Trong tuần qua, khi tin tức về sự ra đi đột ngột của ông Phạm Qúy Ngọ, Thượng tướng UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chưa chấm dứt, thì trên các báo chính thống và mạng xã hội ở Việt Nam đang nổ ra tranh luận về tài sản của ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng CSVN, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ (giai đoạn 2007-2011) đã nghỉ hưu.
Điều đáng chú ý là hai vụ việc trên đều liên quan đến lĩnh vực bảo vệ pháp luật và thanh tra, đặc biệt hai nhân vật được nêu tên đều là cán bộ cao cấp trong chính phủ của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều này cho thấy đây là một sự việc khá bất thường, đã khiến nhiều người nghi vấn: "Tự nhiên Báo Người Cao tuổi cho đăng tin ấy để làm gì?". Có lẽ Báo Người Cao tuổi chắc chắn là không phải đăng tin động trời như thế để chơi, trong lúc sự mất lòng tin của dân chúng vào chính quyền đang tăng cao. Và cho đến thời điểm này Tổng biên tập Báo Người Cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa vẫn khẳng định, báo Người Cao Tuổi có đủ cơ sở về những vấn đề đã nêu liên quan đến khối tài sản của ông Trần Văn Truyền.
Ông Trần Văn Truyền và tòa biệt thự gây sóng gió |
Tiết lộ chết người
Bắt đầu từ bài báo "Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự?" đăng trong mục "Thư giãn cuối tuần" trên Báo Người Cao tuổi ngày 21.02.2014. Theo nội dung bài báo cho biết, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng… Đồng thời bài báo này cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ngoài số tài sản trên ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh. Đó là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng…
Chắc chắn không ít người sẽ tự hỏi vậy tổng số tài sản hiện có của ông Trần Văn Truyền là bao nhiêu khi mà số tài sản nổi của ông kể trên chắc chắn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Và một điều khẳng định nếu đó không phải là phần thu nhập bất minh thì rất khó mà ông Truyền có thể giải trình được. Cho dù ông Truyền là một viên chức chính phủ cao cấp thì các khoản thu nhập cũng khó có thể chứng minh. Vì "Theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, với mức lương Bộ trưởng, phải dành dụm 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp. Nếu lên chức Bộ trưởng lúc 50 tuổi, thì đến lúc mừng Đại thọ 90 tuổi, ông Bộ trưởng ấy mới mua được căn hộ chung cư thu nhập thấp. Lương của một Tổng thanh tra Chính phủ trên dưới 10 triệu đồng có lẽ phải tằn tiện lắm mới đủ sống trong thời đại mọi thứ đều tăng giá . Hoặc nếu có bỏ dư ra chút đỉnh, thì chắc phải…1.000 năm sau, ông mới có thể xây dựng được một dinh thự như vậy." (Báo Đất Việt)
Điều đó sẽ là một câu hỏi khiến ông Trần Văn Truyền rất khó có thể tìm ra một câu trả lời hợp lý để giải trình nguồn gốc tài sản hiện có của mình. Tuy nhiên việc chứng minh được rằng tài sản của ông Trần Văn Truyền được xây dựng bằng những nguồn tiền bất hợp pháp thì những nghi vấn mới có giá trị, còn nếu không cách đặt vấn đề của Báo Người Cao tuổi là vô nghĩa và không những thế nó còn là sự xâm hại quyền riêng tư của ông Trần Văn Truyền.
Tiền từ đâu ra?
Một điều ai cũng phải thừa nhận là ở cương vị Tổng thanh tra Chính phủ, một chức vụ đứng đầu công tác phòng chống tham nhũng, người có quyền sinh, quyền sát. Từng được ví như Bao Thanh thiên thì chuyện ông Truyền nhận hối lộ để trục lợi và làm sai lệch các vụ việc là một chuyện hết sức bình thường một khi ông không giữ được phẩm chất. Nhưng trong quá khứ công tác chính bản thân ông Trần Văn Truyền không có tì vết, mà đã từng chứng minh bằng hành động đuổi thẳng một người mang một cặp chứa đầy USD có nhã ý biếu ông. Và ông Truyền đã từng khẳng định, riêng đối với những người đang là đối tượng thanh tra của mình thì dứt khoát một xu quà cũng không được nhận và phải xử lý đúng quy định.
Lý giải về khối tài sản của mình đang khiến dư luận xôn xao, ông Trần Văn Truyền thừa nhận với báo chí rằng đúng là có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên thửa đất 16.000 m2 của con trai đã mua từ lâu và bản thân ông đã trực tiếp cải tạo từ những thửa ruộng nhiễm phèn. Cũng theo ông Truyền, đồ đạc trong nhà là do ông tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì ông mang đồ đạc đến. Và ông Truyền khẳng định không có chuyện ông có cái giường ngủ của vợ chồng có giá vài tỉ đồng.
Điều đáng chú ý là khi giải thích về tiền để xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Truyền cho báo chí biết: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.
Hiện tượng hầu hết các quan chức nhà nước có cuộc sống xa hoa với những tài sản nổi là các dinh thự có giá trị từ vài chục đến vài trăm tỷ là hiện tượng phổ biến. Và hầu như đã trở thành thời trang thời thượng để chứng tỏ đẳng cấp của các cán bộ lãnh đạo. Các hình ảnh thông tin trên mạng về đám cưới của con trai Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ gần đây hay thông tin về biệt thự, nhà vườn của gia đình ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương và ông Trần Văn Truyền đã phần nào cho thấy. Song điều nguy hiểm là những vụ việc này không được quan tâm đúng mức và có biểu hiện tránh né và bao che. Cho dù việc xã minh những người em kết nghĩa tốt bụng kia là điều hoàn toàn không khó. Nhưng cuối cùng các vụ việc đó cũng bị chìm xuồng, những người liên quan thì vô can, điều đó đã và đang trở thành những tiền lệ xấu.
Cần phải làm rõ
Trong thời gian qua nếu để ý sẽ thấy có nhiều tờ báo tham gia đưa tin về nội dung điều tra nguồn gốc các tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ, bên cạnh đó là một vài tin tức có ý kiến mang tính bênh vực và bảo vệ cho ông. Ngay sau khi có ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị Ban Nội chính TW vào cuộc để làm rõ vấn đề này, thì lập tức có ý kiến phản bác cho rằng đây là việc của Ủy ban Kiểm tra TW chứ không phải việc của Ban Nội chính. Đáng chú ý là chiều ngày 28/2, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng .2014, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trước câu hỏi về việc xử lý thông tin liên quan đến ông Trần Văn Truyền cho rằng: "Chuyện này khó mà trả lời được vì theo quy định, Chính phủ cũng không có nhiệm vụ như vậy. Chúng tôi chưa có thông tin nào ngoài thông tin báo chí".
Tuy nhiên, nói về vụ việc này, theo Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết có không ít vụ án hình sự về hành vi tham nhũng bị phát hiện truy tố và xét xử về hành vi đưa, nhận hối lộ dưới hình thức “quà biếu” với giá trị rất lớn, đặc biệt lớn. Trường hợp của ông Trần Văn Truyền là một người có chức vụ cao trong bộ máy thanh tra Chính phủ được quà tặng có giá trị đặc biệt lớn từ "em kết nghĩa" là điều bất bình thường, có thể xem điều đó có dấu hiệu vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự theo điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù đã về hưu. Và theo quy định của pháp luật, cán bộ về hưu vẫn phải có nghĩa vụ báo cáo về việc nhận quà tặng có giá trị rất lớn như thế theo quy định của Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg. Mặt khác nếu việc cho tặng tài sản thuộc trường hợp mà pháp luật không cấm nhưng chưa được ông Truyền kê khai và nộp thuế thì ông Truyền vẫn phải bị truy thu thuế.
Hiện nay cho dù Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng, là công cụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm cho bộ máy quản lí Nhà nước trong sạch, minh bạch. Song trong giai đoạn lãnh đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Thanh tra Chính phủ đã có nhiều sai sót trong việc thanh tra các tập đoàn, tổng công ty thuộc sở hữu của nhà nước. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát và đổ vỡ của Vinashin, Vinalines... Qua đó cho thấy, có thể đây là việc châm ngòi tiếp trong cuộc chiến đấu đá nội bộ lãnh đạo cao cấp đang ở hồi gay cấn. Có thể cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là một hướng đột phá mới trong một lời khai (có thể) của tử tù Dương Chí Dũng trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Một cách lấp chỗ trống ở phút thứ 89 của Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh, để đối phó khi đầu mối Phạm Qúy Ngọ đã "vô tình" bị loại bỏ một cách hợp lý theo kiểu "chết một người cứu muôn người" để tiếp tục tìm bằng được ai là kẻ đóng vai trò ông trùm.
Từ lời giải thích cho rằng tiền làm nhà do một người em kết nghĩa biếu cũng đã làm cho người ta không thể không nghĩ đến "ông anh" Phạm Qúy Ngọ của tử tù Dương Chí Dũng, cựu TGĐ Vinalines. Người đã bị chính Dương Chí Dũng tố cáo trước Tòa đã từng nhận từ y khoản tiền hối lộ 20 tỷ VNĐ và 510.000 USD. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao các quan chức cao cấp lại có những em út tốt bụng như thế? Và không biết các em út của họ làm gì mà giàu thế để có thể có tiền để "biếu" cho các ông anh kết nghĩa những khoản tiền từ hàng trăm ngàn đến cả triệu đô la Mỹ? Có lẽ nào cô em kết nghĩa của ông Trần Văn Truyền ở Quận 9 lại có thể là một trong những đồng chí chưa bị lộ của Dương Chí Dũng?
Diễn biến khá nhanh
Hiện nay trong đảng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang muốn khẳng định mình thông qua nỗ lực thúc đẩy chống tham nhũng bằng các biện pháp khác nhau, trong đó việc sử dụng Ban Nội chính để giải quyết các đại án tham nhũng. Khi tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ Hà nội ngày 06.12.2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Nhưng tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến. Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”.
Đó cũng có thể là lời giải thích vì sao sau một hồi im tiếng, ngày 28.02.2014 Báo Người Cao tuổi lại tung ra bài viết "Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, Khóa XI: Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ". Theo đó bài báo cho biết "Trong lịch sử 68 năm (23/11/1945 – 23/11/2013) ngành Thanh tra Chính phủ có lẽ ông Tổng TTCP Trần Văn Truyền (nhiệm kì 2007 – 2011) là vị “Tư lệnh ngành” chiếm kỉ lục, giành ngôi “quán quân” về làm công tác cán bộ trước khi về hưu. Chỉ trong một thời gian ngắn ông kí ồ ạt quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ (và tương tương), nhiều người không có quy hoạch…". Và cũng theo Báo Người Cao tuổi đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền khi không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người. Đáng chú ý trong số các cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đó đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III, v.v…
Đáng chú ý là thông tin mới về cựu Tổng Thanh tra Chính phủ được đưa ra cùng ngày với việc Tỉnh ủy Bến Tre vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên một số tờ báo. Điều này khiến cho người ta nhớ tới việc gần đây trả lời phỏng vấn của TTXVN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh cần phải làm mọi cách cho người ta không dám tham nhũng: "Tốt nhất là đừng để nó xảy ra; phải tìm cách ngăn chặn, răn đe trước, làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng... Còn khi đã xảy ra rồi thì phải kiên quyết xử lý; xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp. Xử lý nghiêm cũng là biện pháp phòng tích cực."
Kết:
Vấn đề các tài sản nổi của Ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ đã và đang làm nóng dư luận, cũng vì ông là người đứng đầu cơ quan điều tra và xử lý tham nhũng của Chính phủ. Song trái lại, ông Truyền cũng cho thấy có dấu hiệu nhận quà biếu “khủng” một cách không bình thường, thì việc cần có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng để sự việc được minh bạch hơn là vấn đề cần thiết. Nếu ông Truyền đủ cơ sở để chứng minh và giải thích nguồn gốc của khối tài sản hiện có của mình là hợp pháp thì coi như ông được minh oan. Ngược lại, nếu không đủ cơ sở chứng minh thì có lẽ không thể để lọt lưới pháp luật nhằm răn đe và phòng ngừa chung, nhất là đại nạn tham nhũng bùng phát như bệnh dịch hiện nay, không thể để tham nhũng có chốn dung thân đối với bất cứ ai, bất kỳ cương vị nào thì xã hội sẽ an tâm hơn.
Tuy nhiên do sự tồn tại của thể chế chính trị hiện tại, cùng với sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN trong tất cả mọi lĩnh vực xã hội dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc. Các quan chức ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương thi nhau tham nhũng xà xẻo của công. Đây cũng chính là cơ hội cho những người làm công tác chống tham nhũng như cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thả sức tiếp tay cho các đối tượng chạy án để làm giàu. Điều đó cho thấy cần phải phát huy vai trò phòng chống tham nhũng của báo chí, được coi là cơ quan quyền lực thứ tư. Nhưng vấn đề cần thiết nhất vẫn là phải có một tỏ chức chống tham nhũng độc lập không chịu sự chi phối của cơ quan đảng.
Cho dù dư luận xã hội đòi hỏi cần phải khẩn trương làm rõ nguồn gốc các dinh thự nổi của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền để trả lời công luận cộng, với sự nỗ lực của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Nội chính TW. Song người ta cũng ít có hy vọng, bởi một thực tế ở Việt nam, đã là quan chức thì tay ai cũng đã dính chàm vì có cán bộ nào mà không tham nhũng?
Rồi vụ việc này cũng đi theo vết xe đổ: Chìm xuồng và hòa cả làng.
Ngày 01 tháng 03 năm 2014
© Kami
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét