Pages

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

'Quốc tế sẽ đánh giá hành động, không phải lời nói của TQ'

Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động lấn biển, xây các đảo nhân tạo ở biển Đông, gây quan ngại cho nhiều nước.
Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động lấn biển, xây các đảo nhân tạo ở biển Đông, gây quan ngại cho nhiều nước.
Giữa lúc Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông trong phạm vi 'đường lưỡi bò' do chính họ vạch ra, căng thẳng tiếp tục lên cao trong khu vực, gây lo ngại cho các nước láng giềng trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Trước tình huống này, chính phủ Hoa Kỳ mạnh mẽ bênh vực và khẳng định quyền tự do hàng hải trong khu vực. Tổng Thống Barack Obama gần đây công khai cảnh giác Trung Quốc, chớ nên “ỷ lớn hiếp bé”. Hoài Hương của VOA Việt ngữ tiếp xúc với một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề Đông Nam Á và chính sách của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực, sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Hoài Hương với cô Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).
VOA: Trung Quốc đã từng khẳng định họ có quyền tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự như đã làm tại biển Hoa Đông, đây là một diễn biến rất đáng lo ngại. Trước tình hình này, liệu Việt Nam có thay đổi lập trường trước đây, là sẽ không bao giờ cho một nước ngoài sử dụng Cảng Cam Ranh? Liệu vấn đề này có được mang ra thảo luận trong vòng riêng tư giữa các giới chức Mỹ và Việt Nam?
Phương Nguyễn: “Vấn đề Vịnh Cam Ranh luôn luôn là một lá bài có thể được mang ra, mỗi khi các giới chức quốc phòng Mỹ và Việt Nam gặp nhau, nhưng ngay trong lúc này, tình hình đang rất căng, tôi không tin là các giới chức Việt Nam sẽ đưa vấn đề này ra bàn cãi. Nhưng đây là một vấn đề sẽ được đề cập tới trong tương lai.”
VOA: Vậy phản ứng Hà Nội ra sao về vai trò an ninh lớn hơn của Mỹ trong khu vực, liệu ý kiến đó có được đón nhận thuận lợi hay bị chống đối?
Phương Nguyễn: “Sau khi có tin tiết lộ kế hoạch của Mỹ để thực hiện thêm các cuộc tuần tra ở Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ đóng một vai trò xây dựng trong Biển Đông, nhưng như tôi đã nói trước đây rằng tuy rằng Việt Nam và các nước trong khu vực hoan nghênh Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực, nhưng họ không muốn thấy vấn đề này trở thành một nguy cơ xung đột tiềm tang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bởi vì nếu Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau trên Biển Đông, thì có nghĩa là sẽ có ít sự lựa chọn hơn cho các nước nhỏ hơn, kể cả Việt Nam. Thế cho nên, theo tôi, Việt Nam sẽ theo dõi rất sát, một mặt hoan nghênh vai trò của Mỹ, nhưng không hoàn toàn gạt bỏ khía cạnh tiêu cực của nó.”
VOA: Nhưng trong tất cả các nước liên quan, ngoài Philippines, Việt Nam là nước sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất nếu Trung Quốc chiếm toàn bộ Biển Đông trong phạm vi cái gọi là đường lưỡi bò, không biết nói như thế có hoàn toàn đúng hay không, nhưng trong tình huống này, liệu Việt Nam có nên đóng vai trò chủ động hơn, quyết liệt hơn, thay vì coi Biển Đông như là một vấn đề đã được quốc tế hoá, và Hà nội chỉ cần đứng ngoài làm ‘ngư ông hưởng lợi’?
Bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).Bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).
Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã làm khá tốt công tác tự bảo vệ mình trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Không có một giải pháp dễ dàng cho cuộc tranh chấp, nhưng Việt Nam đã thực hiện được hai điều. Thứ nhất là quốc tế hoá vấn đề, điều mà Việt Nam vẫn muốn làm, và là điều mà Trung Quốc cực lực chống đối. Về phương diện ấy, Biển Đông đã trở thành một vấn đề hàng đầu trong nghị trình làm việc trên các diễn đàn khu vực, thì chúng ta có thể nói là Việt Nam đã thành công ở một mức độ nhất định. Điều thứ hai mà Việt Nam đã làm được là tăng cường phần nào khả năng của hải quân và không lực Việt Nam. Mục tiêu của nỗ lực này là tăng cao cái giá mà Bắc Kinh phải trả, nếu Trung Quốc dùng biện pháp quân sự chống Việt Nam. Cho nên quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả là hai điều mà Việt Nam đã thành công ở một mức độ nào đó. Có những người muốn Hà nội đóng một vai trò chủ động hơn, thì vấn đề là làm thế nào Việt Nam có thể làm được điều ấy? Bởi vì suy cho cùng, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, và Việt Nam không có một hiệp định quốc phòng, hay liên minh với một nước lớn nào.”
VOA: Giờ hội nghị an ninh khu vực Shangri-La đã kết thúc, chúng ta có nên lạc quan về vai trò của ASEAN trong nỗ lực tìm ra một giải pháp cho cuộc tranh chấp Biển Đông?
Phương Nguyễn: “Rõ rệt là ở hội nghị Shangri-La, vấn đề Biển Đông và các vấn đề khu vực khác đã nêu lên một khía cạnh rất quan trọng, đó là hợp tác khu vực. Biển Đông không phải là vấn đề duy nhất mà Mỹ và khu vực ASEAN tập trung chú ý. Ngoài ra, còn có nỗ lực thực hiện Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP,  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh nhu cầu các nước cần phải làm việc với nhau để thành lập Ngân Hàng Đầu tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, tức AIIB. Mỹ thừa nhận rằng có sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng hai nước cần làm việc với nhau để giảm thiểu căng thẳng, thay vì leo thang căng thẳng. Về mặt này, tôi nghĩ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng hộ các nước Đông Nam Á khác. Tôi nghĩ các nước này hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ, nhưng họ nhấn mạnh là cùng lúc, cần đánh đi thông điệp rằng đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất lợi cho Đông Nam Á. Trong bài diễn văn của ông Carter tại hội nghị Shangri-La ông đã phác hoạ bước kế tiếp trong chính sách tái cân bằng lực lượng, xoay trục sang Châu Á của Mỹ, ông nêu bật một hướng tiếp cận có tính cách khu vực đối với vấn đề an ninh biển, và nhu cầu phải tăng cường khả năng quân sự của các nước đồng minh ở Châu Á, kể cả Việt Nam và Ấn Độ, và ngay cả Malaysia. Theo tôi, điều này rất quan trọng”.
VOA: Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng sắp sửa công du Hoa Kỳ, trong tình hình này, chuyến đi của ông Trọng có thể khoác lên một ý nghĩa khác. Xét ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật thân Bắc Kinh, liệu ông có phải là nhân vật nên sang Washington trong lúc này?
Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật quan trọng để mời sang Mỹ, bởi vì khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 và đang cân nhắc những từ ngữ nên dùng trong văn bản chính thức, điểm được nêu lên là hai nước sẽ hợp tác với nhau trong khi tôn trọng chế độ chính trị của nhau, thì trong hệ thống chính trị Việt Nam, nhân vật quyền lực cao nhất trong hệ thống đó là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng chưa từng gặp Tổng Thống Obama, không như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việt Nam cho rằng nếu Hoa Kỳ thực sự nghiêm túc về quan hệ với Việt Nam, thì họ phải làm việc với Đảng Cộng sản Việt Nam, như chúng ta biết Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ngần ngại về việc củng cố quan hệ song phương. Cho nên, dù cho ông Trọng có là đúng nhân vật nên đi thăm Washington hay không, ông vẫn là một nhân vật quan trọng nên được mời sang Mỹ, đặc biệt là trong một năm khi mà Hoa Kỳ và Việt Nam đánh dấu kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ bang giao với nhau.”
VOA: Câu hỏi cuối, rõ ràng là Trung Quốc không có ý định lùi bước trong ý đồ độc chiếm Biển Đông, trước những lời chỉ trích của các nước về các công trình xây đảo nhân tạo ráo riết của họ, Bắc Kinh nói xây dựng các hòn đảo trong Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của họ, cô nghĩ gì về lập luận đó?
Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc muốn nói gì thì nói, nhưng các nước trong khu vực và Hoa Kỳ sẽ nhìn vào những hành động của họ để phán xét ý định của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh có thể nói các hoạt động xây đảo là để giúp họ đóng một vai trò tốt hơn trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo chẳng hạn, nhưng cùng lúc, họ xây các cơ sở quân sự và đã bắt đầu bố trí các hệ thống vũ khí trên các đảo mới, và cung cách mà họ đối xử với ngư dân các nước khác gợi lên một hình ảnh khác, thế cho nên theo tôi, lời nói và hành động của Trung Quốc thường không đi đôi với nhau.”
VOA

Không có nhận xét nào: