Có thể thấy, các hành động mạnh mẽ của hải quân Mỹ gần đây, ngoài mục tiêu “đánh động” Trung Quốc và trấn an đồng minh, còn mang hàm ý khác.
LTS:Sau những động thái cứng rắn gần đây của Mỹ với TQ, sẽ là thích hợp để nhìn lại những thay đổi trong chính sách của cường quốc này tại biển Đông, đặc biệt từ năm 2009.
Sức ép buộc Mỹ cứng rắn hơn
Sau tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tàu chiến USS Fort Worth đã tiến hành tuần tra gần nơi mà Trung Quốc đang mở rộng đảo. Trung Quốc, như thường lệ, phái một khinh hạm Type 054A đi kèm phía sau.
Ngay sau đó, một máy bay tuần tra P8 Poseidon của hải quân Mỹ bay qua khu vực Trường Sa và nhận được thông điệp cảnh cáo của hải quân Trung Quốc tới 8 lần. Những sự kiện như trên được truyền thông rộng rãi cho thấy Mỹ đang muốn cảnh cáo Trung Quốc rằng mình đã chính thức quay trở lại, đồng thời trấn an các đồng minh trong khu vực như Nhật, Philippines… vốn đang dần suy giảm niềm tin vào chính sách xoay trục về châu Á của Tổng thống Obama.
Các vụ va chạm giữa Trung Quốc và Mỹ tại biển Đông cũng không phải là mới. Tháng 4/2001, một máy bay tuần tra biển EP-3 của Mỹ đã va chạm với một máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc gần đảo Hải Nam. Sự việc khiến cho 24 quân nhân trên chiếc EP-3 bị Bắc Kinh tạm giữ trong 11 ngày.
Năm 2009, hai tàu khảo sát hải dương của hải quân Mỹ là USNS Impeccable và USNS Victorious đã bị năm tàu của Trung Quốc quấy rối cũng tại vị trí gần đảo Hải Nam. Sau đó, Impeccable quay lại khu vực vào ngày hôm sau dưới sự hộ tống của khu trục hạm tên lửa USS Chung-hoon. Cũng trong năm 2009, một tàu ngầm Trung Quốc cũng đã đụng độ với một tàu khu trục Mỹ khi tàu này đang thả sonar săn ngầm.
Trên thực tế, kể từ sau chiến tranh Lạnh, chính sách của Washington trong vấn đề biển Đông chủ yếu là mang tính đối phó. Kể từ năm 2009, sau sự kiện USNS Impeccable, Mỹ mới để ý nhiều hơn tới vấn đề biển Đông. Nền tảng của chính sách Mỹ, tuy vậy, xoay quanh những điểm chính: (1) tôn trọng và đảm bảo tự do hàng hải; (2) đảm bảo ổn định và hoà bình cho khu vực; (3) giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế và (4) giữ vị thế trung lập. “Chiến lược xoay trục” là bước ngoặt với phát biểu của cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ, tuy nhiên những bước đi mạnh mẽ về quân sự vẫn còn hạn chế.
Kể từ 2011 cho tới nay, Mỹ chủ yếu hiện diện quân sự ở biển Đông thông qua các cuộc tập trận chung với Philippines, Singapore, Malaysia, Campuchia; tham gia tuần tra chung với Malaysia, Singapore và Indonesia (chủ yếu xung quanh eo Malacca); hay tiến hành các cuộc viếng thăm hải quân thường niên tới các quốc gia trong khu vực.
Từ khoảng cách vài hải lý vẫn có thể nhìn rõ các công trình xây dựng trái phép của TQ trên đá Huy Gơ của Việt Nam. Ảnh: Huy Phong/ VietNamNet
Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ giúp giảm thiểu rủi ro va chạm giữa hải quân hai nước trong tương lai. Tuy nhiên, bản ghi nhớ này không hoàn chỉnh, không bao trùm mọi vấn đề phát sinh và dễ dàng bị phá vỡ.
Mục đích của sự kiềm chế này là nhằm tránh gây căng thẳng quá mức với Bắc Kinh. Những vấn đề nội bộ căng thẳng xung quanh vấn đề ngân sách khiến cho hiệu quả của chiến lược xoay trục bị đặt dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, các hành vi “đảo hoá” của Trung Quốc gần đây đã gây sức ép lớn lên nước Mỹ, buộc cường quốc này phải có các hành vi cứng rắn hơn.
Cách tiếp cận đang dần thay đổi?
Các cuộc đụng độ trên biển, bất kể là tại biển Đông hay tại Hoa Đông, chính là biểu hiện của sự đối đầu trực diện giữa xoay trục của Mỹ và tham vọng bành trướng hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc. Xét riêng về mặt tác chiến, Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ các vùng biển gần thông qua chiến lược mà người Mỹ gọi là chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), ngăn chặn sự tiếp cận của hải quân Mỹ đến khu vực chuỗi đảo thứ nhất trong trường hợp có xung đột xảy ra.
Tuy nhiên, đụng độ giữa hai cường quốc không phải là điều tốt, đăc biệt là với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực ASEAN. Bản thân Mỹ và cả Trung Quốc cũng không muốn đẩy căng thẳng tăng cao dẫn tới xung đột. Với Washington, các khó khăn về ngân sách quốc phòng gần đây, cùng với sự gia tăng các mối đe doạ an ninh ở Trung Đông khiến cho rủi ro xung đột tại biển Đông sẽ tạo ra cái giá phải trả rất cao.
Trong tháng 3, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Robert Thomas, phát biểu tại triển lãm quốc tế Langkawi rằng các nước Đông Nam Á nên tăng cường phối hợp với nhau liên quan tới các vấn đề an ninh biển mà vẫn đảm bảo tôn trọng chủ quyền biển của nhau. Ông cũng nói: “nếu các nước ASEAN dẫn đầu trong một nỗ lực như vậy, hạm đội 7 sẽ sẵn sàng hỗ trợ”. Bên cạnh đó, một trung tâm điều phối hàng hải quốc tế cũng được Mỹ đề xuất, với trụ sở dự kiến đặt tại Indonesia.
Các đề xuất như trên phản ánh mong muốn của Washington trong việc sử dụng chiến lược “phối hợp” (cooperative strategy) nhằm quản lý các mối đe doạ an ninh ngày càng gia tăng ở khu vực. Nội dung của chiến lược “phối hợp” đã được đề cập tới trong một số báo cáo chính sách, mà gần đây là báo cáo của Liên minh Hàng hải Hoa Kỳ.
Có thể thấy, các hành động mạnh mẽ của hải quân Mỹ gần đây, ngoài mục tiêu “đánh động” Trung Quốc và trấn an đồng minh, còn mang hàm ý khác. Nước Mỹ cần bạn bè và đồng minh, không chỉ qua lời kêu gọi, mà còn thông qua hành động cụ thể. Chia sẻ gánh nặng an ninh với các nước trong khu vực sẽ là một chính sách khôn ngoan trong bối cảnh hiện tại.
Khuôn khổ hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật mới cho thấy rõ yếu tố này, khi Tokyo đã có thể triển khai quân đội ra toàn cầu, chia sẻ bớt một phần gánh nặng cho quân đội Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cũng thường xuyên đề nghị Nhật Bản tham gia tuần tra chung biển Đông với Mỹ. Với yếu tố Nhật Bản và có thể là cả Australia, một nước đồng minh truyền thống khác, tham gia vào một lực lượng tuần tra chung, Hoa Kỳ sẽ có thể tập trung hỗ trợ lực lượng này về mặt kỹ thuật cũng như chiến thuật.
Sự tham gia của các nước ASEAN vào lực lượng tuần tra chung sẽ là yếu tố quan trọng, do các nước này có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới các tranh chấp ở biển Đông. Tuy nhiên, tiềm năng và độ khả thi của một sáng kiến chung với ASEAN là một thành tố vẫn là một dấu hỏi lớn.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thế Phương
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM
(Tuần Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét