Các bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng Nhật Bản và Mỹ tại cuộc họp công bố định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mới
Điểm quan trọng nữa là những qui định mới này chính thức hóa sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Senkaku, quần đảo do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Văn kiện điều chỉnh hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật được thông qua sau hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước tại New York ngày 28/4.
Thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng song phương lấy cơ sở là nội dung sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa của Nhật đã được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị. Với thỏa thuận mới, quân đội Nhật được phép tham gia vào các chiến dịch quân sự ở bên ngoài đất nước nhằm hỗ trợ các đồng minh.
Với qui định mới về quốc phòng, quân đội Nhật Bản có thể tham gia hỗ trợ quân đội Mỹ trong trường hợp bị nước thứ 3 đe dọa. Cụ thể quân đội Nhật có thể bắn hạ tên lửa được bắn về nước Mỹ ngay cả khi Nhật không phải là mục tiêu.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại New York ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định thỏa thuận mới này không nhằm vào cụ thể Trung Quốc, nhưng ông cảnh báo rằng những hành động của Trung Quốc sẽ mang lại cho họ những hậu quả.
“Những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, như một thí dụ, đã được các nước trong khu vực diễn giải như một nguyên do làm cho họ gia tăng ý muốn trở thành đối tác của Mỹ”- ông Carter nói. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho rằng “giải pháp cho khu vực này là không nước nào ỷ vào sức mạnh để chèn ép nước khác”.
Tuy nhiên, dù nói thế nào thì Trung Quốc cũng phản ứng. Ngày 28/4, trả lời họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Mỹ và Nhật Bản có trách nhiệm đảm bảo rằng liên minh giữa họ sẽ không không được ảnh hưởng đến vị thế của Bắc Kinh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi tuyên bố việc sửa đổi đường lối hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ không làm thay đổi lập trường của Trung Quốc về Điếu Ngư.
Phản ứng trên của Trung Quốc đối với đường lối hợp tác quốc phòng mới Nhật-Mỹ được đánh giá là "nhẹ nhàng một cách bất thường" trái ngược hẳn với những giọng điệu gay gắt trước đây đối với Nhật.
Giải thích sự bất thường trên, chuyên gia Andrei Ivanov của Viện Nghiên cứu Quốc tế Nga cho rằng những thay đổi trong sự hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật dựa trên qui định mới không phải là một việc bất ngờ đối với Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực, vì phần lớn các mục tiêu đã được thảo luận công khai.
Mặt khác, quan hệ Trung-Nhật gần đây đã được cải thiện đáng kể. Có thể xem cuộc gặp Nhật-Trung cấp cao tại Jakarta ngày 22/4 trước ngưỡng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng, xem như là một thành tựu ngoại giao mà cả hai bên, Nhật Bản và Trung Quốc đều sử dụng được.
Có lẽ không ngẫu nhiên mà cuộc gặp Nhật-Trung này đã diễn ra ngay trước chuyến đi của Thủ tướng Abe sang thăm nước Mỹ. Đây không đơn thuần là cuộc gặp để mà gặp theo nghi thức giao tế. Chuyến thăm quan trọng không chỉ đối với sự phát triển quan hệ song phương Nhật-Trung, mà còn phục vụ duy trì quan hệ hòa bình trên toàn Đông Nam Á. Điều đó liên quan cả tới lợi ích của Mỹ, bởi người Mỹ cũng có chiến lược riêng của họ ở châu Á./Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét