HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
TRUNG QUỐC - Một diễn biến chính trị quan trọng vừa xảy ra ở Trung Quốc và hãy còn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận là vụ Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nguyên bí thư thành ủy Trùng Khánh, vừa bị đột ngột chấm dứt nhiệm vụ vào tháng 3 và tiếp theo đó ngưng luôn chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị trung ương đảng.
Báo chí loan tin Bạc Hy Lai bị giải nhiệm ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và bà vợ Gu KaiLai bị bắt giữ điều tra tội ám sát một doanh gia người Anh (Hình: Ed Jones/Getty Images) |
Trùng Khánh, nằm trong lãnh thổ tỉnh Tứ Xuyên nhưng là thành phố trực thuộc trung ương với dân số đông nhất, 32 triệu, trong tất cả các thành phố Trung Quốc. Tuy nhiên không chỉ vì tính cách to lớn của thành phố này làm cho vấn đề trở nên quan trọng, mà người ta nhận thấy trong vụ này có rất nhiều tình tiết phức tạp và bí ẩn khác liên quan đến cá nhân Bạc Hy Lai đến nay chưa thể phân tích được đầy đủ.
Tại Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã trở thành biểu tượng của “tả phái” với chủ trương xây dựng một xã hội quân bình hơn giống như dưới thời Mao Trạch Ðông. Chiến dịch hát Nhạc Ðỏ, tăng cường đầu tư nhà nước vào nền kinh tế quốc dân và những dự án “vì dân” như nhà ở tập thể, đã tạo nên cái được gọi là “mô hình Trùng Khánh.” Nhưng Bạc Hy Lai bộc lộ quá nhiều cá tính và sức thu hút cá nhân trong khung cảnh của nền văn hóa chính trị hậu Mao vốn nhấn mạnh đến lãnh đạo tập thể và có lẽ chính những yếu tố ấy tới một lúc đã cản bước tiến của ngôi sao đang lên này.
Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, phát biểu sau phiên bế mạc của Quốc Hội Trung Quốc, nói rằng phải cấp thiết cải cách đất nước, nếu không những thảm họa kiểu Cách Mạng Văn Hóa có thể trở lại. Các quan sát viên cho rằng đây là lời cảnh giác cho nội bộ đảng và ngầm nhắm vào Bạc Hy Lai vì chỉ có cá nhân ông này mới có đủ tư thế tạo nên một biến động như thế.
Cùng ngày Thứ Ba, 10 tháng 3, khi truyền thông nhà nước loan báo Bạc bị thanh trừng khỏi Bộ Chính Trị và bà vợ bị bắt giữ điều tra về việc dính líu tới vụ ám sát một người Anh, tại Trùng Khánh hàng ngàn dân chúng đã bạo động xung đột với cảnh sát. Một giới chức yêu cầu không nêu danh tánh ở Trùng Khánh sau đó nói rằng hai sự kiện này không có liên hệ với nhau và cuộc bạo loạn đã chấm dứt, an ninh trật tự được phục hồi ngày Thứ Tư.
Theo lời giải thích của giới chức này thì Wansheng, nơi xảy ra bạo loạn, thì quận có hơn 1 triệu dân này cạn tài nguyên hầm mỏ và muốn cải cách kinh tế nhưng tình trạng đã xấu hơn kể từ khi được sát nhập vào quận Qijang kế cận hồi đầu năm.
Tân Hoa Xã hôm Thứ Tư loan tin nhân dân Trùng Khánh ủng hộ quyết định của Ủy Ban Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc điều tra Bạc Hy Lai về những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và các giới chức công an mở lại cuộc điều tra cái chết của Neil Heywood.
Ðương kim Bí Thư Thành Ủy Zhang Deijang, tuyên bố trong buổi họp của đảng ủy Trùng Khánh hoàn toàn tán thành quyết định của Trung Ương và Thường Vụ Ðảng Ủy đưa ra một nghị quyết đồng ý là quyết định này hoàn toàn phù hợp với sự kiện và pháp luật.
Neil Hywood, 41 tuổi, một doanh gia người Anh làm việc tại Bắc Kinh, và có nhiều quan hệ thân thiết với gia đình Bạc Hy Lai, được tìm thấy chết trong một phòng khách sạn ở Trùng Khánh tháng 11 năm ngoái. Nhà cầm quyền Trùng Khánh lúc đó giải thích rằng Heywood chết vì lên chứng xung tim. Tòa Ðại Sứ Anh ở Bắc Kinh nói Heywood chết vì rượu nhưng hồ sơ mật của công an Trung Quốc lại cho rằng đây là một vụ tự sát. Bộ Công An Trung Quốc hôm Thứ Ba, 10 tháng 3, cáo buộc Gu Kailai, vợ của Bạc Lai Hy, có liên quan đến vụ ám sát và ra lệnh bắt giữ để điều tra. Thủ Tướng Anh David Cameron đang công du ở Jakarta, Indonesia, hôm Thứ Tư tuyên bố hứa hẹn sẽ hợp tác với nhà cầm quyền Trung Quốc để làm sáng tỏ vụ việc.
Nhưng đằng sau một loạt những sự kiện phức tạp ấy, các quan sát viên quốc tế nhận xét rằng trên căn bản đây là một chuyện đấu tranh và thanh trừng nội bộ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc, đặc biệt diễn ra vào thời điểm 10 năm một lần Trung Quốc thay đổi ban lãnh đạo. Qua lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, đây là chuyện đã thường thấy ngoại trừ một lần duy nhất năm 2002 khi Hồ Cẩm Ðào thay thế Giang Trạch Dân, việc chuyển quyền đã diễn ra êm ả không có biến cố.
Năm 1969, Mao Trạch Ðông loại Lưu Thiếu Kỳ bằng cuộc Ðại Cách Mạng Văn Hóa và sau đó Lưu chết trong nhà giam. Thống Chế Lâm Bưu, nhân vật thứ hai sau Mao Trạch Ðông lúc đó, chết bí mật trong một tai nạn máy bay rớt ở Mông Cổ năm 1971, theo thông báo chính thức của chính quyền, tuy nhiên cũng có tin tức cho rằng đã bị phục kích sau một bữa tiệc với Mao Trạch Ðông và chiếc xe trúng hỏa tiễn B-40.
Từ Mao Trạch Ðông qua Ðặng Tiểu Bình, 5 nhân vật có thể được chỉ định vào vị trí lãnh đạo lần lượt biến mất, hoặc bị quy kết tội và chết trong tù, quản thúc tại gia hoặc trong những hoàn cảnh bí ẩn khác. Mặc dầu trước khi chết, Mao đã nói với người kế vị là Hoa Quốc Phong “Có đồng chí, tôi an tâm,” nhưng rồi chỉ sau một năm Hoa bị lật đổ để Ðặng Tiểu Bình, người đã hai lần bị Mao thanh trừng, lên nắm quyền và đưa đất nước Trung Quốc đi đến một bước ngoặt mới.
Ðặng Tiểu Bình không đảm nhiệm những chức vụ chính thức trong một thời gian dài nhưng liên tục giữ vị trí lãnh đạo tối cao khi Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương là tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc. Hồ Diệu Bang nổi tiếng có chủ trương cải cách nhưng ông bị thay thế năm 1987 vì khuynh hướng tán thành những người dân chủ. Người kế nghiệp, Triệu Tử Dương cũng chỉ ở vị trí được 2 năm rồi bị loại vì được coi là có cảm tình với các sinh viên tranh đấu ở Thiên An Môn, và chết sau 10 năm quản thúc tại gia.
Giang Trạch Dân đáng kể là một trường hợp đặc biệt, vào vị trí lãnh đạo năm 1989, loại những đối thủ một cách êm ả và cuối cùng cũng chuyển giao quyền lực cho Hoa Quốc Phong một cách bình an không có biến động.
Trở lại trường hợp Bạc Hy Lai, ông không phải là ứÔng viên vào vị trí hàng đầu trong ban lãnh đạo, mà nếu không có biến cố gì khác đột ngột Tập Cận Bình sẽ là người kế vị Hồ Cẩm Ðào. Sự kiện Bạc bị thanh trừng, như đã nói ở đầu bài, có lẽ một mặt do ông đã trở thành một nhân vật quá nổi và mặt khác với vai trò ấy có thể đi tới chỗ hướng đảng Cộng Sản Trung Quốc đi theo một con đường khác với chủ trương từ thời Ðặng Tiểu Bình là lấy kinh tế làm trung tâm cho mọi chính sách phát triển đất nước mà tập thể lãnh đạo hiện nay vẫn đang duy trì. (HC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét