Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Venezuela: Một trăm ngày đơn độc

SANTIAGO – Khi bạo lực bùng phát ở Kiev và những người biểu tình bắt đầu bị chết dưới bàn tay của chính phủ thì Liên minh châu Âu lập tức đe dọa trừng phạt các quan chức của Ukraina về “trách nhiệm sử dụng bạo lực quá mức”.

venezuela-protest

Trong khi đó, Tổng thống Viktor Yanukovych bỏ chạy khỏi thủ đô Kiev, để lại đằng sau một dinh cơ vĩ đại – và các bộ trưởng ngoại giao của Đức, Pháp, và Ba Lan đã bay sang Ukraina với nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại nước này.

Nhưng khi bạo lực cùng lúc bùng lên ở Venezuela và người biểu tình bắt đầu bị chết dưới bàn tay của chính phủ Maduro thì Tổ chức các nước châu Mỹ (Organization of American States – OAS) lên tiếng thông báo rằng … họ sẽ không lên tiếng. OAS nêu rằng tình hình tại Venezuela sẽ tự nước này dàn xếp và quyết định. Thủ đô Caracas cũng không thấy bóng dáng các bộ trưởng ngoại giao nào từ các nước Mỹ Latinh lân cận – và chắc chắn rằng những nhân vật này cũng không lên tiếng tố cáo các vụ đàn áp và yêu cầu chính phủ Venezuela chấm dứt tình trạng bạo lực đang ngày trở nên trầm trọng. Trong khi đó, số lượng nạn nhân thiệt mạng đang ngày càng tiếp tục gia tăng.

Sự tương phản này làm nổi bật những gì mọi người đã biết: các tổ chức tại khu vực Mỹ Latinh hiện rất yếu – thậm chí còn yếu hơn cả các nước ở châu Âu. Nhưng việc này cũng cho thấy một sự thật khác: một lô-gic quanh co về mặt đạo đức trong việc lên án các chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo tiếp tục giữ im lặng khi đối mặt với sự xâm lược, đàn áp, và thậm chí sự sống còn của người dân tại đây; bởi bất kỳ sự lên tiếng nào cũng đều bị chính phủ Caracas gán là “can thiệp” vào công việc nội bộ của nước khác.

Lâu nay tình hình tại đây không phải như vậy. Cách đây không lâu ở châu Mỹ Latinh, cuộc sống và các quyền tự do được coi là quyền phổ quát và được các nước trong khu vực bảo vệ tối đa.

Cha tôi là một luật sư người Chile và là nhà hoạt động nhân quyền. Nhà lãnh đạo độc tài Augusto Pinochet đã đuổi cha và gia đình chúng tôi ra nước ngoài. Tôi buộc phải dành thời niên thiếu và tuổi trưởng thành lưu vong ở nước ngoài, chia sẻ những hy vọng và nỗi sợ hãi cùng với người nước ngoài khác đến từ Chile, Argentina, Brazil, và Uruguay. Không ai trong chúng tôi – và không còn ai trên đất Mỹ Latin – có thể nghi ngờ rằng bảo vệ nhân quyền là trách nhiệm của tất cả mọi người, và rằng cộng đồng quốc tế nên lên tiếng mạnh mẽ đối với các chính phủ đàn áp và giết người dân của họ.

Ở các nước độc tài Chile thời Pinochet hay Argentina thời Jorge Rafael Videla, bất cứ ai lên tiếng chỉ trích chính phủ đều bị cáo buộc là thành viên của phong trào cộng sản quốc tế. Ngày nay ở Venezuela dưới thời Tổng thống Nicolás Maduro, bất cứ ai than phiền về bạo lực ở nước này đều bị gán là phát xít hay tay sai của đế quốc Mỹ. Tất cả mọi thứ đã thay đổi nhưng cùng lúc tất cả mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn.

Một số ý kiến cho rằng tình hình ở Venezuela phải để người dân Venezuela tự lo lấy. Vấn đề là một số người Venezuela không thể tự diễu hành một cách ôn hòa trên các đường phố mà không bị bắn hoặc đe dọa tính mạng. Một số người dân Venezuela không thể nói chuyện một cách tự do với những công dân của họ bởi vì các đài truyền hình đều bị [chính quyền] bịt miệng hoặc phá sóng.

Và một số người dân Venezuela cũng không thể chắc chắn rằng các quyền lợi của họ sẽ được tôn trọng đứng mức. Các chức vụ như trưởng công tố viên, các thành viên thuộc ủy ban bầu cử quốc gia và các thẩm phán tòa án tối cao đều đã mãn nhiệm kỳ nhưng cho tới nay vẫn chưa có người thừa kế, bởi vì Tổng thống Maduro không sẵn sàng đàm phán với phe đối lập và Quốc hội thì lại không đủ hai phần ba đại biểu để bầu những nhân vật mà Maduro đề cử.

Người dân Venezuela không muốn gì hơn ngoại trừ quyền tự quyết định vận mệnh của chính mình nhưng các phương tiện dân chủ để làm như vậy cũng đều bị ngăn cản. Thậm chí, một trong những nhà lãnh đạo đối lập chính hiện nay, ông Leopoldo Lopez, đã bị chính quyền Maduro bắt với cáo buộc tội “kích động tội phạm”.

Cho đến nay, nhiều ý kiến cho rằng những người biểu tình Ukraina khó có thể tồn tại khi đối mặt với cơn bão bạo động từ phía chính phủ nếu như không có sự đoàn kết và hỗ trợ từ phía bên ngoài. Trường hợp này cũng tương tự như hoàn cảnh ở Venezuela. Trong những trường hợp này, nguyên tắc tự quyết – điều mà nhiều vị bộ trưởng đã lên tiếng – bỗng dưng trở thành một khẩu hiệu sáo rỗng.

Có lẽ một trong điều buồn nhất là phản ứng đến từ liên đoàn sinh viên tại Đại học Chile. Họ sử dụng ngôn ngữ mà đã làm nhiều người nhớ lại thời Stalin vào thập niên 1950, liên đoàn – gồm những người đã lãnh đạo sinh viên biểu tình phản đối đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục ở Chile – lên án đối tác của họ ở Venezuela đã cố gắng “bảo vệ lề lối trật tự cũ” và “làm chệnh hướng mà người dân đã chọn”.

Vấn đề chính của lập luận này là “nhân dân” không tự nhiên đại diện cùng với một giọng nói và lời nói của họ cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Để tìm ra thực sự người dân muốn gì và để đáp ứng cho phù hợp thì các nền dân chủ đều có các thủ tục cần thiết, các quyền đó được bảo đảm trong hiến pháp cũng như các quyền cá nhân được tôn trọng. Nhưng khi các điều kiện này không còn được chính quyền tôn trọng – như trường hợp đang xảy ra ở Venezuela hiện nay – thì mọi người có thể không có tiếng nói tự do và cũng không thể chọn hướng đi cho đất nước mình.

Việc này chẳng khác gì tranh luận rằng các hành động của Tổng thống Maduro là hợp pháp vì ông lên nắm quyền thông qua một cuộc bầu cử tự do. Một nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ chỉ có thể duy trì tính chính danh nếu người đó cư xử một cách dân chủ sau khi lên nắm quyền.

Như giáo sư Georgetown Hector Schamis gần đây nhớ lại, António de Oliveira Salazar ở Bồ Đào Nha, Alfredo Stroessner ở Paraguay, và Suharto ở Indonesia lên nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử nhưng không có cuốn sách sử nào trên thế giới công nhận họ là các lãnh đạo dân chủ cả. Thậm chí, cả ông Yanukovych cũng đã giành được chiến thắng thông qua bầu cử nhưng ông sẽ được mọi người trên thế giới nhớ đến bởi những hành động đổ máu mà ông ấy gây ra ở Kiev, tiếp theo một nền kinh tế Ukraina bên bờ vực phá sản, và tất nhiên, lòng tham mà ông vơ vét được qua hình ảnh vườn thú tư nhân và gara đầy xe Ferrari.

Người dân Venezuela, cũng như người dân Ukraina, nên biết rằng họ không đơn độc. Cuộc đấu tranh dân chủ của họ là cuộc đấu tranh của tất cả mọi người. Nhân dân ở Mỹ Latinh biết như vậy, ngay cả khi các lãnh đạo của họ không sẵn sàng nói ra những điều này.

Thanh Ngân chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Andrés VelascoProject Syndicate 

Andrés Velasco từng là ứng cử viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính của Chile, hiện là giáo sư ngành phát triển quốc tế tại Trường Quốc tế và Thông tin thuộc Đại học Columbia. Ông đã từng giảng dạy tại Đại học Harvard và Đại học New York, và là tác giả của nhiều chương trình nghiên cứu về kinh tế và phát triển quốc tế.

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào: