Pages

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Phương Tây sẵn sàng hỗ trợ phe cải cách tại Miến Điện


Những người ủng hộ Phong trào Quốc gia vì
Dân chủ (LND) chào mừng thắng lợi
Đức Tâm

Sau cuộc bẩu cử bán phần mang tính lịch sử được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, đánh giá là một bước tiến tích cực trong quá trình dân chủ hóa Miến Điện, giờ đây, phương Tây dường như sẵn sàng giảm nhẹ các trừng phạt để hỗ trợ các nhà cải cách trong chính quyền Naypyidaw. Nhưng, hiện nay, chưa đến lúc xóa bỏ toàn bộ lệnh cấm vận.
Với cuộc bỏ phiếu ngày ngày 01/04, lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi trở thành nghị sĩ. Đây là một sự kiện mang tính biểu tượng rất cao.
AFP hôm nay, 03/04/2012, cho biết, theo kết quả của kiểm phiếu chưa đầy đủ, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được ít nhất 40 trong tổng số 45 ghế trong cuộc bầu cử bổ sung này. Tuy nhiên, thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi cũng như của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ không hề đe dọa cán cân quyền lực: Giới tướng lãnh và các đồng minh của họ vẫn nắm quyền lãnh đạo trong chính phủ và chiếm đa số tại Thượng và Hạ viện Miến Điện.
Do vậy, theo giới phân tích, Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Châu Âu cần phải giữ lại một số phương tiện gây áp lực để buộc chính quyền Miến Điện tiếp tục thực hiện các cải cách đã được khởi động từ hơn một năm nay, với việc chế độ quân sự độc tài tự giải thể. Ngược lại, nếu phương Tây không làm gì cả thì điều này có nguy cơ làm suy yếu vị thế của tổng thống Thein Sein, người chủ trương thúc đẩy cải cách, đối mặt với phe bảo thủ trong chế độ.
Chuyên gia Win Min, thuộc đại học Mỹ Havard, nhận định: « Một số nhân vật thuộc đường lối cứng rắn sẽ nổi giận. Kết quả cuộc bỏ phiếu giúp tăng cường vị thế những nhân vật ôn hòa và có thể dẫn đến việc xóa bỏ một phần lớn các biện pháp trừng phạt », ví dụ Hoa Kỳ bãi bỏ một phần các trừng phạt tài chính.

Kể từ năm 2009, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách chìa bàn tay thân thiện với Miến Điện, thay cho chiến lược cô lập nước này. Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật được Washington đánh giá là một « giai đoạn quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa ». Thế nhưng, việc bãi bỏ lệnh cấm vận phải có được sự chấp thuận của Nghị viện Hoa Kỳ và nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi cần thận trọng, một số chính khách khác đòi phải có thêm các tiến bộ mới, đặc biệt trong việc giải quyết cuộc xung đột vũ trang với các sắc tộc thiểu số ở Miến Điện.
Hoa Kỳ rất coi trọng ý kiến của lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi trong việc đưa ra những quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, Washington phải có một cử chỉ nào đó. Ông Sean Turnell, đại học Macquarie Sydney, Úc nhận định: « Sẽ có bước khởi đầu trong việc xóa bỏ một số trừng phạt để tỏ thiện chí và để hỗ trợ các nhà cải cách ». Ông nhấn mạnh, châu Âu có thể hành động nhanh hơn vì họ lạc quan hơn và có ý muốn bãi bỏ cấm vận hơn Hoa Kỳ.
Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu đã cho biết là trong cuộc họp của các Ngoại trưởng vào cuối tháng Tư, để đánh giá lại các biện pháp trừng phạt Miến Điện, khối này sẽ đưa ra một « tín hiệu tích cực ». Đầu năm nay, Liên Hiệp Châu Âu đã đình chỉ lệnh cấm cấp giấy phép nhập cảnh đối với 87 quan chức Miến Điện, trong đó có tổng thống Thein Sein. Vấn đề đối với Liên Hiệp Châu Âu là xác định nhịp độ bãi bỏ các trừng phạt, sao cho vẫn giữ được áp lực, tránh nguy cơ chính quyền Naypyidaw thụt lùi trong tiến trình cải cách.
Theo giới quan sát, các trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhắm vào những nhân vật thân cận với chế độ quân sự độc tài trước đây, như phong tỏa tài sản, có thể sẽ được bãi bỏ sau cùng. Trong khi chờ đợi, châu Âu mong muốn đưa ra những biện pháp giúp cải thiện đời sống người dân Miến Điện, được đánh giá là một trong những cộng đồng cư dân nghèo nhất thế giới.
Ngày hôm nay, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Phnom Penh, Cam Bốt và kêu gọi bãi bỏ tất cả các trừng phạt đối với Miến Điện. ASEAN coi đây là một biện pháp « đóng góp tích cực vào tiến trình dân chủ và đặc biệt là đối với phát triển kinh tế của Miến Điện ».
Theo RFI

Không có nhận xét nào: