Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Khủng hoảng Ukraine và Đế quốc Nga

Kính Hòa, phóng viên RFA

000_TS-Par7808025-305.jpg

Những người đeo mặt nạ nói tiếng Nga không xác định thuộc lực lượng nào giữ một lá cờ Nga trước Cơ quan Công đoàn ở Simferopol, trung tâm hành chính Crimea, Ukraine hôm 01/03/2014.
AFP PHOTO/GENYA SAVILOV

Kính Hòa, phóng viên RFA

Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.

Sự tham gia của tôn giáo

Kính Hòa: Diễn đàn bạn trẻ hôm nay thảo luận một sự kiện đang là thời sự lớn trên thế giới là tình hình Ukraine, với sự tham dự của bạn Ngọc Nhi từ Brisbane nước Úc, cùng với Nhật từ Đà Nẵng và Ngọc từ Vĩnh Long. Nhật và Ngọc đã từng thảo luận trên diễn đàn này về sự kiện tượng Lenin ở Kiev bị giật đổ cách đây vài tháng. Từ đó đến giờ, lại có nhiều tượng Lenin hơn nữa bị giật đổ. Chắc là các bạn đều có theo dõi tình hình thời sự, thì tùy cái góc nhìn của mình ở trong nước hay nước ngoài, đọc báo trong nước , hay nước ngoài, hay báo trên mạng mà các bạn có thể có các góc nhìn khác nhau, đánh giá khác nhau.
Có thể là chúng ta nhường lời đầu tiên cho bạn Nhật.
Nhật: (cười) Sao lại em?… Em thấy tình hình Ukraine diễn ra cũng giống một số nơi trước kia như mùa xuân Ả Rập. Hay là xa hơn là cách mạng Cam hơn một thập kỷ trước, hay là các nước Đông Âu. Bắt đầu bằng những cuộc biểu tình rồi chống chính phủ, có màu sắc bạo lực, rồi sau đó là lật đổ chính quyền đương thời, thả tù chính trị mà những người này có khả năng nắm quyền trong tương lai. Rồi dự báo là có những bất ổn trong tương lai, tranh giành quyền lực giữa những thế lực cũ và mới, trong và ngoài nước. Em thấy không có gì bất ngờ lắm.
Kính Hòa: Còn cái nhìn từ nước ngoài?
Tình hình chính trị, tôn giáo ở Ukraine hiện rất là khủng hoảng và khác với việc thay đổi chính quyền trước đây, lần này có cả tôn giáo.
-Bạn Ngọc
Ngọc Nhi: Dạ em thấy nó hơi khác những cuộc cách mạng trước kia. Ví dụ như là sự tham gia của những người trong tôn giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo. Và ngoài ra tổng thống Nga là ông Putin cũng tham dự vào. Quốc hội Nga đã cho phép mang quân vào Ukraine trên danh nghĩa là bảo vệ người Nga ở đó nhưng sẽ khiến tình hình rối hơn nhiều.
Kính Hòa: Còn Ngọc thì thấy thế nào?
Ngọc: Dạ em cũng đồng tình với bạn Ngọc Nhi rằng tình hình chính trị, tôn giáo ở Ukraine hiện rất là khủng hoảng và khác với việc thay đổi chính quyền trước đây. Lần này có cả tôn giáo để lật đổ chế độ cộng sản cũ của Nga nên thu hút rất nhiều người. Rồi Nga lại lo sợ nên muốn đưa quân đội vào nước này.
Kính Hòa: Xin nhắc với các bạn là cuộc cách mạng tại Ai cập trước đây cũng có sự tham gia của tôn giáo là tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Nhưng mà lúc nãy Ngọc có nói tới chuyện đánh đổ cộng sản, nước Nga bây giờ đâu phải là cộng sản?
Ngọc: Dạ đúng là như vậy, nhưng em muốn nói tới cái việc giật đổ tượng Lenin là muốn đánh đổ chủ nghĩa cộng sản đã thâm nhập vào nước này, và họ muốn thay đổi một nền chính trị đã lỗi thời rồi, không thể cải tiến được nên họ muốn đánh đổ đi.

000_Par7797118-305.jpg
Biểu tình tại thủ đô Kiev, Ukraina hôm 19/02/2014.
Kính Hòa: Hai bạn còn lại có ý kiến gì không?
Nhật: Em thì em nghĩ khác về cái việc đánh đổ tượng Lenin. Có một số thông tin nói về một vị tướng Liên Xô giúp giải phóng dân Ukraine… (cười) “giải phóng” trong ngoặc kép. Việc đánh đổ tượng Lenin là khước từ ảnh hưởng của Nga hơn là chuyện ý thức hệ.
Ngọc Nhi: Em thì em thấy cả hai. Ukraine sau khi độc lập với Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, thì tuy rằng họ không theo thể chế cộng sản như ngày xưa nữa, nhưng những người đang nắm quyền hiện nay được đào tạo từ chế độ cũ, nên họ vẫn có cách suy nghĩ và lối làm việc như dưới chế độ cộng sản.
Trên danh nghĩa là đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nga nhưng các bức tượng ấy vẫn còn, và không ít thì nhiều thì vẫn bị ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản. Cho nên việc người dân giật sập tượng Lenin để nói rằng họ muốn đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản.

Tranh chấp Đông Tây?

Kính Hòa: Liên bang Nga hiện nay không theo chủ nghĩa cộng sản nhưng hình như người ta vẫn coi nó là cái gì đó đại diện cho chủ nghĩa cộng sản, các bạn có thấy vậy không?
Ngọc: Dạ…
Ngọc Nhi: Dạ em cũng thấy vậy vì họ vẫn theo cái khuynh hướng độc tài. Khó mà trong một sớm một chiều mà thay đổi tư tưởng, ý thức của mình.
Kính Hòa: Ngọc lúc nãy định nói gì phải không?
Còn em thì em nhìn trên cái góc rộng hơn. Đó là sự tranh chấp Đông Tây. Giữa Tây Âu và khối phía Đông. Chuyện tranh chấp này đã có lâu trong lịch sử rồi.
-Bạn Nhật
Ngọc: Dạ em cũng có những suy nghĩ về nước Nga và cũng thấy những điều như bạn Ngọc Nhi nói.
Nhật: Còn em thì em nhìn trên cái góc rộng hơn. Đó là sự tranh chấp Đông Tây. Giữa Tây Âu và khối phía Đông. Chuyện tranh chấp này đã có lâu trong lịch sử rồi. Ví dụ như khi một vị Nga Hoàng là Peter xây dựng một nước Nga hùng mạnh, thì sự trỗi dậy của nước Nga mới là một cái gai nhọn đối với Tây Âu, cản trở sự phát triển của Tây Âu. Cộng sản hay không cộng sản thì chỉ là một phần trong sự tranh chấp Đông Tây, và hiện nay Ukraine đang kẹt chính giữa.
Kính Hòa: Chúng ta phát triển thêm cái ý của bạn Nhật rằng cộng sản hay không cộng sản thì chỉ là sự tranh chấp Đông Tây. Thế thì tại sao người Ukraine có ngôn ngữ và văn hóa rất gần với người Nga, vậy nếu như nói sự tranh chấp Đông Tây là quan trọng thì đáng ra người Ukraine phải theo những người anh em gần gủi với họ chứ?
Ngọc Nhi: Nhưng mà Nga vẫn theo chế độ độc tài. Người dân thì không muốn điều đó, họ muốn làm chủ.
Anh nghĩ tại sao họ không theo Nga mà lại muốn đi theo phía Tây Âu hơn?

000_DV1676715.jpg
Lực lượng vũ trang nói tiếng Nga tuần tra bên ngoài sân bay Simferopol, Crimea, Ukraine hôm 28/02/2014.
Kính Hòa: Câu hỏi dành cho Nhật! (cười)
Nhật: (cười) Em nghĩ là câu hỏi này sẽ đi trước câu hỏi mà anh Kính hòa sẽ đặt ra là tại sao Việt nam và Trung quốc đồng chủng đồng văn mà lại có những mâu thuẫn… (cười)
Kính Hòa: Chưa hỏi nhưng vậy thì nói luôn đi.
Nhật: Thì tất nhiên Nga là một quốc gia rất lớn, ở gần nước nhỏ là Ukraine thì chắc chắn Ukraine bị ảnh hưởng rồi. Nhưng sự ảnh hưởng đó không quyết định cái khuynh hướng chính trị. Ngay trong Ukraine cũng có chia rẽ, một bên ủng hộ Nga, một bên ủng hộ Tây Âu. Nhưng có một chuyện chắc chắn là dù ủng hộ bên nào thì họ cũng phải ủng hộ những giá trị phổ quát của nhân loại là quyền con người.
Kính Hòa: Như vậy thì các bạn đều đồng ý là mối quan hệ chủng tộc không quan trọng bằng những giá trị dân chủ?
Ngọc Nhi: Dạ đúng.
Nhật: Dạ.
Ngọc: Dạ đúng và em cũng muốn nói thêm là nếu những nước nhỏ như Ukraine hay những nước khác cạnh Nga mà theo Nga thì đã không có những xâm phạm, như là hồi năm 2008 họ tấn công Gruzia, rồi Abkhazia…
Nhật: Nam Osetia…
Kính Hòa: Mình thấy thế này không biết có đúng không. Nước Nga họ giống như một Đế quốc trước đây chứ không phải dựa trên nền tảng của những quyền lực mềm?
Nhật: Dạ đúng! Họ dùng sức mạnh quân sự chứ không phải sức mạnh kinh tế, sức mạnh văn hóa. Sự quay lại của Nga thể hiện mình là cường quốc là như vậy. Sức mạnh văn hóa và kinh tế của họ không đủ để các lân bang khuất phục.
Ngọc: Giống như là Nga đang chứng tỏ họ mạnh về quân sự, cũng như một sự độc quyền từ trước đến giờ. Họ ỷ mình là nước lớn, hay xâm phạm nước nhỏ, chứ không thể thuyết phục các nước láng giềng nhỏ bé xung quanh theo họ.
Kính Hòa: Nhưng cho mình có một phản biện như thế này. Nếu nói về can thiệp quân sự thì Mỹ cũng là một quốc gia hay mang quân can thiệp quân sự ra nước ngoài.
Ngọc Nhi: Dạ cái sự khác nhau là Mỹ can thiệp quân sự để ổn định tình hình quốc gia đó. Giúp cho quốc gia đó thành lập chính quyền mới của mình. Tình hình ở quốc gia đó ổn định thì Mỹ rút quân về.
Nhật: Em nghĩ thì Mỹ rất là khôn. Một tay bằng sắt, một tay bọc nhung. Lúc đầu có thể dùng bàn tay sắt để thành lập một chính quyền như mong muốn, sau đó dùng các sức mạnh mềm khác để hướng chính quyền đó theo ý muốn chứ không cần duy trì một quân đội thường trực trên một đất nước khác. Mỹ rất là giỏi trong chuyện đó. Trong khi Nga và Trung quốc thì không đủ sức mạnh mềm nên dùng quân sự, mà quân sự thì hay gây ra sự phản kháng của các người bản địa, cuối cùng gây ra sự xáo trộn rất là lớn ở những xã hội đó.
Kính Hòa: Vì thời gian có hạn nên diễn đàn tạm dừng nơi đây. Mời các bạn tiếp tục theo dõi phần tiếp theo của cuộc thảo luận của bốn chúng tôi về những vấn đề có liên quan đến sự kiện Ukraine này trong chương trình lần sau.
Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặcvietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đếnhttps://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn
.

Không có nhận xét nào: