Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

1.5 tỷ đôla sai phạm ở công ty nhà nước

Hình minh họa
PetroVietnam phải xử lý khoản tiền vi phạm
 lên tới hơn 18.000 tỉ đồng
Tại Việt Nam, Thanh tra chính phủ tuyên bố phát hiện "sai phạm kinh tế" lên đến 30.720 tỷ đồng, tương đương 1.5 tỷ đôla, tại các tập đoàn lớn của nhà nước.
Kết quả này được đưa ra dựa trên báo cáo của Thanh tra Chính phủ sau khi tiến hành 25 cuộc thanh tra trong ba tháng đầu năm 2012.
Các sai phạm lớn được nói xảy ra ở hai công ty là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Sông Đà.
Quản lý sơ hở
Tập đoàn Sông Đà bị cáo buộc có hàng loạt sai phạm với số tiền phải xử lý lên tới hơn 10.676 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng, đơn vị quản lý tập đoàn, bị cho là không xác định lại giá trị vốn nhà nước, vốn chủ sở hữu của sáu tổng công ty khi bàn giao cho Tập đoàn Sông Đà, dẫn đến việc xác định không chính xác vốn điều lệ.
Việc quản lý sử dụng vốn, tài sản ở đây cũng có nhiều yếu kém, sơ hở.
Trong khi đó, PetroVietnam, mà người sếp cũ là ông Đinh La Thăng nay đã thành bộ trưởng giao thông, cũng phải xử lý khoản tiền vi phạm lên tới hơn 18.000 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho hay, nạn tham nhũng và chi tiêu lãng phí ở các tập đoàn nhà nước đã gây ra tình trạng bất ổn định cho nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Đảng Cộng sản cam kết sẽ cải thiện tình hình ở khu vực quốc doanh nhưng vẫn sẽ duy trì “vai trò hàng đầu” của công ty quốc doanh trong nền kinh tế.
Tuần trước, Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiểm tổng giám đốc Vinashin, ông Phạm Thanh Bình, bị kết án 20 năm tù vì sai phạm trong quản lý kinh tế dẫn đến khoản nợ hơn bốn tỷ đôla.
Xử lý?
Bất chấp con số thiệt hại được công bố trong một buổi họp báo vào hôm thứ Năm, 5/4, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đây là khởi đầu của đợt chấn chỉnh đồng loạt các công ty nhà nước hay chỉ là màn trình diễn với giọng điệu gay gắt mà thôi.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh thừa nhận việc xử lý "hậu thanh tra" vẫn chưa tốt.
Ông còn được dẫn lời rằng, về nguyên tắc chung quy trách nhiệm là có, nhưng quy trách nhiệm đến đâu, xử lý như thế nào đòi hỏi phải có quy trình.
“Nếu chỉ nhìn vào những con số sai phạm lớn về kinh tế cũng chưa thể quy trách nhiệm ngay cho người đứng đầu,” ông cho biết.
Tờ Financial Times hôm thứ Sáu 6/4 trích lời một nghiên cứu gia nước ngoài đang làm việc ở TP. HCM: “Không rõ liệu sẽ có hậu quả nghiêm trọng từ những cáo buộc này hay không.”
Phân tích gia này còn nói: “Thông thường, thanh tra chính phủ xác định một số các công ty, tổ chức, và các bộ nhà nước để tiến hành kiểm toán. Họ sẽ đưa ra các sai phạm, làm ầm ĩ vài ngày rồi mọi việc lại đâu vào đấy.”
Tờ này còn dẫn lời tiến sỹ Nguyễn Quang A từ Hà Nội, nói ông không ngạc nhiên trước những kết quả thanh tra, và rằng đó là “bản chất tự nhiên của các doanh nghiệp nhà nước sử dụng đồng tiền một cách sai trái”.
Tuy nhiên, ông cho biết, điều này vẫn chưa dẫn tới nỗ lực nghiêm túc tái cấu trúc tập đoàn nhà nước bởi vì “nếu họ muốn làm điều này thì họ phải mạnh tay hơn, họ phải thay đổi hướng đi của đảng Cộng sản, và đó không phải là điều dễ dàng”.
PetroVietnam từ chối bình luận, nhưng cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào tuần tới - có điều không cho truyền thông nước ngoài tham dự.
Tập đoàn Sông Đà vẫn chưa đưa ra bình luận nào.

Không có nhận xét nào: