Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Đại biểu Quốc hội “bác” phát biểu của Bộ trưởng Thăng

Phương Thảo
 
“Nghị quyết 21 vừa rồi chỉ là thông qua chủ trương chung về giảm tai nạn, ùn tắc”, “Khi bấm nút, bản thân tôi không hề nghĩ là thông qua việc thu 2 loại phí” – nhiều đại biểu Quốc hội cùng lên tiếng “bác” phát biểu của Bộ trưởng GTVT.
“Phải có phương án trình mới biểu quyết cụ thể”
Trả lời báo chí ngày 3/4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói: “Nghị quyết trả lời chất vấn được QH thông qua với tỷ lệ 92,4% về chủ trương thu 2 loại phí (phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm)”.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, tìm cách giảm ùn tắc, tai nạn giao thông là chủ trương chung đúng đắn mà Quốc hội thông qua, với mục tiêu tiêu giảm số người chết vì tai nạn xuống 5-10% và giảm ùn tắc ở các thành phố lớn. Chủ trương này có thể thực hiện bằng rất nhiều giải pháp đồng bộ như hoàn thiện hạ tầng, tăng cường phương tiện vận tải công cộng, giáo dục ý thức pháp luật của người tham gia giao thông…
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm và Bùi Thị An đều khẳng định chưa thông qua 2 loại phí Bộ GTVT đang đề xuất.
Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng GTVT phải lên kế hoạch một cách tổng thể, toàn diện để tham mưu cho Chính phủ, trình bày cụ thể chứ không thể dẫn Nghị quyết chung rồi nói là Quốc hội thông qua nội dung hạn chế phương tiện cá nhân bằng phương pháp thu phí.
“Trường hợp này, bộ trưởng GTVT cũng phải đi vào cụ thể như đề xuất thu như thế nào, thu ở đâu, thu phí để giải quyết vấn đề gì thì Quốc hội mới xem xét từng nội dung, đại biểu Quốc hội khi đó mới biểu quyết một cách chi tiết. Nghị quyết về trả lời chất vấn vừa rồi chỉ là thông qua chủ trương chung về giảm tai nạn, ùn tắc. Đại biểu QH chúng tôi khi đó biểu quyết với một nội dung chung về các giải pháp chống ùn tắc. Còn cụ thể phải chờ phương án trình cụ thể mới xem được nội dung nào hiệu quả, thích hợp, cái gì cần làm ngay… Đến lúc đó, đại biểu chúng tôi mới giơ tay biểu quyết cụ thể được” – nữ đại biểu của Hà Nội trao đổi.
Bà An cũng quả quyết, phí hay vấn đề gì liên quan đến quyền lợi của người dân, nhất quyết phải được Quốc hội bàn thảo, biểu quyết.
Cùng quan điểm này, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) phân tích, Nghị quyết số 21/2011 của Quốc hội (thông qua ngày 26/11/2011) chỉ nói đến việc cụ thể hóa các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc nhưng không nói đến vấn đề thu phí gì. Điều đó có nghĩa, Chính phủ phải lên phương án về các giải pháp để trình lại Quốc hội xem xét. Đồng ý với mục tiêu chung không có nghĩa là thì cứ thế mà làm.
“Khi bấm nút thông qua Nghị quyết này, bản thân tôi cũng không hề nghĩ là thông qua việc thu 2 loại phí như đề xuất hiện nay của Bộ Giao thông. Tôi chỉ thông qua định hướng chủ trương là có giải pháp chỉnh lại một số loại thuế, phí để điều tiết giao thông. Còn việc đó là loại nào thì Chính phủ phải làm phương án cụ thể, trình lên UB Thường vụ Quốc hội để Thường vụ phê duyệt” – ông Kiêm nêu quan điểm.
Đại biểu cũng cho rằng, không thể nói là trong báo cáo về “Tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn” Bộ trưởng GTVT trình bày trước khi bắt đầu nội dung chất vấn đã đề cập đến việc thu 2 loại phí này nên khi Quốc hội thông qua nội dung trả lời chất vấn có nghĩa là nhất trí thu phí.
Ông Kiêm lập luận: “Nếu nói vậy nghĩa là nhất trí rồi, Bộ GTVT cứ thế mà làm chứ làm gì phải xin ý kiến lại nữa. Ngay trong việc này đã thể hiện mâu thuẫn”. Việc thu phí, đại biểu nhìn nhận, hiện mới dừng ở bước giao Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất với Chính phủ. Nếu Chính phủ thấy hợp lý mới trình ra UB Thường vụ, ra Quốc hội. Rồi nếu Quốc hội thấy hợp lý thì mới quyết. Như vậy là còn rất nhiều công đoạn nữa, không thể nói là làm ngay được.
Bộ trưởng “chung chung” sẽ… gay go
Bộ trưởng Đinh La Thăng lại phát biểu, 92,4% đại biểu Quốc hội đã thông qua chủ trương thu 2 loại phí.
Bình luận về phương án thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đại biểu Bùi Thị An cho rằng nội dung chuẩn bị đến giờ vẫn chưa rõ ràng. Theo đại biểu, chỉ có thể thu phí hạn chế phương tiện cá nhân trong trường hợp cơ sở hạ tầng giao thông tương xứng. Các loại phương tiện là đối tượng hướng tới của loại phí này, cả ô tô và xe máy, đều là phương tiện làm ăn của người dân Việt Nam chứ không phải chỉ là phương tiện đi lại phục vụ một bộ phận nhỏ “đại gia” như nhiều lập luận một số người đã phát biểu.
Đại biểu cho rằng, muốn hạn chế phương tiện cá nhân phải có phương tiện khác thay thế. Nhưng với năng lực vận tải của xe buýt như hiện tại, đường sá như hiện tại, câu hỏi đặt ra là người dân sẽ đi làm bằng cách nào trong khi mọi người hàng ngày vẫn phải đi lại như thế để kiếm kế sinh nhai.
Bà An cũng phân tích ở khía cạnh khác: “Việc thu phí, đánh thuế phải đứng trên quan điểm vì dân. Đời sống người dân Việt Nam hiện chưa ở mức cao. Phải tính toán xem nếu chịu thêm nhiều mức phí nữa, cuộc sống sẽ ảnh hưởng thế nào”.
Đại biểu dẫn chứng, mỗi chiếc ô tô một gia đình mua được hiện đã phải gánh nhiều áp lực, riêng giá xe về đến Việt Nam với nhiều loại thuế áp với mức rất cao, đẩy giá lên gấp 2-3 lần. Cộng thêm phí trước bạ, phí bảo hiểm… giờ thêm 2 loại phí mới, người dân khó chịu đựng được.
Ngoài ra, áp phí như vậy cũng sẽ không thúc đẩy được ngành sản xuất ô tô phát triển. Vấn đề này bà An khuyến cáo cũng phải xem xét thêm vì đất nước muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số ngành sản xuất phải được thúc đẩy phát triển một cách bền vững, trong đó có công nghiệp ô tô.
“Không cụ thể, cứ nói chung chung thì rất gay go. Vậy nên rất mong Bộ trường GTVT nghe thêm ý kiến của dân” – nữ đại biểu “nhắc” khéo.
Đánh giá về phát ngôn của vị tư lệnh ngành, bà An cho rằng: “Có thể bộ trưởng GTVT phát biểu với tâm lý của người rất tâm huyết, nhiệt tình và muốn có ngay những giải pháp để thực hiện được mục tiêu giảm tai nạn, chống ùn tắc nên hơi nóng vội. Nhưng với tư cách người đứng đầu ngành, phải nhìn một cách tổng thế hơn, toàn diện hơn, ở tầm xa hơn”.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm lại phán đoán, phát ngôn Bộ trưởng Đinh La “chắc chỉ có ý muốn giải thích cho “êm” trước phản ứng của dư luận”.
Quan điểm cá nhân, ông Kiêm cho biết, không phản ứng việc thu phí. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, đại biểu phân tích hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, tình hình nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân đang khó khăn mà nguồn thu phí nếu có cũng mới chỉ ở mức độ thì không nên đặt ra, bất lợi nhiều hơn có lợi.
“Mà bộ trưởng Thăng nói đề xuất thế nhưng đến tháng 5, tháng 6 mới thu. Vậy sao không để luôn đến cuối năm, tình hình kinh tế khả quan hơn, khi đó có thu thì cũng thuận hơn bao nhiêu. Mọi lý lẽ đều là để giải thích việc làm không chuẩn xác thôi” – ông Kiêm “chốt” lại”.
Nghị quyết số: 21/2011/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII quyết nghị: Trong lĩnh vực giao thông vận tải:
- Khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông, nạn ùn tắc giao thông; xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông.
- Tán thành các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Bộ giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông; tạo chuyển biến rõ nét trong việc quản lý người và phương tiện tham gia giao thông, công tác đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
- Giao Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ giao thông vận tải, Bộ công an, các bộ, ngành hữu quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm chống ùn tắc giao thông đã báo cáo Quốc hội.
Theo: Dân trí

Không có nhận xét nào: