Tài xe ôm Hà Nội
Thôi thì tôi cứ làm cái việc như là “dạy đĩ vén váy” vậy. Tiếp nối chủ đề về anh Đinh La… và giao thông tại VN, với thân phận thấp cổ, bé họng tôi nhờ TTHN nói lên đôi điều.
Ai cũng biết, từ bao năm qua, qua bao đời Bộ trưởng, ngành GTVT nước ta vẫn luôn loay hoay, bí bách với mấy vấn đề chính sau:
1. Làm đường GT.
2. Quản lý phương tiện GT.
3. Quản lý người lái phương tiện GT.
1. Làm đường GT.
2. Quản lý phương tiện GT.
3. Quản lý người lái phương tiện GT.
3 vấn đề trên liên quan trưc tiếp đến chuyện TNGT và ùn tắc GT.
Vậy, tôi xin đưa ra chương trình này hoàn toàn có thể làm trong 5 năm, với 1 nhiệm kỳ mà không cần nhiều tiền, mong ông BT Thăng có thể động não:
1. Để làm được chương trình này phải có con người và tính pháp lý đi trước, vì vậy, ông BT cần đề nghị lập 1 ủy ban đặc biệt phụ trách toàn diện các vấn đề về GT. UB này có người của Chính phủ (Bộ GTVT, Bộ QP, Bộ CA, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng vv), QH, VP TW Đảng. UB này có quyền tối cao về mọi mặt liên quan đến GT, trong đó có vấn đề quan trọng hàng đầu giải phóng mặt bằng, UB trực tiếp phụ trách, không để chính quyền địa phương làm;
2. Làm đường giao thông:
Nước ta còn nghèo, cho nên hãy dồn lực làm cao tốc bắc – nam trước. Sẽ làm cách nào?
- Đường do Nhà nước làm: NN muốn làm thì cần có tiền, muốn có tiền thì phải có cách huy động vốn linh hoạt từ moi nguồn như: Toàn bộ các khoản thuế, phí liên quan đến GT + vay vốn ODA + Trái phiếu chính phủ. Nhà nước có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu km, đoạn nào nhà nước làm thì làm dứt điểm đoạn đó;
- Đường do doanh nghiệp làm: Thu hút các DN đầu tư làm đường theo nguyên tắc đầu tư
- khai thác – bảo dưỡng. Khai thác bằng bán vé qua các trạm kiểm soát. Tính toán thế nào đó đề cứ mỗi 200 – 300 km thì có 1 trạm thu phí, giá vé cần nghiên cứu đến khả năng thu hồi vốn trong 20 – 30 năm. DN nào đủ tiền làm 1 đoạn đường tương ứng với 1 trạm thu phí thì làm, nếu không đủ thì nhiều DN cùng góp nhau làm đủ 1 đoạn. Không để tình trạng mỗi 1 mẩu đường lại có 1 chủ đầu tư, rất khó kiểm soát chất lượng. Giá vé được tính toán công khai giữa nhà nước, DN và người dân (thông qua các Hiệp hội vận tải), giá vé thống nhất trên toàn tuyến bắc nam;
- Đường bắc nam tuyệt đối cấm lấn chiếm buôn bán mặt đường, tốt nhất là làm đường dân sinh riêng và làm tường ngăn cách khu dân cư với mặt đường, xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ, trạm cứu hộ, cứu thương hợp lý;
3. Quản lý PTGT, chống ùn tắc GT tại đô thị:
- Xác định rõ phương tiện nào gây tai nạn và ùn tắc là chủ yếu? Theo tôi đó chính là xe máy, xe máy tại VN có thể nói là nỗi ám ảnh với con người, nó tước đi quyền đi lại của người già, của thiếu niên và như vậy nó tước đi một phần cuộc sống (chúng ta thấy hiện nay, nếu người già, thiếu niên không có ai đi cùng ra đường là chỉ có nằm ở nhà). Xe máy hiện nay, nó đơn giản đến mức ai ngồi lên là có thể lái được, khi đi xe máy tầm quan sát kém, dễ luồn lách, dễ dừng, đỗ. Từ xác định đó, phải cương quyết dẹp thảm họa xe máy tại đô thị.
Để làm đều này không hề khó, không cần cấm mua xe, chỉ cần ban hành lệnh cấm triệt để việc đỗ xe tại vỉa hè, lòng đường dưới bất cứ hình thức nào là lập tức sẽ có tác dụng ngay, bởi tình trạng sử dụng vỉa hè như 1 phần mặt bằng kinh doanh, 1 phần văn phòng hiện nay là phổ biến, ai vi phạm lệnh này sẽ tịch thu xe sung công quỹ rồi bán lại cho các vùng sâu, vùng xa. Khi dẹp được nạn xe máy thì xe buyt đương nhiên có cơ hội phát triển vì người dân sẽ tự lựa chọn và vì xe buyt có đường để đi. Vé xe buyt không cần quá rẻ để có thể cải thiện chất lượng, chỉ cần rẻ hơn xe đi xe máy là được (ví dụ mua 1 xe máy hết 20 tr, nếu chia 20 tr này cho 15 năm sử dụng thì mỗi tuần sẽ mất khoảng 30 ngàn, thêm tiền xăng cho mỗi tuần trung bình 100 – 120 ngàn nữa, tổng là 150 ngàn, như vậy giá xe buyt có thể từ bán khoảng 100 ngàn/tuần). Có người sẽ thắc mắc, xe máy để đi làm, để đón con, xin thưa hoàn toàn có thể dùng xe buyt hoặc xe đạp hoặc đi bộ. Khi không còn xe máy, tôi dám chắc 1 đứa trẻ 6 tuổi có thể sẽ biết đi xe buyt đến trường hoặc các em tung tăng đi bộ trên hè phố. Thế còn ai có nhu cầu dùng xe máy mưu sinh để chở hàng, xin mời thuê xe ba bánh chuyên dụng (nhà nước qui định mẫu thiết kế xe) hoặc xe tải nhỏ;
- Phát triển đa dạng các loại hình chuyên chở người khác mà không quá tốn tiền như: Thêm các xe buyt nhỏ, xe ba bánh có mui, xe taxi, xe điện và cả xe ôm (xe máy nếu đăng ký làm xe ôm sẽ cấp biển số riêng, tài xế xe ôm mặc áo riêng theo qui định. Theo quan sát, 1 chiếc xe ôm có hiệu suất bằng vài chiếc xe máy riêng;
- Điều chỉnh lượng xe ô tô cá nhân vào trung tâm thốngqua trạm soát vé, tăng cưỡng bãi xe tĩnh, tăng giá trông ô tô bãi đỗ xe tĩnh, cấm triệt để việc đỗ xe ô tô trong lòng đường, vỉa hè. Như vậy 1 chiếc xe vào trung tâm TP chắc chắn phải trả 2 loại vé: Vé đi qua trạm vé và vé đỗ xe. Ai có tiền, ai cần thì mới đi;
- Tổ chức lại giao thông 1 cách khoa học: Biển báo cực kỳ dễ nhìn, phân làn hợp lý, đèn tín hiệu phù hợp, mở rộng ngã 3,ngã 4, làm cầu vượt nhẹ;
- Kiên quyết lập lại trật tự xây dựng nhà mặt phố, tiến tới loại bỏ kiểu nhà riêng lẻ mặt phố, ưu tiên làm văn phòng, công sở, chung cư;
Với quyền hạn của UB đặc biệt, chúng ta làm quyết liệt, đồng bộ như vậy tại các đô thị (trước hết tại 5 đô thị trực thuộc TW do TW phụ trách, các địa phương giao cho UBND phụ trách) tất sẽ có kết quả trông thấy. Đương nhiên, chương trình này sẽ động chạm đến lợi ích hiện nay của 1 bộ phận nhân dân, nhưng nó sẽ có tác dụng lâu dài, tôi tin sẽ được nhiều người ủng hộ hơn hẳn cái cách thu phí của BT Thăng, nó đảm bảo công bằng và tôn trọng sự lựa chọn của mọi người.
4. Quản lý người lái phương tiện: Chuyện này thì quá đơn giản, học các nước thôi: Dạy cho chuẩn, thi cho chuẩn, quản lý cho chặt, xử phạt cho nghiêm là được.
Tài xe ôm Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét