Cảnh sát Thái Lan đã dùng vòi rồng và hơi cay bắn vào những người biểu tình tại Bangkok, hai ngày sau khi tòa án truất quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Hàng trăm người biểu tình đã tổ chức tuần hành bên ngoài một tòa nhà công sở trong thành phố.
Người biểu tình muốn chính phủ phải ra đi và hệ thống chính trị phải được cải tổ.Bà Yingluck bị yêu cầu phải từ chức hôm thứ Tư.
Ít nhất năm người đã bị thương bên ngoài Trung tâm Hành chính, nơi họ cố giật đổ các rào chắn bê tông có chăng dây thép gai ở trên, hãng tin Associated Press nói.
Tờ báo Thái, The Nation tường thuật rằng những người biểu tình cũng tìm cách chiếm các đài truyền hình và buộc họ phải phát đi các tuyên bố của mình. Cảnh sát trang bị thiết bị chống bạo động đã đóng bên ngoài các đài này.
Người biểu tình, hầu hết đều từ giới trung lưu và thượng lưu đô thị, nói rằng chính phủ của bà Yingluck bị anh trai bà, cựu lãnh đạo bị lật đổ Thaksin Shinawatra, điều khiển.
Họ nói tiền của gia đình Shinawatra đã làm hỏng nền dân chủ Thái Lan và nay họ muốn có một "hội đồng nhân dân" không qua bầu chọn.
Tuy nhiên, đảng Pheu Thai của bà Yingluck vẫn rất được lòng dân ở các vùng nông thôn. Người ta trông đợi là đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm được tổ chức hồi tháng Hai vừa qua, là sự kiện đã bị người biểu tình gây gián đoạn và sau đó bị tuyên bố vô hiệu.
Chính phủ tạm thời của đảng bà Yingluck vẫn nắm quyền và nói họ đang hướng tới kỳ bầu cử ngày 20/7 tới đây.
Quan ngại dịp cuối tuần
Đầu hôm thứ Sáu, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban kêu gọi những người ủng hộ hãy tuần hành ở một số điểm trong Bangkok.
"Chúng tôi sẽ lấy lại quyền chủ quyền, thiết lập chính quyền nhân dân và một hội đồng lập pháp nhân dân," ông Suthep nói khi dần đầu một cuộc tuần hành.
"Chúng tôi sẽ tuần hành tới tất cả các đài truyền hình. Chúng tôi đề nghị người dân thành phố hãy bao vây xe hơi cảnh sát và các trụ sở cảnh sát để chặn việc họ gây hại cho mọi người," ông nói thêm.
Phe "áo đỏ" ủng hộ chính phủ của bà Yingluck thì có kế hoạch biểu tình tại Bangkok vào thứ Bảy.
Sự hiện diện của các lều trại thuộc hai bên kình chống nhau trên đường phố ở thủ đô khiến người ta lo sợ về nguy cơ bạo lực. 25 người đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra chiến dịch biểu tình chống chính phủ hồi tháng Mười Một.
Chính phủ tạm thời, nay do cựu Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan dẫn dắt, nói có kế hoạch làm việc nhằm hướng tới kỳ tổng tuyển cử tháng Bảy, nhưng phe đối lập nói họ sẽ không tham dự kỳ bỏ phiếu này, và việc cải tổ chính trị cần phải được đưa ra trước.
Về bà Yingluck, cơ quan chống tham nhũng của Thái ra phán quyết hôm thứ Năm rằng bà cần phải bị truy tố về chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi.
Vụ việc nay sẽ được biểu quyết tại Thượng viện. Nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong thời gian năm năm.
Hôm thứ Tư, một tòa án Thái ra lệnh bà Yingluck và một số bộ trưởng nội các phải từ chức do các cáo buộc riêng rẽ.
Những người ủng hộ bà Yingluck nói các tòa án đã xử một cách thành kiến đối với bà và đứng về phía giới thượng lưu thành thị, vốn nắm vị trí trung tâm trong phong trào biểu tình hiện nay. Họ coi những hành động trên là một cuộc đảo chính về tư pháp.
Tòa án đã đóng vai trò lật đổ các chính phủ ủng hộ ông Thaksin trước đây.
Hồi tháng 12/2008, một chính phủ của các đồng minh Thaksin bị mất quyền sau khi tòa giải tán đảng phái chính trị của chính phủ đó do gian lận bầu cử, qua đó cho phép phe đối lập thành lập chính phủ mới.
Thái Lan đã rơi vào cuộc giằng giật quyền lực và bế tắc chính trị kể từ khi Thủ tướng Thaksin bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính 2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét