Trần Sĩ Chương – Mục tiêu của giáo dục xã hội nên là gì? Là thành nhân, sau đó mới đến thành tài. Phải đặt trọng tâm ở trường phổ thông là giáo dục con người thành nhân với một số kỹ năng rất cơ bản: biết cách học, biết phân tích và phản biện, biết đặt ưu tiên và giá trị của việc học tùy theo khả năng, hoàn cảnh và sở thích của cá nhân.
Nhiều năm nay, ngành giáo dục nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên ở mọi cấp. Những vấn đề tiêu cực trong ngành đang là nỗi bức xúc lớn của xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đặt mục tiêu phòng chống tiêu cực lên hàng đầu như chống gian lận trong thi cử là bệnh thành tích của bộ giáo dục.
Nhưng những hiện tượng tiêu cực chỉ là triệu chứng của những vấn đề lớn hơn. Giáo dục ở nước ta đã lâm vào tình trạng khủng hoảng thì phải có cái nhìn hệ thống để tìm ra cả những nguyên nhân gián tiếp dính dáng tới giáo dục.
Vì vậy, đòi hỏi trước tiên là cần phân tích từ gốc để tìm ra những cái thiếu, những cái sai làm cho sản phẩm giáo dục của chúng ta èo uột… và phải xét từ hai góc độ tư duy và góc độ cơ cấu. Trong giới hạn của bài này, chỉ xin đặt trọng tâm phân tích ở góc độ tư duy hệ thống.
Khi xã hội đã định rõ được và đồng thuận về mục tiêu của giáo dục (nên là gì và tại sao) và xác định được một tư duy hệ thống chuẩn thì bài toán của vấn đề cấu trúc hệ thống sẽ tự nó được giải một cách dễ dàng và hợp lý. Cái đầu có đúng thì cái tay mới có thể làm đúng và có hiệu quả.
Mục tiêu của giáo dục xã hội nên là gì?
Là thành nhân, sau đó mới đến thành tài. Trong hai mục tiêu này, thành nhân phải là mục tiêu chính của phần lớn các công tác giáo dục của xã hội. Phải đặt trọng tâm ở trường phổ thông là giáo dục con người thành nhân với một số kỹ năng rất cơ bản: biết cách học, biết phân tích và phản biện, biết đặt ưu tiên và giá trị của việc học tùy theo khả năng, hoàn cảnh và sở thích của cá nhân.
Giáo dục để thành nhân
Chúng ta lớn lên với những chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chữ Nhân đứng đầu. Hiểu một cách thoáng thì Nghĩa, Lễ, Trí là kiến thức và nguyên tắc sống để thành nhân. Trí để biết sống thế nào là đúng. Lễ để biết cách sống thế nào để làm giàu cái tình, cái Nghĩa. Cái Nghĩa tạo nên cái Tín. Cái Tín là điều kiện cần để các mối quan hệ xã hội đạt hiệu quả tối ưu, từ tình cảm cá nhân đến kinh tế, chính trị.
Như vậy, biết sống đúng vai trò xã hội của mình để được chữ Tín thì mới có được nhân tính tốt. Mẫu số chung trong tất cả các điều kiện để sống đúng là tính trung thực. Sống trung thực là một giá trị đạo đức bất di bất dịch. Sống không trung thực, thì ở bất cứ văn hóa nào cũng đều không đúng lễ, sinh ra bất nghĩa, bất tín, bất nhân.
Vậy chúng ta hãy cùng nhau thẳng thắn nhìn lại xem nền giáo dục nước ta có đào tạo được những sản phẩm biết và đang sống trung thực để thành nhân chưa?
Trước nhất, cần một cách nghiêm túc và sòng phẳng trong cách chúng ta đặt ưu tiên của giáo dục con em chúng ta qua sự đối xử với thầy cô. Chúng ta thờ ơ với sự vô cảm không thể chấp nhận được của xã hội đối với họ. Chúng ta giao cho họ một trách nhiệm cực kỳ lớn mà chỉ với một mức lương không đủ cho họ ăn sáng và đổ xăng đến trường.
Có qua thì có lại, đối xử với người thầy như vậy thì người thầy làm gì có cái nghĩa để làm đúng trách nhiệm của mình? Một khi người thầy không thể làm đúng, không thể sống đúng để làm gương tốt cho con em mình thành nhân thì bàn chi đến vấn đề hiệu quả của việc dạy và học?
Người Mỹ có câu: “Đầu vào là rác thì đầu ra cũng rác” (Garbage in, garbage out). Từ ghế nhà trường đến cuộc sống trong xã hội của chúng ta, chữ Tín đã bị biến dạng tới mức không còn nhận dạng được nữa.
Trò không tin thầy (cháu bé mới tám tuổi đã biết không đi học thêm với thầy thì không làm bài được), làm ăn không tin nhau (một khảo sát quốc tế mới đây cho biết hơn 70% doanh nghiệp trong nước tin tưởng làm ăn với đối tác nước ngoài hơn đối tác trong nước), các tệ nạn xã hội, từ bán độ bóng đá đến tham nhũng, chính sách bất cập đầy rẫy.
Nhà tâm lý học B.F. Skinner đã nói: “Con người là sản phẩm của môi trường”. Giáo dục phải đóng vai trò chủ động tạo dựng môi trường xã hội vì giáo dục có cơ hội tiếp cận với sản phẩm “từ thuở lên ba”.
Một chính sách giáo dục có trọng tâm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín sẽ có tác động cạnh tranh tích cực với môi trường xã hội tiêu cực và phải là điểm khởi động để cải thiện môi trường xã hội. Cái đúng bao giờ cũng là điểm gặp nhau ở cấp độ cao nhất của mọi văn hóa, tư tưởng có giá trị.
Tỷ phú Warren Buffett, người đã cống hiến hầu hết gia tài của mình (trên 30 tỉ USD) cho công việc từ thiện, thường nhắc nhở các sinh viên tốt nghiệp đại học ngày họ ra trường rằng: “Các em cần tính trung thực, sự thông minh và ý chí để thành công. Nhưng nếu các em có tất cả các yếu tố sau mà thiếu yếu tố đầu (trung thực) thì các em sẽ trở thành những người rất nguy hiểm cho xã hội và các em sẽ có khả năng tự hủy diệt”.
“Tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi còn yêu sự thật hơn ông ấy nữa”
Xã hội chúng ta mang nặng tư tưởng Khổng – Mạnh: Quân, Sư, Phụ. Vua cho một môi trường xã hội tốt để sống nên phải trung với Vua; Thầy cho cái đầu để biết sống phải đạo nên phải kính Thầy. Cha mẹ sinh con, cho con thể xác và tình thương để phát triển cái “Nhân” nên phải hiếu để với cha mẹ.
Lâu đời vì áp lực của nhu cầu chính trị, từ các thế lực cầm quyền, người dân dưới văn hóa Khổng Mạnh đã “bị” áp đặt hiểu cái trật tự xã hội theo nghĩa hủ nho: Chấp nhận xuôi tay trung với vua, “bán tự cũng vi sư”, mà đã là sư thì trò không dám phản biện.
Cho nên thầy đọc còn trò chỉ có biết chép và lặp lại khuôn mẫu để trúng ý thầy. Người ta quên cái vế kia của nền văn hóa là Vua phải tốt, phải thương Dân thì Dân mới trung với Vua. Dân có ý thức được giá trị và có khả năng phản biện thì Vua mới được nghe từ Dân.
Triết gia lớn của nền văn hóa phương Tây là Aristote đã nói: “Tôi rất yêu Plato (cùng là một triết gia lớn khác), là ông thầy của tôi, nhưng tôi còn yêu sự thật hơn tôi yêu ông ấy nữa”. Xã hội nào biết quý sự thật, biết đòi sự thật thì xã hội đó mới tiến hóa. Có sự thật (“Chân”) thì mới có cái hay cái tốt (“Thiện”) và cái đẹp (“Mỹ”).
Đòi sự thật là đòi quyền phản biện để cho ra lẽ. Phản biện tức là có sự tranh luận nhằm loại bỏ cái sai và giữ cái đúng, cái hay. Phản biện là làm giàu cho cái “động” tích cực, cần thiết cho mọi tiến hóa của con người, của xã hội. Cái “tĩnh” là cái bảo thủ làm xói mòn, giết chết tính năng động phát triển. Mối nguy hại của cái “tĩnh” là làm cho người ta có một cảm giác an bình giả tạo, phản lại nhu cầu của cái “động” cần thiết.
“Giá trị của giáo dục là người học còn nhớ được cái gì sau khi đã quên hết tất cả”
Giáo trình, cách dạy, cách ra đề thi và từ đó cách học nhồi sọ trong xã hội ta hiện nay không những phản khoa học mà còn phản hiệu quả. Khi người học không có cơ hội phản biện, không được khuyến khích tìm hiểu đến nơi đến chốn thì sẽ không hiểu, không hiểu thì sẽ không biết, không biết thì sẽ không nhớ.
Giá trị cụ thể của một xã hội có nhân tố tốt là gì? Là sự ổn định xã hội từ ý thức tự trọng và tương kính (nhờ mọi người có cái nghĩa và biết lễ), là sự kết hợp hài hòa giữa người với người, giữa người với hệ thống, giữa xã hội và môi trường thiên nhiên, đưa đến kết quả tối ưu trong tất cả các giao dịch xã hội, kinh tế, chính trị (nhờ mọi người có cái trí và cái tín).
Xã hội Nhật Bản là hình ảnh cụ thể của một nền giáo dục tốt. Người Nhật hiểu và hành Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nên dù họ không được đánh giá là dân tộc có tính sáng tạo cao nhưng họ vẫn có thể đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội lớn lao và có một xã hội văn minh, có văn hóa hàng đầu thế giới.
Giáo dục để thành tài. Đó là vấn đề của cái tay. Khi một người đã có văn hóa, biết tôn trọng sự thật và muốn tìm sự thật thì người ấy đã có một tinh thần khoa học, biết nhìn nhận phân tích vấn đề, có một sự chuẩn bị tốt để phát triển bản thân. Phương tiện, khả năng chuyên môn để giải quyết vấn đề chỉ là phần giá trị phụ, vì nếu không có thì cũng có thể đi mua, đi thuê.
Thành nhân là đã giải quyết được phần lớn mục đích thành tài. Với những phương tiện hiện đại của thế giới ngày hôm nay, học để có tài không còn là một thử thách khó khăn, phức tạp như trước nữa. Nguồn thông tin cho bất cứ ngành nghề nào cũng cực kỳ đa dạng, phong phú và dễ dàng tiếp cận.
Một sinh viên, kỹ sư có thể ngồi trước máy tính học để học làm được một trái bom nguyên tử mà không hề phải bước chân ra khỏi nhà. Điều kiện thành công của con người đã trở thành định tính nhiều hơn là định lượng. Mức độ thành công chỉ còn tùy thuộc vào hai yếu tố nữa (cũng định tính) là tư duy tổ chức tốt và tính kiên trì.
Vì vậy, tất cả các đại học hàng đầu thế giới hiện nay khi tuyển sinh chỉ dùng số điểm (học bạ, kỳ thi tuyển) với chỉ số 30-50%, phần còn lại là kinh nghiệm hoạt động xã hội (từ thiện, phi lợi nhuận…), thành tích chứng tỏ khả năng lãnh đạo, khả năng rèn luyện thể dục thể thao, nghệ thuật… Đó là họ tìm giá trị của cái Nhân trong tuyển sinh.
Ý thức tư duy đã rõ ràng như thế. Nếu xã hội đã có sự đồng thuận theo mục tiêu của giáo dục thì vấn đề còn lại là tổ chức cho được một hệ thống cấu trúc để đạt được mục tiêu đó. “Đổi mới” luôn là một quá trình đấu tranh nhọc nhằn để từ bỏ những thói quen, cách sống, cách suy nghĩ, cách làm việc chưa hợp lý. Nhưng xã hội cần phải có một sự lựa chọn dứt khoát để nắm bắt cơ hội thăng tiến, hội nhập thành công vào nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét