Pages

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Trận chiến “mỏ dầu” Sudan - Nam Sudan.

Trận chiến đã bước qua tuần thứ nhì giữa Sudan và Nam Sudan tại những vùng biên giới tranh chấp khiến quốc tế lo ngại xung đột có thể phát triển thành cuộc chiến toàn diện.
Liên đoàn châu Phi (AU) nói họ rất lo ngại tranh chấp về những mỏ dầu và kêu gọi cả hai bên kềm chế tối đa.
Tình hình Sudan hiện nay?


Lực lượng vũ trang Nam Sudan đã chiếm khu vực tranh chấp nhiều dầu mỏ dọc biên giới với Sudan
Sudan nói họ điều động quân đội chống lại Nam Sudan vào thứ Tư, và ngưng mọi đàm phán với Juba về tiền trả cho mỏ dầu cũng như mọi vấn đề tranh cãi khác sau khi Nam Sudan đã chiếm những mỏ dầu mang tính sống còn đối với kinh tế miền Bắc.

Quân đội Nam Sudan (SPLA) hôm thứ Ba đã tấn công Heglig, một khu vực tranh chấp có trữ lượng dầu chiếm khoảng 1/2 lượng dầu của Sudan, với sản lượng 115.000 thùng/ngày, chiếm được các giếng dầu.

Một ngôi nhà ở vùng biên giới 2 miền Sudan bị chiến tranh phá hủy
Phát ngôn viên quân đội của Sudan nói quân đội đã bắt đầu tiến quân vào giữa ngày thứ Sáu, nhằm chiếm lại thị trấn Heglig. Thứ Bảy 14.4, máy bay Sudan oanh tạc Heilig, gây leo thang chiến tranh khiến hai bên tiến gần hơn đến một cuộc chiến toàn diện.
Chủ nhật, Nam Sudan tố cáo Kartoum toan mở một mặt trận thứ hai ở phía đông-bắc, khu vực cách xa những vụ đụng độ ác liệt ở biên giới trong những ngày gần đây.
Trước đó, Nam Sudan đã đưa đề nghị rời mỏ dầu ở ranh giới với Sudan, nếu những nhân viên gìn giữ hòa bình được triển khai tại đây. Đối lại, họ muốn bảo đảm mỏ dầu Heglig không được dùng làm một căn cứ để tấn công qua biên giới.
Điều này ảnh hưởng ra sao?
Rahamatalla Mohamed Osman, thứ trưởng ngoại giao của Sudan, nói: “Tôi nghĩ rằng… những giếng dầu này sẽ bị ảnh hưởng, chắc chắn, và ít nhất sẽ không sản xuất được”.
Nhiều người chạy xe hơi lo ngại có thể không còn nhiên liệu cung cấp nên xếp hàng dài dài tại các trạm xăng khi tin Heglig bị tấn công lan khắp thủ đô, mặc dù bộ xăng dầu ra văn bản nói có đủ nhiên liệu.

Toán tù binh đầu tiên của quân đội Sudan (ngồi trên mặt đất) bị bắt trong những ngày đánh nhau đẫm máu được chở đến thủ đô Juba, Nam Sudan
Đại sứ Sudan tại LHQ, Daffa-Alla Elhag Ali Osman nói Sudan đã tự kềm chế tối đa và nếu HĐBA LHQ không lên án các hành động của Nam Sudan và yêu cầu họ rút hết quân, Sudan sẽ buộc phải “trả đũa sâu vào Nam Sudan”. Ông nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng dàn xếp mọi tranh cãi với miền nam thông qua đàm phán hòa bình, nhưng diễn biến mới đây khiến hết sức khó khăn… sẽ rất khó để ngồi với kẻ đâm vào sau lưng bạn”.
Ai tấn công trước?
Bộ trưởng thông tin Nam Sudan, Barnaba Marial Benjamin, nói không quân Sudan đã đánh bom làng Aniemnom thuộc Nam Sudan vào thứ Tư ngày 11.4, khiến 4 người bị thương, kể cả một cháu bé.
Ông nói Nam Sudan đã hành động tự vệ sau khi Sudan mở cuộc tấn công trên bộ từ Heglig vào cuối hôm 9.4.
Phát ngôn viên quân đội Nam Sudan, Philip Ager, nói không quân miền bắc đã đánh bom các vị trí của SPLA ở Heglig và các khu vực khác.
Còn các quan chức Sudan nói họ chỉ cố bảo vệ lãnh thổ của mình.
Hai bên cáo buộc nhau ra sao?
Mỗi bên còn cáo buộc bên kia hậu thuẫn cho quân nổi dậy bên trong lãnh thổ của họ.
Osman nói lực lượng vũ trang Nam Sudan đã tiến sâu vào lãnh thổ Sudan 70km. Một văn bản của bộ thông tin cáo buộc Nam Sudan đã “sử dụng lực lượng lính đánh thuê và các nhóm nổi dậy” trong cuộc tấn công. Tiếp đó, quốc hội Sudan đã ra lệnh ngưng mọi thương thuyết với Nam Sudan, mà theo Osman: “Tôi không nghĩ có thể thương thuyết trong bầu không khí này. Điều đã xảy ra là vi phạm luật quốc tế và xâm lăng Sudan, và chúng tôi có mọi quyền để tự bảo vệ mình và chiếm lại đất đai đã bị chính phủ Nam Sudan chiếm đóng”.
Hãng tin nhà nước SUNA nói Sudan ra lệnh tổng động viên nhưng không nói thêm chi tiết.
Thứ Hai ngày 16.4, hạ viện Sudan gọi Nam Sudan là “kẻ thù”.
Nước ngoài và quốc tế có lên tiếng về xung đột?
AU kêu gọi quân đội Nam Sudan “rút lập tức và không điều kiện” khỏi Heglig và khuyến khích cả hai phía kềm chế.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án Nam Sudan tấn công vào Heglig, gọi đây là “một hành động vượt quá giới hạn tự vệ”, đồng thời lên án Sudan “tiếp tục cho máy bay thả bom vào Nam Sudan” và nói 2 bên cần đồng ý lập tức ngưng mọi hành vi thù nghịch.
TTK LHQ Ban Ki-moon đã tiếp xúc với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và đại sứ của Sudan tại LHQ.
Hôm thứ Hai ngày 16.4, ông nói ông “quan tâm sâu sắc” đến xung đột tiếp diễn giữa đôi bên và kêu gọi cả hai “ngừng đánh nhau ngay lập tức”.
Nguyên nhân khiến Sudan và Nam Sudan xung đột?
Chưa đầy 6 tháng trước, Nam Sudan tách khỏi Sudan, hình thành quốc gia mới nhất của thế giới: Cộng hòa Nam Sudan. Nhưng căng thẳng bắc-nam đã có từ nhiều thập niên, thậm chí trước khi Sudan giành được độc lập vào 1956. Miền bắc đa số là người theo đạo Hồi, gốc Arab; trong khi hầu hết người miền nam theo đạo Thiên chúa và có quan hệ gắn bó hơn với Kenya, Ugnada và nhiều nước hạ-Sahara khác. Cấu trúc quyền lực thuộc về miền bắc, còn nhiều tài nguyên kinh tế lại nằm ở miền nam.
Sau nhiều năm nội chiến giữa 2 miền, Sudan tách thành 2 nước vào ngày 9.7.2011.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề giữa họ vẫn chưa được giải quyết trước khi đất nước chia đôi; trong đó nổi lên là phân chia biên giới tại các bang Blue Nile, Nam Kordofan, và đặc biệt là vùng Abyei nằm vắt ngang cả 2 nước Sudan và Nam Sudan.
Xung đột quân sự đã diễn ra tại các nơi này suốt 6 tháng và tiếp tục leo thang. Thêm nữa, hai bên chưa khi nào thỏa thuận về chia sẻ lợi nhuận đáng kể do trữ lượng dầu đem lại.
Cụ thể hai miền Sudan tranh cãi về những gì?
Hai miền đang tranh cãi và phải đưa ra quyết định về những vấn đề sau: Vạch ra đường biên giới mới; Chia nợ và tài nguyên dầu như thế nào; Mỗi miền liệu có nên có tiền tệ riêng của mình hay không; Người miền nam sẽ có những quyền gì ở miền bắc – và ngược lại; Biên giới mới sẽ bị buộc phải tôn trọng theo cách ra sao. Trong đó dầu là vấn đề nhạy cảm nhất: Nam Sudan nằm giữa đất liền đã ngừng sản lượng dầu khoảng gần 350.000 thùng/ngày từ tháng Giêng trong tranh cãi họ phải trả bao nhiêu để xuất khẩu dầu khi sử dụng ống dẫn dầu và các cơ sở hạ tầng khác ở Sudan.
Sản lượng còn lại của Sudan chỉ đủ cho tiêu thụ trong nước.
Tại sao hầu hết dân chúng miền nam cứ đòi tách khỏi miền bắc?
Các biên giới của Sudan – giống như nhiều nước khác ở châu Phi – được các cường quốc thuộc địa vạch ra mà ít để ý đến thực tế văn hóa, truyền thống nơi đó.
Nam Sudan đầy rừng già, đầm lầy, trong khi hầu hết miền bắc là sa mạc.
Đa số người miền bắc theo đạo Hồi, nói tiếng Arab, trong khi miền nam gồm nhiều nhóm thiểu số khác nhau, hầu hết theo đạo Thiên chúa hoặc các tôn giáo truyền thống.
Do chính phủ đặt trụ sở ở miền bắc, nhiều người miền nam nói họ bị kỳ thị, nhất là khi miền bắc cứ muốn áp đặt luật Hồi giáo lên cả nước.
Khi tách ra, Nam Sudan đã sẵn sàng để độc lập chưa?
Phải thành thật nói là chưa.
Sau nhiều năm chiến tranh và bị chính phủ trung ương bỏ mặc, Nam Sudan – rộng hơn cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gộp lại – có rất ít đường sá, và không đủ trường học hoặc dịch vụ y tế.
Một số người còn nói SPLM bị nhóm thiểu số đông người nhất ở Nam Sudan, nhóm Dinkas, thống trị, và cáo buộc họ không lý gì đến đòi hỏi của các cộng đồng khác, nhất là của nhóm đông thứ nhì, Nuer.
Theo Thế giới & hội nhập

Không có nhận xét nào: