Ấn Độ, Nhật Bản và Úc vừa tổ chức cuộc đối thoại ba bên lần đầu tiên, thu hút sự chú ý của dư luận. Những khó khăn bên trong và bên ngoài sẽ tác động như thế nào đến quá trình hợp tác ba bên? Triển vọng hình thành liên minh ba bên Ấn Độ-Nhật Bản-Úc liệu có hình thành?
Tàu hải quân Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Singapore và Mỹ trong cuộc tập trận chung Malabar năm 2007. Ảnh: Hải quân Mỹ
Có thể nói, ba nước dường như rất phù hợp cho việc hình thành mối quan hệ hợp tác ba bên. Khi thế giới kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Nhật Bản đang rũ bỏ xiềng xích của chủ nghĩa hòa bình và có thể sớm xuất khẩu vũ khí. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người bị cho là có nguy cơ trở thành một nhà lãnh đạo thiển cận - đã công du khắp thế giới trong năm đầu tiên tại vị, trong đó có chuyến thăm Tokyo và Canberra. Và chính sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển đã khiến Châu Á hoảng sợ, tác động tới các cuộc thảo luận về lĩnh vực biển và các quy định của pháp luật, do đó vô tình tạo ra một chương trình nghị sự chung cho ba nước.
Ba chân kiềng của một mối quan hệ ba bên đầy tiềm năng đang được hình thành. Trong ba nước, Nhật Bản và Úc là đồng minh của Mỹ, còn Ấn Độ đang thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản và Úc. Về kinh tế, Nhật Bản và Úc vừa ký thỏa thuận thương mại tự do hồi năm ngoái, vốn được ca ngợi là một trong những thỏa thuận lớn nhất giữa hai nước trong gần sáu thập kỷ qua. Về an ninh, Tokyo và Canberra đang có các cuộc thảo luận mang tính đột phá để thúc đẩy trao đổi quân sự và các cuộc tập trận trong năm nay. Tháng tới, Nhật Bản dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận với Mỹ và Úc lần đầu tiên. Tokyo có thể không hoàn toàn là “bạn tốt nhất” của Canberra như Thủ tướng Úc Tony Abbott nhận định hồi năm 2013, nhưng mối quan hệ này dù sao cũng đang ngày càng nồng ấm.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng cho thấy nhiều hứa hẹn. Quan hệ giữa hai Thủ tướng Modi và Abe đã phần nào tạo nên điều đó. Hai nhà lãnh đạo đã ưu tiên rõ ràng cho mối quan hệ giữa hai nước và đầu tư rất nhiều cho mối quan hệ đó. Khi ông Modi và ông Abe gặp nhau hồi năm ngoái trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Modi, hai nhà lãnh đạo của hai nền dân chủ lớn nhất Châu Á đã coi “hợp tác chiến lược toàn cầu đặc biệt” của họ là một sự thúc đẩy khá lớn. Ông Abe tuyên bố sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư của Nhật Bản và số lượng các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Ấn Độ trong vòng 5 năm. Hai bên cũng cam kết sẽ nâng cấp hợp tác an ninh song phương thông qua các cuộc đối thoại thể chế, các cuộc diễn tập hàng hải chung và thậm chí là khả năng chuyển giao thiết bị quốc phòng. Tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ cũng có thể được tính đến như trong tuyên bố tầm nhìn chung Mỹ-Ấn Độ đưa ra hồi đầu năm nay.
Ấn Độ và Úc cũng đang tăng cường quan hệ, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Một thỏa thuận hồi năm ngoái cho phép việc bán uranium của Úc cho Ấn Độ đã bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương. Cả hai quốc gia hiện đang phối hợp nhằm tiến tới ký kết một thỏa thuận tự do thương mại vào cuối năm 2016. Các cuộc thảo luận cũng được tổ chức tại Perth trong tuần này trước cuộc diễn tập trên biển song phương đầu tiên dự kiến diễn ra ngoài khơi bờ biển phía Đông của Ấn Độ trong tháng 9 tới.
Các cuộc đối thoại ba bên đầu tiên ở New Delhi là một dấu hiệu tốt cho thấy các bên đang tiến gần đến nhau. Đại diện của ba quốc gia - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar; Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki; và Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Úc Peter Varghese - đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn về an ninh hàng hải, bao gồm cả vùng Biển Đông. Theo đà này, không có lý do gì để nghi ngờ rằng sẽ có các cuộc tập trận ba bên Úc-Nhật Bản-Ấn Độ trong thời gian tới.
Mặc dù đã có sự khởi đầu đầy hứa hẹn, song vẫn có những thách thức to lớn đối với quan hệ ba nước trong tương lai. Ba chính phủ dường như đã cam kết thúc đẩy mối quan hệ ba bên, song họ vẫn cần phải giành được sự ủng hộ tại các khu vực bầu cử quan trọng và đẩy lùi những nghi ngờ về nhiều vấn đề trong các mối quan hệ này. Làm được điều đó không dễ. Ví dụ điển hình là những tranh cãi pháp lý đã và đang diễn ra đối với một thỏa thuận tàu ngầm giữa Úc và Nhật Bản cũng như một thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn Độ và Úc. Tuy nhiên, đó cũng là các cơ hội để các bên xây dựng lòng tin trong các cam kết mới và chứng tỏ rằng sự thay đổi thực sự là có thể.
Sự phối hợp và điều chỉnh chính sách giữa ba quốc gia cũng có thể trở nên phức tạp. Mỗi nước sẽ phải tìm cách để quản lý các mối quan hệ cùng với những nước quan trọng khác. Ví dụ, Ấn Độ muốn đưa cả Nhật Bản vào phiên bản kế tiếp của cuộc tập trận Malabar song phương Mỹ-Ấn dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. Song New Delhi có thể sẽ cẩn thận hơn khi làm như vậy vì Bắc Kinh có thể nổi giận về kế hoạch này, và các quốc gia châu Á khác nhỏ hơn cũng có thể quan ngại rằng mối quan hệ ba bên đó đang phá hoại sự ổn định trong khu vực hơn là thúc đẩy nó.
Cuối cùng, ngay cả khi Canberra, New Delhi và Tokyo thực sự có lợi ích và các giá trị hội tụ, các yếu tố có lợi cho hợp tác ba bên có thể không kéo dài. Úc đối mặt với một cuộc bầu cử vào năm 2016 và vẫn chưa rõ liệu người kế nhiệm ông Abbott có cam kết theo đuổi các mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản tới mức đó hay không. Ông Modi và Abe cũng phải đối mặt với các cuộc sát hạch quan trọng về chương trình nghị sự trong nước của họ. Khả năng điều hành trong nước mờ nhạt có thể làm giảm triển vọng đối với các vấn đề đối ngoại, đặc biệt là khi cả hai ông đã có sự kết nối rõ ràng giữa hai mặt trận này.
Tóm lại, các nước cần phải nhìn nhận rõ vấn đề vì mối quan hệ ba bên Ấn Độ-Úc-Nhật Bản có tác động lớn tới sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong những năm tới.
Theo The Diplomat
Văn Cường (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét