Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Chơi trò chiến tranh ở biển Đông

Thilo Thielke tường thuật từ Palawan
Phan Ba dịch từ Spiegel Online


Người Mỹ diễn tập với người Philippines, người Nga khởi động một cuộc tập trận với người Trung Quốc: xung đột trong biển Đông leo thang. Các cường quốc tranh nhau quyền thống trị trong khu vực đang tăng trưởng, quan trọng về mặt chiến lược với những nguồn tài nguyên to lớn của nó. Những dấu hiệu báo trước của một cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Á.
image001_25.jpg

Cuộc tập trận có tên là "Balikatan". Các đồng minh diễn tập chiến tranh một lần trong năm. Ảnh: Thilo Thielke

Thiếu tá Neil Estrella hài lòng. Tất cả đều diễn tiến tốt đẹp. Đầu tiên, nhóm người nhái tinh nhuệ đã tiếp cận bờ biển không một tiếng động. Rồi những chiếc thuyền bơm hơi với lực lượng chiến đấu cập bờ biển không được canh gác đúng như quy định. Bây giờ, trong bụi rậm bên cạnh doanh trại của ông ấy đã có hơn sáu mươi người lính thủy quân lục chiến sẵn sàng chiến đấu. Họ nhìn qua ống nhòm, cầm súng M-16 đã lên đạn và bảo vệ khu vực.
"Địch quân sẽ bị chế ngự nhanh chóng", Estrella ca ngợi, "phải làm như thế đấy – không có một tí kháng cự nào cả". Ở trên kia, trong doanh trại sĩ quan của Bộ chỉ huy phía Tây Philippines, một vài người lính bảo vệ vẫn còn chưa biết gì đang thơ thẩn đi lại. Họ mặc jeans và buộc khăn cướp biển, đóng vai khủng bố trong những ngày này.
Nhưng tất nhiên là họ chẳng có được một cơ hội nào trước lực lượng vượt trội đấy. Chẳng mấy chốc, súng đã nổ khắp nơi một cách đáng sợ, lựu đạn sáng kêu rít lên trong không khí, và rồi thì mọi việc đã xong – ngọn đồi nhỏ nằm trong tay của phe tấn công. "Mission accomplished", viên sĩ quan Philippines báo cáo và niềm nở đập lên vai người bạn đồng minh Hải quân Mỹ đến từ San Diego.

image003_17.jpg

Một người lính Mỹ đang nổ súng. Kịch bản ngày một mang tính hiện thực nhiều hơn. Ảnh: Reuters.

Cuộc tập trận có tên là "Balikatan" – vai kề vai. Dưới câu khẩu hiệu này, người Mỹ đã diễn tập chiến tranh với đồng minh Philippines của họ mỗi năm một lần từ 1991. Lần này cũng có sáu ngàn người lính tham gia vào trong các buổi diễn tập chiến đấu và cứu hộ. Nhưng kịch bản ít khi nào mang tính hiện thực như bây giờ. Chiến tranh đang đe dọa trên biển Đông.
Hiện giờ, hầu như không có tuần nào mà không có va chạm giữa Hải quân Philippines với tàu đánh cá hay chiến hạm Trung Quốc
  • Mới trước đây vài ngày, người Philippines đã muốn bắt giữ ngư dân Trung Quốc ở gần cái được gọi là bãi đá ngầm Scarborough, những người mà được cho là đi tìm san hô và rùa ở đấy. Thế nhưng một chiến hạm Trung Quốc đã ngăn chận hành động đó. Cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền hòn đảo san hô đấy – Philippines, vì nó nằm trong "vùng đặc quyền kinh tế" trải dài 200 dặm ra biển của họ. Người Trung Quốc, bờ biển của họ cách đó hơn 800 kilômét, lý luận rằng người Trung Quốc xưa nay bao giờ cũng đã đánh cá ở đó rồi.
  • Nhưng xung đột Trung-Phi là về cả quần đảo Trường Sa. Chúng được đến sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền – bên cạnh Trung Quốc và Philippines là Đài Loan, Malaysia, Việt Nam và Brunei. Dưới khu vực tròn 180.000 kilômét vuông này, người ta phỏng đoán có những trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ khổng lồ, và hầu như tất cả những bên đã tuyên bố chủ quyền cũng đều ký kết hợp đồng khai thác vùng này với các công ty nước ngoài.
Thêm vào đó, vùng này rất giàu cá và nằm, quan trọng về mặt chiến lược, trên một trong những đường hàng hải có mật độ giao thông cao nhất thế giới. Khoảng một phần tư của tất cả các hải trình vận tải đều dẫn qua eo biển đấy. Mỗi một tàu chở dầu, muốn từ Cận Đông sang Hongkong hay Thượng Hải, đều phải đi qua đây. Đã có xung đột quanh các hòn đảo Trường Sa từ nhiều năm nay. Năm 1970, người Philippines tiến tới đây và chiếm cứ tổng cộng tám đảo, tiếp theo sau đó là Việt Nam, Brunei, cả người Trung Quốc nữa – hiện giờ đã thiết lập một hẳn một đầu cầu ở đấy – với bãi đáp cho trực thăng, thiết bị radar và súng phòng không. Năm 1988 Hải quân Trung Quốc còn đánh chìm cả hai tàu Việt Nam – trên 70 người lính đã tử trận trong lúc đấy.
Hiện giờ, người Trung Quốc tuyên bố hầu như toàn bộ biển Đông là sở hữu của họ. Họ khước từ mang câu hỏi lãnh thổ chưa được giải quyết này ra một tòa án biển để giải quyết, và qua đó đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Như Malaysia đã chi hơn 990 triệu dollar cho tàu ngầm chạy diesel trong những năm vừa qua, và Việt Nam đã đầu tư hai tỉ dollar vào máy bay chiến đấu của Nga và sáu chiếc tàu ngầm.

image005_7.jpg

Những người lính Philippines và lính Mỹ lội qua khu rừng ngập nước. Họ luyện tập chiến đấu chống kẻ thù. Ảnh: AFP

"Cái bãi san hô đó không quan trọng lắm đâu"

Một trong những người quan tâm đến cuộc chạy đua vũ trang trong vùng từ nhiều năm nay là Ralf Emmers, đang giảng dạy tại Rajaratnam School of International Studies ở Singapore. "Tình hình đang căng thẳng thêm", Emmers nói. "Nhiều nước trong vùng đang lo lắng vì sự tăng trưởng năng động của Trung Quốc, nhưng đặc biệt là vì họ tăng cường mở rộng hải quân." Tuy vậy, Emmers cho rằng tình trạng kích động quanh Trường Sa là hơi cường điệu: "Cái bãi san hô đấy tự nó thì không quan trọng lắm đâu – phần lớn thường nằm ở dưới nước, và ở đó có bao nhiêu dầu và liệu có thể khai thác dễ dàng nó ở biển sâu hay không là những điều còn hoàn toàn chưa rõ."
Người Mỹ và người Philippines thì lại tiến hành cuộc tập trận của họ chính trên hòn đảo Palawan của Philippines. "Trường Sa chỉ cách đây khoảng 200 dặm biển", Thiếu tá Estrella tiết lộ. Các hòn đảo do Philippines chiếm cứ cũng được quản lý từ đây. Nhưng sự lựa chọn địa điểm nhạy cảm này là hoàn toàn ngẫu nhiên và người ta đã có kế hoạch trước đây lâu rồi, Estrella nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ tập luyện chiếm một hòn đảo ra sao thôi. Chúng tôi có thể thực hiện điều đấy ở khắp mọi nơi." Trong cùng thời gian đó, một cuộc tập trận Mỹ-Việt với 1400 lính Mỹ cũng diễn ra ở Đà Nẵng. Và người Trung Quốc cùng với người Nga chơi trò chiến tranh trong Hoàng Hà. Cuộc diễn tập này chỉ phục vụ cho "hòa bình và sự ổn định trong khu vực", theo Bắc Kinh.
Thế nào đi nữa thì Tổng thống Philippines ngày càng tìm cách kề vai với Hoa Kỳ, thế lực thuộc địa trước đây, một cách công khai hơn. Toàn bộ sự việc ngày càng đáng lo ngại hơn cho ông ấy. "Trung Quốc là một cường quốc", mới đây ông ấy vừa phàn nàn, "đấy là một nước có vũ khí nguyên tử, có nhiều dân cư hơn chúng tôi tới gần gấp 13 lần." Bắc Kinh có thể bắn tên lửa hạt nhân. "Làm sao mà chúng tôi không lo sợ những gì đang xảy ra ở đó cho được?"
Thilo Thielke
Phan Ba dịch
(http://www.spiegel.de/politik/ausland/0,1518,829941,00.html)

Không có nhận xét nào: