Pages

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Lê Diễn Đức - Báo chí cách mạng nói thật ăn đòn

Ngày 21 tháng 6 là ngày kỷ niệm 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam, 21 tháng 6, 1925-21 tháng 6, 2015.

Tôi nhắc lại một cách nghiêm túc rằng, đây là “báo chí cách mạng Việt Nam!”

“Báo chí cách mạng” vì thực chất nó là phương tiện tuyên truyền của một nhà nước độc tài, toàn trị Cộng Sản.

Tại Việt Nam hoạt động báo chí không phải là một hoạt động dân sự, không phải là tấm gương phản chiếu hiện thực và lành mạnh hóa xã hội.

Báo chí tự do được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất của một xã hội tự do dân chủ. Mỗi thành viên trong xã hội đều có quyền tự do bày tỏ chính kiến của mình và được tôn trọng. Tự do báo chí, vì thế, đương nhiên không có chỗ trong “báo chí cách mạng Việt Nam.”

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) trong công bố phúc trình thường niên gần đây đã tiếp tục liệt kê Việt Nam vào danh sách 10 nước kiểm duyệt báo chí gay gắt nhất trên thế giới. Còn tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS) cũng xếp Việt Nam nằm áp chót bảng những quốc gia bóp nghẹt tự do báo chí và là hung thần của Internet.

Ngày 29 tháng 11, 2006, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, đã ký chỉ thị 37CP, xác định, “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.”

Tháng 8, 2011, tại Hội Nghị Báo Chí Nhóm Họp ở Quảng Bình, Cục Báo Chí thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam tái khẳng định rằng tất cả báo chí trong nước đều là cơ quan ngôn luận của đảng nên nhiệm vụ chính yếu là “tuyên truyền đường lối, chủ trương của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước đến nhân dân.”

Vì thế, mọi cơ quan báo chí của Việt Nam đều chịu sự quản lý và kiểm soát của Bộ Thông Tin và Truyền Thông dưới quyền Ban Văn Hóa Tư Tưởng của Đảng Cộng Sản.

Thế nhưng, vốn có bản chất vừa ăn cướp vừa la làng, thường hay bao biện cho chính mình, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn trơ trẽn nói rằng, “Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác.”

Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, phát biểu, “Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Thế giới nói rằng chúng ta không tự do báo chí, nhưng chắc chắn chúng ta là một trong những nước rất tự do báo chí. Bởi vì chúng ta có tất cả các loại hình báo chí, dành cho tất cả các lứa tuổi, từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành. Các nước khác chưa chắc có nhiều đài truyền hình như Việt Nam chúng ta.”

Không có báo tư nhân, báo chí phát hành bằng tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân, nằm trong một hệ thống kiểm duyệt xuyên suốt, số lượng phát hành đâu phải là thước đo của tự do báo chí! Mang tiếng là bộ trưởng mà sao lại có thể phát biểu ngu xuẩn đến thế!

Hồ Chí Minh nói về báo chí thời thực dân Pháp thế nào thì cũng đúng y như vậy với báo chí cách mạng ngày nay, chỉ cần sửa lại “20 triệu” thành “90 triệu,” “Đông Dương” thành “Việt Nam,” và “ba hay bốn tờ” thành “hơn 800 tờ.”

“Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và tự do lập hội cũng không có... Giữa thế kỷ 20 này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người làm thơ “không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì,” “lẻ loi đứng trên các nẻo đường” (lời nhà thơ Vũ Cao) viết rằng, “làm báo nói láo ăn tiền,” đó không phải chữ của tôi mà là chữ của nhà báo “kiệt hiệt” Vũ Bằng trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” (1969) của ông!”

“Vâng, ‘làm báo nói láo ăn tiền’ và ‘làm báo nói thật ăn đòn’ nghe thật chua xót, nhưng đó lại cũng là một sự thật song hành đang hiện diện,” Nguyễn Trọng Tạo viết trên trang Facebook. [1]

Vì thường xuyên “nói láo” nên báo chí cách mạng bị mất lòng tin của độc giả.

Trong cuộc Hội Thảo Khoa Học “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” do Khoa Báo chí & Truyền Thông - đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Phối Hợp Quỹ Konrad Aderiauer Stiftung (KAS) tổ chức tại Hà Nội ngày 10 tháng 6, 2015, nhà báo Hữu Thọ, cựu Ủy Viên Trung Ương Đảng, cựu Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương chia sẻ, “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay...”

 Gần hai sư đoàn nhà báo có thẻ, ăn lương nhà nước và hàng chục ngàn dư luận viên truyền miệng mà chẳng thuyết phục được độc giả trên mặt trận thông tin. Trong bài “Trận địa thông tin” trên tờ Lao Động ngày 10 tháng 1, 2013, Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, thú nhận:

“Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17 ngàn nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân. Báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc.”

Một cuộc khảo sát 3,000 người Việt Nam độ tuổi từ 15 trở lên, trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 1 đến 13 tháng 3, 2015 của hãng khảo sát quốc tế Gallup phối hợp thực hiện với Cơ Quan Quản Trị Phát Thanh (BBG) trực thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ, cho thấy 58.2% người dân Việt Nam từ các độ tuổi cho rằng blog cá nhân “đáng tin” hơn truyền thông nhà nước.

“Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng vào truyền thông nhà nước, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi được giáo dục tốt hơn,” báo cáo trên nhận định. [2]

Tuy nhiên, trong lực lượng hùng hậu của “báo chí cách mạng,” ngoại trừ đa phần cam chịu thân phận “bưng bô,” cũng có một số cây bút mạnh dạn, xông xáo. Trong các chủ đề phản ánh và phê phán hiện thực xã hội, họ đã cung cấp khá nhiều thông tin bổ ích. Nhưng khi vượt làn ranh cho phép của nhà cầm quyền, bài viết đụng đến tầng cao của giai cấp thống trị, hoặc mắt xích quan trọng của vụ án tham nhũng nào đó, họ sẽ bị trù dập.

Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên, Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, bị những bản án nặng nề, bất công, hay Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia đình và Xã hội vì phản đối lập luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng về sự “suy thoái” mà bị buộc thôi việc, là những ví dụ.

Điển hình hơn là nhà báo Kim Quốc Hoa của báo Người Cao Tuổi. Trong 8 năm (2007-2014) từ khi ông về làm tổng biên tập, báo đã phanh phui hơn 2,500 vụ tham nhũng, tiêu cực từ cấp xã trở lên, về cơ bản bảo đảm chính xác, nhiều vụ được đông đảo bạn đọc đánh giá cao. Thế nhưng khi đụng đến một số nhân vật cao cấp ông bị khởi tố về việc “làm lộ bí mật nhà nước!”

Thì ra trong cái lò “cách mạng” này, phê phán đường lối, chánh sách của đảng, hay chỉ trích lối sống tha hóa của cán bộ lãnh đạo đều thuộc vùng cấm!

Báo lề dân luôn luôn thù địch với lò “báo chí cách mạng.” Các điều 258, 79 và 88 của Bộ Luật Hình Sự là công cụ đàn áp của nhà cầm quyền. Các bài viết của cac blogger về dân chủ nhân quyền, phản biện hết sức ôn hòa, thậm chí chỉ mong chế độ nhìn nhận và thay đổi, đều bị liệt vào tội “lợi dụng quyền dân chủ gây tổn hại cho lợi ích nhà nước.”

Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Hải, Phan Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Hồng Lê Ngọc, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hữu Vinh... là những cây viết phải chịu tù tội vì cái luật quái đản ấy.

Karl Marx, năm 1842, về tự do báo chí, đã nói rằng, “Luật về kiểm duyệt không phải là luật mà là một phương tiện cảnh sát. Và đây là một phương tiện cảnh sát xấu, vì không đạt được những gì dự định và những gì người ta muốn.”

Đúng như thế, “báo chí cách mạng” càng kiểm duyệt, càng bưng bít càng đẻ ra dối trá, càng dối trá thì càng mất uy tín, bởi vì trong thời buổi Internet hiện nay, con người luôn có nhu cầu tìm đến sự thật. Nguồn tin đa dạng ngoài luồng sẽ lột trần dối trá.

Lê Diễn Đức

Copyright Người Việt

[1]: https://www.facebook.com/nguyentrongtao?fref=ts
[2]: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150612_vietnamese_youth_online_news

Không có nhận xét nào: