Lý Phi
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội
Năng lực thông hành đường bộ như một dòng chảy. Hệ thống, mạng lưới hoạt động vận tải xe buýt hiện nay trong thành phố như những con đê chắn ngang liên tục nối tiếp nhau ngăn chặn dòng chảy đó.
Để tăng khả năng thông hành chính là tăng sự ổn định của dòng xe di chuyển, nhưng thực tế quỹ đạo chuyển động trên đường hàng ngày của lực lượng xe buýt hiện tại luôn băm nát, xé vụn dòng xe lưu thông trên đường dù có lúc chỉ đưa, đón một hoặc vài người khách.
Hệ lụy đau buồn diễn ra hàng ngày nhiều năm qua gây nên bởi chất lượng, tai nạn giao thông trong việc vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt luôn là đề tài nóng bỏng, gây nhiều bức xúc và được xã hội quan tâm, phản ánh, bởi nó mang lại nhiều ảnh hưởng đến thời gian, công việc, ô nhiễm, đe dọa
Xe buýt được cho là kỳ vọng khuyến khích phát triển, giảm ùn tắc giao thông vốn đang bế tắc bởi sự khập khiễng của tỷ lệ diện tích sử dụng phục vụ đường giao thông đang nhỏ hơn 2% trên diện tích chung - cũng có nghĩa chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu giao thông của các thành phố lớn, chưa kể dân số nhập cư tăng nhanh đến chóng mặt.
Nhưng thực tế nhiều năm liền cái vòng luẩn quẩn này không được quan tâm, cải thiện hợp lý và hầu như đành chấp nhận cùng sống chung với xe buýt coi như một “giải pháp tinh thần”.
Tai nạn giao thông
Nhiều người nhận định tai nạn liên quan đến xe buýt so với các loại phương tiện khác là không nhiều, thậm chí còn ít hơn so với sử dụng phương tiện khác.
Nhưng người ta không hiểu rằng Việt Nam đã đứng đầu thế giới về tai nạn giao thông do xe buýt gây ra, và thay vì dùng so sánh để hài lòng thì nên tìm nhiều biện pháp hữu hiệu giải quyết xung đột giữa các loại xe trên các làn xe dẫn đến ách tắc, tai nạn giao thông trực tiếp, gián tiếp mà chính thủ phạm là xe buýt gây nên.
Giao thông đường bộ Việt nam đa số là tổ hợp tất cả các loại xe nhiều kích cỡ tạo nên dòng di chuyển, muốn quẹo trái được buộc xe máy phải phạm luật tách làn, cắt vài làn xe khác từ xa.
Xe buýt thì ngược lại, tách làn tấp vào lề bên phải vào điểm đỗ liên tục tạo nên dòng xe chồng chéo không kiểm soát, làm giảm hẳn vận tốc lưu thông của dòng di chuyển, gây tai nạn giao thông nhiều chính là rơi vào trường hợp đặc biệt của sự chen lấn, va quẹt thường xuyên, bị động mà người dân tham gia giao thông phải sống chung với nó.
Người Việt chống chế bằng các trang bị phụ trợ bao bọc quanh phương tiện, tăng kích thước để tránh trầy xước tài sản từ những va chạm trên đường hàng ngày.
Người dân gọi xe buýt với hỗn danh “hung thần”, là “bóng ma”gây ám ảnh hay kinh hoàng hầu hết cho những người cùng tham gia giao thông với nó.
Người đi xe máy có thể bị hỗn loạn tâm lý vì tiếng còi thét bất chợt vô bổ phía sau của xe buýt mà phía trước họ thì kẹt xe không có ngõ thoát. Người đi xe máy luôn phải chủ động nhường đường cho xe buýt và am hiểu quỹ đạo hoạt động của nó.
Dùng thành xe buýt để ép các phương tiện khác vào lề khi đón khách, ép ra tim đường khi di chuyển tiếp, tăng tốc, vi phạm tốc độ quy định khi thuận lợi để bù thời gian là cách vận hành của xe buýt hiện tại, còn không tai nạn ắt dễ đến với họ. Chưa kể nạn giành khách vượt nhau của các xe buýt nơi đông đúc, chật hẹp thật nguy hiểm khôn lường.
Giải pháp
Hoạt động xe buýt trong thành phố nên xác định tiêu chí khai thác những đoạn mặt đường đủ rộng, bố trí hợp lý luồng, làn xe buýt là giải pháp thiết thực cho giao thông công cộng hiện tại, tập trung phục vụ số đông những người có lộ trình thường xuyên, nơi đi, nơi đến là những trung tâm thương mại, công sở, dịch vụ, văn hóa, trường học, bệnh viện.
Nên bố trí xe buýt và các xe ưu tiên theo làn riêng cho những tuyến đường rộng phù hợp, xây dựng trạm ở giải phân cách giữa đường và hành khách ra vào trạm bằng cầu vượt đi bộ như mô hình xe buýt lâu đời nhưng rất hiệu quả ở thành phố Jakatar.
Bố trí đường một chiều có làn xe buýt riêng và trạm lên xuống phù hợp ở những vị trí đường nhỏ để tránh xe buýt cắt ngang những làn xe khác. Xây dựng cầu cạn phù hợp những đoạn tuyến dành riêng xe buýt nếu được.
"Giải pháp xe buýt là khuyến khích phát triển, giảm ách tắc, giảm tai nạn giao thông chứ không phải để xóa đói giảm nghèo hoặc thực hiện bằng mọi giá, mọi nơi trong thành phố."
Chờ đợi đủ điều kiện, đủ cơ sở hạ tầng mới thay đổi đồng bộ là điều không thể đối với tình trạng chung về kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay.
Giải pháp xe buýt là khuyến khích phát triển, giảm ách tắc, giảm tai nạn giao thông chứ không phải để xóa đói giảm nghèo hoặc thực hiện bằng mọi giá, mọi nơi trong thành phố.
Phải loại bỏ ngay những tuyến xe buýt chạy nhan nhản khắp đường nhỏ ngõ hẹp chỉ gây thêm ùn tắc, va quẹt, tai nạn. Không nên tồn tại giải pháp nhồi nhét phản khoa học, ảnh hưởng lợi ích giao thông chung, ảnh hưởng sức khỏe, nguy hiểm tính mạng, tài sản người dân, gây quá nhiều phiền hà trong sinh hoạt hàng ngày toàn xã hội.
Hãy tạo dựng xe buýt là liều thuốc kháng sinh có liều lượng và phát đồ điều trị “chứng viêm nhiễm” ùn tắc giao thông, phục vụ dân sinh.
Đừng quá lạm dụng ý nghĩa của xe buýt là “phương tiện vận chuyển công cộng tối ưu” để cố giữ lấy vòng luẩn quẩn, thiếu thực tế đang biến xe buýt thành hung thần hàng ngày đe dọa sinh mạng cộng đồng.
Phải biết rằng tổ chức, cơ cấu lại hoạt động các phương tiện giao thông vận tải, luồng, làn hợp lý trong thành phố là thiết thực. Phản ánh nhiều và thực hiện là hai phạm trù còn xa rời lắm ở Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Lý Phi, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét