chào bán là 10.200 đồng/cổ phiếu. Với giá này, tổng giá trị huy động được của Tổng công ty khiêm tốn ở mức 9,14 tỷ đồng.

VMTS: Chưa bao giờ hấp dẫn

Ngày 26/2, Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ Vinacomin (VMTS) đã tiến hành đấu giá 2,69 triệu cổ phần, chiếm khoảng 17,96% cổ phần.
Mặc dù lượng chào bán thấp so với mặt bằng chung nhưng sự hấp dẫn của cổ phần Vinacomin dường như là con số 0 khi chỉ có 321.500 cổ phần bán ra thành công trong ngày đầu tiên. Theo báo cáo, có 2 tổ chức, cùng với 6 cá nhân đăng ký mua vào cổ phần công ty này.
Mặc dù đã có chút kỳ vọng của nhà đầu tư với cổ phần công ty khi đẩy giá đặt mua lên 10.500 đồng/cổ phần, nhưng giá đấu thành công bình quân của Vinacomin chỉ đạt 10.002 đồng/cổ phần.

Viwaseen: Chỉ bán được 4,2% lượng đăng ký

Đăng ký chào bán 22,48 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 28,1% vốn hiện thời nhưng Tổng công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) mới chỉ bán ra thành công hơn 945 nghìn cổ phần trong ngày 5/3.
Mặc dù được biết đến là công ty có gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường, từng tham gia vào nhiều công trình trọng điểm quốc gia nhưng cổ phần Viwaseen vẫn chưa cho thấy sự hấp dẫn của mình khi mà giá đấu thành công bình quân đạt 10.202 đồng/cổ phần, không nhỉnh hơn giá khởi điểm là bao.

Hancorp: Tự tin IPO với hơn 2 triệu m2 đất?

Trước ngày bán đấu giá cổ phần ra công chúng, đã có không ít thông tin cho rằng cổ phần Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) sẽ có sức hút hơn, đồng thời, chính Tổng công ty này cũng tự tin trước ngày đấu giá khi nắm trong tay hơn 2 triệu m2 đất – một con số không hề nhỏ.
Nhưng, kết quả chào bán cổ phần lần đầu của Hancorp ngày 10/3 lại như một đòn giáng xuống sự “tự tin” của Tổng công ty này.
Với 49,74 triệu cổ phần đăng ký bán đấu giá, chiếm 26,18% vốn điều lệ công ty, Hancorp mới chỉ bán thành công 1,57 triệu cổ phần trong ngày 10/3 và thu về 16,07 tỷ đồng, giá đấu thầu thành công bình quân là 10.201 đồng/cổ phần.
Một điểm “thảm” khác khi Hancorp IPO là không có nhà đầu tư tổ chức nào và đặc biệt không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia chào mua cổ phần Tổng công ty này.
Trên đây là 4 doanh nghiệp lớn nhất trong tổng số 11 doanh nghiệp nhà nước đã IPO từ đầu năm đến nay. Với các doanh nghiệp khác, tình hình chào bán lần đầu ra công chúng cũng không đạt được kết quả cao:

Nguồn: HNX/BizLIVE

Các Cienco và các tổng công ty vận tải: Chờ đợi và hi vọng

Các công ty con của Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông (Cienco) sẽ lần lượt IPO vào cuối tháng 3 này. Tuy lượng cổ phần chào bán tương đối lớn nhưng mức giá khởi điểm của cổ phần các Cienco đều ở ngưỡng 10.000 đồng/cổ phần.
Ngày 21/3 tới đây, Cienco 6 sẽ bán đấu giá lần đầu ra công chúng 60 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 30,6 triệu cổ phần, tương đương 51%, hơn 657 nghìn cổ phần được bán cho cán bộ công nhân viên, còn 28,72 triệu cổ phần sẽ được đấu giá công khai.
Cùng vào ngày này, Cienco 1 sẽ chào bán 16,18 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.
Vào ngày 24 và 25 sau đó, Cienco 5 và Cienco 4 sẽ lần lượt tiến hành đấu giá cổ phần. Cụ thể, Cienco 5 bán đấu giá 14,21 triệu cổ phần, chiếm 32,38% vốn. Cienco 4 sẽ đấu giá 16,12 triệu cổ phần, tương đương 26,87% vốn.
Ngoài ra, vào ngày 26/3, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cũng sẽ IPO với việc chào bán 2.600.300 cổ phần, tương ứng 20,8% vốn điều lệ dự kiến, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.
Nằm trong danh sách các tổng công ty bắt buộc phải cổ phần hóa trong năm 2014, Vinamotor cũng sẽ tiến hành IPO vào ngày 27/3 tới đây. Được đánh giá là có triển vọng chỉ sau cổ phần của Vietnam Airlines, nhưng hiện Vinamotor vẫn đang trong quá trình bàn bạc và tìm đối tác chiến lược.
Dù được nhiều kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh IPO “thảm bại” của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước từ đầu 2014 đến nay, trong đó có cả các doanh nghiệp đầu ngành như Viglacera hay Hancorp, liệu các Cienco và tổng công ty giao thông vận tải khác có IPO thuận lợi như mong đợi?
Tất cả vẫn còn đang trông chờ vào tình hình thị trường sắp tới!
THEO BIZLIVE

Không có nhận xét nào: