Nguyễn Hoàng Linh
Trong bê bối đạo văn khiến ông Schmitt Pál buộc phải từ chức mới đây, báo chí Hungary đóng vai trò hết sức quan trọng. Cho dù tại quốc gia này, dưới ảnh hưởng của Ðạo luật Truyền thông bị coi là phi dân chủ, giới truyền thông – và nhất là truyền thông công ích – nhiều khi bị quản lý, định hướng và can thiệp thô bạo, nhưng nhiều tờ báo, nhiều mạng tin có lương tâm vẫn cố gắng giữ thế độc lập và tự chủ.
Ðặt mục tiêu tối thượng là đưa thông tin trung thực và đa chiều đến độc giả, báo chí Hungary nhìn chung đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ trước mọi biểu hiện chuyên quyền, phản dân chủ, và nhiều phen đặt chính quyền – cũng như các chính khách cầm quyền – vào thế khó xử. Ðổi lại, báo chí được sự ủng hộ của công luận xã hội, của người đọc – tức là của chính những người mà truyền thông tồn tại để phục vụ họ.
Ý kiến ngắn sau đây của một “dân báo” (blogger) Hungary xuất sắc – ông Jakab Andor – là rất đáng để ý: cần phải cám ơn những blogger, facebooker và những người thường xuyên góp ý kiến trên mạng, bởi lẽ, họ chính là những tác nhân cổ vũ nhiệt thành cho quyền tự do báo chí và chính quyền không thể dùng những phương pháp thông thường, “truyền thống” (như xúi Sở Thuế sách nhiễu) để triệt hạ họ.
Chính họ, những con người ấy, tạo nên phong trào “Một triệu người vì quyền tự do báo chí Hungary” (MILLA). Phải tri ân họ, tri ân báo chí tự do, vì nhờ vậy mà một vị tổng thống phải từ chức.
Dưới đây là trích đoạn:
* * *
CÓ tự do báo chí.
Nhóm MILLA phải thường xuyên nhấn mạnh điều này. Ðáng tiếc là rất nhiều kẻ ngu xuẩn không hiểu, nhất là không muốn tìm cách để hiểu nó. Ở đâu cũng có quyền nói lên ý kiến. Belarus cũng có tự do báo chí, dưới chính thể Kádár cũng đã từng có. Trong mọi thể chế độc tài, đã từng có, và hiện cũng tồn tại tự do báo chí. Không thể biểu thị tự do báo chí bằng hai giá trị có hay không. (Cũng như, mặt khác, không thể dùng hai khái niệm có và không để biểu thị một nền dân chủ hoặc độc tài).
Câu hỏi ở đây là, thứ tự do báo chí ấy là như thế nào?
Tự do báo chí – bản thân nó, không chỉ là việc luật pháp có cho phép phê bình hay không. Câu hỏi được đặt ra là, nếu ý kiến đó là tiêu cực thì người có liên quan có hề hấn gì không (bị mất việc? bị sách nhiễu?), nhà nước có những nỗ lực để tác động, gây ảnh hướng đến ý kiến công luận hay không, v.v…, và như thế, cần xem xét vô số yếu tố.
Theo định nghĩa, các đảng phái, chính khách, chính phủ, các sản phẩm báo chí nghiêm túc (báo, đài, TV, mạng tin) không thể hoàn toàn tự do, vô hạn định và độc lập. Ðiều này, một phần là chuyện đương nhiên. Không nhất thiết phải nghĩ đến sự hạn chế trên góc độ luật pháp hoặc sức ép của nhà nước. Vì những lợi ích thị trường, những chuẩn mực xã hội đã bị đóng đá, cũng không phải ở bất cứ đâu, bất cứ ai cũng có thể độc lập và tự do không hạn định.
Tự do báo chí là quan trọng.
Tôi nghĩ rằng nên nhấn mạnh điều này khi nhắc đến sự từ chức của ông Schmitt Pál. Bởi lẽ, việc ông từ chức là tốt đối với cánh hữu, với cánh tả, với tất cả mọi đảng phái, với cả FIDESZ, với Orbán Viktor và rốt cục, với cả chính bản thân ông, Schmitt Pál. Giờ đây, có thể thống nhất được rằng, có thể thấy được rằng tự do báo chí, xét về toàn cục, là tốt – chứ không có hại – đối với mọi người (và tôi muốn nói rằng, như vậy, là tốt đối với cả dân tộc).
Tạm thời chịu đựng mọi thứ phong cách khác nhau – nhiều khi cả thóa mạ, chửi bới – không phải là điều dễ chịu. Nhưng xét về kết quả cuối cùng, là hữu ích khi tất cả mọi người đều có thể bộc lộ ý kiến của mình, khi mạng tin hvg.hu đã dám đưa bản tin ban đầu, khi ngay cả những trí thức cánh hữu đã (rất can đảm!) thể hiện ý kiến trái chiều của họ, so với thứ truyền thông của chính phủ!
(…)
Hãy tôn trọng hơn nữa quyền tự do báo chí.
Thứ tự do báo chí độc lập và đứng trên mọi đảng phái!
Ảnh: Ông Schmitt Pál bên cạnh chiếc xe máy Harley-Davidson WLA 42/A của ông, được bán với giá 6 triệu Ft tại cuộc đấu giá mùa hè năm 2010 để ủng hộ các nạn nhân lũ lụt tại Hungary
Theo: Blog NHL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét