Pages

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thất nghiệp, mối đau đầu của khu vực đồng Euro.



Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp ở các quốc gia châu Âu RFI/Anthony Terrade


Chưa xóa bỏ được mối đe dọa khủng hoảng nợ công, khối euro lại phải đương đầu với một thách thức mới : Giải quyết việc làm cho hơn 17 triệu người đang thất nghiệp. Các nước xung quanh Địa Trung Hải đang đứng trước một bài toán nan giải : Cắt giảm chi tiêu để giải quyết nợ công, trong lúc có từ 15 đến 25 % dân số trong tuổi lao động thất nghiệp.

Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat ngày 02/04/2012 công bố số liệu về thất nghiệp tại khu vực đồng euro. Tỷ lệ người không có việc làm trong tháng 2/2012 tăng cao kỷ lục : Tại 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu 10,8 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được thành lập vào năm 1997. Trong 10 tháng liên tiếp, thị trường lao động châu Âu bị xấu đi.

Đáng quan ngại hơn nữa là số người bị gạt ra ngoài thị trường lao động ở châu Âu còn tiếp tục tăng thêm từ nay tới cuối năm. Chuyên gia tài chính thuộc ngân hàng JP Morgan tại Luân Đôn cho rằng đến cuối năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên tới 11 % vì nhiều lý do : Khu vực Nhà nước hoặc không thay thế những người đến tuổi về hưu, hoặc sa thải nhân viên, như là trường hợp của Hy Lạp. Lý do thứ nhì là thu nhập của các hộ gia đình giảm sút, tác động đến sức mua của tư nhân. Yếu tố thứ ba đáng quan ngại liên quan đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế của các nước trong khối euro.
Giới phân tích cho rằng, nạn thất nghiệp gia tăng chung trên toàn bộ 17 nước thành viên khu vực đồng euro là bằng chứng cho thấy, các biện pháp khắc khổ với hy vọng giảm bớt nợ công và bội chi ngân sách không phải là liều thuốc thích hợp cho khu vực này vào thời điểm hiện nay : Sức tiêu thụ của tư nhân đi xuống, khủng hoảng niềm tin của các nhà đầu tư đẩy các hoạt động của khu vực sản xuất càng xuống thấp trong năm qua.

Khối euro với hai vận tốc
Một điểm đáng chú ý khác mà thống kê mới nhất của Eurosat cho thấy, đó là sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu ngày càng lớn : tại Áo hay Hà Lan, tỷ lệ này chỉ là 4,2 và 4,9 %. Đức về hạng ba, với một tỷ lệ được coi là « ổn định » ở mức 5,7 %.
Tệ hơn là Ý và Pháp, theo thứ tự là 9,3% và 10 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm. Tại một quốc gia đang lâm vào khủng hoảng như Ai Len, thì tỷ lệ đó là 14,7 %, rất gần với các nước chung quanh Địa Trung Hải, như là trường hợp của Bồ Đào Nha (15 %) Hy Lạp (21 %). Hiện tại, Tây Ban Nha là nước đang đội bảng với 23,6 % dân số thất nghiệp và hơn một nửa thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 bị gạt ra ngoài thị trường lao động.
Theo quan điểm của giáo sư kinh tế Jacques Sapir, giám đốc trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội - EHESS - Paris, thất nghiệp đang trở thành một vấn đề cấp bách không kém gì khi so sánh với khủng hoảng nợ công của khối euro :
« Chúng ta biết rõ thảm cảnh của Tây Ban Nha và Hy Lạp, nơi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn 20 %. Ai Len và Bồ Đào Nha đang phải đối phó với số người trong tuổi lao động không có việc là khoảng 15 %. Đó là những tín hiệu hết sức đáng quan ngại. Nghiêm trọng hơn nữa, trước mắt, không có dấu hiệu nào cho phép chúng ta nghĩ rằng, khu vực đồng tiền chung châu Âu hy vọng đảo ngược được tình thế. Có nghĩa là các quốc gia này không mấy hy vọng giải quyết được thất nghiệp trong nay mai. Ngược lại, tại một số quốc gia ở miền bắc Địa Trung Hải, như ở Đức, Bỉ, Luxembourg hay Áo, tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, khoảng trên dưới 5 %.
Theo tôi, vấn đề thất nghiệp là một trong hai mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực đồng Euro. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng không kém so với nguy cơ khủng hoảng nợ công. Tôi cũng xin lưu ý là từ hai năm nay, chúng ta nhận thấy một sự phân hóa rõ rệt giữa các nước ở phía bắc và phía nam Địa Trung Hải. Đó là một sự khác biệt quá lớn cả về phương diện tài chính, kinh tế và xã hội qua tình trạng việc làm. Tôi cho rằng, trong giả thuyết khu vực đồng euro đã giải quyết xong vấn đề khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Hy Lạp, thì thách thức tới đây của toàn khối là phải giải quyết những khó khăn về kinh tế và xã hội ở các nước xung quanh Địa Trung Hải. Đây sẽ là một trong những điều kiện để khu vực euro được tồn tại ».
Trên tổng số 17 triệu 130 ngàn người thất nghiệp của toàn khối euro, trong đó có 4 triệu 750 ngàn là người Tây Ban Nha. Trong tám tháng liên tiếp, số người không có việc làm tại quốc gia này liên tục tăng. Chính phủ của thủ tướng Mariano Rajoy, từ tháng 2/2012, đã bắt đầu cải tổ luật lao động để khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhân công. Giới công đoàn và người lao động đồng loạt tố cáo là các biện pháp cải tổ đó càng gây khó khăn cho giới làm công ăn lương.
Trong khi đó, bản thân chính quyền vừa thông báo hàng loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, cho phép Tây Ban Nha tiết kiệm thêm 27 tỷ euro trong tài khóa 2012. Madrid hy vọng giảm bội chi ngân sách đang từ 8,5 % GDP năm ngoái, xuống còn 5,3 % trong năm nay. Ngoài ra, chính phủ Tây Ban Nha dự trù tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay sẽ ở số âm và trước mắt, nhiều nhà quan sát lo ngại là từ nay đến cuối 2012, Tây Ban Nha sẽ phải ngửa tay xin trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Pháp : Thêm 1 triệu người thất nghiệp trong 5 năm
Riêng trường hợp của nước Pháp, vào thời điểm tranh cử tổng thống, vấn đề việc làm trở thành đề tài được cả 10 ứng cử viên tổng thống cùng đem ra mổ sẻ. Trả lời trên đài RFI, chuyên gia kinh tế thuộc Cơ quan Quan sát về Tình hình Kinh tế Pháp, OFCE, ông Eric Heyer, giải thích vì sao Pháp phải đương đầu với một tỷ lệ thất nghiệp 10 % :
« Có hai lý do giải thích vì sao Pháp không giải quyết được vấn đề thất nghiệp : Một là kinh tế của Pháp không tăng trưởng đủ mạnh để tạo thêm công việc làm và hai là số người mới tham gia thị trường lao động tăng nhanh hơn so với số người đến tuổi về hưu.
Khi mà tình hình kinh tế khó khăn thì khu vực sản xuất và cả dịch vụ, cùng sa thải nhân công. Trong khi đó, lực lượng lao động ngày càng tăng do có cả một thế hệ trẻ vừa gia nhập thị trường lai động. Số thanh niên gia nhập thị trường lao động cao hơn so với số người đến tuổi về hưu. Bài toán do đó trở nên khá đơn giản. Theo tôi, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp sẽ vượt ngưỡng tâm lý là 10 %. Câu hỏi còn lại là khi nào chúng ta sẽ vượt qua ngưỡng tâm lý đó ? Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10 % vào giữa hay cuối năm nay ? Điều đó còn tùy thuộc vào chính sách của Nhà nước, đặc biệt là vào các khoản trợ cấp thất nghiệp, vào các biện pháp để giúp cho doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên ».
Thực tế cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp vừa đạt ngưỡng 10 % trong tháng 2/2012. Mọi người còn nhớ là vào năm 2007, khi ra tranh cử, ứng cử viên của đảng UMP là ông Nicolas Sarkozy đã cam kết trong nhiệm kỳ 5 năm, ông sẽ làm tất cả để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5 %. Tại Pháp, trong tháng 2/2012, có tất cả gần 2,9 triệu người không có việc làm. Để so sánh, số này tăng thêm 1 triệu so với cách nay 5 năm.
Đành rằng khi lên cầm quyền vào tháng 5/2008, ông Nicolas Sarkozy không ngờ là chỉ vài tháng sau đó, ông phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ, nghiêm trọng nhất trong lịch sử kinh tế thế giới kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Vào lúc vấn đề thất nghiếp là quan tâm hàng đầu của cử tri thì ứng cử viên Sarkozy luôn rao giảng là nước Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm đầu của ông « tốt đẹp » hơn so với các nước láng giềng trong khối euro. Tiếc là thống kê của Eurostat về tình trạng lao động lại không củng cố luận điểm này. Về phần mình, ứng cử viên của đảng Xã Hội, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu, ông François Hollande, thì đưa ra hàng loạt các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và khuyến khích tuyển dụng nhân công, đặc biệt là trong lĩnh vực Nhà nước. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông Hollande có tìm được nguồn tài trợ để thực hiện những lời hứa đó hay không ?

Viễn cảnh kinh tế đen tối
Lo ngại của khối euro là các đầu máy tăng trưởng từ sản xuất đến xuất khẩu đều đang bị chựng lại. Cùng lúc Eurostat công bố thống kê về thất nghiệp tại khu vực đồng euro, cơ quan này cũng đưa ra một báo cáo không mấy khả quan về viễn cảnh tăng trưởng của toàn khối : Đe dọa suy thoái của nhóm eurozone càng rõ nét trong tháng 3/2012 và hai đầu tàu kinh tế là Đức và Pháp cũng tỏ dấu hiệu bị chựng lại.
Cụ thể là tại Đức, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2012 giảm 1,8 điểm so với tháng 2/2012. Đây là hậu quả do xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc và sang các đối tác thuộc khu vực đồng euro bị chậm lại. Còn viện nghiên cứu IMK của Đức nhận định, đó là hậu quả trực tiếp của các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà Bruxelles và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã áp đặt đối với nhiều nước trong khu vực đồng euro.
Nhìn tới trường hợp của Pháp, tình hình không khả quan hơn. Riêng đối với các nước đang lâm nạn ở vùng Địa Trung Hải, từ Hy Lạp đến Ý hay Tây Ban Nha, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng đã đi xuống.
Theo báo cáo vừa được công bố ngày 29/03/2012 do ba viện nghiên cứu châu Âu IMK của Đức, OFCE của Pháp và WIFO của Áo, khủng hoảng tài chính trong khu vực đồng euro và các biện pháp khắc khổ là nguyên nhân đẩy toàn khối vào suy thoái kinh tế và thất nghiệp tăng cao.
Theo đó, nhìn chung, GDP tại 17 nước sử dụng đồng euro giảm 0,8 % trong năm 2012 và tiếp tục giảm thêm 0,5 % vào năm tới. Đức và Pháp không phải là những ngoại lệ.
Thu nhập bình quân đầu người cũng giảm so với 2011. Nhìn sang bên kia bờ Đại Tây Dương, tỷ lệ tăng trưởng của Hoa Kỳ năm nay sẽ là 2,3 %. Theo nhận định của OFCE, tâm bão đã chuyển từ Mỹ sang châu Âu, đặc biệt là khu vực đồng euro.
Vào lúc khủng hoảng nợ công dấy lên tại Hy Lạp hay Ai Len, Bruxelles đã quá tin tưởng vào các biện pháp khắc khổ, coi đó là chiếc đũa thần có thể giải quyết tất cả. Ngân hàng Trung ương châu Âu, chịu nhiều ảnh hưởng của Đức, đã quên mất rằng có một ngân sách chi thu cân bằng để tránh bị chủ nợ đòi tiền là một điều quan trọng, nhưng đối với một quốc gia, điều quan trọng không kém là phải chú trọng tới tiềm năng tăng trưởng. OFCE đơn cử trường hợp của Hy Lạp : Athens đang nợ nần chồng chất và bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Chính đe dọa tiềm tàng này khiến chủ nợ chỉ đồng ý cho Hy Lạp vay với lãi suất cao - cao hơn khi họ cho Đức hay Pháp vay. Đồng thời, để nhận được hai gói hỗ trợ tài chính 110 và 130 tỷ euro từ Bruxelles và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, các chính phủ Hy Lạp đã phải cam kết thắt lưng buộc bụng để giảm bớt nợ công.
Trong tình trạng các hoạt động kinh tế đi xuống, cộng thêm với các biện pháp khắc khổ, trong hai năm qua, Hy Lạp không ngừng lún sâu thêm vào khủng hoảng. IMK công nhận là Hy Lạp cần quản lý tài chính chặt chẽ hơn, nhưng áp dụng chính sách khắc khổ một cách toàn diện đối với tất cả các thành viên trong khối euro là một sai lầm và hậu quả là liều thuốc đó đã « bóp chết sự phục hồi kinh tế của châu Âu chỉ mới vừa manh nha ».

Nguồn: Thanh Hà/ RFI

Không có nhận xét nào: