Pages

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Khủng hoảng của “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Trong có một tuần mà tin xấu dồn dập trên khắp các mặt trận kinh tế của Việt Nam khiến người ta nêu câu hỏi về sách lược phát triển của xứ này.

RFA photo
Trụ sở chính của tập đoàn tàu thủy Vinashin tại Hà Nội. Ảnh chụp tháng 4/2012.
Vũ Hoàng tìm hiểu sự thể qua phần trao đổi sau đây cùng chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do.

Quản lý kém

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, những tin tức dồn dập tuần qua về kinh tế Việt Nam khiến nhiều thính giả muốn biết về nguyên nhân và hậu quả. Từ bên ngoài thì truyền thông quốc tế nói đến sự sa sút của Việt Nam sau khi đạt một số thành tựu ngoạn mục về tăng trưởng. Tiêu biểu là hai bài nhận định của tờ báo chuyên đề về kinh tế và kinh doanh là The Economist của Anh và Forbes của Mỹ mà đài Á châu Tự do đã có dịp giới thiệu hôm Chủ Nhật mùng tám.

Từ bên trong, ban Thanh tra Chính phủ báo cáo về những sai sót trong các tập đoàn kinh tế nhà nước khiến công quỹ bị mất có thể đến một tỷ rưỡi, nếu tính bằng đô la. Trong khi ấy, không khí chung là sự bải hoải của các doanh nghiệp sản xuất, được thấy rõ nhất qua sự kiện là cả Ngân hàng Thế giới lẫn Chính quyền Việt Nam đã nói đến mấy vạn doanh nghiệp bị phá sản mà con số thật là bao nhiêu thì dường như chưa ai rõ.
Thưa ông, trong hoàn cảnh đó, người ta có thể nêu câu hỏi là vì sao lại như vậy? Phải chăng vì Việt Nam cũng đang bị hiệu ứng suy trầm toàn cầu khởi sự năm 2008 hay là vì lý do gì khác? Trong chương trình chuyên đề tuần này, Diễn đàn Kinh tế xin yêu cầu ông trình bày cho một cái nhìn toàn cảnh về nguyên nhân của những khó khăn dồn dập tại Việt Nam hiện nay.
Nói chung thì hệ thống quản lý vĩ mô bị rối loạn và biện pháp bơm tiền cấp cứu cũng tựa bơm nước: nơi thì hạn hán, nơi lại bị úng thủy, sử dụng không đúng mục tiêu và gây thất thoát khổng lồ cho công quỹ.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi xin được trở lại khái niệm “nhân duyên” mà mình hay nhắc đến trên diễn đàn này.
Trước hết, nguyên nhân là loại động lực nội tại khiến một sự việc nào đó sẽ tất yếu xảy ra. Duyên là yếu tố thời cơ, hay điều kiện khách quan có thể là từ bên ngoài, khiến sự biến ấy lại xảy ra lúc này. Tôi xin lấy một thí dụ mong là dễ hiểu: một cơ thể mắc bệnh nội thương trầm trọng thì thế nào cũng có ngày bị quỵ. Đó là cái nhân. Khi thời tiết thay đổi chẳng hạn thì đấy là cái duyên làm căn bệnh dễ phát tác nhất. Vì vậy, bảo rằng vì thời tiết nóng lạnh mà bệnh nhân bị đau nặng đến độ thương vong thì không hẳn là sai mà chắc chắn là không đúng.
Kinh tế Việt Nam có những nhược điểm tích lũy từ quá lâu và đấy là cái nhân. Kinh tế toàn cầu bị suy trầm khiến số cầu sút giảm nên đòi hỏi chính quyền phải chống đỡ và do những yếu kém nội tại bị khỏa lấp bên dưới mà biện pháp chống đỡ càng dẫn tới nguy cơ khủng hoảng hiện nay, và đó là cái duyên. Bây giờ, ta sẽ lần lượt mở ra cái mối nhân duyên đó.
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra cái chuỗi lý luận của ông qua cách trình bày. Khi tạp chí kinh tế The Economist nói về hoàn cảnh từ anh hùng về tăng trưởng của Việt Nam mà nay rơi vào số không, hoặc khi tờ Forbes viết là Việt Nam mất sự sáng láng đầy hấp dẫn cho giới đầu tư thì phải chăng họ chỉ tổng hợp những điều mà nhiều nhà quan sát khác đã thấy từ trước đó rồi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta không quên rằng ngay giữa giai đoạn còn lạc quan hồ hởi, ít ra là của chính quyền Việt Nam từ cuối năm kia, thì nhiều công ty lượng cấp tín dụng đã đánh sụt mức tín nhiệm của trái phiếu Việt Nam xuống hàng giấy lộn hay “junk bonds”.
Chúng ta cũng khó quên là trước khi có chuyện phanh phui những sai phạm của các tập đoàn kinh tế nhà nước khiến công quỹ bị thất thoát đến cả tỷ rưỡi – mà con số này thật ra còn là thấp – thì ta đã thấy vụ khủng hoảng của tập đoàn Vinashin với khoản nợ lên tới bốn tỷ đô la.
Cũng thế, từ năm ngoái diễn đàn này đã nhắc đến hiện tượng gọi là “chết lâm sàng” của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam khi phải vay vốn kinh doanh với lãi suất từ 20 đến 22% chưa kể tiền chè lá trả dưới gầm bàn. Sau cùng, từ nhiều năm qua, ta cũng đã thấy và phân tích sự kiện gọi là “liều thuốc đổ bệnh” khi chính quyền cấp phát tín dụng bừa phứa để kích thích kinh tế rồi gây hậu quả lạm phát khiến nhà nước lật đật nâng lãi suất và xiết tín dụng khiến doanh nghiệp tư nhân không thể vay tiền và chết khát trong khi các đại gia chung quanh hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn có tiền trút vào loại dự án vô giá trị, hoặc thổi tiền vào thị trường đầu cơ.
Nói chung thì hệ thống quản lý vĩ mô bị rối loạn và biện pháp bơm tiền cấp cứu cũng tựa bơm nước: nơi thì vẫn bị hạn hán là doanh nghiệp đang phá sản, nơi lại bị úng thủy là nạn sai phạm, sử dụng không đúng mục tiêu và gây thất thoát khổng lồ cho công quỹ.

Tham nhũng cao

evn-200.jpg
Tòa nhà EVN 33 tầng ở Hà Nội, nơi từng xảy ra vụ cháy dữ dội hôm 15/12/2011. RFA photo
Vũ Hoàng: Khi ông nhắc lại hiện tượng này từ nhiều năm qua thì thính giả có thể phần nào hình dung ra tương quan nhân quả trong cơ cấu mà yếu tố thời cơ hay chu kỳ suy trầm chỉ là cái duyên khiến mọi sự cùng phát tác lúc này. Bây giờ, suy ngược lên căn nguyên của vấn đề thì đâu là nguyên nhân chính, hay cái nút thắt mà mình gỡ ra thì có thể ít nhiều giải quyết được vấn đề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi còn nhớ là ngay từ năm 2008, diễn đàn này của chúng ta đã nói đến việc nhân cơ hội suy trầm toàn cầu mà tiến hành cải cách từ cơ bản thì may ra sẽ thoát hiểm. Đấy là khuyến cáo lạc quan vì còn tin vào thiện chí và khả năng ứng phó của giới hữu trách. Kết cuộc thì ta chưa thấy thiện chí còn khả năng thì lại rất tệ, chưa nói đến trở lực của các nhóm quyền lợi ở vào cái thế ngồi mát ăn bát vàng và cố tình cưỡng chống cải cách và thậm chí trục lợi nhờ sự yếu kém này.
Rốt cuộc thì căn nguyên sâu xa nhất của kinh tế Việt Nam chính là cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” với hậu quả là sự hiện hữu bất công của khu vực kinh tế nhà nước vốn dĩ bất lực về quốc kế dân sinh vì có năng suất đầu tư thấp mà tham nhũng cao. Cái định hướng tai hại ấy mới giải thích vì sao mà từ các tổng công ty người ta còn lập ra 12 tập đoàn kinh tế nhà nước là những trung tâm phúc lợi riêng của một thiểu số.
Vũ Hoàng: Chúng tôi quả là có nhớ rằng diễn đàn này đã nhiều lần nói đến yêu cầu cải cách từ cái đầu, tức là từ dư duy mang đầy quán tính về sự ưu việt của mô hình phát triển. Và biện pháp đầu tiên là cải cách doanh nghiệp, tức là tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, khu vực vẫn được coi là chủ đạo hay chủ lực của nền kinh tế quốc dân.
Nhưng một số quốc gia, nổi bật là Trung Quốc, đã từng tạo ra thành tựu kinh tế khi xây dựng chiến lược phát triển dựa trên vai trò chủ động của nhà nước và hệ thống quốc doanh. Song song, các quốc gia tiên tiến đã trông cậy quá nhiều vào thị trường tự do thì lại khủng hoảng nặng từ nhiều năm nay. Nếu như vậy, làm sao chứng minh hay thuyết phục người ta về nhược điểm của chiến lược gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đấy là lý do mà năm năm qua chúng ta thường xuyên nói đến và gần như nói ngược về trào lưu cải cách kinh tế cho tự do hơn. Chỉ vì ta dễ nhìn vào hiện tượng biểu kiến mà không thấy bản chất bất công và bất lực của “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Trước hết, không ai minh xác nổi cái định hướng ấy là gì, kể cả giới lãnh đạo Hà Nội. Một cách lý thuyết và lý tưởng, ta có thể nghĩ “định hướng xã hội chủ nghĩa” hàm ý bênh vực, bảo vệ hoặc nâng đỡ đa số người dân nghèo đói nhất xã hội hầu phần nào cân bằng lại cái thế mạnh của thị trường và của thiểu số giàu có nhất. Sự thật xảy ra hoàn toàn trái ngược về mặt xã hội: chính cái định hướng ấy lại khiến đa số người dân bị bỏ rơi, thậm chí bị bóc lột, là tình trạng đang xảy ra tại cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, là nơi có tỷ lệ bất công xã hội cao nhất trong các nước đang phát triển.
Về mặt kinh tế, cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hoặc của Trung Quốc chỉ là nhân danh người dân vô quyền trong xã hội mà khai thác quy luật thị trường có chọn lọc theo cái hướng phát triển hệ thống tư bản nhà nước. Định hướng ấy mặc nhiên củng cố thế lực của một thiểu số được bảo vệ về chính trị và nâng đỡ về kinh doanh nên nó vừa bất công vừa bất lực.
Nhiều nước Đông Á từng áp dụng chiến lược này khi khởi phát, cũng với thành tích ban đầu rất cao và sau đó bị khủng hoảng, như Nhật Bản năm 1990 hay các nước kia vào năm 1997. Nhưng dù sao mấy xứ Đông Á đó vẫn sáng suốt về xã hội khi họ không để mở rộng khoảng cách giàu nghèo trong tiến trình phát triển và họ vẫn có dân chủ nên khủng hoảng kinh tế không dẫn tới sự sụp đổ của cả chế độ và lãnh đạo mới đã có thể cải sửa với kết quả khả quan hơn.
Vũ Hoàng: Nói về chuyện cải sửa, thưa ông, hình như là lãnh đạo Việt Nam từ trong đảng ra tới nhà nước cũng đã nói đến việc tái cấu trúc kinh tế và dư luận các chuyên gia đều ngày càng nêu ra nhiều ký kiến thẳng thắn hơn về yêu cầu cải tổ. Ông nghĩ sao về hy vọng đó cho Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, từ dưới lên thì ta thấy rằng dân chúng ngày càng bày tỏ sự thất vọng một cách công khai thậm chí dữ dội hơn. Tôi thấy rằng đây là cần thiết vì nếu người dân cứ cúi đầu mãi thì họ tiếp tục là bầy cừu bị cạo lông, là đám sinh vật bị bóc lột mà không dám cãi.
Thứ hai, các chuyên gia ở trong nước cũng thấy rõ những nguyên nhân và hậu quả của tệ nạn ngày nay. Khi thấy người dân thấp cổ bé miệng mà còn dám tổ chức biểu tình khiếu kiện và công nhân còn đình công tập thể thì họ cũng có can đảm hơn mà nói ra một phần của sự thật. Nhưng họ khó nói nhiều hơn và khó làm được gì trong tiến trình quyết định nên ta cũng thông cảm.
Ở cấp cao nhất thì ngoài lời kêu gọi chung chung thì vẫn là ngôn ngữ kiểu lưỡi gỗ, sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương hoặc hội nghị về chỉnh đốn đảng. Tôi nghĩ là lãnh đạo Hà Nội chưa đổi mới tư duy nên không dám cải cách từ cái đầu xuống. Nhưng tai hại hơn thế còn có hiện tượng khác. Đó là nhân cơ hội khó khăn nguy ngập mà các phe nhóm về quyền lợi đã tranh giành ảnh hưởng và triệt hạ lẫn nhau, rồi dùng chuyện diệt trừ tham nhũng làm lý cớ.
Ví dụ, việc cải cách doanh nghiệp, cụ thể là cổ phần hóa để tư nhân hoá hệ thống doanh nghiệp nhà nước, được đề xướng từ hai chục năm trước mà chẳng có kết quả. Thậm chí còn giật lùi là sự tăng cường các tổng công ty nhà nước thành tập đoàn kinh tế chiến lược trong tay quản lý của Thủ tướng kể từ năm 2006. Nếu gọi đó là “thí điểm”, hay điểm thí nghiệm, thì sáu năm sau là ngày nay, người ta tất nhiên đã thấy kết quả tai hại và phải sửa sai chứ?

Khó thay đổi

rau-xanh-250.jpg
Người nghèo buôn bán trong một khu chợ nhỏ ở Hà Nội. Ảnh chụp tháng 4/2012. RFA photo
Vũ Hoàng: Ông nghĩ rằng vì sao mà người ta khó thể sửa sai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế học có nói đến một chế độ “kinh tế quả đầu”, một từ Hán-Việt hơi khó hiểu. Thật ra, đó là chế độ hay thị trường mà một thiểu số nắm giữ cái thế độc quyền thực tế. Nhóm thiểu số này có cơ sở là các tập đoàn kinh tế nhà nước, chung quanh là một chùm doanh nghiệp của thân tộc hoặc tay chân thân tín ngụy danh là tư doanh trong sản xuất hay ngân hàng nhưng thực tế là mạng lưới quyền lợi cấu kết.
Ở trên, các nhóm thiểu số này có thế lực từ trên Bộ Chính trị xuống. Họ có thể tranh đoạt quyền lợi với nhau với lý cớ – tức là lý do không thật – như điều tra về tham nhũng hoặc sai phạm của phe nhóm kia và đưa ra vài biện pháp kỷ luật để nhất thời làm nguôi ngoai sự bất mãn của dân chúng hoặc đưa người lên thay. Nhưng về cơ bản thì không ai muốn thay đổi cả hệ thống vì ai ai cũng có quyền lợi hay thân tộc nằm trong hệ thống đó. Kết quả là người ta gây ra nhiễu âm ồn ào mà sau cùng chẳng sửa sai nổi những chứng tật bên trong vì chính là chứng tật đó mới đưa họ lên vị trí lãnh đạo.
Vũ Hoàng: Hình như là ông có một kết luận khá bi quan về triển vọng cải cách của Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ đến một sự thể khách quan chứ không bi quan hay lạc quan về tương lai mà có lẽ rất nhiều người khác kể cả ở trong đảng Cộng sản Việt Nam cũng thấy ra.
Nhưng về cơ bản thì không ai muốn thay đổi cả hệ thống vì ai ai cũng có quyền lợi hay thân tộc nằm trong hệ thống đó.
Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Đó là nếu đảng và tay chân trong bộ máy nhà nước và hệ thống kinh tế mà không sửa đổi thì sẽ sụp đổ. Về ý thức hệ thì mọi người đều thấy ra từ 20 năm trước khi hệ thống Xô viết tự tan rã trên sự ruỗng nát nội tại của nó. Về thực tế thì giải pháp cứu vãn kiểu Bắc Kinh với vai trò tư bản nhà nước cũng đi hết sự vận hành với vụ phá sản của tư doanh Ôn Châu, vụ khủng hoảng chính trị dưới cơ sở tại Ô Khảm và sự sụp đổ của mẫu mực Trùng Khánh vừa qua. Không ai muốn Việt Nam bị loạn bây giờ, nhưng lãnh đạo Hà Nội đang tích lũy mầm loạn mà vẫn cố bám lấy con thuyền sắp chìm và còn đòi giành chỗ tốt trong sự mục nát chung. Bi hay lạc quan vì vậy còn tùy vào tầm nhìn gần hay xa….
Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
___________________________________________________

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam thấp hơn Lào và Campuchia?

RFA _Lạm phát năm nay hạ nhiệt, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng tại Việt Nam không mấy sáng sủa. Đó là nhận xét trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về triển vọng Phát triển Châu Á.
Theo báo cáo này, ADB một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Việt Nam xuống mức 5,7%, sau các mức 6,3% của năm ngoái. Như vậy, mức dự báo này của Việt Nam thấp hơn so với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia, Miến Điện.
Tuy vậy, ADB dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam có thể phục hồi vào năm 2013 nhờ triển vọng thương mại và đầu tư toàn cầu và khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới.
Về mặt lạm phát, ADB dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt trong năm nay, có thể xuống mức sát dưới ngưỡng 2 con số.

Không có nhận xét nào: