Pages

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Hấp dẫn và mời gọi đầu tư nước ngoài


Phòng trưng bày xe hơi Ford lắp ráp tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 26/04/2010.
Phòng trưng bày xe hơi Ford lắp ráp tại Việt Nam, ảnh chụp hôm 26/04/2010.
RFA PHOTO/Tyler Chapman

Hấp dẫn và mời gọi đầu tư nước ngoài là chủ đề buổi hội thảo do Deloitte, một trong bốn tập đoàn kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới, tổ chức tại Bangkok hôm qua, với các thuyết trình viên Singapore, Malaysia, Indonesia, Miến Điện và Việt Nam.

Sau buổi hội thảo, ông Bùi Ngọc Tuấn, chuyên viên tư vấn về tài chính, thuế và hải quan thuộc Deloitte Việt Nam, dành cho Thanh Trúc buổi phỏng vấn về chính sách kinh doanh đầu tư cũng như thuế và hải quan mà ông trình bày, và được các doanh gia Thái Lan cũng như những nước khác chất vấn tại chỗ.

Ô. Bùi Ngọc Tuấn: Deloitte Việt Nam đã hoạt động hai mươi hai năm, có nghĩa là công ty đầu tiên được thành lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn ở tại Việt Nam. Ban đầu là do Bộ Tài Chính thành lập, sau này kết hợp làm việc với cả Deloitte thì chúng tôi chuyển đổi sang thành công ty Deloitte Việt Nam.
Đối với khối đầu tư nước ngoài thì cũng đang có thay đổi về chính sách thuế khóa, giảm thiểu thuế phải nộp, tăng một số các khoảng lợi ích hoặc là một số các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ô. Bùi Ngọc Tuấn
Thanh Trúc: Thưa ông Bùi Ngọc Tuấn, trong tài liệu bằng Anh ngữ để phân phát cho người tham dự hôm nay, có một chi tiết là đầu tư bên ngoài vào Việt Nam 2011 và 2012 giảm xuống một cách đáng kể, ông có thể giải thích thực tế hơn?
Ô. Bùi Ngọc Tuấn: Trong tài liệu mà chúng tôi đã gởi thì số liệu vốn đầu tư có đăng ký thì đã sụt giảm hơn do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu và trong khu vực. Đấy là tình trạng chung, tuy nhiên ở Việt Nam, số vốn của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. số thực tế mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vào tiền Việt Nam chứ không phải số đăng ký, nó gần như vẫn không thay đổi. Ba năm trở lại đây gần như không thay đổi, chỉ có thay đổi số lượng vốn đăng ký thôi.
Nhưng mà vốn đăng ký không quan trọng bằng vốn thực hiện, vì đăng ký nhiều nhưng thực hiện ít thì cũng không giá trị bằng đăng ký bao nhiêu thực hiện bấy nhiêu. Quan trọng hơn là về con số mà nhà đầu tư thực sự người ta bỏ tiền vào đây để đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Đối với khối đầu tư nước ngoài thì cũng đang có thay đổi về chính sách thuế khóa, giảm thiểu thuế phải nộp, tăng một số các khoảng lợi ích hoặc là một số các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên vừa thực hiện vừa ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư ở Việt Nam, ít nhất là giữ vững các nhà đầu tư hiện tại để người ta có thể đầu tư thêm vào các dự án đang đầu tư. Và thông qua các kênh các dự án quốc tế để có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tiềm năng

citibank-hanoi-250.jpg
Chi nhánh City Bank tại Hà Nội. RFA photo.
Thanh Trúc: Thưa cho đến lúc này, theo ông, môi trường đầu tư ở Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài? Nếu kinh doanh trên các tỉnh thành Việt Nam thì chính sách đầu tư áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài có nhất quán hay không?
Ô. Bùi Ngọc Tuấn: Thực sự đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất tiềm năng bởi vì Việt Nam có nền chính trị ổn định, việc quản lý là thống nhất từ trên chính phủ đến các địa phương là nó đồng nhất, một môi trường chính để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về chính sách đầu tư thì có vĩ mô và vi mô. Vĩ mô là ở tầm quốc gia, ví dụ như ngành nào cần tập trung đầu tư, thứ hai là địa phương nào cần tập trung đầu tư. Đối với chính sách vĩ mô thì thông thường chính phủ giao cho các bộ ngành hoặc là chủ tịch các tỉnh, hoặc thành phố liên quan được có quyền hành nhất định trong việc thu hút đầu tư. Ở đây giống như mình gọi là autonomy, quyền tự chủ. Trong phạm vi đấy thì người quản lý ở địa phương đó có quyền du di.
Còn về tính nhất quán trong chính sách đầu tư, cái phần kém nhất quán hơn thường nó nghiêng về vi mô, những cái gọi là implementation level, ở mức thực thi. Ở từng địa phương thì do điều kiện hoàn cảnh khác nhau cho nên mức thực thi nó cũng khác. Cùng một nghiệp vụ kinh tế chẳng hạn, nếu thực hiện ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề xử lý thủ tục này khác thì rất bình thường. Trong khi ở một số địa phương khác vì chưa va chạm thì người ta cảm thấy có những khó khăn, chưa đủ tự tin để có những quyết định xử lý vấn đề chưa bao giờ xảy đến với người ta chẳng hạn. Vô hình chung nó tạo ra những cái khó khăn hơn cho các nhà đầu tư.

Giảm thuế và ưu đãi

ForeignInvestmentFDI-250.jpg
Nhà máy plastic do Malaysia đầu tư ở khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. AFP photo.
Thanh Trúc: Để mời gọi đầu tư vào Việt Nam, ông cũng có trình bày về chính sách thuế và hải quan. Ít nhất có năm sáu câu hỏi nêu lên về vấn đề thuế và hải quan ở Việt Nam. Những câu hỏi ông thấy đáng chú ý nhất là?
Ô. Bùi Ngọc Tuấn: Đã đầu tư thì gọi là mạo hiểm, nhất là đầu tư sang một nước khác. Trong một môi trường rất xa lạ, ngoài những chính sách chung thì người ta quan tâm nhiều đến vấn đề ưu đãi thuế mà người ta có thể được hưởng ngay trong thời gian mà người ta đầu tư. Bởi vì khi bắt đầu đầu tư vào thì người ta không thể nào kỳ vọng có lãi ngay trong năm đầu tiên. Nhất là thí dụ nhà máy sản xuất chẳng hạn, mặc dù có thể đã tìm được những nguồn đầu vào nguyên liệu hoặc là đầu ra để tiêu thụ sản phẩm rồi, thì ít nhất để có lãi hay đảm bảo nguồn thu để bảo đảm được chi phí cho quá trình hoạt động trong những năm đầu tiên đấy, người ta cũng phải nhìn nhận ít nhất là hai đến ba năm sẽ không có lãi, và người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chính sách sẽ được hưởng ngay lập tức.
Với những doanh nghiệp đầu tư vào những lãnh vực ưu đãi thông thường thì có thể được miễn thuế hai năm và giảm thuế trong ba năm. Tức là năm năm cộng với cả xây dựng cơ sở vật chất ban đầu để kinh doanh thì ít nhất trong vòng sáu đến bảy năm người ta không phải trả thuế. Có thể nhìn ngay cái đấy là lợi ích đầu tiên để có thể tập trung nguồn lực vào trong hoạt động đầu tư và kinh doanh cho nó tốt.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Bùi Ngọc Tuấn.

Không có nhận xét nào: