Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Ls Trần Hồng Phong - Mất Gạc Ma, ai có lỗi?

Mỗi năm cứ đến tháng 2, tháng 3, mỗi người Việt Nam không thể không nhớ về hai trận chiến với quân Trung Quốc xâm lược: chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 và trận đánh ở Trường Sa, tại 3 đảo Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma. Mà kết quả là chúng ta đã mất Gạc Ma vào tay Trung Quốc, dù các chiến sỹ hải quân Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh vô cùng dũng cảm.

Lịch sử Việt Nam từ khi Đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo đất nước, sự kiện mất lãnh thổ (đảo Gạc Ma) là điều chưa từng xảy ra trước đó (không kể sự kiện Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, trong thời kỳ chính quyền Miền Nam quản lý). Trong suốt khoảng 1.000 năm sau khi thoát khỏi ách đô hộ của giặc phương Bắc, Việt Nam chỉ có mở mang bờ cõi. Chứ chưa bao giờ bị mất lãnh thổ.

Tôi đã đọc nhiều bài viết, xem nhiều hình ảnh về trận đánh ở đảo Gạc Ma sáng ngày 14-3-1988. Như mọi người VN, tôi tự hào và hết sức xúc động, nhưng cũng luôn cảm thấy xôn xang khi thấy hình ảnh các chiến sỹ của chúng ta trên đảo Gạc Ma, tay nắm chặt tay nhau thành một hàng dài, nước biển ngập ngang bụng, quyết giữ lá cờ Tổ quốc và lần lượt gục ngã trước những loạt đạn đại liên tàn bạo của bọn Trung Quốc từ tàu chiến bắn vào.

Một câu hỏi không thể không đặt ra và cũng không phải của riêng tôi: tại sao các chiến sỹ của ta không bắn trả vào kẻ thù, nhất là khi chúng đã nã đạn vào ta trước và đang tấn công lên bờ, chiếm đảo Gạc Ma? 

Tôi tin chắc rằng bộ đội ta không bắn trả hoàn toàn không phải vì không có vũ khí trong tay, hay sợ hãi. Mà nhiều người nói rằng sở dĩ bộ đội ta không bắn trả vì các anh được lệnh không được nổ súng (!?). Thực hư của việc này chưa bao giờ được làm sáng tỏ.

Theo một nguyên tắc thông thường, dù không hiếu chiến, nhưng chúng ta không thể sợ hãi và đặc biệt không thể không đánh trả, không nổ súng khi kẻ thù tấn công xâm lược lãnh thổ nước ta. Trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, việc đấu tranh trên bàn ngoại giao thì không có tiếng súng, nhưng trên chiến trường không thể không đánh trả, không nổ súng. Nếu không, thì chẳng nước nào cần có quân đội, cần sản xuất hay trang bị vũ khí làm gì.

Từ xưa người Việt đã có câu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Năm 1946, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.”

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, quân và dân ta nếu không đánh trả, không bắn vào lũ xâm lược thì liệu có đuổi chúng ra khỏi biên giới hay không?

Tôi không nói nếu bộ đội ta nổ súng thì sẽ bảo vệ được đảo Gạc Ma. Nhưng nếu quả thực có người nào đó đã chỉ đạo bộ đội không được nổ súng kể cả khi giặc đã bắn và tiến công chiếm đảo, thì cần phải xem xét, làm sáng tỏ tính hợp lý hay bất hợp lý của mệnh lệnh này.

Thời điểm đó, đại tướng Lê Đức Anh đang là Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Vậy, ông có biết hay có liên quan gì đến việc chỉ đạo bộ đội không bắn trả quân Trung Quốc xâm lược tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 hay không?

Theo quan điểm của tôi, bất luận thế nào, thì việc mất đảo Gạc Ma vào tay Trung Quốc rõ ràng là một thất bại, ít nhất về mặt quân sự. Việc mất Gạc Ma trên thực tế đã làm thay đổi, tạo ra một cục diện hoàn toàn mới về bố trí lực lượng, ảnh hưởng đến chiến thuật, chiến lược bảo vệ lãnh thổ tại biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng.

Trung Quốc từ chỗ không có gì đã có được một “chiến hạm nổi” cắm ngay giữa và chen vào khu vực lãnh thổ của Việt Nam. Từ đó, dẫn đến việc Trung Quốc có thể dễ dàng hơn rất nhiều trong việc đưa tàu chiến vào khu vực hoặc mở rộng quy mô quân sự tại khu vực này. Lấy ngay Hoàng Sa làm ví dụ. Nay từ chỗ là của Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa, xây dựng sân bay, hải cảng ở đây – trực tiếp đe dọa đến an ninh, quyền lợi kinh tế biển của dân tộc ta.

Việc mất đảo Gạc Ma có thể xem là một thất bại về mặt quân sự hay không? Nếu vậy, sử sách đã ghi nhận gì về thất bại này? Bài học kinh nghiệm nào được rút ra?

Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy, là vì trong sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam hiện nay, hầu hết các trận đánh thắng của quân đội ta, dù quy mô và mức độ ác liệt, hay thậm chí là ý nghĩa lịch sử không bằng trận Gạc Ma, nhưng đều được phân tích, chỉ ra nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm (do tài lãnh đạo của Đảng, tinh thần chiến đấu dũng cảm, khối đoàn kết quân dân …vv). Vậy trận Gạc Ma thì sao?

Suốt 26 năm qua, chưa bao giờ thấy Đảng và Nhà nước nói một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm về việc mất Gạc Ma. Theo tôi, ít nhất là Bộ trưởng quốc phòng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc mất đảo Gạc Ma.

Mới đây đầu tháng 3-2014, tôi có đọc bài báo “Lời hứa của tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa lớn” đăng trên báo điện tử Vietnamnet. Theo đó, được biết năm 1988, đại tướng Lê Đức Anh có chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa lớn. Tại đó, đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu khá đặc biệt. Nói đặc biệt là bởi vì ngoài việc động viên và kêu gọi bộ đội kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ - điều hiển nhiên tất yếu, thì tướng Lê Đức Anh đã dành rất nhiều câu chữ (hơn ¼ bài phát biểu) để ca ngợi Trung Quốc! Cụ thể đại tướng Lê Đức Anh đã phát biểu như dưới đây:

“Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

“Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ”.

“Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước”.

Nếu như bài phát biểu đó vào thời điểm sau những năm 1990, sau khi Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thì không có gì để nói.

Nhưng tại thời điểm năm 1988 đó, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vẫn còn khá căng thẳng, dư âm của cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 vẫn còn rất lớn. Khi đó, tôi đang học ở một trường đại học tại TP.HCM, tôi còn nhớ rất rõ nội dung bài học chính trị quân sự cho sinh viên xác định rõ “Trung Quốc là kẻ thù trước mắt” của Việt Nam. (Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng qua báo chí giai đoạn này).

Chính vì vậy, theo tôi việc Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam hết lời khen ngợi Trung Quốc tại thời điểm đầu năm 1988 là bất thường. Hay ít nhất là không phù hợp, một cái nhìn chủ quan và phiến diện về Trung Quốc. Thực tế cho thấy ngay sau đó Trung Quốc đã tấn công và chiếm đảo Gạc Ma của chúng ta. (Nếu so sánh với lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng năm 1979, kêu gọi và phản đối quân Trung Quốc xâm lược thì thật là khác nhau một trời một vực).

Thiết nghĩ lịch sử cần được ghi nhận một cách chính xác và khách quan. Chính nhờ sự chính xác của lịch sử, mà ngày nay chúng ta biết đời nhà Trần có chuyện đại thần Trần Ích Tắc phản bội theo giặc, có chuyện vua Trần triệu tập Hội nghị Bình Than mời bô lão cả nước tham nghị việc hòa hay chiến với giặc Nguyên. Hay chuyện vua Lê Chiêu Thống vì muốn giữ ngai vàng đã rước giặc Thanh vào Thăng Long…

Lịch sử và sự phát triển của bất kỳ dân tộc nào, hiển nhiên sẽ luôn có những sự việc mà hậu thế sẽ đánh giá là “đúng”, hay “sai”, đối với cá nhân thì là “công” hay “tội”.

Hiện nay, Trung Quốc đã và đang gây ra những ảnh hưởng có thể nói là rất mạnh và toàn diện vào đất nước Việt Nam. Người “lao động” Trung Quốc ngày càng nhiều và có mặt khắp nơi trên đất nước ta, kể cả ở những nơi có vị trí nhạy cảm, xung yếu về quân sự, gây nên mối lo ngại về việc hình thành những làng, những khu phố Trung Quốc trong tương lai. Hãy hình dung như trường hợp bán đảo Crimea ở Ukraine những ngày qua, khi người dân nơi đây với số đông là người gốc Nga bỗng dưng đòi tách ra khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga. Và Nga thì đem quân tới chiếm đóng, nhiệt liệt ủng hộ những người ly khai. Nhiều người Việt Nam đã công khai bày tỏ sự lo ngại.

Thực tế, ngay tại Việt Nam từ sau năm 1975 cũng đã từng có ít nhất 2 cuộc “đấu tranh” hay “bạo động” của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đòi thành lập nhà nước độc lập. Về lý thuyết, pháp luật cho phép người dân bầu ra người lãnh đạo tại địa phương, ngược lại lãnh đạo có nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho những người bầu ra mình. Gần đây, chúng ta thấy có chuyện “tranh cãi” giữa Quảng Nam và Đà Nẵng về chuyện thủy điện, giữa Đồng Nai với Bộ TNMT về chuyện đường vận chuyển bô xít. Đó là những minh họa rất rõ ràng về sự tiềm ẩn xung đột quyền lợi mang tính sắc tộc, địa phương.

Trong khi chúng ta cần nhớ rằng Trung Quốc luôn là nước gây căng thẳng và có chiến tranh biên giới với rất nhiều nước láng giềng như với Liên Xô (những năm 1960), Ấn Độ, hay Việt Nam (năm 1979)… Và tới nay chưa bao giờ ngưng căng thẳng biên giới với Nga, Ấn Độ.

Trong sự kiện mất đảo Gạc Ma, liệu có bao giờ những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước tự hỏi vì sao? ai có lỗi gì?

Trần Hồng Phong
 
(Quê choa)

Không có nhận xét nào: