Pages

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Người với người, còn hơn cả loài thú dữ



Lưng nạn nhân Lữ Văn Tới đầy dấu vết của 4 giờ chịu đựng nhục hình.




Ngày 3 tháng 5, anh Lữ Văn Tới, là công nhân làm thuê cho một cơ sở khai thác quặng thiếc ở Khe Hao, xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị chủ mỏ đánh đập dã man suốt mấy tiếng đồng hồ vì nghi trộm quặng thiếc. “Cách tra khảo của chủ mỏ quặng như ở thời trung cổ: Dùng cây có gai đánh vào lưng cho tóe máu rồi tưới mắm, xát muối vào vết thương, dìm nước…” (Báo Pháp luật ở Sài Gòn ngày 7 tháng 5).

Những bức hình đăng trên các báo cho thấy khắp người nạn nhân, nhất là lưng và mông, bị bầm tím đen.

Lại nhớ đến vụ hai vợ chồng chủ đầm tôm hành hạ em bé làm thuê Hào Anh xôn xao dư luận năm 2010. Nào dùng cây dầm đánh, dí bàn ủi, sắt nung vào người, dùng kìm bẻ răng, cắt môi… và rất nhiều kiểu “sáng tạo” khác khiến em bị thương tật 66.83%. Hay trước đó, năm 2007, hai vợ chồng một tiệm phở 14 năm hành hạ người làm công, em Nguyễn Thị Bình, bằng dây điện, gậy gỗ và kìm kẹp, v.v. Sự tàn ác giữa con người với con người, tưởng chỉ có ở thời trung cổ hay chế độ nô lệ, vậy mà nó lại đang diễn ra trong xã hội Việt Nam bây giờ.

Ngày càng nhiều những vụ án mạng với những tình tiết lạnh người như trong phim ảnh. Tối 29 tháng 4, ngay giữa Hà Nội, một nhóm thanh niên đi xe máy đuổi theo một chiếc taxi, “bắn xuyên qua cửa kính khiến tài xế bị thương, chiếc xe loạng choạng, đâm vào lề đường. Cô gái cũng bị nhóm đi xe máy dùng dao truy sát, chúng đập vỡ cửa kính giơ súng nhắm thẳng mặt bắn. Nạn nhân gục xuống tại chỗ.” (Bee.net.vn ngày 29.4).

Chiều 5 tháng 5, tại Hải Phòng, lại hai thanh niên đi xe máy đuổi theo hai thanh niên khác, tay súng ngồi sau đã nã súng vào bụng một người khiến nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Tối 6 tháng 5, giám đốc một công ty kinh doanh sắt-thép-xà gồ bị một trong những tay côn đồ trước đó kéo đến cơ sở đập phá, rút súng chĩa thẳng vào ngực bắn chết. Ngôi nhà mặt tiền nằm ngay trên Ðại lộ Bình Dương.

Cả ba vụ này đều giống nhau ở điểm những kẻ sát nhân ra tay một cách lạnh lùng, cố tình bắn cho chết, vụ việc xảy ra ngay giữa những thành phố đông người.

Những câu chuyện bạo lực, những vụ án mạng dã man không còn là chuyện hiếm trong xã hội Việt Nam. Khi con người ngày càng đối xử với đồng loại một cách tàn nhẫn hơn thì điều đó không chỉ nói lên sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự bất lực của giáo dục và luật pháp. Mà nó còn phản ánh nỗi bức xúc, những mâu thuẫn xã hội bị dồn nén bên trong cũng như sự đổ vỡ niềm tin vào cái thiện, vào sự tử tế của mỗi con người.

Dư luận quốc tế chả là cái “đinh” gì!

Tuần qua, báo chí “lề trái” và dư luận quốc tế lại nóng lên với vụ bắt giữ nhà thơ Bùi Chát, đồng sáng lập viên NXB Giấy Vụn. Ðó là ngày 30 tháng 4, khi anh vừa đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất sau chuyến đi lãnh giải thưởng Tự Do Xuất Bản của Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA).

Trả lời đài RFA, ông Alexis Krikorian, giám đốc của IPA đã nói: “Thực sự đây là một tình huống tệ hại nhất. Chúng tôi đã trao giải Tự Do Xuất Bản nhiều năm nay rồi, nhưng nay là lần đầu tiên một chính quyền sở tại cho bắt giữ người được trao giải khi trở về lại đất nước của người ấy. Vì vậy ở một mức độ nào đó, chúng tôi thấy ngạc nhiên…

Nhiều người đã được trao giải này trước ông Bùi Chát, những người đó sống tại những quốc gia như Zimbabuê, Iran… Và tất cả họ, tôi nhấn mạnh là tất cả những người đó, khi trở về quê nhà sau khi nhận được giải thưởng Tự Do Xuất Bản không hề bị bắt bớ.” (“VN và ngày tự do báo chí toàn cầu”, RFA)

Cho dù sau đó Bùi Chát đã được tạm thả, nhưng sau hàng loạt những vụ việc không giống ai như phiên tòa Cù Huy Hà Vũ hay vụ Bùi Chát, Việt Nam nay đã vượt qua nhiều quốc gia độc tài khác trong cách hành xử với nhân dân bất chấp quốc tế nghĩ gì!

Và cuối cùng là sự kiện hàng ngàn người Hmong biểu tình, bạo động tại huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên từ ngày 30 tháng 4. Khi chuyện xảy ra, nhà nước Việt Nam lập tức cô lập khu vực Mường Nhé, không cho báo chí trong và ngoài nước đến đưa tin, điều quân đội và trực thăng đến đàn áp… Sau đó Thông Tấn Xã Việt Nam và các báo quốc doanh mới được đưa tin cùng một giọng xuyên tạc tình hình cũng như mục đích biểu tình của người dân Hmong, v.v.

Không ai có thể thực sự biết chuyện gì đang xảy ra cũng như chính xác con số bao nhiêu người bị chết, bị thương hay bị bắt. Cũng như khi xảy ra vụ bạo động ở Tây Nguyên năm 2004, người dân sống ở trong nước chẳng mấy ai biết điều gì.

Thực sự, đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam không hẳn đã là quốc gia độc tài duy nhất “vinh dự chiếm giải kịch bản” về cách ứng xử trước những cuộc bạo động đòi tự trị, tự do tôn giáo của các sắc dân thiểu số. Ít nhất là họ học theo y chang cách hành xử của đảng và nhà nước Cộng Sản Trung Quốc qua những vụ bạo động ở Tân Cương, Tây Tạng. Từ sự thẳng tay đàn áp, cách bưng bít thông tin cho đến sự dối trá trước dư luận quốc tế.

Ðiều đáng nói ở đây là nếu như Trung Quốc ỷ nước lớn, dân đông, tiền nhiều nên không sợ dư luận quốc tế phần nào còn hiểu được. Còn Việt Nam -đang kinh tế lao đao, thân cô thế cô chống đỡ âm mưu bành trướng của Trung Quốc mà lại chơi “không giống ai”. Vụ bắt giữ Bùi Chát thì xảy ra ngay trước ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Còn vụ đàn áp người Hmong thì ngay giữa thời điểm Việt Nam đang có nguy cơ bị chính phủ Hoa Kỳ đưa trở lại vào danh sách các nước cần phải quan tâm đặc biệt về tôn giáo. Có nghĩa là nhà nước Việt Nam tự làm khó mình.

Thế mới gọi là có tầm nhìn, tư duy chính trị sâu rộng, có đối sách ngoại giao khéo léo… kiểu Việt Nam! Thế mới gọi là những “chuyện chỉ có ở Việt Nam”!

Không có nhận xét nào: