Nghệ Nhân (VNEconomy) - Khi Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Petro Vietnam tới năm 2010 với khá nhiều sai phạm về tài chính, một số tờ báo đã nêu câu hỏi về vấn đề trách nhiệm của người từng đứng đầu Petro Vietnam, cụ thể là ông Đinh La Thăng. Nhưng việc này liệu có dễ?
Tại cuộc họp báo công bố báo cáo thanh tra, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, đối với cá nhân, tập thể liên quan tới các khuyết điểm, sai phạm, Thủ tướng yêu cầu tổ chức kiểm điểm; kết luận trách nhiệm và xử lý nghiêm túc đối với các cá nhân sai phạm.
Về trách nhiệm cá nhân của ông Đinh La Thăng khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), ông Ngô Văn Khánh cho biết, trách nhiệm cụ thể của các cá nhân đang gắn với việc rà soát sau khi Thủ tướng có ý kiến về kết luận thanh tra. Từ sai phạm cụ thể, khuyết điểm mới quay lại đánh giá vai trò, trách nhiệm của từng người.
Với những thông tin như vậy, nhiều người có thể nghĩ đến khả năng ông Đinh La Thăng sẽ bị quy trách nhiệm khi các sai phạm về mặt tài chính là rất lớn, lên tới 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo tìm hiểu của VnEconomy, về mặt pháp lý, một cơ chế “hồi tố trách nhiệm” như vậy là không rõ ràng.
Khái niệm “hạ cánh an toàn” vẫn được công luận nói đến khi đề cập đến những trường hợp quan chức nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. |
Ở nước ngoài, việc một cựu quan chức bị truy cứu vì những sai phạm trong quá khứ là bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì điều này vẫn khá hiếm. Khái niệm “hạ cánh an toàn” vẫn được công luận nói đến khi đề cập đến những trường hợp quan chức nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều trường hợp quan chức đứng đầu và chịu trách nhiệm chính đã chuyển công tác, trong khi tại cơ quan cũ các cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm, nhưng hướng xử lý hiện nay khá lúng túng và không nhất quán.
Lấy ví dụ, mới đây thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện rằng tại Hà Nội, đến thời điểm 31/12/2010, có 49 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép nhưng đều “có vấn đề” về tài chính.
Kết quả thanh tra cho thấy tại các dự án này đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền sử dụng đất của các dự án phải nộp trước khi giao đất, bàn giao đất cho các nhà đầu tư nhưng không đúng trình tự, thủ tục quy định và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Vì vậy, việc xác định tiền sử dụng đất các dự án phải nộp không phù hợp và cơ quan thuế không đủ căn cứ để thu tiền sử dụng đất, các chủ dự án chậm nộp tiền sử dụng đất.
Ký ban hành các quyết định phê duyệt các dự án này chính là các chủ tịch của Hà Tây (cũ) và Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, ngay cả khi kết luận của thanh tra Bộ Tài chính là chính xác và được công nhận, cơ chế nào để hồi tố trách nhiệm đối với các vị này – nay đã ở cương vị khác – là không rõ ràng!
Có nhiều ví dụ thực tế khác trong thời gian qua khiến cho công luận, dẫu có “phấn khởi” với khẩu khí của ông Ngô Văn Khánh, vẫn không dám tin là sẽ có thể truy cứu trách nhiệm.
Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ thì cũng chỉ là một cơ quan chuyên môn với nhiệm vụ chính là thanh tra và sau đó báo cáo. Nhiều tiền lệ cho thấy đề xuất của Thanh tra đã không được chấp thuận.
Tháng 5/2003, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã ký quyết định kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Nhậm, Tổng giám đốc, ông Đinh Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Petro Vietnam khi đó với hình thức cách chức vì “những sai phạm nghiêm trọng”.
Đến năm 2007, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ đồng thời là Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc cơ quan này, ông Mai Quốc Bình, khi được báo chí hỏi về trách nhiệm cá nhân của ông Nguyễn Xuân Nhậm, đã nói rằng “không có chuyện nghỉ hưu là hết trách nhiệm. Việc xử lý trách nhiệm không có ràng buộc gì với chuyện nghỉ hưu hay chưa nghỉ hưu”.
Ông Bình nói vậy, nhưng cho đến thời điểm chính ông về hưu vào tháng 7/2011, cũng không thấy ai đòi truy cứu trách nhiệm của ông Nhậm nữa.
Trả lời phỏng vấn báo Đầu tư mới đây, PGS.TS Bùi Đình Phong, thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng dư luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm cá nhân, khi hàng loạt vấn đề như ách tắc giao thông, hạ tầng xuống cấp, tiêu cực, khuyết điểm, câu chuyện của các tập đoàn kinh tế…
Nhưng ông cũng nói rằng trong nhiều năm qua, “còn quá nhiều hiện tượng tranh công, đổ lỗi, không dám chịu trách nhiệm cá nhân. Vài trường hợp chỉ là cá nhân trực tiếp bị kỷ luật, còn đối với cấp trên, người đứng đầu địa phương, bộ, ban, ngành đó, thì coi như không có vấn đề gì xảy ra, như thế là chưa thỏa đáng”.
Cũng nên nhắc lại một phát biểu của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại phiên bế mạc hội nghị lần 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X để kết thúc cho bài viết này. Trong bài phát biểu của mình, nguyên Tổng bí thư nói rằng người có hành vi tham nhũng “phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, dù đương chức hay nghỉ hưu”.
Nếu tinh thần này vẫn không được cụ thể hóa trong chính sách quản lý cán bộ về lâu dài, thì chắc chắn sẽ vẫn còn đó những dị nghị trong dân chúng về những cú “hạ cánh an toàn”!
Nghệ Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét