Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong ngày khai mạc Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ Trung 10/7/2013. Ngồi bên là phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương.REUTERS/Yuri Gripas
Hoa Kỳ tuần tới sẽ đón tiếp phái đoàn Trung Quốc đến dự « Đối thoại Kinh tế Chiến lược », một phương cách đề cập đến nhiều vấn đề bất đồng cũng như đồng thuận giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 15/06/2015 thông báo như trên.
Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew trong hai ngày 23 và 24/6 sẽ thay mặt Tổng thống Barack Obama tiếp đón cố vấn Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) vốn có quyền hành lớn về đối ngoại, và Phó Thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) tại Washington. Đây là lần đối thoại Mỹ-Trung thứ bảy, cả bốn nhà lãnh đạo trên đều đã từng họp tại Bắc Kinh năm ngoái.
Về chương trình làm việc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ nêu ra « các thử thách và cơ hội mà hai nước đang đối đầu trên nhiều chủ đề song phương, khu vực và thế giới, với các lợi ích kinh tế chiến lược ngắn hạn và dài hạn ».
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Ba, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, người đã đạo diễn cuộc hòa giải lịch sử Mỹ-Trung trong thập niên 70, hoan nghênh việc hai cường quốc thảo luận « về tương lai của hòa bình và phát triển trên toàn thế giới ». Trên thực tế, không thiếu những hồ sơ cần tranh luận.
Trước hết là tình hình căng thẳng trở lại tại Biển Đông, do tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc khiến các quốc gia Đông Nam Á phải lên tiếng phản đối và được Hoa Kỳ ủng hộ. Bắc Kinh ồ ạt bồi đắp, xây các đảo nhân tạo nhằm độc chiếm vùng biển chiến lược đối với giao thương quốc tế.
Trong những tuần lễ gần đây, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều to tiếng với nhau; nhưng để tránh các sự cố trên không và trên biển, đôi bên vẫn duy trì liên lạc quân sự thường xuyên ở mọi cấp.
Tấn công tin học cũng là vấn đề bất đồng gay gắt. Trong vụ trộm dữ liệu của bốn triệu công chức Mỹ mới đây, tin tặc Trung Quốc là nghi can hàng đầu. Tháng 5/2014, năm quân nhân Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ truy tố vì « tấn công tin học » và « gián điệp kinh tế », gây căng thẳng ngoại giao.
Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ-Trung cũng sẽ đề cập đến vấn đề đồng nhân dân tệ mà Washington cho rằng đang ở dưới giá trị thật, đào sâu thêm thâm hụt thương mại với Trung Quốc : chỉ riêng về hàng hóa, đã đạt kỷ lục thâm thủng 342,6 tỉ đô la.
Bên cạnh đó, hai đối thủ cũng có những hợp tác quan trọng : Về khí hậu, lần đầu tiên đã có được một thỏa thuận loan báo tháng 11/2014, và trong hồ sơ nguyên tử Iran, hai bên đã thương lượng với các cường quốc khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét