Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012
Chế độ Miến Điện và sắc tộc Karen thỏa thuận tiến trình hòa bình
Tướng Mutu Saipo (phải) đại diện lực lượng Karen gặp phái đoàn chính phủ Miến Điện 5/04/2012 (REUTERS/ Soe Zeya Tun)
Tú Anh
Chính phủ Miến Điện và phong trào nổi dậy Karen tuyên bố đồng ý thi hành thỏa ước 13 điểm củng cố lệnh ngưng bắn ký kết hồi tháng giêng năm nay.Tiếp theo bản thông cáo chung công bố chiều hôm qua tại Rangun , sáng nay, Tổng thống Thein Sein tiếp phái bộ lãnh đạo phong trào nổi dậy tại Naypyidaw.
Thêm một cử chỉ hòa giải dân tộc song song với cởi mở chính trị. Trong bối cảnh chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn tại bang Kachin sát biên giới Trung Quốc thì trong lãnh vực đối nội cũng như đối ngoại chính quyền của Tổng thống Thein Sein tìm mọi cách hòa giải.
Sáng nay, lần đầu tiên Tổng thống Miến Điện tiếp kiến ban lãnh đạo chính trị và quân sự của lực lượng nổi dậy của sắc tộc Karen. Ban lãnh đạo phong trào kháng chiến chấp thuận từ biên giới Thái Lan về Rangun thảo luận với đại diện của chính quyền trung ương trong đó có bộ trưởng bộ di trú Khin Yi . Một bản thông cáo chung được công bố ngay chiều hôm qua xác quyết hai bên thi hành thỏa ước 13 điểm đạt được hồi tuần trước, trong đợt đàm phán sơ khởi tại Hpa-An, thủ phủ của bang Karen, một vùng lãnh thổ rộng lớn thuộc miền đông Miến Điện.
Hồi đầu năm nay quân đội chính phủ và lực lượng võ trang Karen cũng đã ký một lệnh ngưng bắn. Theo AFP, thỏa thuận 13 điểm mà hai bên công bố vào đêm qua tại Rangun có ba điểm quan trọng : soạn thảo nguyên tắc ứng xử cho lực lượng quân sự đôi bên để ngăn ngừa xung đột, thứ hai là phải để cho những người phải bỏ làng ra đi được trở về quê hương và chính phủ phải giải quyết những tranh chấp đất đai.
Phần đông sắc dân Karen theo đạo Thiên Chúa đã phải chạy sang Thái Lan tỵ nạn sau những đợt đàn áp hoặc để tránh bom đạn suốt nhiều thập kỷ qua.
Mặc khác, Tổng thống Miến Điện dự kiến sẽ trả tự do tù nhân dựa trên danh sách phong trào Karen đưa ra. Tháng qua, một ủy viên ban chấp hành trung ương của tổ chức Karen được thả ngay sau khi tòa án tuyên phạt 20 năm tù.
Theo nhận định của chuyên gia Aung Nang Oo, nhóm lãnh đạo Karen gặp Tổng thống Thein Sein hôm nay là những người cực lực chống chính quyền quân sự trước đây và chính phủ dân sự hiện nay. Do vậy, cuộc tiếp xúc này chứng tỏ là hai bên đã có một bước tiến bộ lớn để xây dựng mối tin cậy lẫn nhau.
Đây là yếu tố cần thiết để thực thi mọi biện pháp hòa giải. Dấu hiệu đầu tiên là ban lãnh đạo sắc tộc Karen, ba cấp chỉ huy quân sự và ba nhân vật đầu não chính trị đã rời bản doanh ở biên giới Thái Lan về tận Rangun đàm phán. Dấu hiệu thứ hai là sau đó, Tổng thống Thein Sein đã cho máy bay đặc biệt đưa phái bộ này về tận thủ đô Naypyidaw hội kiến suốt môt tiếng rưỡi đồng hồ vào ngày thứ bảy hôm nay.
Từ ngày cởi áo nhà binh lên cầm quyền qua cuộc bầu cử bị công luận chỉ trích hồi tháng 11 năm 2010, Tổng thống Thein Sein đã đột ngột đưa ra nhiều biện pháp thuận lòng dân,dẫn đến bầu cử tự do ngày 01/04/2012 vừa qua với chiến thắng áp đảo của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.
Song song với việc hòa giải với đối lập chính trị, chính phủ mới cũng tiến hành nhiều biện pháp giảng hòa với các lực lượng sắc tộc võ trang mà nội chiến kéo dài hơn 60 năm, từ khi Miến Điện độc lập. Hơn 20 triệu dân thiểu số, tức khoảng một phần ba dân số Miến Điện, chưa bao giờ được quan hệ bình đẳng và bình yên với chính quyền trung ương. Đáp ứng chính sách mới, sắc tộc Shan đã chấp nhận buông súng và tham gia bầu cử.
Nhưng song song với nỗ lực hòa giải, chính quyền Miến Điện đã đưa quân tấn công vào lực lượng Kachin sát biên giới Trung Quốc viện lẽ phe này không chịu giải giới nhưng chủ yếu là để làm giảm phần nào ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực chiến lược này.
Trong cuộc bầu cử bổ túc ngày 01/04, chính phủ Miến Điện đã hủy bỏ ba đơn vị tại bang Kachin với lý do là thiếu an ninh. Phong trào Liên Hiệp Dân Tộc Karen cho biết đã thúc giục Tổng thống Thein Sein nên ngưng chiến với Kachin.
Giới hoạt động nhân quyền cảnh báo Miến Điện là nếu các sắc dân thiểu số vẫn bị đe dọa thì điều này chỉ làm tăng thêm sức ép của phe muốn duy trì lệnh trừng phạt. Chiếc chìa khóa giải tỏa cấm vận hoàn toàn và cho phép Miến Điện phát triển kinh tế và ổn định chính trị là hòa giải dân tộc thực sự.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét