Giáo sư Allen Weiner, giám đốc chương trình luật của trường đại học Stanford ở bang California trả lời phóng viên Hải Ninh tại trụ sở RFA ở Washington DC hôm 11/6/2015.
Một tháng trước chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nhóm vận động cho tù nhân lương tâm Việt Nam sẽ có buổi tường trình tại quốc hội Hoa Kỳ chiều nay. Cùng tham gia tổ chức cuộc vận động có giáo sư Allen Weiner, giám đốc chương trình luật của trường đại học Stanford ở bang California. Giáo sư Weiner đã đến trường quay của RFA hôm nay và dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Làm sao giúp hiểu rõ việc VN vi phạm nghĩa vụ quốc tế ?
Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn. Câu đầu tiên mà tôi muốn hỏi ông là, tại sao và làm thế nào ông lại tham gia vào cuộc vận động này?
Allen Weiner: Vâng, tôi rất vui được đến đây.Năm 2012 một số người bạn làm trong các tổ chức phi chính phủ (NGO) trò chuyện với tôi, và bày tỏ mối quan ngại về một loạt các vụ bắt bớ các nhà hoạt động dân sự và chính trị trẻ ở Việt Nam. Họ cũng phải đối mặt với nguy cơ bị xét xử. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể làm gì không, bằng việc sử dụng các tổ chức quốc tế để thay mặt họ mà vận động. Sau khi xem xét vấn đề này, tôi quyết định trình một lá đơn lên tổ chức có tên là Nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc về Vấn đề Giam giữ Tuỳ tiện. Chức năng của nhóm này là chống lại các việc bắt giữ người tuỳ tiện. Vào mùa hè năm 2012, tôi đã gửi đơn khiếu nại thay mặt cho 16 người, bao gồm cả nam lẫn nữ, mà tôi đại diện.
Hải Ninh: Vậy thì ông có thể nói rõ cho tôi được biết cụ thể vai trò của ông trong cuộc vận động này hay không?
Allen Weiner: Tôi là luật sư của họ trước tổ chức quốc tế này. Tôi tham gia vào việc gom những các thông tin liên quan tới những hoàn cảnh mà họ bị bắt, cố gắng làm việc với mạng lưới các nhà hoạt động mà có thể tiếp xúc với gia đình của các tù nhân, hoặc nhà thờ của họ ở Việt Nam, tìm hiểu những hoàn cảnh liên quan tới vụ bắt giữ họ và sau đó tôi nộp đơn lên nhóm làm việc này. Nhóm có trụ sở ở Geneva. Tôi cũng cập nhật cho tổ chức này các thông tin liên quan tới hoàn cảnh của những người tù nhân nói trên. Chính phủ Việt Nam có cơ hội trả lời đơn khiếu nại này. Cuối năm 2012, họ đã trình câu trả lời của họ, và tôi cũng có cơ hội đáp lại những bình luận của họ.
Và đến tháng 8 năm 2013, khoảng hơn một năm sau khi tôi nộp đơn lần đầu, Nhóm làm việc này đưa ra quan điểm của họ. Nhóm này đã nói rõ ràng rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm những nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế. Việt Nam. Đây không phải là những nghĩa vụ mà nước ngoài áp đặt lên Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tự nguyện tham gia một công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và họ hứa sẽ tuân theo những nguyên tắc về nhân quyền trong công ước đó. Vì thế, đây không phải là những giá trị phương Tây hoặc nước ngoài áp đặt lên Việt Nam. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chính phủ Việt Nam có giữ lời về việc đối xử với chính người dân của họ. Nhóm làm việc này là nhóm trung dung và hiểu rõ những vấn đề trong công ước đó. Họ đã nói rất rõ ràng rằng Việt Nam đã vi phạm quyền được thể hiện quan điểm chính trị và quyền được tụ tập của những tù nhân nói trên.
Hải Ninh: Lúc trước ông có nói với tôi rằng ông chưa từng qua Việt Nam. Làm thế nào ông có thể giúp những tù nhân đó nếu ông không thể gặp mặt họ?
Allen Weiner: >Rất khó. Chính Việt Nam đã tham gia công ước về các quyền dân sự và chính trị và nói rằng chúng tôi sẽ tuân theo những nghĩa vụ này. Hy vọng đầu tiên của tôi tất nhiên là khi họ nhận được những quan điểm của Nhóm làm việc kia, chính là một tổ chức độc lập và có chuyên môn về luật mà Việt Nam hiểu rõ, rằng lý luận của họ về việc bắt giữ những nhà hoạt động kia theo luật Việt Nam là không hợp lý và không đúng với luật quốc tế. Tất nhiên, phản ứng đầu tiên của chúng tôi là hy vọng Việt Nam sẽ giữ lời hứa và rằng họ sẽ tuân theo những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Và đó là phần một của tiến trình.
Chính phủ Việt Nam có thể nghĩ rằng, việc bắt bớ những nhà hoạt động kia theo luật Việt Nam cũng không sai. Chúng tôi hy vọng rằng khi họ nhận thấy điều đó không tuân theo luật quốc tế, họ sẽ trả tự do cho những tù nhân kia. Nhưng họ không thả các tù nhân này.
Và vì thế, bây giờ câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể giúp các bên hiểu rõ việc Việt Nam vi phạm nghĩa vụ quốc tế, làm thế nào chúng ta thuyết phục được Mỹ và các nước khác trên thế giới gây áp lực cho Việt Nam buộc họ phải tuân theo các nghĩa vụ quốc tế. Và đó là bước tiếp theo của tiến trình này, đó là cho lan rộng thông điệp rằng Việt Nam ngày càng có nhiều hoạt động đàn áp và từ đó yêu cầu các nhà làm luật ở Mỹ và nhiều nơi khác lên tiếng, nói rằng chúng ta sẽ đưa ra điều kiện về việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam bằng việc họ cải thiện vấn đề nhân quyền.
Hải Ninh: Và đó chính là điều các ông hướng tới trong buổi tường trình hôm nay?
Allen Weiner: Đúng vậy. Tôi sẽ gặp gỡ với những đại diện về vấn đề Việt Nam trong quốc hội, hy vọng chia sẻ được với họ những trải nghiệm của tôi và quan trọng hơn nữa là những kết luận từ Nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc về Vấn đề Giam giữ Tuỳ tiện, và để nhấn mạnh rằng Việt Nam đã vi phạm những luật lệ hết sức rõ ràng. Không có gì còn chưa sáng tỏ ở đây cả. Việt Nam đã phớt lờ những nghĩa vụ của họ về việc tôn trọng quyền con người của chính công dân họ. Trong thời điểm Mỹ muốn tiến tới có quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam, chúng ta cần phải tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng liệu ta có muốn tham gia một hiệp ước với một quốc gia mà họ không cảm thấy họ cần phải tuân theo những nghĩa vụ khi mà họ không muốn hay không. Và đó chính là điều tôi sẽ nói với các thành viên quốc hội hôm nay, giúp họ hiểu rằng Việt Nam là nước không muốn thực hiện các nghĩa vụ của họ.
Chúng ta cũng cần biết rằng Mỹ từng làm điều này trong quá khứ rồi. Chúng ta từng nhiều lần thiết lập quan hệ gần gũi với chính phủ các nước chuyên chế, không đại diện cho người dân chính họ và đàn áp người dân chính họ. Những chính phủ này rồi cũng sụp đổ, và chúng ta bị đặt vào thế cô lập đối với người dân những nước đó vì chúng ta đặt quan hệ với chính phủ đàn áp những người đó. Tôi nghĩ đấy là một điểm mà các nhà làm luật ở Mỹ cần cân nhắc liệu về có lợi ích gì dù về lâu dài hay ngắn hạn khi có quan hệ với chính phủ Việt Nam, chính phủ mà không đại diện cho người dân của họ và ngày càng đàn áp họ hay không.
Hải Ninh: Vâng tôi xin chúc ông may mắn trong các hoạt động đó và xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Allen Weiner: Tôi cũng xin cảm ơn quý vị đã dành cho tôi cơ hội này. Xin cảm ơn rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét