Pages

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Lương thấp vẫn tậu biệt thự khủng, siêu xe: Tiền ở đâu ra?

(VTC NEWS) - 'SOI' TÀI SẢN KHỦNG CỦA ÔNG TRUYỀN, NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI ĐẶT CÂU HỎI TIỀN Ở ĐÂU RA KHI MÀ LƯƠNG CÔNG CHỨC CHỈ Ở MỨC “CHẾT ĐÓI”? 

Mới đây, dư luận xôn xao bàn tán về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ.

Liên quan tới vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

- Ông có bình luận gì về khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ?
trần quốc thuận vtc
 Ông Trần Quốc Thuận 

Lâu nay người ta vẫn không ngừng bàn tán về vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Việc tài sản của họ không được công khai, không được kiểm tra thường xuyên đã trở thành tâm điểm của dư luận.
Tôi nghĩ không chỉ riêng mình ông Truyền, trong phạm vi cả nước còn có nhiều người thuộc diện đáng phải xem xét. Đó là một dấu hiệu không bình thường. Dấu hiệu không bình thường đó đã được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4.

Cụ thể, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái tư tưởng, thoái hóa, tham nhũng.

- Theo ông, nguồn gốc khối tài sản “khủng” ấy có gì bất thường không? 

Với trường hợp ông Truyền, tôi cho rằng nếu tài sản không làm rõ ràng nguồn gốc thì người ta sẽ nghĩ tới chuyện tham nhũng. Muốn biết khối tài sản ấy ở đâu ra thì phải mở một cuộc điều tra chứ không thể võ đoán.

Đành rằng không phải cứ nghèo mới là đồng cảm với dân. Không nên vội kết luận ngay như thế!

Tuy nhiên, gia đình ông Truyền nói rằng một “cô em kết nghĩa” đã cho ông tiền để làm ngôi biệt thự đó, lại còn mang cả số gỗ cực quý mà cô đã mua từ Quảng Nam, định để làm nhà vườn cho mình vào, để ông làm thêm mấy cái nhà gỗ, cho biệt thự thêm phần hoành tráng. Ông ấy cũng nói do con ông ấy mở đại lý bán bia nên mới kiếm được bộn tiền…

Vậy thì phải xem xét cụ thể việc bán bia đó mang lại lãi bao nhiêu cho gia đình này? Đem số lãi đó so với tổng giá trị tài sản mà hiện ông Truyền đang sở hữu sẽ ra kết quả ngay. Còn về cô em kết nghĩa kia, cũng phải xem cô ta là ai? Đã và đang làm gì mà có thể cho “ông anh” số tiền lớn đến thế?

Tóm lại, muốn biết nguồn gốc khối tài sản đó phải có thẩm định, kiểm tra.

- Không ít cựu quan chức, thậm chí quan chức cũng vin vào sự giàu có của anh em, họ hàng để được công khai tậu nhà lầu, xe hơi bạc tỷ. Theo ông, lý giải như thế có chấp nhận được không? 

Ở Việt Nam, có những người sở hữu khối tài sản hàng trăm, nghìn tỷ đồng, nhưng có vấn đề gì đâu vì họ công khai nguồn gốc tài sản đó và đã có người thẩm tra, kiểm tra. Còn với một số người, nếu họ làm giàu giỏi thế sao không chỉ cho nhân dân cách làm giàu đi? Bí mật làm chi?

Chẳng nói đâu xa, ngay ở trong văn phòng quốc hội, trước đây tôi từng nghe có người mua nhà trị giá gần 100 tỷ đồng. Ai cũng biết, nhưng đâu thấy ai bàn tán về chuyện đó? Nếu cứ thuận theo lẽ tự nhiên, dư luận sẽ đặt câu hỏi, tiền ở đâu ra khi mà lương thì ở mức “chết đói”?

Lấy ví dụ gần gũi hơn, lương thì thế, nhưng bây giờ hầu hết các cán bộ, công chức ở cấp trung ương đều đi ô tô, ở nhà lầu còn gì. "Tiền ở đâu ra?" đó là câu hỏi mọi người phải cùng trả lời.

- Rõ ràng khối tài sản kếch sù đó hiện hữu, công khai từ nhiều năm nay. Thế nhưng tại sao chỉ đến khi báo chí vào cuộc, người ta mới mở một cuộc thanh, kiểm tra? 

Lương thấp vẫn tậu biệt thự khủng, siêu xe: Tiền ở đâu ra?
Biệt thự của ông Truyền ở Bến Tre 

Như tôi đã nói nhiều lần, cái đáng nói nhất ở vụ lùm xùm này là việc kê khai tài sản phải công khai, minh bạch. Nếu người ta là lãnh đạo trong phạm vi một phường, một xã thì phải công khai cho dân trong phường, xã đó biết. Tương tự đối với lãnh đạo huyện, tỉnh.
Với lãnh đạo cấp cao hơn, lãnh đạo của cả đất nước này thì phải công khai cho Quốc hội, toàn dân biết như các quốc gia khác. Tức là theo tôi không chỉ công khai tài sản của cán bộ, công chức ở một số cương vị nhất định như hiện nay.

Bây giờ người dân biết nhiều thông tin lắm rồi, nhưng nếu công khai sớm hơn thì sẽ không có nhiều bất ngờ và cũng không phải giải trình nhiều khi người dân phát hiện ra.

- Ai cũng biết lương cán bộ, công chức mức tối đa và mặt bằng chung ra sao. Trên thực tế, mức sống của họ vẫn là điều đáng mơ ước và một bộ phận không nhỏ thậm chí còn tậu được nhà lầu, xe hơi trong “chớp mắt”. Ông có thấy vậy không? 

Ngày tôi chưa nghỉ hưu, tôi từng nói rất nhiều về chuyện khoán. Không chỉ khoán xe mà còn khoán cả nhà cửa. Chẳng hạn mỗi “ông lớn”, ta cứ mạnh dạn chi cho họ 100 triệu đồng/tháng đi. Với 100 triệu đồng/tháng, tính ra cả nhiệm kỳ ông ấy mới chỉ nhận được 6 – 7 tỷ đồng thôi chứ có nhiều đâu.

Trong 6 -7 tỷ đồng đó, ông ấy có thể ăn tiêu một phần, còn 3 – 4 tỷ đồng để mua nhà cửa, xe cộ… thì ai bàn tán gì? Thế nhưng, giờ ông nào cũng than làm bạc mặt cả tháng mà chỉ kiếm được hơn chục triệu đồng thôi.

- Tức là việc trả lương chưa tương xứng với sức lao động, “chất xám” họ bỏ ra? 

Tôi nghĩ thể chế, cơ chế trả lương như thế là chưa ổn. Rõ ràng không nên cào bằng tất cả. Nên công khai, minh bạch về vấn đề lương, thu nhập thì sẽ không xảy ra những chuyện như trên.

- Vì lương thấp nên người ta mới tham nhũng? 

Không phải cứ trả lương cao là hạn chế được nạn tham nhũng. Thực tế lương thấp không phải là nguyên cớ dẫn tới chuyện tham nhũng, mà chỉ gây nhũng nhiễu là chính.

Ví dụ, anh em cảnh sát giao thông họ đứng phơi nắng như thế, nếu có người vi phạm vượt đèn đỏ chẳng hạn có khi nộp phạt 50 – 100 nghìn đồng là được đi luôn. Cái đó gọi là nhũng nhiễu gây khó chịu, chưa gây tai hại lớn.

Tuy nhiên, có những người tham nhũng tiền tỷ, gây thiệt hại hàng tỷ USD mà không ai động tới trong khi người dân chỉ biết chê trách mấy anh cảnh sát giao thông kia. Không đáng!

- Quan chức cứ phải giản dị, thậm chí nghèo khó mới đồng cảm với dân? 

Đó là hai chuyện khác nhau. Với cơ chế bây giờ không tham nhũng mới là lạ bởi vì dễ tham nhũng quá!

Chỉ cần giá xăng dầu lên xuống một chút, doanh nghiệp biết trước vài giờ là họ găm hàng, biết để đâu cho hết tiền? Rồi nhập khẩu, xuất khẩu… cũng thế.

- Vậy theo ông, cần làm gì để dư luận không phải đặt dấu hỏi về tài sản “khủng” của các vị lãnh đạo, cựu lãnh đạo? 

Theo tôi, việc kê khai tài sản phải được công khai rộng rãi và phải có thẩm tra, thẩm định tài sản đó khi có đơn tố cáo.

- Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào: