Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files
Bị quốc tế liên tục tố cáo, Trung Quốc hôm nay 16/06/2015 xác định rằng dự án cải tạo đảo đá mà họ rầm rộ tiến hành ở vùng quần đảo Trường Sa « sắp » hoàn tất. Tuy nhiên, Bắc Kinh đồng thời khẳng định vẫn tiếp tục xây cất cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo đã bồi xong.
Trong một bản thông cáo báo chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) cho biết là các dự án cải tạo đất của Trung Quốc trên « một số đảo và đá ngầm » ở vùng quần đảo Nam Sa – tên Trung Quốc gọi Trường Sa – đúng theo kế hoạch dự kiến, sẽ được hoàn tất trong những ngày sắp tới đây.
Nhân vật này tuy nhiên không nói rõ là công trình bồi đắp sắp được hoàn tất ở bãi nào trong số bảy bãi ngầm mà Bắc Kinh rầm rộ bồi đắp trong thời gian gần đây.
Vấn đề là bản thông cáo báo chí đã nói thêm là Bắc Kinh, dù không bồi đắp thêm nữa, nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trên các đảo nhân tạo các « cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích đề ra ». Lịch trình xây dựng dĩ nhiên, cũng không được đề cập đến.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói khá nhiều về các mục tiêu được cho là chủ yếu nhằm « đáp ứng các nhu cầu dân sự khác nhau và giúp Trung Quốc hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế ». Thế nhưng mục tiêu quân sự cũng được ông Lục Khảng nhắc thoáng qua khi nói đến việc « đáp ứng nhu cầu quân sự quốc phòng cần thiết ».
Chính mục tiêu quân sự của các cơ sở mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa là vấn đề gây quan ngại. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến các công trình quân sự xây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), đặc biệt là phi đạo dài 3000 mét và hệ thống radar cảnh báo sớm mà phía Mỹ cho là có thể hoạt động ngay từ cuối năm nay.
Và như thông lệ, Bắc Kinh đã khẳng định trở lại rằng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, công việc xây dựng mà họ tiến hành tại Trường Sa hoàn toàn « hợp pháp, hợp lý và chính đáng ».
Quan điểm của Bắc Kinh dĩ nhiên không được các nước khác chấp nhận, đi đầu là Việt Nam, Philippines Malaysia, những quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét