Dân Quyền: Khẩu hiệu và phương châm số 1 của Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự là "Thực thi dân quyền," dân hiểu được các quyền (con người kể cả các quyền dân sự và chính trị) của mình và cứ thế nhất quán thực thi, không đợi ai cho phép, ban phát; nếu chính quyền chưa có luật minh bạch để TẠO THUẬN LỢI cho dân thực hiện quyền của mình thì đó là lỗi của chính quyền. Và với dân như thế, làm thế thì là cách tốt nhất để dân xây dựng chính quyền của mình, cho mình. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết thấm đẫm tinh thần ấy của nhà nghiên cứu Tiêu Dao Bảo Cự từ Đà Lạt.
Diễn tiến trong thái độ của chính quyền đối với vụ tưởng niệm Gạc Ma 14/3 và việc thực hiện kế hoạch chặt 6700 cây xanh ở thủ đô Hà Nội cho thấy hành động của nhân dân đã tác động đến chính quyền.
Sau khi đám “dư luận viên” phá rối vụ tưởng niệm Gạc Ma, khác với sự im lặng hay công khai hỗ trợ hành động phá rối, lần này chính quyền đã lên tiếng phủ nhận việc tổ chức và ủng hộ đám “dư luận viên” thô thiễn, ngu ngốc gây phẫn nộ trong nhân dân; thay vì gọi những người đến tưởng niệm là “bọn phản quốc” như các lần khác, đã tôn vinh họ là “những người yêu nước”. Tương tự, sau việc chặt phá một số cây xanh, chính quyền đã lùi bước trước phản ứng mạnh mẽ và tức thời của nhiều tầng lớp dân chúng trên đường phố và trên mạng xã hội.
Những điều trên làm ta liên tưởng đến câu tổng kết của một nhà tư tưởng: “Nhân dân nào chính quyền ấy”. Nó cũng đánh dấu việc mở đầu một giai đoạn nhân dân chuyển mình đã tác động tích cực lên nhà cầm quyền.
Trên dưới hai thập niên vừa qua, nhiều cuộc chuyển đổi và cách mạng “long trời lở đất” đã xảy ra đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới và các nước có chế độ độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông. Nhiều người đã mơ tưởng đến các loại “cách mạng màu, cách mạng hoa” như ở một số nước nhưng điều đó đã không xảy ra. Tình hình này cũng có thể chứng minh cho cách tổng kết “nhân dân nào chính quyền ấy” ở Việt Nam.
Nhân dân là một từ trừu tượng nhưng lại rất cụ thể. Ai cũng có thể tự xưng nhân dân, nhân danh nhân dân, hô hào nhân dân. Có khi nhân dân im lặng chịu dẫn dắt như bầy cừu nhưng cũng có lúc nhân dân nổi gió dậy sóng. Người xưa cũng đã từng nói “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Trong chiều dài lịch sử của mình, nhân dân Việt Nam có hai đặc tính nổi bật: chịu đựng và phản kháng. Hai đặc tính này luân phiên hay cùng lúc bổ sung cho nhau tùy hoàn cảnh cụ thể. Nếu không rèn đúc được hai đặc tính này, chắc chắn quốc gia Việt Nam đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.
Trong lịch sử thế giới, không ít thí dụ về việc có những chế độ tàn ác được nhân dân ủng hộ, trong một giai đoạn, mà rõ ràng nhất là phát xít Đức và Nhật, đã gây nên thế chiến 2, làm hao tổn bao nhiêu máu xương của nhân loại. Chế độ cộng sản ở Liên Xô và Trung Quốc trước đây cũng thế, cho đến khi nhân dân nhìn ra tai họa tày trời với những tội ác kinh hoàng mà chế độ do chính họ ủng hộ gầy dựng nên đã mang đến.
Từ năm 1975, 40 năm qua, tại sao nhân dân Việt Nam vẫn phải chịu đựng một chính quyền ngày càng tỏ ra tồi tệ, đưa đất nước ngày càng “tụt hậu” thay vì vươn lên sau khi đã chấm dứt chiến tranh và thống nhất. Có người trách cứ, thậm chí nguyền rủa nhân dân chỉ biết hèn nhát cúi đầu. Nhận định về tình hình này là một vấn đề phức tạp trên nhiều lãnh vực, từ nhiều góc độ. Ở đây chỉ xin phân tích về tính chất của nhân dân định hình bởi hoàn cảnh lịch sử hiện nay.
Nhân dân bao gồm tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Khi nói nhân dân ủng hộ, chịu đựng hay phản kháng phải có đại bộ phận nhân dân chứ không phải một vài tầng lớp.
Từ sau 1975 nhân dân Việt Nam có tâm lý và tâm cảnh sau đây: Vui mừng vì đất nước đã hết chiến tranh và thống nhất (trong đó riêng ở Miền Nam, những người có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa lo sợ bị trả thù, phân biệt đối xử và thực tế điều này đã diễn ra). Ngán ngại chiến tranh, xáo trộn. Cốt làm ăn kiếm sống và vươn lên. Hưởng thụ khi có điều kiện. Lo sợ khi gặp rắc rối với chính quyền. Sẵn sàng thỏa hiệp với chuyện hối lộ để được việc, vượt qua rắc rối. Cầu an nên thường tránh xa hay vô cảm với cái xấu, cái ác xảy ra chung quanh hàng ngày.
Riêng đối với trí thức, ở Miền Bắc từ sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm và Xét Lại - Chống Đảng, tinh thần phản kháng hầu như bị thui chột đến mấy thế hệ, ở Miền Nam, do tâm lý và hoàn cảnh bại trận, tinh thần phản kháng cũng nhụt đi nhiều.
Đối với học sinh sinh viên là lứa tuổi trong sáng, giàu lòng phản kháng tự nhiên nhưng chính sách giáo dục nhồi sọ, nô lệ, nặng tính chính trị, cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của toàn xã hội đã làm họ trở nên thụ động và phần đông chỉ biết vâng phục, mong muốn học giỏi, thi đỗ, có việc làm và làm giàu.
Tất cả những điều trên đã làm cho nhân dân cam chịu trước bao nhiêu khó khăn, khổ nhục, bị tước đoạt nhiều thứ tự do nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng trong một thời gian dài, tưởng như toàn xã hội đã tê liệt lòng phản kháng.
Tuy nhiên gần đây tình hình đã thay đổi, những dấu hiệu phản kháng đã bộc lộ và bùng lên nơi này nơi khác với nhiều mức độ khác nhau. Đầu tiên là “dân oan” bị mất đất mất nhà đã đi khiếu kiện, biểu tình, “chống người thi hành công vụ” (thực ra là thi hành “công vụ phi pháp”) và một vài trường hợp đã bạo động. Các tôn giáo bị trù dập, đàn áp cũng có phản ứng tương tự. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả đảng viên phê phán nghiêm khắc chính sách của đảng và nhà nước ngày càng gay gắt. Các blogger, facebooker phần đông là các bạn trẻ, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị, bày tỏ quan điểm trái với chính quyền ngày càng sắc bén, một số nhỏ đã đi vào hành động một cách khôn ngoan, táo bạo. Việc chống lại cảnh sát giao thông, đôi khi ngay cả lúc phạm lỗi, đã trở nên phổ biến, thậm chí có dấu hiệu cực đoan như chửi bới, tông thẳng xe vào cảnh sát là điều trước đây chưa bao giờ có. Hai biểu hiện gần đây của nhiều tầng lớp xã hội là vụ tưởng niệm Gạc Ma và chống chặt cây xanh ở Hà Nội như đã nói trên cho thấy sự chuyển mình của quần chúng từ chịu đựng sang phản kháng.
Sự phản kháng này chỉ có hiệu quả lớn khi đại bộ phận nhân dân tham gia. Các tầng lớp nhân dân không đồng nhất nên phải có sự tác động, kích thích lẫn nhau, đặc biệt trong đó tầng lớp ưu tú có trách nhiệm dẫn dắt và thúc đẩy, lứa tuổi trẻ xung kích tiến lên hàng đầu. Trí thức dấn thân thường đấu tranh vì lý tưởng chứ không vì quyền lợi, tuổi trẻ không ngại hi sinh, không so đo tính toán. Đó hầu như là kinh nghiệm của mọi cuộc cách mạng. Và trong thời đại Internet, thông tin truyền tải tức thời, sự tác động qua lại giữa các tầng lớp càng nhanh lên gấp bội.
Phải chăng đây là con đường, là lối thoát tất yếu cho tình hình Việt Nam? Và có phải đảng – chính quyền đã không học được bài học tự ngàn xưa “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” để đi đến tự hủy?
24/3/2015
Tiêu Dao Bảo Cự
Tiêu Dao Bảo Cự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét