Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Trung Quốc: Sự sụp đổ của mô hình Trùng Khánh

Bhaskar Roy

Chỉ vỏn vẹn sáu tháng nữa là tới sự thay đổi lãnh đạo mỗi mười năm, vào tháng 10. Một cuộc chạy đua quyền lực quan trọng đã nổ ra ở Trung Quốc. Ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và là ủy viên Bộ Chính trị, đã được thông báo rời khỏi mọi chức vụ ở Trùng Khánh. Những lý do truyền đi trong nội bộ Đảng đổ lỗi cho ông Bạc giải quyết sơ suất trường hợp Vương Lập Quân, Giám đốc Công an dưới quyền ông, người đã chạy vào sứ quán Mỹ xin tỵ nạn. Vương đã mang theo mình nhiều hồ sơ bí mật quan trọng. Hoa Kỳ đã từ chối tiếp nhận ông, nhưng có thể đã giữ những bản sao hồ sơ. Vương đã bị nhân viên an ninh Bắc Kinh bắt giữ.

Điều đáng chú ý ở đây là khi sự sa thải ông Bạc Hy Lai khỏi chức vụ Trùng Khánh được loan báo chính thức, người ta không thấy đề cập đến vai trò ủy viên bộ chính trị của ông. Phải chăng chuyện này có nghĩa là, ông Bạc vẫn còn tồn tại trên phương diện chính trị để chiến đấu? Ông đã gần như chắc chắn được đề cử vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ở quốc hội thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10.
Bạc Hy Lai được xem là một võ sĩ chính trị hạng nặng. Cha của ông, Bạc Nhất Ba, một lãnh tụ cách mạng, đã chịu đau khổ trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Mẹ ông đã bị những tên vệ binh đỏ đần độn giết hại. Sau khi những kẻ theo chủ nghĩa Mao-ít và nhóm Tứ Nhân bang bị đánh gục năm 1976, Đặng Tiểu Bình dần dần thu tóm quyền lực. Bạc Nhất Ba trở thành Bộ trưởng Tài chánh dưới thời Đặng Tiểu Bình, và được biết tới như “bát đại nguyên lão”, nhóm người uy quyền nhất dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã cứu Trung Quốc thoát khỏi đại nạn.
Cũng như những lãnh tụ khác thời đó hiện diện trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa, Bạc Nhất Ba không phải là một nhà cấp tiến. Có lẽ chẳng ai thực sự cấp tiến. Họ không theo cá nhân chủ nghĩa. Họ quan tâm đến sự dính kết và uy quyền của Đảng. Đảng đồng nghĩa với đất nước, và tương lai của đất nước gắn liền với Đảng, và Đảng là tối cao. Quan điểm này vẫn không thay đổi.
Trong khi Cách mạng Văn hóa đã bị chính thức phê phán, Mao Trạch Đông, người bày ra và lãnh đạo những năm tháng xáo trộn ở Trung Quốc, đã được kết luận 70% đúng và 30% sai. Người ta cũng không thấy một phán quyết chính thức nào về cuộc vận động chống lại giới hữu khuynh của Mao năm 1957, và Bước Nhảy Vọt năm 1958, một chính sách kinh tế tai hại với nhiều triệu người chết.
Cách mạng Văn hóa là một đề tài cấm kỵ và không được phép tìm hiểu thêm. Sự từ chối đối diện với cuộc vận động chống hữu khuynh và Bước Nhảy Vọt bị ngăn cản tương tự, ngay cả việc nghiên cứu trong các trường học về đề tài này cũng bị cản trở. Những vấn đề này phô bày ra ánh sáng một cách rõ ràng sự nghịch lý giữa chính trị và tư tưởng vẫn còn hiện hữu ở Trung Quốc ảnh hưởng đến quyền lực chính trị của đất nước.
Bạc Hy Lai thuộc về một nhóm quyền lực đang lên hay một phe đảng chính trị ở Trung Quốc. Họ là con cháu của các lãnh tụ cách mạng từng chống trả chiến dịch tàn hại Mao-ít. Những con cháu này được gọi là ‘thái tử đảng’. Là những người có đặc quyền với mối liên hệ đầy quyền lực trong cả đảng và quân đội, họ cảm thấy sứ mạng của họ là cai trị. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các thái tử đảng đều có quan điểm giống nhau về chính trị và kinh tế.
Có một phe nhóm lâu đời ở Thượng Hải, do cựu Bí thư và Chủ tịch nước Giang Trạch Dân lãnh đạo. Bạc được xem như thuộc nhóm này. Các lãnh đạo hàng đầu khác của nhóm Thượng Hải được biết, gồm những thành viên sắp ra đi của Ban Thường vụ Bộ Chính trị như Chu Vĩnh Khang, Lý Trường Xuân và Giả Khánh Lâm.
Phe nhóm khác là Đoàn Thanh niên Cộng sản. Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường, người sắp trở thành thủ tướng mới, tất cả đều là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản. Quyền hành của họ đang gia tăng. Đoàn Thanh niên Cộng sản cho rằng, họ đã làm những công việc vất vả khi chưa có được đặc quyền và phần lớn quyền hành nên thuộc về họ.
Sau khi nhận chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2007, với lòng nhiệt huyết, Bạc Hy Lai đã lăn xả vào công cuộc quét sạch các băng đảng mạnh trong thành phố. Chiến dịch “đánh trả” này là một thành công lớn. Trùng Khánh là khu vực hành chính cấp tỉnh duy nhất đã thành công lớn trong việc chống tội phạm. Ông đưa Vương Lập Quân vào làm giám đốc công an, chủ yếu chịu trách nhiệm về các cuộc càn quét tàn bạo, đã làm cho hơn bốn ngàn người bị bắt và 13 người bị tử hình vì những mức độ tham nhũng khác nhau.
Bạc đi thêm một bước bằng cách tổ chức những buổi dạ hội ‘nhạc Đỏ’ thời Cách mạng Văn hóa và cũng tiến hành tiêu trừ những doanh nghiệp tư nhân và cổ động lãnh vực quốc doanh. Ông bắt đầu đẩy mạnh vài tư tưởng thiên tả cũ xưa. Cuối cùng, ông phát động tư tưởng sùng bái cá nhân ông. Một bảng hiệu đèn màu ở trung tâm thành phố ghi “Bí thư Bạc, làm việc hăng say”, giống như kiểu Mao-ít. Về kinh tế, thành phố thịnh vượng và dân chúng bắt đầu ca tụng ông một cách công khai.
Việc dọn dẹp các băng đảng tội phạm lớn cùng với những phương sách cải cách xã hội được đề cao là “Mô hình Trùng Khánh”. Hầu hết các lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu từ Chu Vĩnh Khang và Lý Trường Xuân đã đến thăm Trùng Khánh. Hai người lãnh đạo duy nhất không đến thăm là Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Theo các tin tức không thể kiểm chứng, ông Bạc đã từng nói với một vài người thân tín rằng, tất cả những lãnh đạo trung ương này đều bất lực và phải ra đi. Sự kiện này được giải thích như sự tính toán của Bạc để nắm quyền kiểm soát Trung Quốc.
Có lẽ được khuyến khích bởi sự thành công ban đầu và sự ca ngợi của truyền thông, Bạc Hy Lai bị cuốn theo dòng nước. Ông ta đã bước vào vùng cấm địa, và đi ngược lại chính sách trung ương đã thiết lập.
Thế hệ lãnh đạo thứ hai do Đặng Tiểu Bình và những người bạn đương thời dẫn đầu đã chấm dứt tệ nạn sùng bái cá nhân. Mao đã được phép thực hiện điều này, và từ đó dẫn đến sự hỗn loạn và tàn phá đất nước. Dần dần, sự lãnh đạo đảng với tổng bí thư như trung tâm điểm, đã được hạ xuống bằng hình thức lãnh đạo tập thể, mặc dù tổng bí thư ở vị thế cao nhất trong số những người cùng nhóm. Đã có những cuộc thảo luận dân chủ để đi đến sự đồng thuận, mà trong đó ý kiến của tổng bí thư không thể lấn át ý kiến của những người khác.
Mặc dù các tỉnh có một số quyền tự trị nhưng họ phải thi hành đường lối do trung ương đề ra. Không thể có thành phố hay tỉnh độc lập với trung ương. Những “chúa tể sơn lâm” dám thách đố trung ương là không thể chấp nhận được. Đây là lý do chính tại sao Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cắt giảm số Quân khu từ mười một xuống bảy, và thiết lập sự bổ nhiệm định kỳ chức vụ các tư lệnh quân khu và chính ủy trong các Quân khu nhằm bảo đảm không có mối quan hệ giữa các lãnh đạo đảng cấp tỉnh và quân đội địa phương. Sự cân bằng giữa quân sự với dân sự được điều khiển từ trung ương với chủ tịch Quân ủy Trung ương cũng là tổng bí thư, một người thuộc dân sự. Ngay cả phó chủ tịch thứ nhất của Quân ủy Trung ương có thể là dân sự trong một giai đoạn. Ông Bạc Hy Lai đã vượt qua lằn ranh này qua việc tổ chức vài cuộc tập trận mà Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Lương Quang Liệt đã có mặt một lần.
Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình và chính sách mở cửa vào năm 1978 đã khích lệ những doanh nghiệp tư nhân và liên doanh, trong đó có liên doanh giữa ngoại quốc và địa phương. Điều này đưa đến sự bùng phát kinh tế ở Trung Quốc. Bạc Hy Lai có vẻ như cố gắng chống lại bằng cách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhà nước thay cho doanh nghiệp tư nhân. Về điểm này, Bạc có thể có được sự ủng hộ rộng rãi vì doanh nghiệp nhà nước là cơ quan thường dành cho đảng viên những đặc quyền đặc lợi, và nhận được hầu hết gói kích thích cầu kinh tế trong năm 2009.
Đối với công chúng, Bạc Hy Lai bị hạ bệ không phải do đấu đá chính trị mà là những lý do hành chánh. Giám đốc Công an Vương Lập Quân đã đối đầu với Bạc qua bằng chứng về thân nhân của ông, gồm vợ ông có dính líu tới tham nhũng. Bị ông Bạc và chính quyền của ông ta săn lùng, Vương Lập Quân đã hành động như chúng ta đã biết. Đối với người dân Trung Quốc, ông Bạc bị hạ bệ vì giải quyết không đúng cách trong trường hợp Vương Lập Quân. Nhưng các blogger ở Trung Quốc không tin như vậy. Họ thấy một vấn nạn chính trị lớn hơn nhiều.
Theo thông tin của nhóm được liệt vào sổ đen là Pháp Luân công, tờ “Epoch Times” (ngày 26 tháng 3) cho biết, trước khi ông Bạc bị thanh trừng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị sửa sai vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989, cũng như vụ các cựu Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương và nhóm Pháp Luân công. Ông Ôn cũng đề nghị cách chức Bạc Hy Lai. Được biết, Chu Vĩnh Khang phản đối kịch liệt, và Hồ Cẩm Đào thì giữ im lặng.
Khó có thể kiểm chứng thông tin này, nhưng [thông tin về] các thành viên Pháp Luân công, bất chấp bị khủng bố, đã được đồn đãi khắp nơi trong lực lượng vũ trang, các cơ quan an ninh và trong Đảng. Nếu là sự thật, chuyện này sẽ mở ra một cuộc đấu tranh lớn trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ôn Gia Bảo xuất thân với gốc gác khiêm nhường, là phụ tá cho một người có khuynh hướng cấp tiến là Hồ Diệu Bang, Bí thư ĐCS Trung Quốc. Ông Hồ Diệu Bang chết ngay trước khi nổ ra cuộc nổi dậy của sinh viên hồi năm 1989. Người kế nhiệm ông, Triệu Tử Dương, là một nhà cấp tiến và cải cách khác, đã bị cách chức vào đỉnh cao của cuộc biến động. Cả ông Hồ và Triệu đã được Đặng Tiểu Bình hỗ trợ trong việc thúc đẩy tự do hóa chính trị và minh bạch. Cha của Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba là một trong các nhân vật lãnh đạo hỗ trợ sự đàn áp của quân đội đối với những sinh viên biểu tình. Ôn Gia Bảo đã thoát nạn và phấn đấu lên cao. Nhưng từ năm 1989, mọi cải cách, nhất là cải cách chính trị đã bị đóng băng.
Những tiếng kêu gọi mạnh mẽ của Ôn Gia Bảo về cải cách chính trị hơn hai năm qua được vài người Trung Quốc cấp tiến gọi là “kể chuyện” hay một trò hề. Ông Ôn có vẻ muốn chứng minh rằng ông khuyến khích những ý tưởng mới, những ý tưởng này đang bắt đầu gây sự chú ý bên trong đảng.
Sau năm 1989, ranh giới chính trị bị chia cắt. Giới bảo thủ chống lại bất kỳ sự thay đổi nào, trong khi giới cải cách cúi đầu xuống theo định kỳ chỉ để giữ lập trường chính trị của họ được sống còn.
Đây không phải là cuộc thanh trừng một ủy viên bộ chính trị đầu tiên. Hồi năm 1995, ông Trần Hy Đồng, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, đã bị cách chức do tham nhũng và bị kết án 18 năm tù giam. Vấn đề chính của ông là ông chống lại việc Giang Trạch Dân chiếm quyền cai trị Bắc Kinh. Năm 2006, ông Trần Lương Vũ, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, cũng đã bị cách chức và tống giam do tham nhũng. Là một môn đồ của Giang Trạch Dân, ông Trần [Lương Vũ] ngăn chặn ảnh hưởng của Hồ Cẩm Đào ở Thượng Hải. Không có lãnh đạo Trung Quốc nào có thể nói là không tham nhũng, nhưng sự thất thế liên quan đến những vấn đề chính trị.
Việc thanh trừng ông Bạc Hy Lai có vẻ lớn hơn nhiều so với trường hợp của ông Trần Hy Đồng và Trần Lương Vũ. Trong cuộc họp báo kéo dài ba tiếng đồng hồ hôm 14 tháng 3, không nêu tên ông Bạc Hy Lai, nhưng Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề cập, rằng sự trở lại của Cách mạng Văn hóa vẫn còn là một mối đe dọa. Vấn đề chính trị lần này thì lớn hơn nhiều và là vấn đề cơ bản. Đây là sự xung đột giữa các nguyên tắc, và phe nào giành được quyền hành sẽ áp đặt nguyên tắc của mình. Ôn Gia Bảo sẽ về hưu tháng 3 tới. Nhưng liệu ông ta có để chuyện tranh đấu lại cho những người kế nhiệm mình? Nếu như vấn đề của đảng vẫn quan trọng hơn ước vọng của dân chúng, thì giới cải cách khó có cơ hội thắng. Nhưng cuộc đấu đá khó có thể lắng xuống. Có quá nhiều chuyện đã thay đổi trong thế giới toàn cầu hóa.
Nguồn: South Asia Analysis Group
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh.

Không có nhận xét nào: