Pages

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Nga cảnh báo Mỹ và phương Tây

Nga nói với Hoa Kỳ rằng quyết định trừng phạt Nga của phương Tây vì vấn đề Crimea là không thể chấp nhận được và sẽ "mang lại hậu quả".

Việc này xảy ra vài giờ sau khi lãnh đạo Nga và Crimea ký hiệp ước cho phép Crimea gia nhập Liên bang Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra cảnh báo trên trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Cử tri trên bán đảo này đã lựa chọn tách ra khỏi Ukraine trong cuộc trưng cầu ý kiến gây tranh cãi hôm Chủ nhật 16/3.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với BBC rằng hiệp ước vừa ký đã có hiệu lực.
Phóng viên BBC Richard Galpin tại Moscow nói rằng hiệp ước này còn phải được tòa án hiến pháp Nga chuẩn thuận và thông qua Quốc hội, thế nhưng gần như chắc chắn là sẽ được các dân biểu ủng hộ.

'Lựa chọn dân chủ'

Vào thứ Hai, Hoa Kỳ và EU đã ra lệnh trừng phạt đối với một số quan chức Nga và Ukraine bị cho là liên quan tới hành động của Nga tại Crimea.
Sau khi ký hiệp ước hôm thứ Ba 18/3, Nhà Trắng nói các biện pháp trừng phạt sẽ còn được mở rộng.
Phó Tổng thống Joe Biden cáo buộc Nga là "cướp đất".
Sau khi ông Lavrov nói chuyện với ông Kerry, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo viết: "Các cư dân của cộng hòa Crimea đã đưa ra lựa chọn dân chủ của mình đúng với luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hiệp Quốc, mà Nga thừa nhận và tuân thủ".
"Lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ và EU đưa ra là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn tới hậu quả."
Tuy nhiên bộ này không nói đó là các hậu quả gì.
Sau đó ông Kerry cảnh báo rằng bất cứ việc xâm lấn nào của Nga vào khu vực đông Ukraine đều sẽ là hành động "vô cùng sai lầm".
Ông nói thêm: "Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra".
Hôm 18/3, ông Putin cũng nói lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ bị coi là hành động gây hấn và Moscow sẽ trả thù.
Căng thẳng vẫn lên cao xung quanh tình hình Crimea

'Căng thẳng lên cao'

Trong khi căng thẳng lên cao, quân đội Ukraine nói rằng một quân nhân của họ bị sát hại trong một cuộc tấn công vào căn cứ ở thủ phủ Crimea Simferopol.
Cùng lúc đó, chính quyền thân Kremlin cũng nói một lính của họ thiệt mạng trong cùng vụ trên.
Chính phủ Kiev cho hay đã ra lệnh cho quân lính bắn lại để tự vệ.
Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatsenyuk nói tại một cuộc họp khẩn: "Cuộc xung đột đang chuyển từ giai đoạn chính trị sang quân sự".
"Lính Nga bắt đầu bắn vào binh lính Ukraine và đây là tội ác chiến tranh."
Phóng viên BBC Mark Lowen tại Simferopol nói hiện đang có quan ngại rằng sẽ còn có các cuộc đụng độ khác nữa.
Trong bài phát biểu của mình tại Điện Kremlin hôm 18/3, ông Putin nói với Nghị viện Nga rằng Crimea "luôn luôn là một phần của Nga" và việc ký kết hiệp ước vừa qua của ông là để khắc phục "sự bất công của lịch sử".
Sau đó ông xuất hiện trước đám đông ở Quảng trường Đỏ và tuyên bố: "Crimea và Sevastopol đang quay trở về với đất mẹ, về với bến cảng quê hương, về với Nga".
Tổng thống tạm quyền của Ukraine Olexander Turchynov nói hành động của Nga gới nhớ việc Đức Quốc xã chiếm Áo và vùng Sudetenland.
Khủng hoảng Ukraine bắt đầu tháng 11 năm ngoái sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bác thỏa thuận với EU nhằm phát triển quan hệ thân cận hơn với Nga.
Ông chạy khỏi Ukraine hôm 22/2 sau các cuộc biểu tình làm hơn 80 người chết.
Các dân quân thân Nga sau đó đã chiếm kiểm soát Crimea, vốn thuộc về Ukraine từ 1954 nhưng có dân số chủ yếu là người Nga.
Cảng Sevastopol là nơi Nga đặt hạm đội Hắc Hải.

Không có nhận xét nào: