Sài Gòn – Vào lúc 5:00 AM, ngày 21.04.2012, bà Maria Đỗ Thị Tần, mẹ của anh Paulus Lê Sơn, đã qua đời. Còn anh Paulus Lê Sơn bị bắt cóc, vào trưa ngày 03.08.2011, đến nay, vẫn chưa được thả tự do với những lý do vu vơ do công an cộng sản bịa đặt và vu khống anh.
Cha Mathêu Phụng chia sẻ: “Tuy rằng, ở nhà, bà rất thương nhớ con trai, nhưng luôn luôn chủ trương rằng, con mình là người vô tội, và không bao giờ, bà chấp nhận cho anh Sơn, đồng ý bất kỳ một lý do nào đó, ví dụ như, để được về với bà, mà nhận mình là người có tội. Bà và chính bản thân anh Sơn cũng không chấp nhận những cái đấy bao giờ, mặc dù, biết bà ốm yếu, cuộc sống không còn được bao lâu nữa. Nhưng giữa hai mẹ con, trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng xem ra tinh thần lại chung nhau về một hướng”.Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của PV chúng tôi với Cha Mathêu Vũ Khởi Phụng, Bề Trên DCCT Hà Nội.
Phóng viên (PV): Thưa Cha, cha có thể kể lại một vài chi tiết về gia đình anh Paulus Sơn cho độc giả được rõ?
Cha Vũ Khởi Phụng (c.VKP): Tôi chỉ quen bản thân anh Sơn hơn là quen với gia đình anh, bởi vì tôi thường gặp anh Sơn ở Hà Nội. Anh Sơn là một người rất nhiệt tình, hăng say trong những điều, mà anh Sơn tin là những điều tốt. Gia đình anh Sơn rất nghèo, đáng lẽ, anh có thể làm một điều gì đó, để có một cuộc sống vật chất khá hơn nhưng anh Sơn lại chọn một con đường khác, mà anh cho là tốt, là lý tưởng. Cho nên, đứng về mặt vật chất thì anh bị thua thiệt nhiều. Và, gia đình một mẹ một con như vậy thì rất là neo đơn. Anh Sơn sống một mình ở Hà Nội, còn bà mẹ cũng sống một mình ở tận Thanh Hóa, trong một làng quê. Trong suốt thời gian anh Sơn bị bắt, bà ở nhà bị bệnh nặng, phần lớn bà được các bạn bè của anh Sơn xúm lại đưa bà đi bệnh viện, rồi săn sóc sức khỏe cho bà. Nhưng bởi vì, bệnh của bà càng ngày càng trầm trọng, trong người của bà cũng không được khỏe, nên đi bệnh viện, cũng cố gắng kéo dài ra được một thời gian thôi, cũng không thể cứu được. Mặt khác, chính bà và những người giúp đỡ bà cũng cố ý, cũng cố gắng để mong chờ xem, anh Sơn có được về nhà không. Và, cũng coi như bạn bè của anh Sơn và chính bản thân bà cũng đã làm hết sức mình, nhưng đến lúc cũng phải ra khỏi thế gian.
PV: Thưa Cha, qua sự kiện, Mẹ của anh Sơn qua đời, cha thấy có điều gì nổi bật nhất ở nơi bà cũng như anh Sơn ạ ?
c.VKP: Tôi nghĩ điểm nổi bật nhất ở nơi anh Sơn, là rất tin vào những mục đích mình đã lựa chọn. Cha có thể làm chứng cho sự lựa chọn mục đích của anh. Anh Sơn không phục vụ vì những thứ, làm cho có lợi lộc vật chất, mà hoàn toàn là do tư tưởng và suy nghĩ của anh, nên anh đã làm như vậy, và anh ấy biết chắc, nếu làm như vậy sẽ gặp nhiều hiểm nguy. Trước đây, đã có những lần anh Sơn bị đánh, bị sách nhiễu nhưng anh ấy vẫn tiếp tục con đường của mình. Tuy rằng, ở nhà, bà mẹ rất thương nhớ con trai, nhưng luôn luôn chủ trương rằng, con mình là người vô tội, và không bao giờ, bà chấp nhận cho anh Sơn, đồng ý bất kỳ một lý do nào đó, ví dụ như, để được về với bà, mà nhận mình là người có tội. Bà và chính bản thân anh Sơn cũng không chấp nhận những cái đấy bao giờ, mặc dù, biết cụ ốm yếu, cuộc sống không còn được bao lâu nữa. Nhưng giữa hai mẹ con, trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng xem ra tinh thần lại chung nhau về một hướng.
PV: Thưa Cha, với gia cảnh của gia đình anh Sơn, bố bỏ đi khi anh Sơn còn nhỏ, một mình bà vất vả nuôi con qua nghề đồng nát. Bà lại mắc nhiều thứ bệnh nan y, gia đình nghèo, không có tiền chữa trị, và chính anh đang ở trong tù, với những lý do vô cớ do cộng sản bịa đặt và vu khống anh Sơn. Vậy, với chính hoàn cảnh này, Thiên Chúa có đối xử bất công với gia đình của bà cụ và chính anh không ạ ?
c.VKP: Trước tiên, là Thiên Chúa đã đối xử bất công với Chúa Giêsu trước. Đứng về một phương diện nào đó, Chúa Giêsu bị đau khổ, bị chết như vậy, là một điều, tự thân nó là một chuyện vô cùng bất công, cho nên, chúng ta không thể lấy cái tiêu chuẩn bình thường của chúng ta ở thế gian, để đoán xét Thiên Chúa, là có công bình hay không công bình. Đường lối của Thiên Chúa là đường lối mà ta phải đi tìm, ta phải hiểu, chứ ta không vạch ra một cái đường nào, không tạo ra một cái lộ trình nào, hay một cái bản đồ nào cho Chúa được. Chúng ta nói là Chúa công bình, nhưng mà, công bình đó là như thế nào thì ta không thể nói trước cho Chúa được, mà ta chỉ có thể chiêm nghiệm trong cuộc sống, để rồi cuối cùng, có thể linh cảm được, một phần nào về sự công bình ấy. Chúng ta không thể lấy cái tiêu chuẩn bình thường của thế gian, của chính ta, mà ta đo lường sự công bình của Thiên Chúa được.
PV: Thưa Cha, qua những biến cố mà gia đình anh Sơn, cũng như chính anh đã và đang gặp phải, cha có điều gì nhắc nhở với giới trẻ, là những người cùng trang lứa tuổi với anh Sơn?
c.VKP: Tôi thấy ít ra anh Sơn có hai gương sáng. Thứ nhất, anh Sơn tự chọn cho mình một lý tưởng sống, và anh rất tin tưởng vào lý tưởng này. Thứ hai, điều mà anh Sơn coi là tốt, thì anh đã bằng lòng chấp nhận mọi sự thua thiệt, qua những sự hy sinh. Những sự thua thiệt của anh Sơn thì không cần phải chứng minh nữa, bởi vì, những gì đã xảy ra cho chính bản thân anh, cho gia đình anh, và cho mẹ của anh Sơn, đều cũng đủ để chứng minh rằng, anh Sơn đã phục vụ trong một tinh thần vô vị lợi. Đứng về phương diện đó, các bạn trẻ chúng ta cũng nên suy nghĩ trước những cám dỗ của chúng ta bây giờ. Chúng ta bị chi phối, bởi những cái lo toan về nhu cầu và quyền lợi của vật chất. Như lời Chúa nói: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”. Thì chính các bạn trẻ, cũng phải tìm cho mình một cái gì khác, cao hơn chuyện cơm ăn, áo mặc, tiền của bình thường này. Điều đó, mỗi người phải tự tìm lấy cho mình, để có thể xác tín những điều mình đã tìm. Và, một khi đã tìm thấy rồi phải có can đảm, đi theo con đường mình đã chọn, chỉ có như thế, chúng ta mới gây dựng được một cuộc sống giàu tính nhân văn, nhân bản.
PV: Thưa Cha, qua những lần cha đã tiếp xúc với anh Sơn. Theo cha, thì những động lực nào, đã giúp anh Sơn vượt qua những khó khăn, để bảo vệ cho Công Lý và Hòa Bình, bất chấp việc anh ngồi tù ảnh hưởng đến tương lai của anh ạ ?
c.VKP: Tôi không dám nói rằng, tôi nắm vững hết tâm lý của anh Sơn. Nhưng tôi cảm thất rằng, chính những cái khó khăn, hoàn cảnh nghèo khó hay những nghịch cảnh trong gia đình của anh, càng làm anh nung nấu một cái ước mơ, mà nó có tính cách tinh thần. Và như thể là, anh Sơn không còn cảm thấy, những thứ ham thích bình thường của giới trẻ, là có một cái gì đó hấp dẫn và thu hút anh, mà chỉ có tinh thần của anh, cuốn hút anh rất nhiều mà thôi. Anh bảo vệ lý tưởng của mình, một cách rất là bướng bỉnh, nhưng luôn luôn có sự xác tín vào những việc mình làm.
PV: Thưa Cha, qua sự kiện của gia đình anh Sơn, thì Giáo Quyền cần làm những gì ạ ?
c.VKP: Thật sự, tôi không thể nói thay cho Giáo Quyền được. Nhưng vấn đề của anh Sơn, đặt ra câu hỏi, cho toàn thể cộng đồng dân Chúa. Thứ nhất, đấy là chúng ta đang tìm cách xây dựng một xã hội như thế nào? Thứ hai, cộng đồng dân Chúa phải có thái độ gì đối với những con người nghèo khó, bị áp bức, và phải làm thế nào, để bày tỏ được sự cảm thông, sự liên đới với những ước vọng, cũng như là những thiếu thốn của dân nghèo. Tôi nghĩ rằng, anh Sơn cũng khởi đi từ những hoàn cảnh nghèo, từ những con người bị thua, bị thiệt, bị áp bức trong xã hội, đồng thời, cái mà anh đã chọn trong con đường lý tưởng của mình. Chúng ta không thể đứng nhìn “Anh chọn thế nào mặc kệ anh”, nhưng cộng đồng dân Chúa phải có nhiệm vụ lắng nghe, cảm thông, nâng đỡ những con người đang đau khổ, bị thiệt thòi, và đang là nạn nhân của những mặt tiêu cực trong xã hội. Và đấy là những vấn đề mà cộng đồng dân Chúa không thể nào im tiếng được.
PV: Con xin cám ơn Cha.
Dã Quỳ
Nguồn: VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét