Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Chỉ vì mấy đồng bạc của nhà tư sản?

Đào Tiến Thi, theo blog Nguyễn Xuân Diện
Vụ Văn Giang nóng lên từ đầu tháng tư năm nay.
Trên các phương tiện truyền thông ta đã thấy, suốt từ đầu tháng 4, bà con đã đi gõ khắp các cửa, từ huyện, tỉnh đến trung ương. Bà con không nhất trí với giá đền bù, do đó không chấp nhận quyết định cưỡng chế và đã làm tất cả những gì trong vòng pháp luật và ôn hòa để giữ đất.
Theo ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, đây là cưỡng chế 5,8 ha còn lại (trong số 72ha) thuộc 166 hộ không nhận tiền đền bù hỗ trợ, do đó phải tiến hành cưỡng chế.
Nghe có vẻ nhỏ, thế nhưng cuộc cưỡng chế ngày 24-4-2012 lại có quy mô khổng lồ và chắc chắn để lại nhưng vết thương khó lành..

1. Vài suy nghĩ về tính pháp lý của vấn đề
Luật đất đai 2003, điều 38 quy định về mục đích thu hồi đất bao gồm “quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”.
Về loại đất bị thu hồi gồm đất nhà nước giao cho tổ chức (của nhà nước) khi bị giải thể, phá sản, chuyển đi; đất sử dụng không đúng mục đích, không có hiệu quả; đất bị lấn chiếm; đất không có người thừa kế; đất giao hết thời hạn; đất trồng cây bị bỏ hoang quá thời hạn quy định v.v.. có tất cả 12 loại đất có thể bị thu hồi nhưng không có một điều khoản nào nói thu hồi giao cho chủ đầu tư vì mục đích kinh doanh. Trong các mục đích thu hồi nói trên ta thấy có mục đích “phát triển kinh tế”. Cái tên “Dự án khu đô thị thương mại – du lịch Văn Giang” (Ecopark) đã cho thấy nó thuộc mục đích kinh doanh. “Kinh doanh” khác “kinh tế”. Hơn nữa Điều 40 mục 1 giải thích nội dung “phát triển kinh tế” như sau:
Điều 40. Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.
Cụm từ “và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” mang nghĩa chung chung dễ làm một số người hiểu rằng cứ dự án nào được cấp chính phủ ký là thuộc loại này. Tôi không nghĩ thế. Với chữ “lớn” ta hiểu đó là những dự án có tính chất chiến lược, do nhà nước trực tiếp đầu tư (hoặc nhà nước đầu tư là chủ yếu), và là những công trình mang tính hạ tầng, không phải kinh doanh. Nếu không phải thế, nếu nó bao gồm cả loại kinh doanh thì mục 2 của điều sau đây sẽ là thừa:
2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Mục 2 trên của Điều 40 chính là để dành cho loại kinh doanh như Ecopark. Ecopark “được nhận quyền chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất,…”. Với các hình thức “chuyển nhượng”, “thuê”, “góp vốn” thì chỉ có bằng con đường THỎA THUẬN. Và Luật cũng nói rõ “không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.
Trên Tuổi trẻ online ngày 26-4-2012, Luật sư Lê Đức Tiết nói: “Liên quan đến các dự án kinh tế thì phải đảm bảo nguyên tắc cao nhất là thỏa thuận giữa người có đất với chủ dự án, với doanh nghiệp theo cơ chế thị trường”.
Cho nên việc cưỡng chế là hoàn toàn trái luật.
Chắc đã bị người dân chất vấn, đấu tranh nhiều về chỗ này cho nên chính quyền Hưng Yên cũng đã có cách chống chế. Ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đã trả lời báo rằng:
“Đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải là dự án phát triển kinh tế của chủ đầu tư. Trong toàn bộ diện tích giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án, chỉ có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh, tức là chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh”. (Tuổi trẻ online ngày 26-4-2012).
Cái “hạ tầng” được ông Thanh giải thích được hiểu là phần “chủ đầu tư đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng để làm đường bộ liên tỉnh từ cầu Thanh Trì (Hà Nội) đi TP Hưng Yên, hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu đô thị và hạ tầng thuộc huyện Văn Giang, (Tuổi trẻ online ngày 26-4-2012)
Ta thấy gì qua lý lẽ trên?
1. “30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh” được giải thích là phần “làm nhà để bán”, còn lại “diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh” là ngoài phạm vi “nhà”. Cái lý luận này không lừa được cả trẻ con. Nhà bình thường mà không có đường vào thì cũng chẳng ai mua huống chi đây là nhà cao cấp. Đường đi, công trình phúc lợi, cây xanh, tất cả cùng với nhà mới thành một hệ thống, mới trở thành chỗ ở, nếu không thì ai mua? Cho nên làm sao có thể tách 30% đất nhà với các phần còn lại không thể thiếu được cho một cái công trình gọi là “nhà”?
2. Cứ tạm cho rằng chỉ có 30% để kinh doanh, còn lại là xây hạ tầng phục vụ chung cho cả khu vực, nhưng giả sử không có 30% kinh doanh kia liệu nhà tư bản có làm hạ tầng không? Chắc chắn là không. Miếng mồi ngon cho nhà tư bản là ở chỗ ấy. Chính quyền cưỡng chế quyết liệt cũng chỉ vì chỗ ấy.
Cho nên 30% chứ 3% thì nó vẫn thuộc về cái mục đích mà nhà đầu tư hướng tới để tìm kiếm lợi nhuận. Mà đã là lợi nhuận thì phải thỏa thuận theo luật đất đai và cũng là theo quy luật kinh tế thông thường.
Vả lại vấn đề không phải số phần trăm nhỏ thì số đất là nhỏ. Diện tích lớn thì vài phần trăm của nó cũng sẽ rất lớn và số người bị mất đất sinh sống cũng rất lớn, chứ đâu phụ thuộc số phần trăm, thưa ông Thanh.
3. Tại sao lại phải “đổi đất lấy hạ tầng”? Thiết nghĩ cái gì nhà nước xây được thì xây, cái gì chưa thì sau này xây chứ sao lại xẻo mãi bờ xôi ruộng mật để bán? Chỗ này nhờ các nhà kinh tế phân tích rõ. Tôi thì nhìn vấn đề một cách trực cảm đã thấy bất ổn. Nó giống như hiện tượng người nông dân bán đất nông nghiệp để mua xe máy, để xây nhà lầu, để rồi rơi vào thất nghiệp và nghèo đói như báo chí thường nêu. Cứ lý lẽ “đổi đất lấy hạ tầng” thì cuối cùng bán hết quốc gia công thổ hay sao?
2. Cuộc cưỡng chế diễn ra thật khủng khiếp, trái đạo lý và luật pháp, làm xấu hình ảnh Nhà nước
Đêm trước của ngày cưỡng chế, bà con dựng lều bạt, đốt lửa tại chỗ để giữ đất. Quang cảnh không khác gì thời cổ đại trong những cuộc chiến tranh bộ lạc. Thời ấy có những bộ lạc hùng mạnh đi cướp lấy đất đai, của cải, kể cả con người của bộ lạc khác; ngược lại, bộ lạc bị xâm lược quyết tâm bảo vệ mảnh đất mà ông cha họ đã khai phá, gây dựng, và nếu không thành cũng không có đường lui: họ không những mất đất, mất của cải mà bản thân họ hoặc bị giết, hoặc bắt làm nô lệ. Lửa trại và không khí âm thầm của bà con nông dân đêm 23-4-2012 cho thấy một điều gì đó thật nghiêm trọng gần như thế. Và nó không chỉ là vấn đề cơm áo, mà hơn thế, nó là cõi tinh thần, là máu thịt thiêng liêng của cha ông họ đã đổ xuống nhiều đời. Hàng vạn người khác, dù không có quyền lợi gì ở Văn Giang, cũng xót xa thao thức cùng họ và nín thở chờ đợi giờ G.
Và giờ G đã diễn ra vào sáng sớm ngày 24-4-2012 với hàng rừng cảnh sát có vũ trang và các phương tiện đàn áp. Theo các nguồn tin không chính thức lực lượng cưỡng chế có khoảng 2000 – 3000 người, còn UBND tỉnh Hưng Yên thừa nhận là 1000, nhưng 1000 cũng là quá khủng, gấp 10 lần vụ Tiên Lãng rồi. Đặc biệt là đội quân cảnh sát cơ động với sắc phục đen, mũ bảo hiểm, áo chống đạn, khiên che, trông xa hoàn toàn nghĩ đó là đội chiến binh của đế quốc La Mã, lực lượng gieo rắc tang thương lên khắp các vùng Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á thời cổ đại.
Bên nông dân tất cả chưa đến 1000 (theo ông Bùi Duy Thanh, chỉ khoảng 300), chủ yếu là phụ nữ trung niên, đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm gậy, miệng đeo khẩu trang hoặc bịt khăn để chống hơi cay. Ở một vài điểm, xung đột có vẻ nhẹ: hai bên dàn quân đứng trông chừng nhau rồi sáp lại nhau nhưng không có xô xát. Vì mấy chị đàn bà gầy guộc chỉ quen làm lụng làm sao địch được những thanh niên trai tráng to khỏe được huấn luyện bài bản nhiều năm trời, được trang bị tận răng các phương tiện bảo vệ cũng như vũ khí tấn công.
Nhưng có video clip cho thấy có những cuộc dàn trận quy mô: gậy gộc và đá của người nông dân với bên kia là công an, cảnh sát cơ động có vũ khí. Những tiếng nổ dữ dội, những đường đạn đi veo veo lạnh người (tại lúc ấy người dân nghĩ là súng pháo, sau này mới biết đó là “quả nổ”, một thứ làm ra có lẽ chuyên để hăm dọa, khủng bố tinh thần).
Người dân thực ra cũng chỉ ném được vài hòn đá từ xa, không gây thương tích, cảnh sát cũng không giết ai nhưng cảnh tượng thì khủng khiếp quá. Quả là cảnh tượng của chiến trường với sự dàn quân tác chiến, tiếng nổ xé tai, khói bụi mù mịt, tiếng quát “Chạy à? Chạy à?” báo hiệu có kèm theo sự trừng phạt.
Và quả là có những cuộc trừng phạt ghê gớm. Một cậu thanh niên đang đứng bên trong một bờ tường bỗng gần chục cảnh sát và dân phòng đeo băng đỏ từ bên kia hùng hổ nhảy qua tường lôi cậu ta đi. Đến sát tường, một cảnh sát từ bên kia nhảy lên tường vung dùi cui vụt cậu hai dùi thẳng cánh, đồng thời đám đông cảnh sát và thanh niên đeo băng đỏ xông vào đánh túi bụi. Một thanh niên khác có ý can ngăn liền bị họ túm luôn lấy và rồi tất cả xông vào đánh cậu này. Kẻ đá, người đấm, kẻ lên gối. Một công an cầm cây gậy dài thúc mạnh vào lưng. Cùng với tiếng đấm đá, có tiếng nổ chói tai như tiếng súng phụ họa để hưởng ứng.
Thật không thể tưởng tượng nổi. Những hình ảnh về “ngụy quân ngụy quyền” đàn áp nhân dân trong phim ảnh (tức là đã phóng đại so với thực tế) ngày trước cũng không tàn bạo bằng. Nhiều phụ nữ không dám xem video clip này.
Tôi cố cắt nghĩa tại sao nhóm công an và dân phòng kia sao lại ác đến thế, mất nhân tính đến thế. Tôi nghĩ họ:
1. Đánh để lấy thưởng. Hoặc:
2. Đánh để trả thù (có thể do những lần đi khiếu kiện, những thanh niên này đã va chạm với số công an, dân phòng đó chăng). Hoặc:
3. Đánh để thử sức lợi hại của những ngón đòn được đào tạo. Hoặc:
4. Đánh để hưởng thụ khoái cảm được đánh người.
V.v.. và vv..
Lý do nào thì cũng không thể chấp nhận được.
Có lẽ đối với họ đây là ngày “tháo khoán”, là ngày “trâu bò được ngày phá đỗ” chăng? Những cái ác trong con người được dịp bung phá như con ngựa vô cương.
Như thế này chúng ta tránh sao được hiện tượng nữ sinh trung học tụ tập đánh hội đồng và lột quần áo bạn liên tiếp xảy ra như một bệnh dịch hiện nay, tránh sao việc nảy ra những Lê Văn Luyện, Đào Văn Tài (18 tuổi, Yên Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc, giết hai mẹ con chủ quán internet để lấy tiền mua điện thoại, được coi là Lê Văn Luyện thứ hai[1]).
(Hỡi nhà nước chuyên chính nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hỡi tất cả lương tri của người Việt Nam và lương tri của nhân loại, nếu chúng ta bỏ qua hành động đánh người dã man trong khi đi “cưỡng chế” nói trên là chúng ta quá nhẫn tâm, là mỗi người tự vả vào mặt mình)
Chúng ta thử nghĩ xem cái ác từ đâu đến. Những anh công an đánh người dã man kia có phải quỷ xa tăng từ địa ngục sai phái đến đâu. Các anh cũng là con em nhân dân, trong đó có nhiều người nông dân lam lũ, chất phác. Các anh đi làm thuê cho nhà nước, đúng rồi. Nhưng nhà nước hiện đại, về bản chất, lại là người làm thuê cho nhân dân. Vậy chẳng lẽ nhân dân thuê các anh đánh chính mình? Không. Đã có người đặt câu hỏi: tiền chi cho đội quân khổng lồ có nhiều phương tiện kỹ thuật kia, ai chi? Tiền nhà nước? Nhưng đây có phải là việc nhà nước đâu. Đây là sự thỏa thuận chuyển nhượng giữa người nông dân có đất và chủ đầu tư cơ mà. Tiền của Ecopark? Thế thì chẳng lẽ nhà nước đi làm thuê cho mấy ngài tư sản? Nhà nước tư sản cũng không bao giờ làm việc ấy huống chi nhà nước XHCN.
Đau xót. Tủi nhục. Xấu hổ.
3. Cuộc cưỡng chế báo hiệu đất nước ở bên bờ vực do những cuộc đối đầu giữa nhân dân và nhà cầm quyền
Dự án khu đô thị sinh thái này theo quảng cáo đầy hấp dẫn của họ, có thể thấy trước đó là một khu chỉ người giàu mới mua nổi[2]. Thế thì về ý nghĩa xã hội, đó là cách lấy của nhà nghèo chia cho nhà giàu, là một hiện tượng chưa có trong lịch sử.
Trong các clip người dân quay được, ta thấy những tiếng chửi, tiếng nguyền rủa phẫn nộ của người dân mất đất. Chúng ta chỉ là những người xem mà cũng phẫn uất rồi nói chi họ. Nhưng cuối cùng thì người dân Văn Giang và dư luận cả nước nói chung đã cúi đầu chấp nhận. Còn lực lượng cưỡng chế thì cho rằng họ đã thắng lợi, như phát biểu của Ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên:
“Trong quá trình tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng bàn giao đất tại xã Xuân Quan đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Văn Giang nói chung, xã Xuân Quan nói riêng đồng tình ủng hộ”. (Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên)
Tuy nhiên sóng gió trong lòng người mạnh hơn lúc nào hết. Nó dồn nén, nó tích tụ, rồi nó thành cái gì thì khó ai đoán được. Nhưng cũng có những cái đoán được. Đội quân nông dân đông đảo mất đất kia sẽ về những ngả nào? Từ cách đây khoảng hơn 10 năm, khi nhiều nơi người nông dân còn được đền bù những khoản tiền khá lớn và hoan hỷ nhận thế mà kết cục cũng thường chẳng tốt đẹp gì. Nhiều nhất cũng chỉ là xây được ngôi nhà tầng, mua xe máy, ti vi, rồi phần đông rơi vào thất nghiệp, sống bằng các công việc không ổn định hoặc phiêu bạt kiếm sống xứ người. Một số rơi vào cờ bạc, nghiện hút, tranh giành, đâm chém nhau… Có nguyên nhân là người nông dân chưa biết tiêu tiền nhưng chủ yếu vì họ mất đi tư liệu sản xuất truyền thống mà không có ai chịu trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện để họ bắt nhịp vào một cuộc sống khác cuộc sống truyền thống ấy.
Huống chi bây giờ họ nhận đồng tiền rẻ mạt, không dùng được vào việc gì cả. Đội quân thất nghiệp ấy chắc chắn sẽ kéo ra thành thị sống vất vưởng bằng đủ thứ nghề. Và khi lâm vào những hoàn cảnh cùng đường, tủi nhục cộng với nỗi uất hận chưa nguôi “hôn nhân điền thổ vạn cổ chi thù” chắc chắn sẽ làm tha hóa không ít người, sẽ biến họ thành những kẻ ăn cắp, trộm cướp, đĩ điếm, lừa đảo, và lúc ấy xã hội tha hồ lên án họ, coi họ như những phần tử làm bẩn xã hội đáng khinh bỉ nhất.
Có thể ngày mai từ Văn Giang lớp lớp sẽ lên đường
vượt Trường Sơn làm “cà phê tặc”, “đinh tặc”
v…v…các thứ “tặc”
(Thanh Thảo, Quê choa ngày 27-4-2012)
Đất nước hiện nay đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm và hiểm họa ngày càng đến gần. Kẻ mạnh đang hằng ngày lấn lướt, đe dọa, cướp đi từ con cá, lít dầu mà chúng ta chưa làm gì được. Không có nhân dân làm hậu thuẫn thì nhà nước tất trở nên yếu hèn. Vậy tại sao cứ đẩy nhân dân vào đường cùng, buộc phải đối đầu với nhà nước? Bài học của nhà Trần và nhà Nguyễn trong việc giữ nước cho thấy hai thái cực, hai kết quả trái ngược nhau. Nhà Trần dựa vào dân nên ba lần bỏ Thăng Long mà rồi lấy lại Thăng Long khá dễ dàng. Nhà Nguyễn vì không dám đi cùng nhân dân đánh giặc nên mặc dù có thành cao hào sâu, quân đông, đại bác nhiều, thế mà cứ thua, thua dần thua mãi cho đến khi thua hoàn toàn. Vừa rồi nhân viết bài kỷ niệm 130 năm ngày Hà Thành thất thủ lần thứ hai đồng thời cũng là 130 năm người anh hùng Hoàng Diệu tử tiết[3], tôi cứ nghĩ mãi tại sao một người “lâm nguy lý hiểm đã từng” như Hoàng Diệu” mà lại dại dột ngồi chờ giặc như vậy? Sao quân ta không ra tay 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày, 20 ngày trước đó, kể từ khi chúng đến Hà Nội, thậm chí cả tháng trước đó khi chúng còn ngấp nghé ngoài cửa biển? Và tại sao khi chiến sự xảy ra, quân ta chỉ cố thủ trong thành mà không có những đội quân ngoài thành phối hợp với nhân dân cự địch? Sao không bám từng góc phố, từng căn nhà, từng gốc cây (như hồi năm 1946 dưới chính quyền Cụ Hồ Chí Minh) mà đánh địch? Tại sao lại để chúng nghênh ngang kéo pháo từ Đồn Thủy (khu vực Bệnh Viện Hữu Nghị hiện nay) vào sát Cửa Bắc (đường Phan Đình Phùng hiện nay) để nã pháo vào bên trong cho chính xác? Và cuối cùng thì tôi càng thấm thía cái điều đã cũ, cái điều mà các thầy cô và sách giáo khoa lịch sử đã dạy tôi từ bé: nhà Nguyễn sợ dân hơn sợ giặc. Vì sợ dân hơn sợ giặc nên vua quan nhà Nguyễn tuy cũng chống giặc (chống không phải ít, tốn bao nhiêu là súng đạn và hy sinh biết bao binh hùng tướng mạnh) nhưng họ lại đi riêng con đường của mình chứ nhất định không đi cùng nhân dân. Đúng ra là không dám đi cùng nhân dân, vì họ đã làm nhân dân điêu đứng khổ cực, vì họ đã đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Vậy nên hao người tốn của mà vua quan nhà Nguyễn vẫn thua, cuối cùng phải đầu hàng nhục nhã. Để sau đó đời nọ đến đời kia làm tay sai cho ngoại bang. Tủi nhục đến mức mà Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều đại này khi trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng đã nói một câu bất hủ: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do hơn là làm vua một nước bị trị”.
Thế đấy, mất nước sẽ không còn gì.
Chẳng lẽ chỉ vì mấy đồng bạc của nhà tư sản mà dân tộc này chém giết nhau?
Để rồi bi kịch mất nước lại có cơ tái diễn.
Đ.T.T

[1] http://dantri.com.vn/c170/s170-587183/bat-ke-giet-hai-hai-me-con-chu-quan-internet.htm
[2] http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fcunzivrgqnb2.oybtfcbg.pbz/2012/04/8-2-gl-hfq-fr-hbp-nh-gh-inb-xuh-b-guv.ugzy
[3] http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fkhnaqvraunaabz.oybtfcbg.pbz/2012/04/xl-avrz-130-anz-atnl-un-gunau-gung-guh.ugzy

Không có nhận xét nào: