"Đại cục" cho ai?
Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thông cáo chung ngày 8-4-2015 ghi rõ : “… hai nước Việt Nam - Trung Quốc có lợi ích chung rộng rãi làm cơ sở cho đại cục quan hệ hai nước, hai bên cần luôn kiên trì tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương chân thành, cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng; tin cậy chính trị Việt - Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định, hai bên cần tăng cường thăm viếng và trao đổi cấp cao, từ tầm cao chiến lược, đưa quan hệ song phương phát triển về phía trước”…
Trung Quốc đang hành động vì "Đại Cục" ! |
Nhiều năm qua, hai chữ “ĐẠI CỤC” gần đây được nhà cầm quyền Trung Nam Hải thường xuyên nhắc đến khi hội đàm, phát biểu và trong các văn bản ngoại giao, nhất là trong các Tuyên bố chung, Thông cáo chung. “Đại cục” là gì? Có lẽ ngay một số vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng không hiểu hết cái thâm ý của Tàu Cộng. Tạm hiểu, đó là “vấn đề lớn, mục tiêu lớn” chăng? Nhưng nội dung cụ thể của “đại cục” đó là gì cũng ít có sự lý giải rõ ràng. Hai từ này lạ hoắc với người Việt Nam. Hai năm trước, tại Tuyên bố chung ngày 21 tháng 6 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình: … “chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”.
Cái "Đại cục" lớn nhất, mang tính chiến lược của Trung Nam Hải là đạt cho kỳ được mộng bá vương, bành trướng xuống Đông Nam Á; trước mắt là giành quyền độc chiếm Biển Đông, và nữa: cả Đông Dương, trong đó có Việt Nam phải là một tỉnh hoặc khu tự trị thuộc Trung Quốc. Cái đường lưỡi bò chềnh ềnh trên bản đồ biển Đông cũng là nằm trong "Đại cục". Trong cái “đại cục” đó! Đưa ra cái "Đại cục", ngoài những lợi thế và ý đồ riêng của phía Trung Quốc, Việt Nam được gì? Chỉ thấy sau mỗi lần tuyên bố hãy vì “đại cục”, thì Trung Quốc lại ra tay gây mấy vụ nhiễu loạn, trắng trợn xâm lấn, quậy phá Biển Đông. Chính những hành động xâm lấn, bành trướng hòng độc chiếm Biển Đông cũng gây áp lực và ảnh hưởng lớn đến "ổn định chính trị" ở Việt Nam. Ý đồ sâu xa của Trung Nam Hải là Việt Nam càng yếu kém, lụn bại, càng mất 'ổn định chính trị' thì càng dễ thôn tính, càng dễ bắt nhà cầm quyền Việt Nam phải chịu lệ thuộc, chịu sự chi phối của Trung Quốc, buộc phải 'chấp hành' "Thiên triều"! Với cái "Đại cục" ấy, Việt Nam không được gì, trái lại còn chịu dài dài kiếp 'đại nhục', ngày càng bị lệ thuộc sâu và chứa đầy nguy cơ mất nước bất cứ lúc nào!
Thế nào là “ổn định chính trị”?
Lúc này, trong dư luận xã hội, câu hỏi đó đang được đặt ra khá phổ biển coi đây là vẫn đề cấp bách. Ở tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới, bất cứ một thể chế xã hội nào cũng mang màu sắc chính trị riêng, hoặc khu biệt. Điều hiển nhiên, không ổn định chính trị thì không một xã hội nào có thể tồn tại và phát triển.
Trước hết, không phải cái tiêu chí đảng vẫn cầm quyền, không được ai xen vào hoặc thay thế...là "ổn định chính trị"! Cũng không phải 'hệ thống lãnh đạo của đảng vẫn còn vững từ Trung ương đến cơ sở, không ai dám đụng đến đảng...là "ổn định chính trị"! Trong các kỳ Đại hội Đảng vẫn có những đánh giá như một thành tích, đầy tự hào, rất mỹ mãn về “giữ vững ổng định chính trị”. Nhưng, cần xem xét, phân tích rõ: “Thực chất của ổn định chính trị là gì?”.
Trong chế độ chính trị do Đảng cầm quyền, ổn định chính trị trước hết là chế độ đó phải được lòng dân, phải thực sự tôn trọng dân chủ, nhân quyền, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Hiệu quả này phải do khả năng lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với quần chúng, khả năng tập hợp để phát huy sức mạnh nội lực từ trong quần chúng, sức mạnh của cả hệ thống chính trị gắn chặt với sức mạnh toàn dân, của cả dân tộc; thể hiện bằng hiệu quả, chất lượng kinh tế-xã hội phát triển mạnh, uy tín trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đó chính là xã hội có nền dân chủ xã hội thực sự đúng nghĩa ‘của dân, vì dân, do dân’, không chỉ là ‘khẩu hiệu suông’. Sự tôn trọng dân chủ, nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ kỷ cương phép nước với phát triển lành mạnh xã hội dân sự. Dân chủ tư sản, dân chủ chuyên chế, nền quân chủ, hay dân chủ XHCN cũng đều đi đến kết cục là sự hài lòng, tin tưởng của người dân đối với chế độ chính trị, tán thành với thể chế quản lý, điều hành xã hội.
Cần phải có quan điểm nhất quán là đứng ở góc độ nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta có thật sự là đảng vững mạnh hay không? Đảng có tập hợp, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc hay không? Người dân có hài lòng với đảng lãnh đạo hay không? Đảng ta đã đúc kết: “Thực tiễn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ chủ nghĩa Mác”. Nhưng miệng hô hào trung thành tuyệt đối với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, còn thực tế hành động thì xa rời thực tiễn, nặng về lý luận giáo điều, nhất là không học được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh được gì, mặc dù đã cả hơn chục năm tốn kém tiền bạc, mất nhiều thời gian tổ chức đủ loại hình “học tập, làm theo…”!
Không thể né tránh một thực tế là Đảng ta ngày càng đánh mất vị thế, vai trò lãnh đạo, uy tín bị xói mòn, mất dần và đứng trước nguy cơ tồn vong của một chính đảng cầm quyền, kèm theo đó là nguy cơ tồn vong của chế độ. Đảng không còn được cái danh tiếng “đạo đức, văn minh”, tóm lại: Mất thiêng rồi!
Chỉ nhìn từ hơn 20 năm qua, 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, vấn đề uy tín lãnh đạo của Đảng, vấn đề ổn định chính trị đã được nêu ra, thấy hết thực chất, thực trạng, nhìn rõ mạnh-yếu ở chỗ nào, nhưng dù hô hào mạnh mà khắc phục lại quá yếu kém, uy tín lãnh đạo mất dần. Nhiều mặt cho thấy ngày càng bị xuống cấp. Vai trò lãnh đạo của Đảng mờ nhạt dần, sức chiến đấu kém, đội ngũ đảng viên đông đảo, nhưng không mạnh. Gọi là “phai nhạt lý tưởng”, nhưng thực chất là không có lý tưởng. Sự hào nhoáng, tô vẽ vẫn gia tăng, nhưng thực chất bên trong ngày càng biểu hiện sự mục ruỗng, kém, nát.
Thực tế đó không nên có ai đó cố tình ngụy lý, phủ nhận, tiếp tục “tự hào cái không có”.
Hãy bình tĩnh đọc lại những câu chữ được dùng trong Văn kiện Đại hội VII của Đảng, tháng 6-1991: “Nhiều đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, một bộ phận đã tha hoá, tham nhũng, xa dân, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đổi mới còn chậm, cơ cấu tổ chức còn nhiều bất hợp lý, bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả.
Phương hướng tới cần chú trọng thực hiện dân chủ trong Đảng và lãnh đạo thực hiện dân chủ trong xã hội một cách đúng hướng, vừa phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện quyền công dân, vừa bảo đảm sự ổn định về chính trị”. Tuy nhiên, trong Nghị quyết Đại hội VII của Đảng vẫn không quên đánh giá: “Mặc dù những khó khăn trở ngại còn nhiều, nhưng những thành tựu đổi mới đã xác nhận khả năng tự đổi mới của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam”. Phải chăng đó cũng là thói quen tự khen, chủ quan, vỗ ngực, tự huyễn hoặc, tự PR cho chính mình?
Từ tháng 6 -1991 đến nay, cái cụm từ “ổn định chính trị” liên tục được nhắc tới, nhấn mạnh, và có vẻ rất tự hào, coi là thành tích: “Giữ vững ổn định chính trị”. Nhưng, cần phân định rõ, đánh gía một cách nghiêm túc: “Thực chất ổn định chính trị” là gì? Chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm trên trang Google, trong 0,20 giây đã hiện lên trên 11.600.000 kết quả của 4 từ: “Ổn định chính trị”.
Thực tế cần khẳng định rằng ít nhất đã hơn 20 năm qua, thực chất xã hội ta chưa có ổn định chính trị, nền chính trị-xã hội đặt trong những hoàn cảnh bấp bênh.
“Một đảng mà che giấu khuyết điểm là một đảng hỏng” (HCM). Đâu phải che đậy sai lầm, khuyết điểm, tung hô khen ngợi lên tận mấy xanh, lấy tiếng tốt cho đảng là giữ uy tín, là “ổn định chính trị”. Kinh tế-xã hội ra sao, chất lượng dân sinh dân chủ thế nào? Niềm tin của dân với đảng lãnh đạo còn bao nhiêu? Công khai, minh bạch hóa các hiện trạng xã hội như thế nào? ...Đó là thước đo ổn định chính trị.
Sự mất ổn định chính trị, tiềm ẩn nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ có 6 biểu hiện cơ bản như sau:
- Nội bộ Đảng chưa thống nhất cao, bằng mặt không bằng lòng, có những biểu hiện tranh quyền, đoạt lợi, thiếu đoàn kết, xuất hiện các nhóm khác nhau về quyền lợi, quyền hành.
- Mất dân chủ ngày càng nghiêm trọng.
- Vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến và trắng trợn, kỷ cương phép nước không nghiêm.
- Khoảng cách giữa lãnh đạo với người dân ngày càng bị roãng xa, thiếu hẳn sự gắn kết cần thiết, phát sinh mâu thuẫn.
- Phân hóa giàu-nghèo theo kiểu chia ra tầng lớp, giai cấp ngày càng rõ nét, mất dần đoàn kết cộng đồng, bất công phát sinh ngày càng nguy hại.
- Pháp luật Nhà nước, nguyên tắc điều lệ Đảng bị xem nhẹ. Khiếu nại, tố cáo, mít tinh, biểu tình gia tăng.
Những việc cần làm:
- Tránh được những rập khuôn, công thức, máy móc, giáo điều, nặng về ‘diễn ngôn’ trong các nghị quyết của đảng như nếp quen từ xưa đến nay.
- Năng cao sức mạnh đoàn kết trong Đảng, đề phòng trong cuộc chống suy thoái, chống tham nhũng lại nảy sinh ra đấu trận giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tự phân rã nội bộ. Tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Đảng phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất mạnh-yếu, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo có chức có quyền.
- Cần xác định chính xác “thế lực thù địch” của cách mạng, của nhân dân là kẻ nào?
- Coi trọng dân chủ và nhân quyền
- Nhìn rõ nguy cơ “tự diễn biến” do suy thoái, biến chất, tham nhũng ngay trong nội bộ đảng cầm quyền
- Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, dứt khoát đưa pháp luật, nguyên tắc điều lệ vào việc xử lý kỷ luật nội bộ đảng, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những cán bộ lãnh đạo, đảng viên không còn đủ tư cách đảng viên cộng sản. thoái hóa, biến chất.
- Không nên dùng quyền đảng, quyền của chính quyền, huy động công an, quân đội “chuyên chính với nhân dân”, mất cảnh giác với thù trong-giặc ngoài; không được làm mất quyền dân chủ, hoặc mù quáng đi ngăn chặn những hoạt động dân chủ của xã hội.
Cũng về nội dung này, trong bài “Đất nước Miến Điện và dân chủ”, nhà bình luận Trần Bình Nam đã nói: “Cái luận thuyết: ‘Ổn định chính trị’ là môi trường cần thiết cho sự phát triển kinh tế cũng có cái giá trị thực tế của nó. Nhưng thường các chế độ độc tài hay dùng luận thuyết đó như một chiêu bài. Không ai đặt câu hỏi, thế nào là ổn định chính trị và muốn ổn định chính trị có nhất thiết phải duy trì một chính sách độc tài không. Một chế độ dân chủ với khối quần chúng có trình độ và với những người lãnh đạo có trách nhiệm là môi trường tốt nhất cho ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Trên căn bản đó tôi cho lập luận ‘ổn định chính trị để phát triển kinh tế’ là ngụy biện”. Thực tế, không phát triển được kinh tế, không bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh thì rất khó “Ổn định chính trị”. Muốn ổn định chính trị thì Độc lập phải đi liền với Tự chủ. Chừng nào vẫn còn vì cái “Đại cục” mông lung nào đó, còn lệ thuộc nước khác, còn bị chi phối bởi những “ánh sáng soi đường” của người khác, không phân biệt rõ bạn-thù, thì rất làm sao có được ổn định chính trị?
Nhìn rõ thực trạng đánh giá đúng tình hình, có giải pháp thích hợp và kiên quyết, thì mới giữ vững được ổn định chính trị trong tình hình hiện nay, thoát khỏi được những nguy cơ mất nước, mất dân.
Bùi Văn Bồng
(Blog Bùi Văn Bồng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét